Bắc Kinh thưởng tiền mặt cho các thông tin mật về ‘xâm phạm an ninh quốc gia’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh cho biết sẽ trao chứng chỉ công nhận hoặc một phần thưởng bằng tiền mặt từ 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,500 USD) đến hơn 100,000 nhân dân tệ (khoảng 15,000 USD) cho những công dân báo cáo các vụ vi phạm luật an ninh quốc gia. Giá trị của 'phần thưởng' còn tùy thuộc vào giá trị của thông tin mật.

Hôm 06/06, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã công bố trong một văn bản chính thức các quy định mới về việc khen thưởng những cá nhân báo cáo đã chứng kiến ​​các hành vi “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia".

Theo tài liệu này, mọi người có thể gửi thông tin bằng cách gọi 12339, một đường dây nóng được chỉ định, có thể gửi trực tuyến, gửi qua thư hay đến trực tiếp cơ quan an ninh quốc gia.

Một đại diện của bộ này tuyên bố, hành động này nhằm “củng cố nền tảng cơ sở” cho an ninh quốc gia Trung Quốc và chống lại các hoạt động tình báo ngoại quốc.

Tuy nhiên, các quy định mới không đưa ra định nghĩa “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” cụ thể là như thế nào. Cơ quan thực thi của Trung Quốc chỉ diễn giải và sử dụng như một cáo buộc mơ hồ nhằm vào những nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền, những người muốn có sự đối xử công bằng, chỉ trích những hành động tàn bạo của ĐCS Trung Quốc, hoặc chấp nhận các cuộc phỏng vấn với các ký giả ngoại quốc.

Các quy định mới có hiệu lực từ ngày 06/6.

Nhà bình luận tin tức Trung Quốc Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với The Epoch Times rằng hành động này về cơ bản giống với các chiến dịch truy bắt gián điệp mà ĐCS Trung Quốc từng áp dụng. Hơn nữa, sự việc này bắt nguồn từ thời kỳ của cố lãnh đạo đảng Mao Trạch Đông, người đã sử dụng công cụ này để thanh trừng các đối thủ chính trị của mình và xóa sổ những người bất đồng chính kiến.

“ĐCS Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật này từ lâu", ông Đường cho biết. “Mục tiêu của ĐCS Trung Quốc là ngăn chặn hoặc xoá sổ toàn bộ các yếu tố góp phần vào các cuộc biểu tình, bằng cách thúc đẩy các thông tin mật. Điều này cũng tạo ra một mối quan hệ 'mật thiết' giữa người với người: có sự sợ hãi và nghi ngờ lẫn nhau, giúp củng cố sự cai trị của ĐCS Trung Quốc".

Ông Đường cho biết, ĐCS Trung Quốc sử dụng phương pháp này để chuyển trọng tâm chú ý bất cứ khi nào họ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng.

Ông Đường lưu ý, trong nội bộ ĐCS Trung Quốc, các phong trào truy bắt gián điệp đã trở thành một công cụ đấu tranh nội bộ tàn bạo nhưng hiệu quả. Trong lịch sử của ĐCS Trung Quốc, “gián điệp” số 1 mà họ tuyên bố từng lộ diện là cựu nguyên thủ quốc gia, ông Lưu Thiếu Kỳ. Ông này đã thiệt mạng một cách thê thảm sau khi bị cách chức và cô lập, ngược đãi một cách bất hợp pháp trong khi bị giam giữ.

Chỉ hai ngày sau khi Bắc Kinh ban hành các quy định mới, hôm 08/6 cảnh sát Hong Kong đã công bố một hệ thống khen thưởng tương tự cho việc tiết lộ hành vi khủng bố hoặc bạo lực. Bất kỳ ai phát hiện ra kẻ vi phạm có thể nhận được tới 800,000 HKD (khoảng 101,915 USD). Đây là sự việc xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Hong Kong.

“Ý định của chính quyền Hong Kong là rất rõ ràng", ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), cựu Phó Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Dư luận Hong Kong, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA.

“Quy định này đang biến thành phố này trở thành một xã hội mà ở đó đó mọi người giám sát lẫn nhau để ngăn người dân Hong Kong chỉ trích chính quyền và ĐCS Trung Quốc, giống như những gì họ đã làm trước đây".

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh thưởng tiền mặt cho các thông tin mật về ‘xâm phạm an ninh quốc gia’