Chuyên gia nhiều nước nêu bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người Trung Quốc vô tội bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng bức thu hoạch nội tạng không phải là những nạn nhân duy nhất. Khi người dân các quốc gia khác chọn mua những nội tạng này, họ cũng có thể vô tình trở thành nạn nhân.

Phía trên là một trong những quan điểm được đưa ra trong sự kiện trực tuyến ngày 10/12 kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền Quốc tế. Tại đây, các bác sĩ, luật sư, chính trị gia và nhà hoạt động đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của họ về tội ác khủng khiếp nhất của chế độ Trung Quốc, đó là cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Theo các chuyên gia tham dự hội nghị trực tuyến - do tổ chức Các Bác sĩ chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) có trụ sở tại Washington tổ chức, các bằng chứng xuất hiện trong hai thập kỷ qua đã chỉ ra một thực tế không thể tưởng tượng được: chính quyền Trung Quốc đã bí mật giết hại các tù nhân lương tâm trên quy mô lớn để cung cấp tạng người cho ngành cấy ghép tạng.

Những người tham gia hội thảo lưu ý rằng, hành vi khủng khiếp này vẫn tiếp tục diễn ra vào lúc này, không hề suy giảm, và nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện tinh thần ôn hòa bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo ở Trung Quốc kể từ năm 1999.

Một người dân Texas (Mỹ) trở thành nạn nhân

Tiến sĩ Howard Monsour - một bác sĩ ở bang Texas - đã kể câu chuyện về một bệnh nhân của ông. Người này đã ghép gan ở Trung Quốc, ca ghép gan được thực hiện “gần như ngay lập tức”.

Đó là hơn một thập kỷ trước. Ông Monsour là trưởng khoa gan học tại Bệnh viện Methodist ở Houston và đồng chỉ đạo một chương trình về ung thư gan. Tại văn phòng của mình, ông Monsour đã tiếp một bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối và đang gặp khó khăn trong việc có được một ca ghép tạng ở Hoa Kỳ. Vì khả năng sống sót sau khi ghép gan của bệnh nhân này quá thấp nên một số bệnh viện ở Hoa Kỳ đã từ chối thực hiện ca phẫu thuật, bao gồm cả chương trình của ông Monsour.

Tuy nhiên, một nghiên cứu sinh đến từ Trung Quốc nói với bệnh nhân rằng anh ấy có thể sắp xếp một ca ghép gan cho bệnh nhân. Cuối cùng, người này đã bay sang Trung Quốc và có được một lá gan mới với giá 88.000 USD.

Ông Monsour nói: “Điều bất thường vào thời điểm đó là, như thể là ông ấy [bệnh nhân] có hẹn trước để được cấy ghép ở đó [Trung Quốc]”. Tại Hoa Kỳ, "thông thường sẽ mất từ ​​6 tháng đến một năm trước khi bạn được cấy ghép khi bạn mắc ung thư".

Ông Monsour kể rằng, hồi đó ông không biết hệ thống cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc là gì và hoạt động như thế nào. Nhưng sau khi biết ĐCSTQ giết hại tù nhân để lấy nội tạng, ông Monsour nghi ngờ rằng bệnh nhân của mình đã trở thành một “nạn nhân” của hành vi này.

"Anh ấy là một nạn nhân. Anh ấy không phải là nạn nhân theo nghĩa là một người bị giết hại để lấy gan, nhưng anh ấy là một nạn nhân vô tình ở Hoa Kỳ - người đã lấy gan của người khác".

Ông Monsour cho biết trải nghiệm đó đã thôi thúc ông ra làm chứng trước Thượng viện Texas về một nghị quyết lên án hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ mà bang Texas đã thông qua vào năm 2021.

Thời gian chờ tạng cực ngắn

Theo bác sĩ Torsten Trey - giám đốc điều hành DAFOH, bệnh nhân của ông Monsour không phải là trường hợp duy nhất.

Năm 2008, một bệnh nhân của Tiến sĩ Jacob Lavee - bác sĩ phẫu thuật ghép tim người Israel - thông báo rằng ông ấy sẽ được ghép tim ở Trung Quốc, ca ghép đã được lên lịch vào một ngày cụ thể mà chỉ cần bệnh nhân đưa ra yêu cầu trước 2 tuần. Bác sĩ Trey cho biết bệnh nhân đó đã được ghép tim đúng vào ngày đã định.

Năm 2017, các nhà báo của TV Chosun - một mạng cáp tại Hàn Quốc - đã tới một bệnh viện lớn ở Thiên Tân (một thành phố ven biển ở Trung Quốc). Với chiếc camera giấu kín, họ đã ghi hình các cuộc trò chuyện với nhân viên bệnh viện, những người này nói với họ rằng thời gian chờ đợi thông thường để tìm được người hiến tặng phù hợp là 2 tuần. Nhưng một y tá nói thêm rằng, nếu họ sẵn lòng trả thêm 10.000 USD, họ có thể có được một quả thận trong vòng 2 ngày.

Tiến sĩ Trey cho biết thêm, một số bệnh nhân Covid-19 đã được ghép phổi ở Trung Quốc vào năm 2020, một số lá phổi đã được thu thập từ người hiến tặng chỉ trong 24 giờ.

"Những nội tạng đó đến từ đâu?", Tiến sĩ Trey đặt câu hỏi.

Điều đáng chú ý là trước năm 2015, Trung Quốc không có hệ thống phân phối và hiến tạng chính thức. Ngoài ra, người dân Trung Quốc thường không muốn hiến tạng vì văn hóa và truyền thống của đất nước này coi cơ thể người là món quà từ cha mẹ và cần giữ nguyên vẹn sau khi chết.

Trong lần đầu tiên thừa nhận về hoạt động cấy ghép tạng vào năm 2005, các quan chức cấp cao của Trung Quốc tuyên bố rằng hầu hết nội tạng dùng trong cấy ghép đến từ các tù nhân bị hành quyết. Tuy nhiên, số lượng tử tù bị hành quyết tại Trung Quốc không đủ lớn để có thể giải thích được số lượng khổng lồ các ca cấy ghép ước tính đã được thực hiện ở nước này.

Sau các cuộc điều tra kéo dài hàng năm, một tòa án nhân dân độc lập ở London (Anh) đã ra kết luận vào năm 2019 rằng, ĐCSTQ đã và vẫn đang giết hại các tù nhân - bao gồm các tù nhân lương tâm - “trên quy mô rộng lớn” để cung cấp tạng cho thị trường cấy ghép tạng. Theo tòa án, các nạn nhân chính của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù.

Bị hành hạ trong trại giam

Ông Winston Liu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 khi ông sắp lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa - một trường công nghệ nổi tiếng, thường được gọi là "MIT của Trung Quốc".

Vào thời điểm đó, Pháp Luân Công rất phổ biến ở Trung Quốc. Đây là môn tu luyện truyền thống của Trung Quốc, gồm các bài giảng đạo đức dựa trên giá trị phổ quát Chân - Thiện - Nhẫn và các bài tập thiền định. Theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, hơn 70 triệu người đã theo tập môn pháp này vào cuối những năm 1990. Ông Liu cho hay, chỉ riêng tại Đại học Thanh Hoa đã có 11 điểm luyện tập Pháp Luân Công; sinh viên, giảng viên và các nhà thầu làm việc tại trường đại học đều ra những điểm luyện công này tập các bài thiền định mỗi ngày.

Tuy nhiên, sau khi cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công trên toàn quốc vào năm 1999, ông Liu đã bị đuổi khỏi trường và phải liên tục đối mặt với các mối đe dọa như quấy rối, bắt giữ, giam giữ và tra tấn thể xác. Ông Liu đã bị giam giữ 4 lần trước khi trốn sang Hoa Kỳ vào năm 2005.

Xem thêm:

Đã gần hai thập kỷ kể từ khi ông Liu bị tra tấn trong mạng lưới nhà tù của Trung Quốc vì không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Ông nói tại hội nghị trực tuyến: “Việc nhớ lại phần ký ức này, đối với tôi, luôn không hề dễ dàng.

Ông Liu đã kể lại về “trấn nước” (waterboarding) – một trong những phương pháp tra tấn mà ông phải chịu đựng trong thời gian bị giam giữ năm 2001.

“Đó là ngày đầu tiên. Ngay sau khi tôi bước vào phòng giam trong trại tạm giam, khoảng 11 giờ đêm ngày 1/1/2001, tôi bị buộc phải cởi bỏ quần áo và ngồi xổm trên một cái bục trong phòng vệ sinh.

“Đó hoàn toàn không phải là một phòng vệ sinh… nó chỉ là một bức tường cao khoảng 0,3 mét ngăn cách chỗ đi vệ sinh với không gian còn lại, để các tù nhân khác có thể nhìn thấy tôi, theo dõi tôi. Sau đó, họ dội nước lạnh vào tôi, hết xô này đến xô khác, và cứ như vậy trong nửa giờ cho đến khi tôi bất tỉnh. Và sau đó họ ném tôi xuống sàn".

“Khi tỉnh tại, tôi cảm thấy không còn chút phẩm giá con người nào”, ông Liu nói. "Cảm giác đó là thứ mà tôi không bao giờ [muốn] nhớ lại".

Các chuyên gia ở nhiều nước nêu bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng tại Trung Quốc
Ông Winston Liu ở Công viên Quốc gia Banff, Canada, năm 2011. (Ảnh: Ông Winston Liu cung cấp)

Khám sức khỏe tổng quát

Điều mà ông Liu không thể hiểu vào thời điểm đó là những cuộc khám sức khỏe tổng quát – bao gồm xét nghiệm máu, chụp X-quang, khám mắt và xét nghiệm nước tiểu – mà ông nhận được khi bị giam giữ.

“Chuyện đó xảy ra vào tháng 7/2022. Tôi phải xếp hàng cùng với các học viên Pháp Luân Công khác… Trong nhà tù này, có khoảng 40 học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi được lính canh dẫn đến một bệnh viện liên kết với nhà tù”, ông Liu kể lại.

“Sau đó, chúng tôi được thông báo rằng đây là những cuộc kiểm tra và đánh giá sức khỏe thường xuyên cho mọi tù nhân".

“Tuy nhiên, hóa ra… lính canh này đã nói dối chúng tôi”, ông Liu nói. Sau này ông biết được rằng chỉ các học viên Pháp Luân Công mới phải đi kiểm tra y tế.

"Chúng tôi chưa bao giờ được khám sức khỏe tổng quát như vậy, thậm chí không nhận được cả những cuộc kiểm tra sức khỏe đơn giản. Ở đây ai quan tâm đến sức khỏe của tù nhân chứ?", ông Liu kể lại phản ứng của một tù nhân khác - người này không tu luyện Pháp Luân Công và được giao nhiệm vụ giám sát ông Liu.

Lời kể của ông Liu giống với lời kể của các tù nhân Trung Quốc khác được phỏng vấn bởi ông David Matas - một luật sư nhân quyền quốc tế, một trong những người đầu tiên điều tra về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ vào đầu những năm 2000.

Ông Matas lưu ý rằng hệ thống nhà tù Trung Quốc chỉ kiểm tra sức khỏe của các học viên Pháp Luân Công.

Ông nói: “Các học viên Pháp Luân Công được kiểm tra nội tạng và xét nghiệm máu một cách có hệ thống, tù nhân bình thường thì không như vậy. Bản thân tôi đã phỏng vấn cả các học viên [Pháp Luân Công] và cả tù nhân bình thường, và họ đều kể cho tôi nghe cùng một câu chuyện”.

Các chuyên gia ở nhiều nước nêu bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng tại Trung Quốc
Luật sư Nhân quyền David Matas phát biểu trước các thành viên Quốc hội Latvia ở Riga, Latvia, ngày 23/8/2023. (Ảnh: The Epoch Times)

Ông Matas bắt đầu điều tra một cách độc lập sau khi các cáo buộc về việc giết hại học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006.

Luật sư Matas đã làm việc cùng với cựu Nghị sĩ Canada David Kilgour. Ban đầu, hai ông dự định đến Trung Quốc để tiến hành cuộc điều tra. Tuy nhiên, do không nhận được phản hồi về đề nghị đến Trung Quốc của mình, hai nhà điều tra người Canada đã xem xét kỹ các trang web của các bệnh viện Trung Quốc, các bài viết của nhiều hãng truyền thông, và đã thực hiện nhiều cuộc gọi điện thoại bí mật đến các bác sĩ ở hơn một chục tỉnh trên khắp Trung Quốc.

Họ cũng phỏng vấn những bệnh nhân cấy ghép tạng ở Trung Quốc, cũng như các học viên Pháp Luân Công sống sót sau khi bị tra tấn và giam giữ trong hệ thống nhà tù Trung Quốc.

Hai ông sau đó đã công bố những phát hiện của mình trong một cuốn sách có tựa đề “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest), kết luận rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng thực sự đang diễn ra ở Trung Quốc.

Ông Matas nói: “Câu chuyện của ông Winston mà quý vị nghe, nó có vẻ bi thảm. Nhưng quý vị hãy nhân nó lên, hàng trăm nghìn người đang sống cuộc sống và có trải nghiệm tương tự như vậy”.

“Bất chấp những gì ông Winston nói, ông ấy là một người may mắn vì ông ấy đã sống sót". Ông Matas cho biết thêm rằng nhiều học viên Pháp Luân Công bị giam giữ khác đã mất đi mạng sống.

Truyền thông im lặng

Sau nhiều thập kỷ điều tra, ông Marco Respinti - một nhà báo người Ý - nói rằng hiện đã có tài liệu ghi chép rõ ràng về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do ĐCSTQ thực thi, vậy nên, nó lẽ ra phải thường xuyên xuất hiện trên trang nhất của mọi phương tiện truyền thông.

Nhưng điều đó không xảy ra.

Ông Respinti cho rằng truyền thông phương Tây giữ im lặng là do chịu áp lực từ ĐCSTQ. Ông lấy quê hương mình làm ví dụ. Ông kể rằng, sau khi một tuần báo nổi tiếng của Ý đăng một bài viết vạch trần nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc vào năm ngoái, các quan chức tại đại sứ quán Trung Quốc ở Ý đã gọi điện cho biên tập viên tòa soạn, đồng thời tấn công các nhà báo là tác giả bài viết đó.

Ông Respinti cũng là giám đốc phụ trách của Bitter Winter - một tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc. Ông nói thêm: “Đây là bầu không khí bình thường mà chúng tôi vẫn sống, ở một đất nước tự do như Ý”.

Các chuyên gia ở nhiều nước nêu bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc
Các học viên Pháp Luân Công tham gia cuộc diễu hành nhân 24 năm ĐCSTQ đàn áp môn tu luyện Pháp Luân Công, tại Khu Phố Tàu, New York, Mỹ, ngày 15/7/2023. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Cất tiếng nói lương tri

Tiến sĩ Zain Khalpey - một bác sĩ phẫu thuật lồng ngực ở bang Arizona (Mỹ) - đang lên tiếng kêu gọi các bác sĩ và các hiệp hội cấy ghép hãy đi đầu cũng như cất tiếng nói phản đối hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng vô lương tâm của ĐCSTQ.

Tiến sĩ Khalpey cho biết ông tự hào về tuyên bố của Hiệp hội Ghép tim và Phổi Quốc tế (ISHLT) - một hiệp hội cấy ghép tạng phi lợi nhuận. Vào tháng 8 năm ngoái, nhóm này tuyên bố rằng họ sẽ ngừng chấp nhận các nghiên cứu cấy ghép tạng từ Trung Quốc; đây là một nỗ lực nhằm chấm dứt nạn cấy ghép phi pháp đang diễn ra tại Trung Quốc.

Ông Khalpey nói: “Nó nâng cao tiêu chuẩn và kỳ vọng để những người khác làm theo. Và tôi nghĩ việc đó giúp đề cao tính liêm chính. Những xã hội đề cao tính liêm chính khác cũng nên làm theo".

Hơn nữa, các tuyên bố từ các cộng đồng y khoa có thể giúp các nhà lập pháp thúc đẩy chính phủ của họ hành động để chống lại tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ, theo ông Philip Hunt - là một thành viên của Quốc hội Anh, cũng là cựu bộ trưởng y tế.

Tại hội nghị trực tuyến, ông Hunt đã nhắc đến một tuyên bố năm 2019 của Tiến sĩ John Chisholm - chủ tịch ủy ban đạo đức y tế của Hiệp hội Y khoa Anh; trong đó ông Chisholm mô tả nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ là “hành vi vi phạm trắng trợn và liên tục một loạt các quyền cơ bản, các quyền không thể xâm phạm của con người”.

Vào năm 2022, Vương quốc Anh đã cập nhật một bản sửa đổi trong luật đạo đức sinh học để ngăn chặn các bệnh nhân Anh đến Trung Quốc cấy ghép tạng.

Ông Hunt - người đề xuất bản sửa đổi - cho biết: “Càng nhiều bác sĩ lên tiếng phản đối thì càng dễ để các chính trị gia như tôi thúc đẩy sự thay đổi luật pháp trong Quốc hội của chúng ta”.

"Ngay cả trong thế giới đầy rắc rối mà chúng ta đang sống hiện nay, các bác sĩ có lẽ vẫn là những người đáng tin cậy nhất. Và vì vậy, khi họ đưa ra quan điểm của mình, điều đó thực sự ảnh hưởng đến cuộc tranh luận mà chúng ta đang có về việc chúng ta sẽ tác động đến Trung Quốc như thế nào để ngăn chặn những hành vi suy đồi của họ”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia nhiều nước nêu bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng tại Trung Quốc