Vì sao cái ôm của ông Tập dành cho ông Putin lại bối rối đến thế?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 16/5, ông Putin đến thăm ông Tập Cận Bình. Hai ông đã đi dạo dưới hàng liễu xanh ở Trung Nam Hải, sau đó cùng nhau uống trà. Đến tối, hai ông chào tạm biệt.

Trong đoạn video này, ban đầu ông Putin chủ động bắt tay với ông Tập Cận Bình, nhưng ông Tập Cận Bình lại muốn dang tay ôm ông Putin. Sau một chút do dự, ông Putin mới ôm ông Tập Cận Bình. Về tổng thể, đoạn video này làm cho người ta có cảm giác, mặc dù ông Tập Cận Bình và ông Putin đều mong muốn hợp tác, nhưng cả hai đều sợ Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề Trung Quốc viện trợ vũ khí và các linh kiện liên quan cho Nga. Rốt cuộc đây là sự việc gì?

Trong Tuyên bố chung Trung - Nga dài hàng vạn chữ, mặc dù lời lẽ trong tuyên bố rất cứng rắn, rất thẳng thắn và trực tiếp chỉ trích Mỹ, nhưng thực tế là cả hai bên mặc dù có ý định hợp tác nhưng đều e ngại Mỹ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin, Trung Quốc đã kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Nga. Nhưng trên thực tế, Nga chỉ trở thành một quốc gia độc lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, cho nên thời gian của mối quan hệ Trung - Nga chỉ là 33 năm (từ năm 1991 đến năm 2024).

Trong suốt buổi lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ Trung - Nga, ông Putin hiếm khi cười, trông rất lo lắng.

Trên thực tế, chúng ta biết rằng, ngay cả khi Trung Quốc và Nga cùng hợp lực, họ cũng không thể chiến thắng Mỹ. Ông Tập Cận Bình không dám cung cấp sự hỗ trợ toàn diện cho ông Putin cũng là vì sợ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chi tiết về cú bắt tay giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình thực sự rất thú vị. Ban đầu, ông Putin chủ động đưa tay để bắt tay với ông Tập Cận Bình. Nhưng sau khi bắt tay, ông Tập Cận Bình thấy chưa đủ, liền dang tay ra muốn ôm ông Putin. Ông Putin có chút do dự rồi cũng dang tay ôm lại.

Tất cả nội dung đối thoại trong toàn bộ quá trình này đều bị tắt âm. Nguyên nhân chính có thể là để tránh nội dung của cuộc nói chuyện giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin bị lộ ra ngoài.

Còn nhớ vào tối ngày 21/3/2023, khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Moscow, ông Putin cũng đã đích thân tiễn ông Tập Cận Bình ra cửa. Khi ấy, các phóng viên không những chụp lại được cảnh hai người chia tay, mà còn ghi âm rõ ràng lời nói của ông Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình đã nói rằng: ‘Đây thật sự là một phần của biến cục trăm năm (cục diện thay đổi trăm năm), chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy’. Sau khi phiên dịch, ông Putin nói: ‘Tôi đồng ý. Chúc ông thượng lộ bình an’.

Lời nói của ông Tập Cận Bình khi ấy diễn ra đúng Nga xâm lược Ukraine được hơn một năm. Lúc đó, Âu, Mỹ vẫn chỉ hỗ trợ Ukraine một cách nhỏ giọt, không mạnh mẽ như hiện nay. Ông Tập Cận Bình có thể đã đánh giá rằng, nếu ông Putin có thể kìm chân Âu, Mỹ ở Ukraine, thì ông Tập Cận Bình có thể động binh đối với Đài Loan.

Nhưng đến tháng 5/2023 đã xảy ra sự việc tham nhũng ở Lực lượng Tên lửa của Trung Quốc. Sau tháng 5/2023, một ‘tiểu NATO phiên bản Châu Á’ do Mỹ xây dựng đã ra đời, liên kết với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, v.v. tạo thành một liên minh phòng thủ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng bắt đầu tái vũ trang một cách nhanh chóng. Cho nên, tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác so với trước đó.

Trung Quốc khi ấy vẫn muốn động binh đối với Đài Loan, bởi vì họ vẫn còn tự tin vào sự tăng trưởng kinh tế, đồng thời muốn liên kết với Nga để thay đổi trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Nhưng hiện nay, mọi chuyện đã hoàn toàn khác.

Việc Trung Quốc viện trợ cho Nga hiện đã bị Âu, Mỹ phát hiện. Dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt tài chính từ Mỹ, các ngân hàng lớn của Trung Quốc gần như đã ngừng giao dịch với các ngân hàng của Nga.

Còn một sự kiện quan trọng khác, đó là dự luật viện trợ cho Ukraine (sau khi bị các nghị sĩ phe cực hữu trong Quốc hội Mỹ cản trở trong nửa năm) cuối cùng cũng đã được thông qua, cung cấp cho Ukraine những khoản tiền và vũ khí cực kỳ cần thiết.

Do đó, sức mạnh của Ukraine đang tăng lên, trong khi sức mạnh của Nga đang giảm xuống. Đây là quá trình mà một bên mạnh lên và một bên yếu đi. Ông Putin rất cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại không thể giúp được. Cho nên, điều này làm ông Putin rất lo lắng.

Ông Tập Cận Bình có lẽ chỉ dám ký kết với ông Putin trong một số lĩnh vực không quan trọng. Vào ngày 16/5, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tiết lộ rằng, hiện nay Nga và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận cơ bản về dự án đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2 nối Nga và Trung Quốc, và hai bên sẽ ký hợp đồng trong tương lai gần.

Sau khi bị Châu Âu ngừng mua năng lượng, Nga phải tìm kiếm người mua lớn nhất, và đó chính là Trung Quốc. Đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2 có khả năng vận chuyển khoảng 50 tỷ mét khối mỗi năm.

Đường ống Sức mạnh Siberia 2 bắt đầu từ bán đảo Yamal ở vùng Siberia của Nga, kéo dài 2.600 km, đi qua Mông Cổ rồi vào Trung Quốc. Dự án này đã được thảo luận trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Theo Reuters, có một số khác biệt giữa hai bên Trung - Nga, bao gồm vấn đề giá cả, tức là giá bán một mét khối khí đốt là bao nhiêu tiền, và vấn đề này vẫn chưa có sự đồng thuận.

Còn một vấn đề nữa, đó là ai sẽ chi tiền để xây dựng đường ống này. Về lý thuyết, nếu Nga muốn bán khí đốt cho Trung Quốc thì Nga phải xây dựng đường ống, sau đó thu lại vốn thông qua việc bán khí đốt. Nhưng Nga không có tiền.

Trước đây, trong các hợp tác Trung - Nga, Trung Quốc thường là bên chịu thiệt. Trung Quốc sẵn lòng đưa cho Nga vài chục tỷ USD để xây đường ống trước. Sau khi xây xong, số tiền vài chục tỷ USD này sẽ được trừ dần vào tiền bán khí đốt của Nga. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc lại tỏ ra muốn thương lượng.

Có một quan điểm như thế này, Trung Quốc cho rằng họ có lợi thế độc quyền và có thể ép giá khí đốt của Nga xuống thấp. Mặt khác, Trung Quốc không muốn chi trả hàng chục tỷ USD để xây dựng đường ống và yêu cầu Nga phải trả chi phí này. Điều này làm ông Putin rất không hài lòng. Những thông tin này giải thích vì sao dự án bị đình trệ trong thời gian dài.

Nhưng từ ngôn ngữ cơ thể mà chúng ta thấy, ông Tập Cận Bình cảm thấy bắt tay với ông Putin chưa đủ, sau đó ông Tập còn chủ động dang tay ôm ông Putin. Điều này cho thấy, ông Tập Cận Bình sẵn lòng làm bất cứ điều gì để giúp ông Putin. Vậy thì tại sao ông Tập Cận Bình không chi tiền để ông Putin xây đường ống?

Một phần nguyên nhân có thể là vì Trung Quốc đang thiếu tiền. Hiện nay, Trung Quốc đang rất thiếu USD. Điều này có thể thấy qua việc Trung Quốc gần đây đã bán ra một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trung Quốc sở hữu nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất là vào năm 2013 với khoảng 1,32 nghìn tỷ USD. Hiện nay, con số này đã giảm gần một nửa, chỉ còn hơn 700 tỷ USD.

Trung Quốc đang thiếu tiền, họ phải bán trái phiếu chính phủ Mỹ để duy trì tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, đồng thời Trung Quốc cũng phải dùng USD để chi trả cho một số khoản như tiền nhập khẩu lương thực và năng lượng. Do đó, việc bỏ ra hàng chục tỷ USD cho Nga là điều mà Trung Quốc không sẵn lòng. Đây là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn, đó là Trung Quốc sợ bị Mỹ trừng phạt. Hàng chục tỷ USD chuyển vào Nga (dù là để xây đường ống), thì điều này chắc chắn cũng sẽ khiến Mỹ cảnh giác và cho rằng đây là hành động cung cấp tài chính cho Nga.

Hiện nay, hợp đồng giữa Trung Quốc và Nga dường như đã có đột phá và sắp được ký kết. Không loại trừ khả năng Trung Quốc nhượng bộ, nhưng vấn đề ở đây: ‘Nước xa không cứu được lửa gần’. Vì sao?

Hiện tại, hai nước vẫn chưa ký kết hợp đồng này. Cho dù hai nước có ký đi chăng nữa, thì từ lúc thi công cho đến khi vận hành phải mất ít nhất từ 3 đến 4 năm. Đường ống Nord Stream 2 phải mất 5 năm xây dựng (từ năm 2016 đến năm 2021) mới hoàn thành. Và đến khi thực sự hoàn thành, thì liệu ông Putin có còn tại vị hay không vẫn còn là một dấu chấm hỏi? Đến lúc đó có thể cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã kết thúc từ lâu. Do đó, dù ông Tập Cận Bình có tặng cho ông Putin một hợp đồng lớn, giúp Nga xây dựng đường ống, thì ông Putin cũng không thể nhận được tiền ngay lập tức.

Lần này, khi đến thăm Trung Quốc, ông Putin cũng đã từ chối đề xuất của ông Tập Cận Bình về thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine trong thời gian diễn ra Olympics Paris. Thái độ của ông Putin rất cứng rắn, nhưng từ ngôn ngữ cơ thể cho thấy, ông Putin không đạt được gì trong chuyến thăm Trung Quốc. Còn việc ông Tập Cận Bình dang tay ôm ông Putin là có ý ‘xin lỗi hảo bằng hữu, chúng ta thương nhau nhưng không thể giúp gì cho nhau’. Ông Putin thoáng chút do dự, nhưng để chụp ảnh và quay phim thì ông đáp lại ông Tập, cho nên cái ôm của ông Tập dành cho ông Putin đã trở nên bối rối.

Theo Thiên Lượng thời phân

Thuần Phong biên dịch

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao cái ôm của ông Tập dành cho ông Putin lại bối rối đến thế?