Hội đàm Ngoại trưởng Mỹ-Nga: không có đột phá  

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (21/1), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Geneva như một phần trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao và ngăn cản cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Đây là cuộc hội đàm mới nhất trong một loạt các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước trong hơn một tuần qua nhằm giải quyết vấn đề Nga điều động khoảng 100.000 quân dọc theo biên giới với Ukraine, The Epoch Times đưa tin.

Bắt đầu cuộc đàm phán, cả hai nGoại trưởng đều cho biết, họ không mong đợi một "bước đột phá" trong các cuộc đàm phán, và dường như cả hai bên đều kiên định với lập trường của mình.

Cuộc họp kéo dài 90 phút được ông Blinken mô tả cuộc trao đổi là "thẳng thắn" và "hữu ích."

Ông Blinken nói: “Tôi tin rằng Ngoại trưởng Lavrov hiện đã hiểu rõ hơn về lập trường của chúng tôi và ngược lại. Cuộc thảo luận hôm nay rất hữu ích và đó chính là lý do chúng tôi gặp nhau”.

Nga phủ nhận ý định xâm lược Ukraine nhưng đã đưa ra một danh sách yêu cầu đối với NATO, bao gồm việc cam kết không kết nạp Ukraine vào khối.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga mong đợi “câu trả lời cụ thể cho các đề xuất cụ thể của chúng tôi” tại cuộc họp và nói thêm rằng “không một quốc gia nào có thể tăng cường an ninh của mình dựa trên phí tổn của một quốc gia khác”.

Ngoại trưởng Lavrov sau đó gọi các cuộc đàm phán là “mang tính xây dựng và hữu ích”. Đồng thời, ông cho biết Hoa Kỳ, đồng ý đưa ra các phản hồi bằng văn bản đối với các yêu cầu của Nga về vấn đề Ukraine và NATO vào tuần tới.

Hoa Kỳ vẫn khẳng định rằng, mặc dù khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần là không xảy ra, nhưng việc quyết định liệu quốc gia này có tham gia NATO hay không là quyết định chung của Ukraine và các quốc gia thành viên NATO.

Ngoại trưởng Blinken nói rằng, ông đã nhắc lại lập trường đó với người đồng cấp Lavrov trong cuộc họp.

“Tôi đã nói rõ với Bộ trưởng Lavrov rằng có một số vấn đề và nguyên tắc cơ bản mà Hoa Kỳ cũng như các đối tác và đồng minh cam kết bảo vệ. Điều đó bao gồm việc cản trở chủ quyền của người dân Ukraine. Điều này không thể bàn cãi. Không thể", ông Blinken cho biết.

Các quan chức Mỹ đã và đang nỗ lực để đảm bảo một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh của mình ở châu Âu nhằm đưa ra biện pháp trừng phạt nếu Nga tiến hành xâm lược Ukraine. Ông Blinken đã gặp các bộ trưởng từ Anh, Pháp và Đức tại Berlin vào ngày 20/1 trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov.

Ngoại trưởng Mỹ hôm thứ Sáu (20/1) nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ rằng, việc theo đuổi con đường ngoại giao hoặc việc lựa chọn một trong những hậu quả “nghiêm trọng” hoàn toàn phụ thuộc vào Nga.

Ông nói: “Đó là lựa chọn mà Nga phải đối mặt hiện nay. Nước này có thể chọn con đường ngoại giao có thể dẫn đến hòa bình và an ninh, hoặc con đường chỉ dẫn đến xung đột, đem lại hậu quả nghiêm trọng và bị quốc tế lên án. Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác ở châu Âu sẵn sàng gặp Nga trên con đường Nga lựa chọn”.

Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã đưa ra các tuyên bố cáo buộc Nga phát tán "thông tin sai lệch" nhằm gây bất ổn định cho Ukraine.

Cơ quan này cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với 4 cá nhân có liên quan đến “các hoạt động gây ảnh hưởng do cơ quan tình báo Nga chỉ đạo đang diễn ra”.

Ông Lavrov dường như bác bỏ hoàn toàn. Ông nói, "Tôi hy vọng rằng không phải tất cả mọi người trong Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc trên các tài liệu đó và có một số người đang làm việc với các đề xuất của chúng tôi".

Theo BBC, phát biểu sau cuộc hội đàm, ông Blinken cho biết, Mỹ đã sẵn sàng theo đuổi các biện pháp khả thi để giải quyết các mối quan ngại của Nga trên tinh thần có đi có lại.

Trước đó, các nhà phân tích cho rằng điều này có thể bao gồm sự minh bạch hơn về các cuộc tập trận quân sự trong khu vực hoặc khôi phục các hạn chế đối với tên lửa ở châu Âu. Những quy tắc này trước đây đã được đặt ra trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh mà Mỹ đã loại bỏ vào năm 2019, sau khi cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận.

Ông Blinken cũng kêu gọi Nga dừng hành động mà ông gọi là hành động gây hấn đối với Ukraine, nói rằng việc xây dựng quân đội giúp nước này có khả năng tấn công Ukraine từ phía Nam, phía Đông và phía Bắc.

Ông nói rằng, theo kinh nghiệm, Mỹ biết rằng, Moscow, quốc gia sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine vào năm 2014, có một "lịch sử sâu rộng" về các cách thức phi quân sự nhằm thúc đẩy lợi ích của mình, bao gồm cả các cuộc tấn công mạng.

Ông khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp "hỗ trợ an ninh" cho Ukraine trong những tuần tới. Năm ngoái, Mỹ đã gửi các hệ thống tên lửa dẫn đường chống tăng đến Ukraine, cũng như vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết ,các cuộc đàm phán cũng đã đề cập đến Iran và các cuộc đàm phán về khả năng hạt nhân của nước này. Đây là vấn đề mà ông gọi là một ví dụ về cách Mỹ và Nga có thể hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Về phần mình, ông Lavrov mô tả các cuộc đàm phán là cởi mở và hữu ích nhưng ông cáo buộc NATO đang chống lại Nga. Ông nhắc lại lập trường của Moscow rằng, Nga "chưa bao giờ đe dọa người dân Ukraine" và không có kế hoạch tấn công Ukraine.

Ông cũng cáo buộc chính phủ Ukraine sử dụng "khủng bố nhà nước" chống lại phe nổi dậy ở miền Đông và "phá hoại" các thỏa thuận hòa bình Minsk về cuộc xung đột ở đó.

Ngoại trưởng Nga cho biết Mỹ sẽ gửi "phản hồi bằng văn bản" đối với tất cả các đề xuất của Nga vào tuần tới. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ chỉ nói, Mỹ hy vọng sẽ chia sẻ "mối quan tâm và ý tưởng của họ một cách chi tiết hơn bằng văn bản vào tuần tới".

Nga đã giành quyền kiểm soát Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và khu vực Donbas của Ukraine. Kể từ đó, ​​bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 14.000 người. Khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của phe ly khai do Nga hậu thuẫn.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Hội đàm Ngoại trưởng Mỹ-Nga: không có đột phá