Nhận cuộc gọi giả mạo công an: Người phụ nữ mất ngay 1.6 tỷ đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về các cuộc gọi giả mạo công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có nhiều người dân rơi vào những chiếc bẫy này. Bẫy lừa đảo được lên kịch bản tinh vi như thế nào mà có thể lừa được rất nhiều người như vậy, ngay cả với những người rất cảnh giác và tỉnh táo?

Các hành vi lừa đảo qua mạng, lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại ngày càng tinh vi khiến nhiều người dù rất tỉnh táo nhưng vẫn bị rơi vào bẫy và mất hàng tỷ đồng.

Dưới đây là vụ lừa đảo 1.6 tỷ đồng qua cuộc gọi giả mạo nhân viên Viettel, giả mạo công an được người bị hại chia sẻ chi tiết với NTD Việt Nam.

1. Cuộc gọi từ nhân viên Viettel giả mạo

Chị V.M.D. (*) (45 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ TP. Hà Nội) cho biết, vào tháng 5/2023, chị nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 093xxxxxxx.

Một giọng nam ở đầu dây bên kia cho biết mình là nhân viên Viettel và hỏi chị D. rằng có phải vào tháng 2/2023, chị D. đã dùng số chứng minh nhân dân là XXX đến văn phòng Viettel ở địa chỉ số 1 đường Giang Văn Minh (Hà Nội) để đăng ký sử dụng số điện thoại trả sau là 096xxxxx hay không. Người lạ này cho hay, hiện tại, số điện thoại này đang nợ số tiền cước là 8.950.000 đồng vì có phát sinh các cuộc gọi đi quốc tế.

Qua điện thoại, chị D. khẳng định với người này là không có sự việc như vậy và chị chỉ đang sở hữu một số điện thoại ở thời điểm hiện tại. Chị D. cũng hỏi người này rằng nếu là nhân viên Viettel thì tại sao không có thông báo gửi về, tại sao không dùng số điện thoại cố định hay số tổng đài để gọi. Chị D. còn nói rằng chị sẽ báo công an vì nghi ngờ người này đang lừa đảo.

Đáp lại chị D., người ở đầu dây bên kia vẫn rất nhẹ nhàng, bình tĩnh. Người này cố gắng giải thích cho chị D. hiểu là anh ta không giận gì thái độ của chị mà chỉ là nhân viên Viettel muốn giúp đỡ chị giải quyết cho xong vấn đề, vì người này cũng là nhân viên Viettel nên phải giải quyết công việc mà thôi. Người lạ này bảo chị D. lấy giấy bút để ghi lại số điện thoại, nơi đã đăng ký số điện thoại và số tiền cước mà thuê bao 096xxxxx đang nợ.

Chị D. cho biết, ngay từ lúc đầu gọi điện thoại cho chị, người này đã mở tiếng rè rè giống như tiếng cuộc gọi đang ghi âm. Người này cũng nói với chị rằng đây là cuộc gọi đang được ghi âm của nhân viên Viettel. Do vậy, chị D. đã nghĩ rằng người này là nhân viên Viettel thật. Chị D. còn xin lỗi người này khi hiểu nhầm thiện chí của anh ta vì các cuộc gọi lừa đảo hiện nay rất nhiều.

Sau đó, người này hỏi chị D. đã từng bị mất giấy tờ hay đưa giấy tờ ra ngoài đi photo bao giờ chưa. Chị D. nói rằng chị đã từng bị mất chứng minh thư và đã từng đến đường Nguyễn Du để làm lại, còn chuyện photo giấy tờ là có vì có nhiều việc cần phải có giấy tờ photo.

Người đàn ông lạ tỏ vẻ thông cảm với chị D. và cho rằng có thể chị đã bị kẻ gian lấy giấy tờ giả mạo để đi đăng ký. Người này cho biết sẽ kết nối với Công an TP. Hà Nội để xác minh, nếu chị D. thực sự không mở số điện thoại trên thì sẽ chỉ làm việc với bên công an để điều tra tiếp người đã đăng ký mạo danh đó. Người này còn dặn chị D. rằng nếu gặp công an thì nhờ công an kiểm tra xem ngoài việc đăng ký số điện thoại này, kẻ gian có dùng vào việc nào khác nữa không.

Đến lúc này, chị D. đã hoàn toàn tin tưởng nhân viên Viettel giả mạo.

Tiếp tục cuộc gọi trên, chị D. hỏi tên của “nhân viên Viettel" là gì, làm việc ở phòng nào để nếu công an hỏi thì chị còn biết để trình bày. Nhân viên Viettel giả mạo cho biết mình tên là Đào Văn Tuấn, sinh ngày 1/7/1995 và không cho biết số chứng minh nhân dân vì vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Người này nói với chị D. rằng anh ta làm việc ở phòng xử lý vi phạm của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel. Sau đó, người này cúp máy. Cuộc gọi này kéo dài 13 phút.

2. Giăng bẫy nạn nhân liên quan đến vụ án ma tuý, rửa tiền

Nhân viên Viettel giả mạo sau đó dùng một tài khoản Zalo có tên là Quân Đỗ để gọi cho chị D. Người này cho biết tình trạng giống như chị D. gần đây diễn ra khá nhiều. Chị D. nghĩ rằng rằng do bên Viettel đã xử lý nhiều trường hợp như vậy nên thường xuyên kết nối với cơ quan công an để kịp thời xử lý những trường hợp bị trục lợi như chị. Nhân viên Viettel giả mạo dặn chị D. rằng khi gặp công an thì cần khai báo và quan trọng là nhờ công an gửi một bản chứng nhận báo án về Viettel.

Nhân viên Viettel giả mạo sau đó đã chủ động kết nối chị D. qua điện thoại với một người giả danh công an; đồng thời cho biết các cuộc gọi đều đang được ghi âm vì tình trạng này gần đây đã diễn ra ở khu vực TP. Hà Nội; cơ quan công an đã gửi các thông tin cảnh báo đến người dân.

Chị D. cho biết, trong quá trình gọi điện, người giả danh công an này có lúc mở camera có mặt và mặc quần áo công an nhưng hình ảnh không rõ ràng; còn chị D. thì thường xuyên phải bật camera. Âm thanh trong cuộc gọi giống như tiếng đang điện đàm.

Người giả danh công an thứ nhất tiếp tục gọi điện thoại kết nối chị D. với người giả danh công an thứ 2 được giới thiệu là Công an TP. Hà Nội. Người giả mạo thứ 2 này cho biết sẽ cập nhật thông tin trong hệ thống.

Sau khi kiểm tra, hệ thống báo số chứng minh thư của chị D. đã được dùng để mở tài khoản tại ngân hàng S. Chị D. khẳng định rằng chị chưa bao giờ đến ngân hàng đó, nói gì đến chuyện mở tài khoản. Tuy nhiên, người giả danh công an thứ 2 khẳng định là có số tài khoản mang tên chị D. và trong tài khoản đang có hơn 6 tỷ đồng liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền mà Giám đốc ngân hàng này là Nguyễn Văn Long đang bị giam giữ để điều tra.

Người giả danh công an này thông báo với chị D. rằng chị là nghi phạm có liên quan đến vụ án đó, vì Nguyễn Văn Long đã khai rằng có mua bán ma túy với chị để chị nhận 20% tiền lợi nhuận. Công an giả cho biết nếu chị D. thành khẩn khai báo, hợp tác tốt với công an để điều tra thì sẽ chứng minh được sự trong sạch của chị, không ảnh hưởng đến danh dự của bản thân chị cũng như tính mạng của con cái, người thân.

Công an giả nói rằng vì vụ án đang trong quá trình điều tra, lại liên quan đến ma túy là tội rất đặc biệt, khi chưa có kết luận gì thì không được hé lộ thông tin cho bất kỳ người thứ 3 nào vì các hoạt động, hành vi, việc làm của chị D. đang được công an khoanh vùng; chị D. đang bị định vị, giám sát 24/24h, cấm di chuyển khỏi nơi cư trú.

Công an giả hỏi chị D. rằng có biết việc liên quan đến mua bán ma túy có hình phạt lên đến bao nhiêu năm tù không; chỉ cần chị có động thái không hợp tác thì họ sẽ bắt giữ ngay lập tức để điều tra.

Người này sau đó đã hỏi về hoàn cảnh gia đình của chị; chồng, con như thế nào; các cháu đang ở đâu; rồi điều tra toàn bộ tài sản của chị, hỏi chị đã mở những tài khoản ngân hàng nào, bảo chị đọc số tài khoản, đọc số tiền trong từng tài khoản là bao nhiêu; bất động sản có những gì; trong nhà có những tài sản gì; vàng bạc có cất giữ ở đâu không; và hỏi chính xác số tiền mặt trong ví mà chị đang có.

Chị D. nghĩ rằng khi công an điều tra mà càng giấu giếm, quanh co hay có bất kỳ một động thái nào thì đều không tốt nên tốt nhất là hợp tác khai báo đúng sự thật.

Sau khi công an giả thứ 2 thụ lý vụ án với 01 bản ghi âm và 01 bản tường trình, người này nói sẽ báo lên cấp trên để có hướng giải quyết và yêu cầu chị D. thành khẩn khai báo, hợp tác để công an có hướng điều tra tốt, tránh trường hợp kết án oan sai.

Công an giả này cũng nói rằng chị D. cần cảm ơn nhân viên Viettel đã kịp thời báo cho chị về chuyện có kẻ mạo danh chị đăng ký số tài khoản và may mắn là chị đã chủ động gọi đến công an trình bày vụ việc; nếu không thì họ đang chuẩn bị đến bắt chị; nên nếu chị thành khẩn và hợp tác thì sẽ có lợi cho việc điều tra.

Công an giả này cũng nhắc nhở chị D. đóng toàn bộ cửa trong nhà lại để tránh thông tin lọt ra ngoài khi vụ việc chưa được làm sáng tỏ, tránh làm ảnh hưởng đến thanh danh của chị cũng như ảnh hưởng đến con cái, người thân.

Công an giả cho biết phía công an sẽ âm thầm cùng chị điều tra mà không để người khác biết khi chưa có kết luận bản án. Công an giả hỏi chị D. có dùng điện thoại thông minh không, là điện thoại gì. Người này cũng nhắc chị là xem điện thoại còn pin không vì cuộc gọi này có thể kéo dài và được ghi âm liên tục nên sẽ rất tốn pin và yêu cầu chị sạc pin điện thoại.

3. Sập bẫy nhóm công an giả

Công an giả thứ 2 cho biết sẽ chuyển điện thoại kết nối chị với sếp của anh ta để điều tra tiếp; và hướng dẫn chị là khi gặp cấp trên thì cần giữ lời ăn tiếng nói. Tiếp đó, người này gõ cửa phòng của một “công an cấp trên” đang thụ lý hồ sơ - là công an giả mạo thứ 3.

Công an giả mạo thứ 3 hỏi lại chị D. các vấn đề mà công an trước đã hỏi và chị khẳng định là đúng. Người này nói thái độ của chị rất hợp tác như vậy sẽ rất tốt cho kết quả điều tra. Chị D. cho hay, trong lúc công an giả này và chị đang nói chuyện thì con gái của chị đi ngang qua. Kẻ giả mạo hỏi chị đó là ai rồi yêu cầu chị đóng cửa phòng của con chị lại để người này tiếp tục thực hiện cuộc điều tra ở phòng khách.

Công an giả mạo thứ 3 cho biết, phía công an đang giữ 02 bản án trong tay là bắt giữ và phong tỏa tài sản của chị D. Người này thông tin rằng may là nhân viên Viettel đã kịp thời gọi cho chị và chị đã thành khẩn khai báo; chậm một chút là công an sẽ đến bắt chị đi tạm giam để phục vụ điều tra.

Công an giả mạo thứ 3 cho biết sẽ chuyển tiếp chị nói chuyện với một công an khác là trưởng đoàn thanh tra tên là Lê Minh Trí - người này mới có quyền quyết định việc có bắt giữ chị hay không.

Công an giả mạo thứ 3 yêu cầu chị D. giữ lời ăn tiếng nói khi gặp ông Trí, đừng để ông ấy tức giận và làm theo những gì ông ta hướng dẫn. Công an giả mạo thứ 3 cũng nhắc đi nhắc lại là chị không cần kể việc nhân viên Viettel gọi điện nữa mà yêu cầu ông Trí dùng phương pháp nghiệp vụ để điều tra kẻ mạo danh chị lập số tài khoản ở ngân hàng S và nhắc chị khẳng định với ông ấy rằng chị không liên quan đến vụ án mua bán ma tuý nào.

Sau đó, công an giả thứ 3 gõ cửa phòng của một “sếp công an" khác là công an giả thứ 4. Sau khi chị D. trình bày tại sao chị vào phòng này để gặp ông ấy thì ông ấy có vẻ như đã hiểu hết sự việc và cho biết thái độ hợp tác của chị rất thành khẩn, không bị nghi ngờ gì nhưng việc điều tra thì vẫn phải thực hiện. Công an giả thứ 4 này cho biết trước hết cần niêm phong các tài sản của chị và từ đó tài khoản của chị hoàn toàn bị đóng băng.

4. 1.6 tỷ đồng ‘bốc hơi' nhanh như thế nào?

Công an giả thứ 4 cho biết phía công an đã xin tòa án mở 01 số tài khoản để giám sát thanh tra, niêm phong số tiền hiện tại trong tài khoản của chị D. để điều tra do đâu mà có; sau khi điều tra xong sẽ chuyển lại cho chị mà không mất đi đâu cả.

Chị D. cho hay, tài khoản ngân hàng A của chị lúc đó có khoảng 1.5 tỷ đồng. Công an giả thứ 4 cho biết họ đang nghi ngờ về nguồn gốc số tiền này nên trước hết cần chuyển số tiền này vào tài khoản của Ban Chuyên án để điều tra.

Công an giả này đọc số tài khoản là 079xxxxxxx ở ngân hàng B có tên chủ tài khoản là L.D.T; và yêu cầu chị D. chuyển 03 lần với hạn mức là 499.999.999 đồng (Bốn trăm chín mươi chín triệu chín trăm chín mươi chín nghìn chín trăm chín mươi chín đồng).

Vì tin tưởng là công an nên chị D. yên tâm là nếu có chuyển tiền cho họ thì cũng không mất vì chị hoàn toàn không liên quan. Chị nghĩ rằng nếu chị càng thành khẩn, càng hợp tác thì sẽ càng có lợi cho việc điều tra.

Sau khi chị chuyển 03 lần với tổng số tiền là 1.5 tỷ đồng vào tài khoản trên, công an giả thứ 4 yêu cầu chị gọi điện cho người thân quen để vay thêm 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) để bảo lãnh số tiền 1.5 tỷ đồng mà chị vừa chuyển. Công an giả hướng dẫn chị không được nói bất kể việc gì với ai.

Chị D. đã gọi cho một người bạn nhưng không vay được. Chị hỏi công an giả là có thể trích ra từ số tiền mà chị đã chuyển để bảo lãnh không. Ông ta trả lời rằng không được vì tiền tranh tra và tiền bảo lãnh là khác nhau. Sau khi điều tra xong, cơ quan điều tra sẽ khép lại vụ án sớm ngay trong ngày hôm đó và sẽ trả lại số tiền đã chuyển cũng như số tiền bảo lãnh về tài khoản của chị.

Công an giả tiếp tục yêu cầu chị D. chuyển hết tiền ở các tài khoản mà chị có sang tài khoản ở ngân hàng A - tổng số tiền là 97 triệu đồng. Sau đó, người này yêu cầu chị chuyển tiếp 97 triệu đồng này sang tài khoản ở ngân hàng B của công an giả. Trong quá trình chị D. thao tác chuyển tiền, vì điện thoại vừa gọi vừa sạc, lại có lúc mạng chậm, nên công an giả thường xuyên hối thúc, yêu cầu chị chuyển tiền rồi chụp lại ảnh và gửi vào Zalo cho ông ta. Chị D. càng thể hiện là rất hợp tác với người này mà không hề có động thái gì phản đối.

Công an giả còn yêu cầu chị D. vào App Store để tải phần mềm QuickSupport, yêu cầu chị đọc mã số QuickSupport để khi chị thao tác trên điện thoại thì ông ta cũng theo dõi được.

Sau khi chị D. đã chuyển hết số tiền gần 1.6 tỷ đồng sang tài khoản B của công an giả, ông ta nói rằng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho chị để khép lại vụ án sớm trong ngày. Ông ta tiếp tục bảo chị xem có thể vay ai (người thân hay bạn bè) 100 triệu đồng nữa cho đủ 200 triệu đồng tiền bảo lãnh.

Đến lúc này, chị D. nói rằng chị nghi ngờ những người này giả mạo công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị. Từ đầu dây bên kia, công an giả mạo thú nhận, nói lời cảm ơn chị rồi cúp máy.

5. Đẩy nạn nhân vào bẫy tâm lý

Chia sẻ về vụ việc với NTD Việt Nam, chị D. cho biết chị đã làm đơn trình báo gửi đến cơ quan công an.

Chị D. cho hay, lúc đầu, chị nghi ngờ họ là lừa đảo nhưng sau khi chị đã tin thì bị đánh vào tâm lý là không muốn ảnh hưởng đến thanh danh trong sạch của mình.

Những kẻ lừa đảo lấy tội danh liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền khiến chị sợ hãi để từ đó dễ dàng khống chế chị. Chúng yêu cầu chị không được có bất kỳ động thái nào chống đối.

Trong quá trình thực hiện vụ việc, nhóm kẻ lừa đảo thường xuyên hối thúc chị nên trong lúc bị sốc với thông tin mình bị oan như vậy, chị chỉ còn nghĩ đến việc mình được minh oan càng sớm càng tốt. Nhóm kẻ lừa đảo cũng liên tục giám sát nên chị không có thời gian để nghi ngờ hay có suy nghĩ gì khác.

Chị D. cũng nghĩ rằng cơ quan công an phải điều tra nhiều mũi cùng một lúc trong thời gian ngắn nhất có thể trong khi chị hoàn toàn vô tội. Do đó, chị nghĩ rằng nếu không thành khẩn hợp tác thì sẽ rất bất lợi cho chị, cũng như rất nguy hiểm đến những người liên quan vì những kẻ buôn bán ma túy rất manh động. Bởi vậy, chị đã hoàn toàn phối hợp với họ từ đầu đến cuối mà không mảy may nghi ngờ gì.

Nhóm kẻ lừa đảo cũng nhắc chị về các hiện tượng lừa đảo hiện nay trong xã hội; đồng thời thông tin, hướng dẫn chị, tỏ ra thông cảm với những người dân bị oan ức.

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là khiến chị dần tin tưởng chúng, tiếp đó bất ngờ đẩy chị vào sự sợ hãi, đe dọa đến tính mạng của con cái, gia đình chị; sau đó cô lập chị với người thân rồi cuối cùng khống chế hoàn toàn tâm lý của chị.

6. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi

Theo Bộ Công an Việt Nam, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

Theo kết quả điều tra, cơ quan công an phát hiện hành vi phạm tội của những kẻ lừa đảo là chủ động gọi điện thoại trực tiếp cho các nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hình thức gọi điện thoại giả mạo như:

(1) Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu; yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

(2) Giả danh cán bộ của các cơ quan như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… từ đó chiếm đoạt tài sản của người bị hại.

(3) Giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như: bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến; từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

(4) Mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn người bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của người bị hại và người bị hại làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, chúng sẽ yêu cầu người bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của người bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Minh Nguyệt (Ghi lại và tổng hợp)

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Nhận cuộc gọi giả mạo công an: Người phụ nữ mất ngay 1.6 tỷ đồng