Bình luận: ISIS-K có mối thâm thù gì với Nga, sao lại tấn công khủng bố Moscow?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Diễn đàn Tinh anh" (Pinnacle View) là chương trình truyền hình mới do đài NTD và The Epoch Times đồng sản xuất. Chương trình tập trung vào các vấn đề nóng, ​​phân tích xu hướng chung của thế giới, đồng thời cung cấp cho người xem thông tin về các sự kiện thời sự và những quan sát sâu sắc về sự thật lịch sử. Dưới đây là góc nhìn của các khách mời về vụ tấn công khủng bố xảy ra tại một phòng hòa nhạc ở ngoại ô Moscow, Nga vào ngày 22/3/2024:

Trong vụ nổ súng hôm 22/3, Nga xác nhận có 139 người chết và 182 người khác bị thương; đồng thời thông báo đã bắt giữ hơn 10 người, trong đó bao gồm cả 4 tay súng.

Cho đến nay, tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIS (Islamic State of Iraq and Syria - Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria) đã ra tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố này. Tuy nhiên, phía Nga lại lờ đi tuyên bố của ISIS và thay vào đó cáo buộc Ukraine đã lên kế hoạch cho vụ tấn công này. Phía Ukraine lại cho rằng cơ quan an ninh của Nga có thể mới là kẻ lên kế hoạch thực sự. Vậy rốt cuộc ai mới là thủ phạm thực sự của vụ tấn công này? Giữa ISIS và Nga có mối thâm thù gì?

Vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Moscow: ISIS nhận trách nhiệm, ông Putin ám chỉ Ukraine

Nhà sản xuất truyền hình độc lập Lý Quân (Li Jun) cho biết trong chương trình "Diễn đàn Tinh anh" rằng, ISIS không chỉ thừa nhận vụ tấn công mà còn cung cấp một đoạn video do họ ghi lại tại hiện trường. Đoạn video này đã được BBC xác nhận, xác thực đây là hiện trường vụ án và những kẻ xả súng đã quay video này trong khi đang bắn. Vậy nên có thể nói đây là bằng chứng rất đầy đủ.

Tuy nhiên, khoảng 24 giờ sau vụ tấn công này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu nhưng không đề cập đến tuyên bố của ISIS mà thay vào đó, ông Putin liên tục ám chỉ rằng những kẻ tấn công đã trốn sang Ukraine và Ukraine có thể đã cung cấp cho họ một lối đi vào vùng an toàn. Một số quan chức cho biết khi đó ông Putin đang đọc một báo cáo từ cơ quan tình báo Nga.

Bức ảnh này do hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik công bố, cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moscow vào ngày 23/3/2024, một ngày sau vụ tấn công bằng súng vào phòng hòa nhạc tại trung tâm thương mại Crocus City Hall ở thành phố Krasnogorsk, ngoại ô Moscow, Nga. (PAVEL BYRKIN/POOL/AFP via Getty Images)

Ukraine tất nhiên kiên quyết phủ nhận cáo buộc trên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, điều này thật hoang đường. Ông Zelensky nói rằng nếu những người này muốn trốn sang Ukraine thì trước tiên họ phải vào bãi mìn, nơi có hàng trăm nghìn binh sĩ Nga đang canh giữ ở giữa, làm sao họ có thể đi xuyên qua? Vì vậy, ông Zelensky cảm thấy đây là một việc hoàn toàn không thể xảy ra và là một kiểu vu oan giá họa.

Bộ Ngoại giao Ukraine, bao gồm cả các cơ quan tình báo của nước này, nói rằng vụ này do chính Nga lên kế hoạch. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, bao gồm cả nhân viên an ninh Nhà Trắng, đã ra mặt và nói rằng vụ tấn công này không liên quan gì đến Ukraine, hoàn toàn là do ISIS-K thực hiện.

Ông Lý Quân chỉ ra, vào ngày 7/3, hai tuần trước khi xảy ra sự kiện này, Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã đưa ra cảnh báo về một cuộc tấn công khủng bố, đồng thời yêu cầu người Mỹ ở Nga đặc biệt chú ý đến an toàn và không đến nơi công cộng, thậm chí còn nhắc đến những từ như “buổi biểu diễn âm nhạc”, "buổi hòa nhạc"; ngoài ra còn yêu cầu người Mỹ nên rời khỏi Nga trong vòng 48 giờ nếu có thể, v.v.

Ông Lý nói, tới khoảng ngày 19/3, chỉ vài ngày trước vụ tấn công khủng bố trên, ông Putin vẫn cho rằng cảnh báo của Mỹ là một cuộc chiến tâm lý chống lại Nga, là một sự đe dọa trắng trợn gây ra nỗi sợ hãi trong lòng người dân Nga, v.v. Không ngờ rằng chỉ vài ngày sau, thực sự đã xảy ra vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga lại quay ra nói rằng ISIS dường như là do Hoa Kỳ cố ý hoặc vô ý thành lập nên, và ISIS không còn nhắm vào Hoa Kỳ nữa mà đặc biệt nhắm vào kẻ thù của Mỹ. Nga lại đẩy vấn đề này sang Mỹ, ban đầu là Ukraine và giờ là Mỹ.

Mỹ từng đưa ra cảnh báo trước vụ tấn công khủng bố này, tại sao Nga không đề phòng?

Nhà bình luận chính trị thời sự Hoành Hà (Heng He) cho biết trong "Diễn đàn Tinh anh" rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, vụ tấn công khủng bố tại phòng hòa nhạc ở ngoại ô Moscow là do ISIS-K thực hiện vì họ tuyên bố rằng họ đã làm điều đó và họ có bằng chứng. Vấn đề mấu chốt là sự việc này rất kỳ lạ, đầu tiên là Mỹ đưa ra cảnh báo, sau đó việc này thực sự đã xảy ra.

Ông Hoành chỉ ra, nó cũng tương tự như khi tình báo Mỹ nói (vào tháng 2/2022) rằng Nga sắp tấn công Ukraine, ai cũng nói rằng Mỹ nói linh tinh nhưng sau đó cuộc xâm lược đã thực sự xảy ra vào thời điểm đúng như dự đoán của cơ quan tình báo Mỹ, vậy nên tình báo Mỹ rất chính xác. Sau sự kiện ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ có năng lực rất mạnh trong việc thu thập thông tin tình báo giữa các tổ chức khủng bố, bởi vì Hoa Kỳ có thể nghe lén tình báo trên mọi phương diện. Sau khi tổng hợp và phân tích, Mỹ kết luận rằng có thể xảy ra một cuộc tấn công ở một nơi công cộng nào đó. Tuy không biết ngày nào, giờ nào, địa điểm nào, nhưng họ có thể biết trước điều này sẽ xảy ra.

Ông Hoành nói, vấn đề là Nga sẽ không dễ dàng bỏ qua tình báo của Mỹ, cơ quan tình báo Nga chắc chắn sẽ nghiêm túc xem xét thông tin, giữa họ chắc chắn đã có những thông báo như vậy cho nhau. Vào đầu năm nay, Mỹ cũng đã cảnh báo Iran sẽ xảy ra tấn công khủng bố, Mỹ đã tìm ra cách thông báo trước cho Iran, thông tin cũng rất chính xác, cuộc tấn công lần đó cũng là do ISIS-K thực hiện. Vì vậy, dù Nga công khai nói Mỹ đang tiến hành chiến tranh tâm lý, đe dọa hay đại loại như thế, nhưng chắc chắn Moscow sẽ nghiêm túc xem xét vấn đề này, chỉ là theo cách kín đáo. Đây là một vấn đề.

Người dân đặt hoa bên lề đường gần địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc tại trung tâm thương mại Crocus City Hall bị cháy rụi ở thành phố Krasnogorsk, ngoại ô Moscow, Nga vào ngày 26/3/2024. (NATALIA KOLESNIKOVA/AFP via Getty Images)

Vấn đề thứ hai là trong cuộc tấn công này, những kẻ khủng bố đã nổ súng trong 15 phút. Ông Hoành nói, cần biết rằng trên phương diện đảm bảo an ninh, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh, an ninh của Moscow rất mạnh, vậy mà họ lại không có chút phòng bị gì và để cho nhóm khủng bố này tàn sát ở đó 15 phút rồi rút lui. Sau khi nhóm này rút quân, cơ quan an ninh Nga đã bắt giữ người rất nhanh chóng và dễ dàng, điều này thật phi logic. “Tất nhiên, chúng ta không thể nói chính xác chuyện này là thế nào, tôi chỉ là nêu ra nghi vấn này, đây là một điểm rất đáng hoài nghi”.

Ai có thể được hưởng lợi từ việc này? Về mặt động cơ, theo ông Hoành, sự việc này ít nhất cũng có lợi cho ông Putin trong việc trấn áp phe đối lập, ngoài ra còn có lợi cho sự đoàn kết của người dân Nga. Bất lợi nhất là Ukraine, họ chẳng được lợi ích gì. Bởi ngay lúc này, Ukraine đang rất hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây. Nếu Ukraine thực sự lên kế hoạch cho cuộc tấn công này, họ sẽ mất đi sự trợ giúp của phương Tây, trong đó có khoản viện trợ của Mỹ, trong khi Quốc hội Mỹ lại đang tìm cách dừng viện trợ cho Ukraine.

Nếu Ukraine phát động cuộc tấn công này thì mọi sự hỗ trợ từ Mỹ và châu Âu sẽ không còn, điều này sẽ không giúp Ukraine kết thúc chiến tranh với Nga bằng các cuộc phản công. Nếu tấn công các mục tiêu quân sự thì có thể giúp Ukraine kết thúc chiến tranh sớm hoặc làm suy yếu khả năng chiến đấu của Nga. Còn tấn công khủng bố vào dân thường sẽ không thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh cũng như không giúp ích gì cho cuộc chiến của Ukraine mà còn khiến Ukraine tổn thất rất nhiều. Vì vậy, Ukraine có ít động lực nhất và ít được hưởng lợi nhất nếu làm vậy.

Ông Hoành Hà cho rằng, việc ISIS nhận trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố này lại có cơ sở hơn, vì trên thực tế, các phần tử Hồi giáo cực đoan có thù hận với Nga. Ngay từ những ngày đầu tiên, bắt đầu từ cuộc chiến ở Afghanistan, khi Liên Xô tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan, đây chính là nhóm người đã bị Liên Xô đánh. Nhóm người này dần lớn lên từ các tổ chức kháng chiến chống lại sự xâm phạm của Liên Xô và trở thành một trong những tổ chức khủng bố sau này.

Ông Hoành chỉ ra, nếu nói nhóm người này có liên quan đến Hoa Kỳ thì quả thực là có một chút, vì khi đó Hoa Kỳ đã trang bị vũ khí cho những người này để chống lại Liên Xô. Những người này sau đó cũng đã chiến đấu chống lại Nga ở Chechnya. Sau này, trong Nội chiến Syria, Nga đã hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad để trấn áp một số phiến quân, mà trong số phiến quân này lại có một nhóm người thuộc ISIS. Vì vậy, ISIS thực sự có thù với Nga.

Hơn nữa, ISIS không có ý tưởng rằng cứ phải liên minh với Nga thì mới chống được Mỹ, vì xét cho cùng, Nga tương đối thân thiết với Iran. Iran là người Hồi giáo Shia (hay còn gọi là Shiite, là giáo phái lớn thứ hai của đạo Hồi, sau Hồi giáo Sunni), còn ISIS là thành viên cực đoan của giáo phái Sunni. Những kẻ cực đoan dòng Sunni không thể đi chung đường với người Iran bên dòng Shia. Mối thâm thù giữa họ có thể còn sâu sắc hơn mối hận thù giữa Mỹ và Nga. Vì vậy, ông Hoành cho rằng cuộc tấn công khủng bố này chắc chắn là do ISIS thực hiện, nhưng không hẳn là Nga không biết trước.

Ngày 8/4/2004 tại Abu Gharib, ngoại ô thị trấn điểm nóng Fallujah ở Iraq, những người nổi dậy Hồi giáo Sunni ở Iraq ăn mừng trước đoàn xe Mỹ đang bốc cháy mà họ vừa tấn công trước đó. (KARIM SAHIB/AFP via Getty Images)

Mỹ tránh leo thang chiến tranh Nga - Ukraine, ISIS-K và Nga có mối thù máu

Tổng biên tập tờ The Epoch Times tiếng Trung - bà Quách Quân (Guo Jun) cho biết trong "Diễn đàn Tinh anh" rằng, rất nhiều khán giả có chung một nghi vấn, đó là hiện nay Nga, Đảng Cộng sản Trung Quốc và một số thế lực ở Trung Đông đã thành lập một trục liên minh để đối kháng với phương Tây, vậy tại sao ISIS - tổ chức có mối thù sâu đậm nhất với các nước phương Tây - lại tấn công Nga?

Theo bà Quách, đầu tiên, phải nói đến một thực tế là trong thế giới Hồi giáo có hai giáo phái lớn nhất là Shia và Sunni. Dòng Shia chủ yếu ở Iran và một số nơi ở Iraq và Syria. Hai nhóm phiến quân Hezbollah và Hamas đều theo dòng Shia. Còn dòng Sunni chủ yếu ở khu vực Ả Rập, bao gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, còn có ở Bắc Phi.

Xung đột lịch sử giữa hai giáo phái này vô cùng nghiêm trọng, đồng thời còn có mối thù máu. Trong thời kỳ Saddam Hussein, người Sunni nắm quyền Iraq và đã có cuộc chiến tranh trong hơn 10 năm với chính quyền Iran của người Shia, hai bên đánh nhau đến chết đi sống lại.

Sau khi chính quyền của ông Saddam Hussein sụp đổ, lực lượng người Shia ở Iraq đột nhiên trỗi dậy và hiện nay người Shia đang nắm quyền điều hành chính quyền Iraq. Tình hình ở Yemen cũng tương tự, nơi người Sunni nắm giữ chính quyền nhưng lực lượng đối lập chống chính quyền - nhóm phiến quân Houthi - lại là người Shia. Cuộc nội chiến ở Syria đã diễn ra nhiều năm nay, cả hai bên đều đã kiệt sức nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Các bên trong cuộc nội chiến ở Syria về cơ bản bị chia rẽ bởi các giáo phái, chính quyền của ông Bashar al-Assad ở Syria là người Shia, còn phe đối lập là người Sunni.

Khi lực lượng vũ trang Sunni cực đoan ở Iraq và Syria đang trong thời kỳ hùng mạnh nhất, họ đã thành lập một quốc gia gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, hay còn gọi là ISIS. Sau khi ISIS trở nên lớn mạnh hơn, họ bắt đầu thực hiện các hoạt động khủng bố ở phương Tây, tới thời ông Trump làm Tổng thống Mỹ thì đã bị dập tắt. Vấn đề là ngay từ đầu Nga đã hỗ trợ cho chính quyền Syria của ông al-Assad, chủ yếu là để chống lại lực lượng vũ trang ISIS. Nga đã cung cấp máy bay, tên lửa cho chính quyền Syria và cử lực lượng đặc biệt, trong đó có nhóm lính đánh thuê Wagner, tới chiến đấu ở Syria, ISIS đã bị đánh bại nặng nề nên giữa ISIS và Nga cũng có mối hận thù sâu sắc. Đây là một nguyên nhân.

Vào ngày 1/3/2017, tại làng Albu Sayf, ở ngoại ô phía nam của thành phố Mosul, phía bắc Iraq, một thành viên của lực lượng Iraq đi ngang qua bức tranh tường mang logo của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) trong một đường hầm được cho là được sử dụng làm trung tâm huấn luyện những người Hồi giáo cực đoan. (AHMAD AL-RUBAYE/AFP via Getty Images)

Ngoài ra, kẻ nhận trách nhiệm về vụ tấn công Moscow lần này là ISIS-K, tức là ISIS phiên bản Afghanistan, chữ K này là chữ cái đầu tiên của từ “Khorasan”. Một phần của Afghanistan hiện giờ từng là một phần của vùng đất Khorasan cổ đại. Vùng đất Khorasan cổ đại bao gồm một phần đất ngày nay của Iran, Turkmenistan và Afghanistan. ISIS-K nổi lên ở phía đông và phía bắc Afghanistan vào cuối năm 2014. Sau khi Mỹ rút quân, chế độ Taliban hoàn toàn không thể kiểm soát và không thể đánh bại ISIS-K. Afghanistan và Turkmenistan giáp nhau, người Tajik ở Afghanistan rất đông, vì vậy những kẻ cực đoan tấn công Moscow lần này đều đến từ Tajikistan, và những yếu tố này cũng có liên quan.

Bà Quách Quân nói, có lý do khiến Mỹ nắm được thông tin rất chính xác về ISIS. Trước hết, khi ISIS mới thành lập chắc chắn phải có sự đồng ý ngầm của người Mỹ, mục tiêu của Mỹ là chống lại sự bành trướng của lực lượng người Shia tại nơi đó. Sau khi chính quyền của ông Saddam Hussein sụp đổ ở Iraq, sức ảnh hưởng của người Shia gốc Iran tăng lên rất nhiều, do đó, sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo dòng Sunni có thể là thế cân bằng cho Mỹ ở khu vực đó.

Bà Quách chỉ ra, tất nhiên, cũng có thuyết âm mưu nói rằng, người Mỹ đã hỗ trợ ISIS trong những ngày đầu thành lập, chẳng hạn như người ta nói rằng hầu hết vũ khí ban đầu của ISIS đều là vũ khí kiểu Mỹ. Trước đây, các tổ chức khủng bố ở Trung Đông đều sử dụng vũ khí kiểu Liên Xô, nhưng ISIS chủ yếu sử dụng vũ khí kiểu Mỹ. Ngoài việc cướp được vũ khí từ Iraq, một số vũ khí của ISIS là được mua từ Mỹ hoặc các nước châu Âu thông qua một số găng tay trắng trung gian. Chúng ta biết rằng những điều này sẽ khó xảy ra nếu không có sự đồng ý ngầm của Hoa Kỳ. Tất nhiên, sau khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Trump đã phát động một cuộc tấn công toàn diện vào ISIS và nhanh chóng tiêu diệt ISIS ở Syria và Iraq.

Nếu Hoa Kỳ và ISIS có mối quan hệ lịch sử như vậy, tất nhiên Hoa Kỳ sẽ càng có khả năng nắm vững thông tin tình báo về ISIS. Ngoài ra, kiểu tấn công khủng bố này vào Nga sẽ không giúp ích gì cho các mục tiêu chiến lược của Mỹ, cũng không thể ngăn cản Nga tiếp tục xâm lược Ukraine cũng như không thể thay đổi tình hình chính trị nội bộ ở Nga mà ngược lại, nó sẽ càng làm cho chủ nghĩa dân tộc của Nga mạnh mẽ hơn. Những hậu quả này đều không mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ nên rõ ràng cuộc tấn công này không liên quan gì đến Washington.

Ngoài ra, trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, Hoa Kỳ luôn áp chế Ukraine và không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào đất Nga, vì lo ngại chiến tranh sẽ leo thang. Vậy cũng nói, Hoa Kỳ có rất nhiều công cụ khả dụng trong hộp công cụ để đối phó với Nga và họ sẽ không dùng cách mang lại tác dụng tiêu cực.

Bà Quách cho rằng, cuộc chiến Nga - Ukraine hiện nay đang ở ngã tư đường và ngày càng mở rộng. Cách đây không lâu, Pháp đã hai lần đề xuất NATO đưa quân sang chiến đấu ở Ukraine, gần đây tên lửa của Nga đã vượt qua biên giới Ba Lan và tiến vào NATO. Vậy nên tình thế hiện giờ vô cùng căng thẳng.

Theo Diễn đàn Tinh anh

Đông Phương biên dịch

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: ISIS-K có mối thâm thù gì với Nga, sao lại tấn công khủng bố Moscow?