Việt Nam lên tiếng về việc tàu Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều tàu Trung Quốc trong gần cả tháng nay liên tục tăng cường hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).

Theo SCMP, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 được hộ tống bởi hai tàu hải cảnh và nhiều tàu cá Trung Quốc từ đầu tháng 5/2023 đã tiến vào khu vực bãi Tư Chính nằm trong EEZ của Việt Nam.

Từ hôm 7/5 đến nay, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vào hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đợt khảo sát này, có thời điểm tàu Hướng Dương Hồng 10 cách đường cơ sở Việt Nam chỉ khoảng hơn 50 hải lý.

Hôm 13/5, con tàu này rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Hôm 15/5, tàu Hướng Dương Hồng 10 lại rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam một lần nữa và xuất hiện ở gần khu vực Đá Chữ Thập. Đến 17/5, nó bắt đầu quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, theo RFA.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát khỏi vùng đặc quyền kinh tế

Ngày 25/5, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: "Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".

Bà Hằng cũng cho biết Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã "giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc", đồng thời triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

"Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)", bà Hằng nói thêm.

Tương quan lực lượng

Một nhà nghiên cứu Biển Đông nói với RFA rằng bên Việt Nam có một tàu cảnh sát biển và hai tàu kiểm ngư theo dõi, bám sát theo tàu của Trung Quốc. Tuy nhiên, báo chí trong nước không được đưa tin về vấn đề này.

Chuyên gia này đánh giá rằng về tương quan lực lượng trên biển hiện nay giữa hai nước thì đương nhiên là Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á cũng không thể so sánh được sức mạnh về lực lượng tàu so với Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyên gia về an ninh quốc phòng Nguyễn Thế Phương bình luận với RFA rằng hiện nay, trong quá trình hiện đại hoá quân đội, Việt Nam đang cố gắng phát triển đồng bộ vũ khí lục quân và hải quân, nhưng vẫn ưu tiên những vấn đề liên quan đến an ninh trên Biển Đông.

Ông Thế Phương cho biết, đơn thuần về mặt số lượng, vũ khí trên biển của Việt Nam chắc chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc.

Ông Thế Phương nhận định cường độ hiện diện của Trung Quốc ngày càng nhiều, ngày càng dồn dập so với cách đây 5 năm. Các tàu cá, hải cảnh, tập trận và các quốc gia khác cũng đưa tàu qua lại ở khu vực này rất nhiều.

Đảo Phú Lâm nơi Trung Quốc thành lập trái phép thành phố Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)
Đảo Phú Lâm nơi Trung Quốc thành lập trái phép thành phố Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

Trung Quốc mở nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm

Báo SCMP hôm 30/4 đưa tin Trung Quốc đã mở nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhà hàng lẩu Kuanzhai Xiangzi có sức chứa 120 thực khách, mở cửa kinh doanh hồi trung tuần tháng 4/2023.

Báo SCMP đã dẫn lời Wang Panpan, một quản lý doanh nghiệp trả lời phỏng vấn Truyền hình Hải Nam (truyền hình địa phương), cho rằng nhà hàng này sẽ “làm phong phú thêm đời sống văn hóa và vật chất của quân nhân, cảnh sát và người dân trên đảo”.

Tờ báo cũng cho hay số thường dân trên đảo Phú Lâm đã tăng từ 1.000 người vào năm 2012 khi thành phố Tam Sa thành lập, lên tới 2.300 người vào năm 2020.

Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất trong nhóm khoảng 30 đảo tạo nên quần đảo Hoàng Sa. Được gọi là Tây Sa trong tiếng Trung Quốc, quần đảo này hiện do Bắc Kinh kiểm soát.

Dương Minh tổng hợp

Việt Nam Chính trị

Việt Nam lên tiếng về việc tàu Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế