12 kỹ năng truyền lại cho thế hệ tiếp theo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài năm trước, tôi bắt gặp một bức ảnh cũ của bà cố. Bà đang đứng trên mái hiên bằng gỗ, ọp ẹp, trông giống như một căn lều tồi tàn. Bà cầm một xô sữa và đổ nó vào dụng cụ để tách sữa ra khỏi kem. Trong ảnh còn có hai cậu bé đang đứng cạnh để học về cách vắt sữa bò và chế biến nó qua máy tách kem.

Khi xưa, bố tôi và các anh trai của ông đã có một tuổi thơ rất phong phú, họ thu lượm được những kiến ​​thức và kỹ năng lâu đời từ ông bà. Những người luôn sẵn sàng và háo hức dạy dỗ họ. Còn ngày nay trẻ em lại bị chìm đắm trong thế giới của điện thoại thông minh bóng bẩy và những trò chơi điện tử gây nghiện. Nếu như ông bà và những người lớn khác không đứng lên hành động và tích cực dạy dỗ trẻ thì sự khôn ngoan và những kỹ năng đó có thể sẽ bị mất vĩnh viễn.

Hãy suy nghĩ về cuộc sống của bạn và liệt kê những kỹ năng thực tế mà bạn đã học được. Ngay cả khi bạn ở xa các cháu trai, cháu gái của mình, bạn vẫn có thể dạy chúng những kiến thức hay và chia sẻ những kỹ năng sống bằng một số video cơ bản. Bố tôi thường xuyên gửi những đoạn video ngắn khoe thành công trong việc nhân giống cây vả của ông. Tôi thấy nó rất hữu ích.

Bạn tự hỏi nên bắt đầu từ đâu? Dưới đây là một vài gợi ý.

Nấu ăn và làm bánh

Những công thức nấu ăn tuyệt vời nào bạn có thể chia sẻ với các cháu của mình? Thế hệ trẻ trong gia đình bạn có biết nấu ăn từ nhỏ hay nướng một ổ bánh mì không? Một trong những công thức nấu ăn đặc biệt nhất của tôi là món “Shlumgum” được viết bằng nét chữ thảo của bà ngoại. Các món ăn thường là sợi dây kết nối với lịch sử gia đình và văn hóa truyền thống. Bây giờ sẽ là thời điểm tốt để bạn chia sẻ những kinh nghiệm nấu nướng của mình với các cháu và có thể mời chúng đến nấu ăn cùng.

Kể chuyện

Mỗi chúng ta đều có một kho tàng những câu chuyện hay từ thời thơ ấu hay những câu chuyện được kể từ ông bà và những bậc tiền bối. Và thật đáng tiếc nếu những thứ quý giá đó bị lãng quên theo thời gian. Bạn có thể chắc chắn rằng trẻ em mọi lứa tuổi sẽ cực kỳ yêu thích những câu chuyện được nghe và tương lai không xa trẻ sẽ kể lại cho con của mình. Bạn có thể viết những câu chuyện đó và tự xuất bản chúng hay đơn giản chỉ là một tệp PDF thôi cũng hữu ích vô cùng. Một ngày nào đó chúng có thể được chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình bạn và sẽ là món quà vô giá cho thế hệ sau.

Grandfather And Grandson Fixing Things In Workshop Skillful Carpenter Teaching
Các kỹ năng như làm xà phòng, chữa bệnh bằng thảo dược và chế biến gỗ là trải nghiệm gắn kết và giáo dục thực sự phong phú. (Studio Romantic/Shutterstock)

Sử dụng dụng cụ cầm tay

Xử lý khéo léo tuốc nơ vít, búa hoặc các công cụ khác cũng là những kỹ năng cần có. Lúc đầu, bạn sẽ thấy chúng thật khó dùng, bạn không chắc nên sử dụng bao nhiêu áp lực và đòn bẩy. Dụng cụ này hết lần này đến lần khác bị trượt hoặc mất dấu. Những công cụ đơn giản như vậy, nhưng để thành thạo chúng thì không dễ dàng chút nào. Đây là những kỹ năng được sử dụng suốt đời. Và chúng còn có thể liên quan đến sự nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất... Sử dụng dụng cụ cầm tay thật sự là những kỹ năng thú vị để học hỏi và truyền lại cho thế hệ trẻ.

Làm vườn

Làm vườn cần có thời gian, sự kiên nhẫn và kiến ​​thức được học trong nhiều năm liền. Người làm vườn được tận hưởng không gian ngoài trời tuyệt đẹp với ánh nắng mặt trời, không khí trong lành, được chăm sóc cây cối và quan sát chúng lớn lên. Trẻ em cũng rất thích những điều đó. Chúng sẽ vô cùng phấn khích khi được mời vào vườn và dạy cách trồng hoa, trồng rau.

Thủ công mỹ nghệ di sản

Một đứa trẻ thật may mắn khi có ông, bà biết các kỹ năng đan, móc, thêu, may vá và các nghề thủ công khác. Những kỹ năng này không chỉ tạo ra kết quả thiết thực, đẹp mắt mà còn giúp cải thiện khả năng phối hợp tay mắt và kỹ năng vận động tinh. Còn có một số các kỹ năng khác như làm xà phòng, phương thuốc thảo dược và chế biến gỗ cũng tạo ra những trải nghiệm giáo dục và gắn kết thực sự phong phú.

Sửa nhà

Mỗi khi bạn có thể tự thông tắc bồn rửa, sơn phòng, thay lốp xe hoặc sửa xích xe đạp, bạn cần cảm ơn ai đó vì đã dạy cho bạn những kỹ năng tuyệt vời này. Trường học không còn dạy những kỹ năng thực tế này nữa; nếu chúng ta không dạy thế hệ trẻ, thì ai sẽ dạy chúng? Thử lập một danh sách mọi thứ bạn biết về cách sửa chữa, các dự án cải tạo nhà điển hình và bảo dưỡng ô tô. Bạn có thể sẽ có một danh sách ấn tượng, và bây giờ bạn chỉ cần một vài học sinh để truyền dạy những điều bổ ích này!

Cách cư xử và nghi thức tốt

“Bỏ khuỷu tay ra khỏi bàn! Đừng nói chuyện với miệng đầy thức ăn! Mở cửa cho các quý cô!” Cách cư xử tốt không bao giờ lỗi mốt, và người thực hành chúng thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người khác. Nghi thức xã giao bao gồm biết nên sử dụng nĩa nào trong bối cảnh trang trọng và cách giới thiệu bản thân một cách thích hợp. Những kỹ năng này rất tinh tế, nhưng chúng lại tạo được ấn tượng lâu dài trong môi trường xã hội cũng như trong công việc của mỗi người.

Kỹ năng ngoài trời

Cắm trại, câu cá, du lịch bụi, nấu ăn trên lửa trại là những hoạt động rất thú vị và có chút mạo hiểm. Những kỹ năng này vô cùng quan trọng, chúng giúp trẻ yêu mến và quý trọng thiên nhiên hơn. Tuy nhiên trong thế giới hiện đại của chúng ta, ngày càng ít trẻ học được những kỹ năng này. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều trẻ em ngày nay sợ ra ngoài thiên nhiên, sợ sự bao la, yên tĩnh và những đêm đen như mực. Một lần nữa, ta thấy được việc truyền lại những kỹ năng và kiến ​​thức cho thế hệ trẻ thật là quan trọng biết bao.

Chăn nuôi

Bất cứ kinh nghiệm nào bạn biết về việc chăm sóc gia súc như gà, dê, ong mật, vịt… thì đừng giữ nó cho riêng mình. Trẻ em luôn bị thu hút bởi động vật một cách tự nhiên và học cách chăm sóc một sinh vật sống khác sẽ giúp chúng thấm nhuần tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn. Trẻ cũng học được tầm quan trọng của việc đáp ứng nhu cầu của người khác và sự nhạy cảm đối với nhu cầu hay cảm xúc của họ.

Kỹ năng âm nhạc

Senior Piano Student With Her Granddaughter Playing The Piano
Các bài học âm nhạc có thể tốn kém và ngoài tầm với của nhiều gia đình, nhưng các bài học do bạn thân hoặc thành viên gia đình dạy không chỉ dạy kỹ năng mà còn củng cố các mối quan hệ. (Tonet Gandia/Shutterstock)

Nếu bạn có bất kỳ kỹ năng âm nhạc nào, cho dù đó là chơi nhạc cụ, ca hát, hay chỉ là tình yêu âm nhạc nói chung, thì đây là lựa chọn lý tưởng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Bạn yêu nhạc jazz hay một thể loại âm nhạc khác? Bạn có thể chơi nhạc cụ? Hãy truyền lại điều đó cho thế hệ tiếp theo. Hãy để họ lắng nghe các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn yêu thích của bạn. Các bài học âm nhạc có thể sẽ tốn kém và ngoài khả năng tài chính của nhiều gia đình. Nhưng các bài học do bạn hoặc các thành viên gia đình dạy thì không chỉ giúp tiết kiệm tiền mà còn giúp trẻ các kỹ năng âm nhạc và củng cố các mối quan hệ nữa.

Khám phá thiên nhiên

Đi dạo trong thiên nhiên, ngắm chim, nhận dạng cây cối hay tìm hiểu sự khác biệt giữa sóc và sóc chuột cũng là những kỹ năng tuyệt vời có thể dạy trẻ. Các kỹ năng quan sát này giúp trẻ thấy được sự phong phú của thiên nhiên, được tận hưởng vẻ đẹp của đất trời. Và khi công nghệ bị ngắt kết nối, trẻ sẽ được truyền cảm hứng cho sự sáng tạo và tò mò hơn.

Văn hóa truyền thống

Mỗi đứa trẻ đều có một di sản phong phú về nhiều nền văn hóa, nhưng có quá ít trẻ tìm hiểu về chúng. Hãy kể cho trẻ những văn hóa truyền thống mà bạn được nghe từ các bậc tiền bối như nguồn gốc gia đình, ngôn ngữ, phong tục hay ngày lễ tết… Những văn hóa này rất đáng được bảo tồn bằng cách chia sẻ chúng với các thế hệ tiếp theo.

Chúng ta thường bỏ qua giá trị của những gì chúng ta đã biết hay đã trải nghiệm. Nhưng mỗi người chúng ta là một cuốn bách khoa toàn thư về những kỷ niệm, ấn tượng hay các bài học độc đáo. Chúng có thể làm phong phú thêm hiểu biết cho những người thân yêu của chúng ta, đặc biệt là với trẻ em.

Lisa Bedford - Epoch Times
Gia Linh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

12 kỹ năng truyền lại cho thế hệ tiếp theo