Xuất hiện ‘bằng chứng thép’ về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, luật sư nhân quyền nói gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 17/7 vừa qua, “Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công” (WOIPFG) đã công bố bằng chứng đầu tiên - lời tự thuật gây sốc trước lúc lâm chung vào tháng 4/2019 của một học viên Pháp Luân Công - bà Trương Tú Cầm (Zhang Xiuqin), nạn nhân bị chế độ Bắc Kinh mổ cướp nội tạng sống. Hãng truyền thông Vision Times đã phỏng vấn độc quyền luật sư nhân quyền nổi tiếng David Matas, tác giả của báo cáo điều tra đầu tiên trên thế giới về nạn thu hoạch nội tạng này.

WOIPFG tiết lộ rằng họ đang liên hệ với các tổ chức có thẩm quyền để thẩm định bằng chứng (bao gồm thi thể của bà Trương, video quay lời chứng, v.v.) và sẽ công khai vào thời điểm thích hợp trong tương lai.

Lời chứng trước lúc lâm chung của nạn nhân bị mổ cướp tạng

Theo lời trăng trối của bà Trương Tú Cầm, bà bị mổ cắp nội tạng khi 46 tuổi. Bà là người Lai Châu, tỉnh Sơn Đông. Sau khi tiếp tục bị bắt cóc vào cuối năm 2018, bà đã bị tra tấn bằng nhiều thủ đoạn tàn ác, thậm chí còn bị cưỡng hiếp. (Tại sao lại gọi hành vi của cảnh sát Trung Quốc là bắt cóc? Bởi khi đột nhập, lục soát nhà hay bắt giữ các học viên, cảnh sát không có lệnh khám xét, lệnh tịch thu tài sản hay lệnh bắt giữ.)

Nửa năm sau đó, bà bị chuyển đến Bệnh viện Quân đội Cáp Nhĩ Tân 211 và bị lấy đi một quả thận, các cơ quan nội tạng chính khác cũng bị mở ra để kiểm tra. Bởi vì các nội tạng của bà Trương bị thương tổn nghiêm trọng do bức hại, không thể dùng cho việc cấy ghép nên chúng mới không bị lấy đi. Các vết dao mổ ở nhiều chỗ trên cơ thể bà cũng không được khâu lại. Hơn nữa, toàn bộ quá trình này rất có thể được tiến hành trong khi không có thuốc gây tê.

Sau khi bị cắt mất thận, bà Trương Tú Cầm vẫn còn thở. Trong lúc hấp hối, bà đã nói cho một bác sĩ sự thật về Pháp Luân Công, bao gồm cả sự thật về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mổ cắp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống một cách có hệ thống. Bà Trương khẩn cầu người bác sĩ có lương tâm ấy hãy truyền sự thật này ra ngoài để giúp ngăn chặn tội ác thu hoạch tạng sống. Người bác sĩ đã đồng ý và quay video lời làm chứng trước lúc lâm chung của bà Trương.

WOIPFG cho biết, cho đến nay những lời trăng trối của bà Trương Tú Cầm là lời làm chứng duy nhất của một nạn nhân bị thu hoạch nội tạng sống. Thi thể của bà cũng là thi thể của nạn nhân bị thu hoạch nội tạng sống duy nhất được giữ lại. Nó chính là bằng chứng rõ ràng về tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ.

Lời thuật của vị bác sĩ ghi lại lời chứng

Theo WOIPFG, vị bác sĩ kia nhớ lại: "Khoảng 8h sáng ngày 28/4/2019, họ (ám chỉ những người mổ cướp tạng) đưa những người bị lấy tạng còn sống đến để phẫu thuật. Trước đó [tình huống này] đã xảy ra hơn chục lần rồi, ai cũng biết nhưng không ai dám hỏi. Mổ rất nhanh, mổ xong họ mang theo thứ (nội tạng) họ muốn rời đi. Chúng tôi không quen biết những người này, họ không phải người của đơn vị chúng tôi, mỗi lần đến đây đều là những người khác nhau.

“Chúng tôi là Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Giải phóng quân Cáp Nhĩ Tân 211. Thi thể sau khi được giải phẫu xong đều cần phải được xử lý theo tiêu chuẩn vật ô nhiễm, tức là niêm phong và khử trùng rồi trực tiếp mang đi hỏa táng, không được mở ra giữa chừng. Vì vậy họ mới lựa chọn làm loại phẫu thuật này ở đây, vô cùng bí mật, cũng thuận tiện cho việc tiêu hủy chứng cứ.

"Ngày hôm đó, họ đã rời đi ngay sau khi mổ cướp nội tạng, còn tôi phụ trách dọn dẹp. Trong quá trình dọn dẹp, bất ngờ có người túm lấy quần áo của tôi. Tôi cũng bàng hoàng khi phát hiện người bị mổ cướp nội tạng vẫn còn sống nằm trên bàn mổ. Tôi nhìn lại thì phát hiện cô ấy chỉ bị lấy đi một quả thận, gan đã bị cắt ra nhưng không bị mang đi, có lẽ là do tình trạng vết thương quá nặng, bị tổn hại tới mức không dùng được nữa, các nội tạng khác cũng vậy nên không dùng được, cũng không bị động đến…

"Người này rõ ràng là bị tra tấn, trên người có rất nhiều vết sẹo, bởi vì bị tra tấn, nội tạng bị tổn thương quá nặng đến mức hầu như không còn tạng nào có thể sử dụng được. Vết mổ của cô không được khâu lại, người trong hoàn cảnh này khó có thể sống sót nên không ai nghĩ cô sẽ còn sống. Cô ấy chỉ nói ‘Giúp tôi với’ rồi lại bất tỉnh.

"Lúc đó đầu não tôi nóng bừng, tôi đã đưa cô ấy xuống kho dự trữ dưới tầng hầm. Theo bản năng của một bác sĩ, tôi không thể giương mắt nhìn bệnh nhân chết. Tôi tiêm cho cô ấy một số loại thuốc đơn giản như glucose và thuốc giảm đau, đồng thời khâu lại vết thương một chút và ở bên quan sát. Cô ấy lại tỉnh dậy vào ban đêm và khi nhìn thấy tôi, cô ấy đã nhờ tôi giúp đỡ. Tôi nói rằng cô không thể cứu được nữa rồi, tôi cũng vô lực.

"Cô ấy nói rằng cô ấy biết điều đó, cô ấy chỉ muốn tôi công khai những điều mà cô phải trải qua, để tất cả mọi người biết được những điều tà ác mà cô phải chịu đựng. Tôi nói tôi không có khả năng này, không giúp cô ấy được. Cô ấy im lặng một lúc, rồi cô ấy bắt đầu kể câu chuyện của mình, tôi mới biết cô ấy là một học viên Pháp Luân Công, lúc đó tôi rất sợ hãi, nhưng mọi chuyện đã như vậy rồi, nên tôi chỉ nghe cô ấy kể.

"Cô ấy nói rất nhiều về Pháp Luân Công, tôi rất lo lắng và sợ hãi nên cũng không nghe vào đầu được bao nhiêu. Sau đó, cô ấy nói về việc ĐCSTQ bức hại họ như thế nào, đủ loại tra tấn, đủ loại ngược đãi và thậm chí mổ cướp nội tạng sống như thế này, rất nhiều người bị bức hại như vậy. Tôi rất sốc, tôi nghĩ về hai năm qua khi ở đây, hàng chục cuộc phẫu thuật như thế này đã qua tay tôi, thật quá đáng sợ.

"Trương Tú Cầm tiếp tục nói về thiện ác hữu báo, tương lai của nhân loại, ý nghĩa của cuộc sống, thoái khỏi ĐCSTQ và nhiều thứ khác. Tôi nhắc cô ấy rằng thời gian không còn nhiều, hãy để lại lời nhắn cho người thân của cô, tôi có thể giúp. Cô ấy nói rằng cô ấy không cần điều đó mà chỉ thỉnh cầu tôi giúp cô minh oan… và vạch trần sự tà ác của ĐCSTQ.

“Khi đó tôi đã bị cảm động trước tinh thần của cô ấy, thật sự rất cừ, tôi cũng nghĩ rằng những gì cô ấy nói rất có lý, nhưng tôi không biết phải làm gì. Cô ấy nói cứ làm theo lời cô ấy nói là được.

“Cuối cùng, tôi đã hứa rằng tôi sẽ giúp cô ấy nếu khả năng cho phép, thế là tôi ghi âm lại lời trăng trối của cô ấy theo yêu cầu của cô…. Tôi thực sự kính phục lòng dũng cảm và tinh thần đó.

“Vật vã đến nửa đêm, tôi rất mệt, cô ấy để lại cho tôi địa chỉ của hai người bạn, cô nói rằng họ không dùng điện thoại, chỉ có thể đến nhà tìm. Sau đó tôi về nghỉ ngơi. Khi tôi trở lại vào sáng hôm sau, cô ấy đã qua đời, cô đã qua đời một cách thanh thản".

Luật sư nhân quyền người Canada David Matas làm chứng tại phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về cưỡng bức mổ cướp nội tạng. (Lisa Fan/ The Epoch Times)

Sau đây là chia sẻ của ông David Matas về lời chứng trước lúc ra đi của nạn nhân Trương Tú Cầm:

Bằng chứng trực quan mang lại hiệu quả truyền thông tốt hơn các con số, dữ liệu

- Phóng viên: Khi ngài đọc được bằng chứng mới nhất về nạn thu hoạch nội tạng sống do WOIPFG công bố vào ngày 17/7 (lời làm chứng trước lúc lâm chung của nạn nhân Trương Tú Cầm), với tư cách là tác giả đầu tiên trên thế giới công bố báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng sống (năm 2006), ngài có muốn nói điều gì không? Theo ngài, lời làm chứng này có ý nghĩa gì đặc biệt?

- Luật sư David Matas: Lời làm chứng lúc lâm chung này cho thấy nạn thu hoạch nội tạng sống thực sự có tồn tại và nó vẫn đang tiếp diễn, hơn nữa số lượng cũng rất lớn. Tất nhiên, chính quyền Trung Quốc luôn phủ nhận điều này và nói rằng việc mổ cướp nội tạng là bịa đặt. Họ cũng chưa bao giờ thừa nhận hành vi mổ cắp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Họ từng một lần thừa nhận rằng đã lấy nội tạng từ các tử tù, nhưng hiện giờ họ lại không thừa nhận điều đó.

Bằng chứng chúng ta thấy hôm nay đã nói rõ rằng, việc mổ cướp nội tạng bất hợp pháp đã và đang tiếp diễn. Một trong những vấn đề chúng ta gặp phải khi truyền đạt chứng cứ cho mọi người là nó chủ yếu dựa trên số liệu thống kê. Rất ít người có thể thực sự làm chứng cho những số liệu này, vì không có nhân chứng bên ngoài, chỉ có kẻ gây ra chuyện này và nạn nhân.

Xác thực là đã có một bác sĩ thừa nhận từng làm việc này (mổ cướp tạng), nhưng không có nhiều bác sĩ đứng ra làm chứng. Những hồ sơ ghi chép lại đều là nội bộ. Quả thực chúng tôi đã thu thập được một số hồ sơ từ nội bộ ĐCSTQ, họ đã ban bố rất nhiều dữ liệu, nhưng đôi khi sau đó họ lại xóa dữ liệu.

Nạn nhân thì bị giết, thi thể thì bị hỏa táng, cho nên đương nhiên nạn nhân không thể lên tiếng và cũng không có thi thể để khám nghiệm tử thi. Chúng tôi biết có những trường hợp, người trong cuộc bị đe dọa, nhưng sau đó có thể thoát thân và không bị đưa lên bàn mổ.

Nhưng những trường hợp như thế này (ý chỉ đoạn băng ghi lời trăng trối của bà Trương Tú Cầm) là rất hiếm, nó cho chúng ta biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Nó cũng cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về quy trình phẫu thuật và tội ác này đã diễn ra theo cơ chế nào.

Đối với một bộ phận công chúng, những ví dụ trực quan như vậy hiệu quả hơn là một loạt dữ liệu, vì dữ liệu mất nhiều thời gian để đọc mà hiệu quả truyền thông không tốt bằng ví dụ thực tế. Trường hợp này thực sự quá bi thảm, nhưng từ góc độ làm bằng chứng thì nó rất hữu ích.

Hôm 16/05/2019, các học viên Pháp Luân Công diễu hành qua Manhattan, Mỹ để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới 13/5, và nâng cao nhận thức về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức tàn ác ở Trung Quốc. Nội dung tấm bảng là "Trung Quốc: Hãy ngừng tàn sát người để lấy nội tạng". (Ảnh: Edward Dye/The Epoch Times)

- Phóng viên: Khi nghe lời khai của nạn nhân bị mổ sống, ngài có cảm thấy sốc không?

- Luật sư David Matas: Tôi biết rằng việc thu hoạch tạng sống vẫn đang diễn ra. Đối với tôi, trường hợp này là một tin tức, nhưng nạn thu hoạch tạng sống đang xảy ra kia lại không phải là tin tức mới đối với tôi. Nó thực sự kinh hoàng, làm người ta cảm thấy ớn lạnh.

Mặt khác, tôi đến từ cộng đồng Do Thái cho nên rất quen thuộc với cuộc đại thảm sát chống lại người Do Thái trong lịch sử. Điều này khiến tôi nhận ra rằng nhân tính có thể sa đoạ tới như thế nào. Những điều khủng khiếp đang xảy ra, đó là thực tế. Chúng ta không thể phủ nhận nó, cũng không thể giả vờ nhắm mắt làm ngơ.

Tôi nghĩ, khi thấy những trường hợp như vậy bị phanh phui, điều chúng ta nên làm là hành động để thực sự ngăn chặn và cứu giúp những thảm kịch tương tự. Chắc hẳn sẽ luôn có những người mang thái độ hoài nghi, và sẽ luôn có những người quá bận rộn hoặc thờ ơ. Giờ đây, minh chứng rành rành này sẽ giúp nhiều người hơn nữa đứng lên và hành động chống lại sự tàn ác này.

Hầu như mọi người thấy khó tin vào nạn thu hoạch tạng, vì nó quá kinh khủng

- Phóng viên: Khi ngài đến các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Quốc hội các nước, để nói với mọi người sự thật về nạn mổ cướp nội tạng sống, ngài đã nhận được những phản hồi như thế nào? Có ai phủ nhận sự tồn tại của nạn thu hoạch nội tạng sống không?

- Luật sư David Matas: Mọi người không lập tức phủ nhận. Tất nhiên, ĐCSTQ phủ nhận điều này, nhưng sự phủ nhận của họ là lời nói nhảm không có trọng lượng. Không một nhà nghiên cứu độc lập nào phủ nhận sự thực rằng mổ cướp nội tạng có xảy ra.

Một tòa án độc lập đã tiến hành nghiên cứu độc lập, hoàn toàn độc lập với những gì tôi đã làm, và tôi chỉ là một nhân chứng trong nghiên cứu của họ. Họ kết luận rằng, chắc chắn việc thu hoạch tạng sống đang diễn ra. Một số nhà nghiên cứu khác cũng đã nghiên cứu về vấn đề này, chẳng hạn như Matthew Robertson và Torres Strait.

Vào ngày 6 và 7 tháng 4 năm 2019, ‘Tòa án Nhân dân Độc lập’ ở London đã mở trở lại để nghe lời khai về vụ mổ cướp nội tạng sống quy mô lớn của ĐCSTQ đối với các tù nhân lương tâm. Ở giữa bức ảnh là chủ tọa phiên tòa, Ngài Geoffrey Nice. (Ảnh: Simon Gross/ Epochtimes)
Vào ngày 6/4 và 7/4 năm 2019, ‘Tòa án Nhân dân Độc lập’ (China Tribunal) ở London đã mở trở lại để nghe lời khai về vụ mổ cướp nội tạng sống quy mô lớn của ĐCSTQ đối với các tù nhân lương tâm. Ở giữa bức ảnh là chủ tọa phiên tòa, Ngài Geoffrey Nice. (Ảnh: Simon Gross/ The Epoch Times)

Tôi muốn nói rằng, mọi người không phản bác rằng điều đó không thực sự xảy ra. Thực tế là mọi người không biết gì về nó, và khi họ được nói rằng điều này đang xảy ra mà không có bất kỳ bằng chứng nào, họ sẽ cảm thấy khó tin vì nó quá kinh khủng. Trên thực tế, có một bộ phim tài liệu tên là Hard to Believe” (tạm dịch: Khó mà tin nổi) nói về điều này.

Điều tôi thực sự muốn nói là những hành động tàn bạo quy mô lớn đang xảy ra ở nhiều quốc gia và thường xuyên xảy ra trên toàn thế giới. Nhưng hình thức giết hại hàng loạt tù nhân lương tâm này để cướp nội tạng của họ có thể khiến những người không biết về vấn nạn này không dám tin.

Việc phát minh ra cấy ghép nội tạng vốn được coi là phúc lợi của nhân loại, và mục đích ban đầu của nó là tạo phúc cho nhân loại, chứ không phải để [sát hại]. Nó không giống như một loại súng máy kiểu mới mà mọi người liên tưởng đến [giết người hàng loạt]. Mọi người không thể tưởng tượng nổi mối liên hệ giữa sự tiến bộ của kỹ thuật ghép tạng với sự tàn sát.

Vì vậy, lực cản chủ yếu đến từ khía cạnh này. Nhưng bất cứ ai chỉ cần ngồi xuống và đọc kỹ báo cáo nghiên cứu đều sẽ không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng vấn đề chính là “tính cô lập" ở bề mặt của sự việc. Mọi người quan tâm đến những gì đang xảy ra trước mắt họ hơn là những gì đang xảy ra ở một châu lục khác, ở một nền văn hóa khác với ngôn ngữ khác.

Khi chúng ta đối diện với các vi phạm nhân quyền trên phạm vi quốc tế, một vấn đề phổ biến là nó sẽ rất khó thu hút mọi người tham gia vào nếu các hành vi tàn bạo đó không có sự liên quan thiết thân nào với họ. Không phải người ta không tin chứng cứ, chẳng qua họ cảm thấy đó là chuyện của người khác, không liên quan đến họ, họ cũng không thể làm gì được.

Một khi hành vi xâm phạm nhân quyền bị xem nhẹ, chúng sẽ lan rộng ra

- Luật sư David Matas: Vì vậy, ngày nay, chúng ta thấy có ​​nhiều nạn nhân của vấn nạn vi phạm nhân quyền hơn trước kia, chẳng hạn như cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.

Kết quả là, hệ thống thu hoạch nội tạng của Trung Quốc, hệ thống công nghiệp hóa của nó đang chuyển sang các nguồn nội tạng mới để duy trì hoạt động của ngành cấy ghép nội tạng. Một ngày nào đó khi nguồn nội tạng của người Duy Ngô Nhĩ cạn kiệt, chắc chắn họ sẽ chuyển sang những nạn nhân mới.

Khi người Duy Ngô Nhĩ thấy nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra trong cộng đồng của họ, họ càng lo ngại hơn về những tội ác mà trước kia chỉ xảy ra với Pháp Luân Công. Tới khi ngành cấy ghép tạng của ĐCSTQ lấy bạn ra làm nguồn nội tạng thì đã quá muộn. Thời điểm tốt nhất để đối phó với vấn đề này là khi bạn vẫn còn khả năng đối phó, đáng tiếc là không dễ để mọi người hiểu được điều này.

Một người biểu tình đeo mặt nạ sơn màu cờ Đông Turkestan (tên gọi Tân Cương của những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong) với bàn tay bịt miệng là cờ của ĐCSTQ, tham gia cuộc biểu tình nhằm ủng hộ cộng đồng Duy Ngô Nhĩ vào ngày 1/4/2021 tại Quảng trường Bayazit ở Istanbul. (Ảnh: Ozan Kose/AFP/Getty Images)

Cảnh sát và bác sĩ Trung Quốc trở thành tay sai cho chính quyền

- Phóng viên: Trong lời làm chứng của bà Trương Tú Cầm có đề cập rằng lính canh của trại tạm giam và nhà tù biết rằng họ nhất định sẽ chết nên không coi họ như con người và tra tấn họ bằng mọi cách có thể, thậm chí lạm dụng tình dục họ. Ngài cho rằng điều gì đã biến những cảnh sát và bác sĩ này thành những kẻ cưỡng hiếp và giết người?

- Luật sư David Matas: Thái độ ban đầu của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công là khuyến khích [ủng hộ], vì Pháp Luân Công giúp cải thiện sức khỏe của người dân và tiết kiệm chi phí y tế cho chính phủ. Các học viên Pháp Luân Công có khắp nơi trong nội bộ ĐCSTQ, các đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài. Các quan chức của ĐCSTQ cũng tu luyện Pháp Luân Công. Kết quả là số người tập luyện Pháp Luân Công đã nhanh chóng tăng lên hàng chục triệu người. ĐCSTQ chỉ có 60 triệu đảng viên. Vì vậy, ĐCSTQ bắt đầu lo sợ về số lượng và mức độ phổ biến của Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công không phải là đoàn thể chính trị, và tất nhiên tư tưởng của môn này không tương thích với tư tưởng của ĐCSTQ. Pháp Luân Công bắt nguồn từ các truyền thống Trung Quốc lâu đời. Trong khi hệ tư tưởng mà ĐCSTQ theo đuổi là du nhập từ phương Tây. Pháp Luân Công là tin vào Thần, trong khi ĐCSTQ là vô Thần. ĐCSTQ sợ rằng một khi Pháp Luân Công quá được [dân chúng] đón nhận, nó sẽ không thể kiểm soát tinh thần của người dân.

Nội bộ ĐCSTQ từng có những cuộc tranh luận gay gắt, và cuối cùng ý kiến đàn áp Pháp Luân Công đã thắng thế. Khi tuyên bố cấm Pháp Luân Công lần đầu tiên được ban hành, đã không có lý do nào được đưa ra. ĐCSTQ ngây ngô và ngang tàn cho rằng chỉ cần họ muốn làm điều gì thì nhất định sẽ làm được.

Nhưng người dân không phục tùng, họ không hiểu tại sao phải đàn áp một môn công pháp rèn luyện thân thể, mọi người bắt đầu kháng nghị và phản đối. Lúc này, ĐCSTQ đã thay đổi giọng điệu và bắt đầu phỉ báng Pháp Luân Công. Những người hiểu biết về Pháp Luân Công đương nhiên không tin điều đó, nhưng lính canh trong tù và những người trong hệ thống của ĐCSTQ lại tin, dẫn đến việc những người này không đối đãi với các học viên Pháp Luân Công như con người. Qua trường hợp của bà Trương Tú Cầm, chúng ta đã thấy rõ điểm này.

Mặc dù đây là một trường hợp đơn lẻ, nhưng nó mang tính đại diện. Tôi đã tiếp xúc với nhiều học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc và sau đó chạy thoát ra nước ngoài. Tất cả họ đều đề cập đến những người trong hệ thống của ĐCSTQ và các cai ngục không đối xử với các học viên như con người. Đây là bầu không khí bên trong ĐCSTQ.

AUSTRIA-CHINA-DEMO-ORGANS
Các học viên Pháp Luân Công diễn lại khung cảnh tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ tại Áo. (Getty Images)

Có thể áp dụng những luật quốc tế nào để giúp đỡ các nạn nhân?

- Luật sư David Matas: Cộng đồng quốc tế nên thiết lập các cơ chế để giúp các nạn nhân xoay chuyển tình hình. Luật hiện hành dĩ nhiên cũng tốt, nhưng để có hiệu lực thì phải bổ sung cơ chế báo cáo bắt buộc.

Pháp luật hiện hành nghiêm cấm mọi người tham gia lấy, ghép tạng trái phép, nhưng với tư cách là một bệnh nhân đơn lẻ (người nhận tạng), không ai biết người ta đã làm gì mình, ngoại trừ các bác sĩ trong nước tham gia điều trị, và họ sẽ tiêm thuốc chống thải ghép sau khi bệnh nhân trở về.

Nếu muốn luật pháp có hiệu lực thiết thực, cần phải yêu cầu những người trong ngành y tế báo cáo các trường hợp "ra nước ngoài để cấy ghép nội tạng" cho chính phủ của họ. Nếu không, các bác sĩ sẽ không chủ động khai báo do phải tuân thủ quy tắc nghề nghiệp là bảo mật cho bệnh nhân.

Chúng ta cần một hệ thống báo cáo bắt buộc. Hiện tại, hơn 20 quốc gia đã lập ra và ban hành luật chống ghép tạng bất hợp pháp, nhưng chỉ có Đài Loan đồng thời thực hiện cơ chế báo cáo bắt buộc. Điều thú vị là, Đài Loan có lẽ là nơi biết rõ những gì đang diễn ra ở Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Báo cáo bắt buộc không chỉ được báo cáo cho hệ thống y tế mà còn phải công khai dữ liệu tổng thể để chúng ta có thể xem được có bao nhiêu người từ Canada sang Trung Quốc, từ Mỹ sang Trung Quốc để cấy ghép nội tạng, v.v.

Nhưng hiện không thể có được những thống kê này. Hiện tại chúng tôi có thể lấy được một số thông tin cá nhân, chẳng hạn như một bác sĩ nói với bạn rằng có một bệnh nhân ở Trung Quốc, nhưng bạn sẽ không có được dữ liệu tổng hợp chính xác. Nhà đầu tư (bên chi kinh phí hỗ trợ cuộc cấy ghép) có thể yêu cầu họ bắt buộc phải báo cáo. Đây là điều có thể thực hiện được.

Vấn đề này cũng có thể được giải quyết thông qua các phương thức lập pháp khác. Trong luật pháp của nhiều quốc gia có quy định công khai danh sách những kẻ bức hại, để ngăn chặn họ nhập cảnh vào quốc gia đó. Đây là những biện pháp có thể thực thi.

Thu hoạch và cấy ghép nội tạng từ những tù nhân lương tâm đem lại một nguồn thu khổng lồ cho ĐCSTQ... (Ảnh chụp phiên tòa China Tribunal từ Getty Images)

Tôi cho rằng còn một biện pháp khác. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã viết một báo cáo về Tòa án Trung Quốc (China Tribunal, một tòa án nhân dân độc lập chuyên điều tra về nạn mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ), yêu cầu Trung Quốc trả lời về các bằng chứng được đưa ra trong phiên tòa, nhưng Trung Quốc đã không hồi đáp. Tôi nghĩ rằng cần theo sát việc này.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã công bố một báo cáo về Trung Quốc. Nội dung nói về người Duy Ngô Nhĩ nhưng lại không đề cập đến Pháp Luân Công, nhưng tôi cho rằng Cao ủy Nhân quyền hiện tại có thể đang theo dõi điều đó. Về lý thuyết, có thể đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế theo Công ước Diệt chủng (Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Do đó, đây có thể là một biện pháp.

Ngoài ra còn có một luận điểm khác liên quan đến Tòa án Hình sự Quốc tế. Mặc dù Trung Quốc không phải là nước ký kết, nhưng có tiền lệ là nếu nước không ký kết hiệp ước bức hại khiến nạn nhân phải tháo chạy, nạn nhân có thể khởi kiện quốc gia đó. Bởi vì nạn nhân sẽ chạy sang nước thành viên tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế và chính quyền nước đó sẽ can thiệp. Đây cũng có thể là một biện pháp khác.

Tôi nghĩ chúng ta cần thử mọi cách và làm mọi cách để thu hút nhiều người hơn nữa chú ý tới vấn đề này. Biện pháp nào cũng có hạn chế của nó. Kể từ khi những luật này được thông qua, theo như tôi biết thì chưa có vụ khởi tố nào. Vì vậy, dù có tiến bộ nhưng chúng không phải là giải pháp hoàn chỉnh. Tôi cho rằng chúng ta cần có nhiều đạo đức hơn nữa từ ngành y, đạo đức từ các trường đại học, bệnh viện và trung tâm đào tạo. Chúng ta đã có nhiều hành động, nhưng vẫn còn nhiều điều hơn nữa có thể làm. Chỉ cần chúng ta tiếp tục cố gắng.

Khi giao dịch với ĐCSTQ, 'bạn thực sự đang giao dịch với một tổ chức tội phạm'

- Phóng viên: Cuộc bức hại tới nay đã kéo dài 24 năm và hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị bức hại. Trong một thời gian dài như vậy, cuộc bức hại vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc. Hơn nữa, như ngài đã đề cập trước đây, cuộc đàn áp (bao gồm cả thu hoạch nội tạng sống) đã mở rộng đến người Duy Ngô Nhĩ, gần đây, nhiều sinh viên đại học và thanh niên ở Trung Quốc đã biến mất một cách khó hiểu. Tại sao nhân loại lại cho phép những tội ác chống lại loài người như vậy được tồn tại? Chúng ta nên rút ra những bài học gì từ lịch sử? Cộng đồng quốc tế nên làm gì?

- Luật sư David Matas: Tôi nghĩ chúng ta nên hành động nhiều nhất có thể. Đây nên là một vấn đề được liên tục quan tâm. Tôi nghĩ rằng không nên dùng lợi ích chính trị hay kinh tế để đánh đổi và che đậy những tội ác này. Và tôi nghĩ những tội ác này đã thẩm thấu vào toàn bộ hệ thống của Trung Quốc.

Một ví dụ rất rõ ràng là Ủy ban Đầu tư Kế hoạch Hưu trí Canada có những khoản đầu tư rất lớn vào Trung Quốc, đáng ra họ không nên đầu tư vào Trung Quốc. Tôi nghĩ đó không phải là một khoản đầu tư tốt về mặt tài chính. [Chế độ] Trung Quốc là một hố đen, không thích hợp để đầu tư.

Giống như Tòa án Trung Quốc (China Tribunal) đã nói, khi bạn giao dịch với [chế độ] Trung Quốc, bạn thực sự đang giao dịch với một tổ chức tội phạm. Hầu hết mọi người không nhận ra điều này. Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm vậy. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang qua lại với một người thẳng thắn, ngay thẳng hoặc trung thực, thực ra chúng ta đang tự lừa mình dối người, có khả năng tự làm tổn hại chính mình.

Các vấn đề của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Trung Quốc đang thâm nhập vào nước ngoài, can thiệp vào Canada và nhiều quốc gia khác. Nạn nhân thường không chỉ giới hạn ở các cựu công dân Trung Quốc hoặc người gốc Hoa, mà trải rộng khắp các đối tượng. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta không nên tự lừa dối mình, phải giải quyết thỏa đáng các vấn đề với Trung Quốc.

'Vấn đề không phải của ai khác, nó liên quan đến mỗi chúng ta'

- Phóng viên: Hiện nay có 416 triệu người đã lựa chọn thoái xuất khỏi ĐCSTQ, nhiều nhà bình luận chính trị nói rằng ĐCSTQ sắp sụp đổ. Ngài nghĩ sao về điều này?

- Luật sư David Matas: Quan điểm của tôi là đừng dự đoán tương lai, mà là hãy tạo ra tương lai. Trong hàng chục năm tham gia sự nghiệp nhân quyền, tôi đã chứng kiến ​​những chế độ xâm phạm nhân quyền sụp đổ, đó dường như là những chính quyền không thể bị xuyên thủng nhưng đã sụp đổ chỉ sau một đêm hoặc rất nhanh chóng. Tôi đã chứng kiến ​​sự sụp đổ của toàn bộ Đông Âu và Liên Xô.

Còn có nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, tôi đã tham gia vào phong trào chống phân biệt chủng tộc, tôi đã tiếp xúc với nhiều chính quyền độc tài quân sự ở Mỹ Latinh, và tôi đã thử giải quyết một số vấn đề. Tôi nhớ mình từng đến Chile để quan sát cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, những chính quyền này về cơ bản đều là những chính quyền do các nạn nhân lập nên, bao gồm những người trong và ngoài thể chế. Theo thời gian, những người bên ngoài thể chế trở thành người bên trong, họ không muốn tiếp tục cuộc bức hại vì chính họ đã từng là nạn nhân.

Vì vậy, đó là xu hướng tất yếu và có thể xảy ra vô cùng nhanh. Ví dụ, tại một hội nghị mà tôi tham dự gần đây, có người đã đề cập đến sự thức tỉnh của công chúng. Ví như có một người trèo tường, nhảy qua hàng rào, bắt đầu đình công, và rồi cả chế độ sụp đổ. Có một số điều có thể xảy ra rất nhanh, chẳng hạn như các vụ hỏa hoạn trong đại dịch COVID đã giết chết rất nhiều người. Khi đó, đảng chính trị [ở Trung Quốc] đã phải thay đổi chính sách COVID vì nó khiến mọi người trở thành nạn nhân.

Ngay cả ở Trung Quốc, một số người có thể nói rằng đó là việc của Pháp Luân Công, đó là việc của người Duy Ngô Nhĩ, không liên quan gì đến chúng tôi. Nhưng cuối cùng họ sẽ nhận ra rằng vấn đề không phải của ai khác, nó liên quan đến mỗi chúng ta. Khi đó chế độ sẽ sụp đổ. Nhưng tôi nghĩ công việc của chúng ta là gắng hết sức đẩy nhanh quá trình này.

Ngăn chặn mổ cướp tạng 'chắc chắn là một sự nghiệp đáng để nỗ lực theo đuổi'

- Phóng viên: Cuối cùng, ngài có muốn nói vài lời với các học viên Pháp Luân Công không? Trong 24 năm qua, họ không ngừng nói với mọi người những gì đang thực sự xảy ra, họ mạo hiểm mọi thứ và thậm chí cả mạng sống của mình, dù cho đang ở Trung Quốc hay nước ngoài.

- Luật sư David Matas: Tôi muốn nói rằng, tôi có thể thấy được tác động của những cuộc kháng nghị này. Tôi không phải là một người tu luyện [Pháp Luân Công], tôi là một luật sư ở Winnipeg. Tôi có thể thấy rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công là sai trái và bất công, nhưng tôi chỉ là một tiếng nói. Tuy nhiên, khi có một lượng lớn người trên khắp thế giới kiên trì bền bỉ đứng lên và nói lặp đi lặp lại những điều này, chúng ta sẽ thấy kết quả.

Nhờ sự kiên trì trên mà hiện nay đã có một hiệp ước của Nghị viện Châu Âu, đó là Công ước về Cấm Buôn bán Nội tạng Con người. Cũng chính vì những hành động bền bỉ đó mà hiện có 20 quốc gia đã ban hành luật chống tham gia thu hoạch nội tạng sống.

Cuộc bức hại thật khủng khiếp, nhưng những sự kiên trì bền bỉ này đang làm nên lịch sử, lịch sử về cách ngăn chặn và khắc phục cuộc bức hại kiểu này. Điều này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các học viên Pháp Luân Công mà còn cho toàn nhân loại. Đây chắc chắn là một sự nghiệp đáng để nỗ lực theo đuổi.

Cần tạo ra một hệ thống ngăn chặn lạm dụng ghép tạng

- Phóng viên: Là một luật sư nhân quyền, ngài có nghĩ rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công có quan hệ đến toàn thế giới không?

- Luật sư David Matas: Thông thường, chúng ta thấy rằng các công nghệ mới [ra đời], không chỉ là công nghệ cấy ghép nội tạng, ban đầu chúng được phát triển cho một mục đích cụ thể và sau đó bị lạm dụng. Những người phát triển công nghệ đã không lường trước được rằng nó sẽ được sử dụng vào các cuộc đại thảm sát... Thời xưa có công nghệ mới như micrô, radio, xe lửa, xe tăng, khí độc, v.v. Toàn bộ các thiết bị hiện đại bao gồm cả súng máy đã giúp cho việc tàn sát hàng loạt trở nên khả thi hơn.

Hiện nay, Internet và phương tiện truyền thông xã hội cũng lại như thế. Chúng ta thấy các hành vi lạm dụng như can thiệp bầu cử, kích động thù hận, lừa gạt, lừa đảo mạng, v.v. Những người phát triển Internet không làm ra Internet vì những mục đích này. Về mặt đạo đức, các công nghệ mới đều là trung lập, các nhà phát triển không làm gì để ngăn chúng bị lạm dụng, thế rồi mọi người sử dụng chúng cho những mục đích không chính đáng, điều này thật đáng sợ. Chúng ta luôn cố gắng theo kịp những công nghệ mới này.

Và đó là những gì chúng ta đang thấy trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng, bản thân việc cấy ghép nội tạng có lợi, nhưng nó lại bị lạm dụng. Các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân, nhưng [trường hợp của họ] cũng là để cảnh báo nhân loại. Những nỗ lực của họ nhằm tạo ra một hệ thống ngăn chặn lạm dụng [ghép tạng] sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các học viên Pháp Luân Công mà còn cho toàn nhân loại.

- Phóng viên: Vâng, hôm nay chúng tôi chỉ có những câu hỏi trên. Ngài có muốn bổ sung gì không?

- Luật sư David Matas: Tôi có thể nói đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ. Tôi đã ở trong lĩnh vực này 17 năm và tôi sẽ không dừng lại.

- Phóng viên: Vậy kế hoạch tiếp theo của ngài là gì?

- Luật sư David Matas: Tôi dành phần lớn thời gian để nói và viết về chủ đề này. Tôi vừa đến Vương quốc Anh, phát biểu tại một sự kiện ở House of Lords (Thượng Nghị viện của Anh), gần đây là diễn thuyết tại một cuộc mít tinh gần Phủ Thủ tướng ở Phố Downing, và có một số bài phát biểu khác tại một hội nghị và hội thảo giáo dục. Vào tháng 8, tôi sẽ tham dự một hội nghị về đạo đức sinh học ở Latvia. Sang tháng 9, tôi sẽ tham dự một hội nghị ở Ba Lan về vấn đề này. Tôi sẽ tiếp tục nói nhiều nhất có thể và viết nhiều nhất có thể trong khả năng của mình.

Luật sư David Matas được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2010

Theo thông tin công khai, ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada gốc Do Thái, 79 tuổi, đã được trao Huân chương Canada năm 2008 và Giải thưởng Nhân quyền của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế năm 2009. Tháng 11/2009, ông được chính phủ Canada bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Phát triển Dân chủ và Nhân quyền Quốc tế.

Năm 2009, Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (IGFM) đã trao Giải thưởng Nhân quyền cho Luật sư David Matas và ông David Kilgour – cựu Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của Quốc hội Canada, trước những nỗ lực của họ trong việc điều tra về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm. Năm 2010, hai ông đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình.

Ngày 6/7/2006, sau hai tháng thu thập và phân tích chứng cứ, ông David Kilgour và ông David Matas đã phát hành một bản báo cáo điều tra độc lập có tên “Report into Allegations of Organ Harvesting of Falun Gong Practitioners in China” (tạm dịch: Báo cáo về Cáo buộc Mổ cướp Nội tạng của Học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc).

Giang Trạch Dân chết, Giang Trạch Dân qua đời ở tuổi 96 ngày 30/11/2022, đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công, Pháp Luân Đại Pháp bị đàn áp thảm khốc, Pháp Luân Công là gì, biểu tình ủng hộ Pháp Luân Công, thỉnh nguyện hòa bình chống đàn áp Pháp Luân Công, các nạn nhân của ĐCSTQ, nạn mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công và người có đức tin, thu hoạch nội tạng bán giá cao, cấy ghép tạng
Cựu Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của Canada, ông David Kilgour, trình bày một báo cáo sửa đổi về nạn mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trên Đồi Quốc hội ở Ottawa, Canada, ngày 31/01/2007. Đồng tác giả của báo cáo - luật sư nhân quyền David Matas - đứng lắng nghe ở phía sau. (Ảnh: The Epoch Times)

Báo cáo chỉ ra rằng, thảm kịch mổ cướp nội tạng quy mô lớn đang xảy ra tại Trung Quốc, và những cáo buộc về mổ cướp nội tạng có hệ thống nhắm vào các học viên Pháp Luân Công là chân thực. Báo cáo cũng đề cập rằng, cuộc đàn áp các nạn nhân vô tội ở Trung Quốc là do chính phủ lãnh đạo và là một tội ác chưa từng có trên thế giới này.

Vào ngày 31/1/2007, hai ông đã công bố phiên bản sửa đổi của báo cáo và đưa ra nhiều bằng chứng hơn.

Một trong những nhân chứng là vợ cũ của một bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Tô Gia Đồn ở Thẩm Dương. Bà nói rằng chồng bà đã đích thân lấy giác mạc của khoảng 2.000 học viên Pháp Luân Công trong hai năm trước tháng 10/2003; trong một số ít trường hợp, từ khi tử vong tới trước lúc hỏa táng, người nhà của các học viên Pháp Luân Công đã nhìn thấy thi thể không vẹn toàn của người thân mình, các cơ quan nội tạng đã bị lấy đi.

Bác sỹ Wang Wenyi đang trao đổi với một người phụ nữ có tên là "Annie" - cô đã đứng ra phanh phui tội ác mổ cướp nội tạng mà chồng cô đã phạm phải đối với các học viên Pháp Luân Công thời còn ở Trung Quốc trong một cuộc họp báo ở Arlington, Virginia vào ngày 26/04/2006.
Bác sỹ Wang Wenyi (giữa) đang trao đổi với một người phụ nữ có tên là "Annie" - cô đã đứng ra phanh phui tội ác mổ cướp nội tạng mà chồng cô đã phạm phải đối với các học viên Pháp Luân Công thời còn ở Trung Quốc, trong một cuộc họp báo ở Arlington, Virginia, Mỹ vào ngày 26/04/2006. (Getty Images)

Ngoài ra, các điều tra viên qua điện thoại đã đóng vai người cần cấy ghép nội tạng hoặc tìm nội tạng giúp người thân, và gọi điện đến các bệnh viện trên khắp Trung Quốc để điều tra. Nhân viên bệnh viện tuyên bố rằng nguồn nội tạng của họ là từ các học viên Pháp Luân Công (có các đoạn ghi âm để chứng minh điều này).

Các phim tài liệu về nạn mổ cướp tạng

Năm 2015, bộ phim tài liệu "Human Harvest" (tạm dịch: Thu hoạch Nhân thể) của đạo diễn người Canada gốc Hoa Leon Lee (Li Yunxiang, Lý Vân Tường) đã giành được Giải thưởng Peabody của năm và Giải thưởng Phim tài liệu Điều tra Quốc tế AIB của Mỹ. Bộ phim này ghi lại cuộc điều tra độc lập của Luật sư David Matas và cựu quan chức Canada David Kilgour về nạn thu hoạch nội tạng sống.

Giải thưởng George Foster Peabody danh giá được thành lập vào năm 1940 nhằm công nhận những thành tích và tài năng xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất chương trình phát sóng và truyền thông. Đây là một trong những giải thưởng danh giá nhất và đáng mơ ước trong ngành. Người thắng cuộc phải nhận được sự nhất trí của tất cả 17 thành viên của Hội đồng Hội thẩm Peabody, do đó mà giải thưởng này trở thành một trong những giải khó đạt được nhất. Những nhà sản xuất đạt giải trước đó bao gồm CNN, PBS Frontline, NPR, và HBO.

Nhà làm phim Leon Lee chia sẻ: “Đạt được giải Peabody là một vinh dự lớn và là điểm nhấn trong sự nghiệp của tôi cho đến nay”. “Tôi hy vọng rằng sự quan tâm chú ý mà bộ phim nhận được có thể giúp phơi bày tội ác mổ cướp nội tạng khủng khiếp”.

(Trailer bộ phim tài liệu đoạt giải Peabody - "Thu hoạch Nhân thể")

(Bản Full phim tài liệu đoạt giải Peabody - “Thu hoạch Nhân thể”)

Cùng năm đó, Đài truyền hình công cộng PBS của Hoa Kỳ cũng cho ra mắt bộ phim tài liệu “Hard to Believe” (tạm dịch: Khó mà tin nổi). Thông qua cuộc điều tra của nhiều chuyên gia, bộ phim đã tiết lộ chuỗi công nghiệp mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, họ lấy gan, thận, giác mạc, tim… từ các học viên Pháp Luân Công còn sống. Bộ phim đã giành được 11 giải thưởng từ 5 cuộc thi phim tài liệu quốc tế vào năm 2015 và 2016.

(Bản Full phim tài liệu đoạt giải “Hard to Believe”)

Theo Vision Times

Minh An và Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Xuất hiện ‘bằng chứng thép’ về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, luật sư nhân quyền nói gì?