Mỹ: Tiểu bang Utah ban hành luật chống nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiểu bang Utah đã ký thành luật một dự luật chống lại hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng khủng khiếp mà chính quyền Trung Quốc thực hiện. Đây là tiểu bang thứ hai của Hoa Kỳ có hành động lập pháp như vậy.

Kể từ ngày 1/5, việc các nhà cung cấp bảo hiểm y tế chi trả cho các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng được thực hiện ở Trung Quốc hoặc ở bất kỳ quốc gia nào khác mà được biết là đã tham gia hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng, cũng như chi trả cho việc chăm sóc sau các ca phẫu thuật như vậy, đều là bất hợp pháp. Dự luật S.B. 262 đã được nhất trí thông qua ở cả Thượng viện và Hạ viện của tiểu bang, và được Thống đốc tiểu bang Utah Spencer Cox ký vào ngày 14/3.

Texas là tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ nghiên cứu về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc; luật liên quan đã được tiểu bang thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.

Trong nhiều năm, Trung Quốc là một trong những điểm đến chính của bệnh nhân cần ghép tạng, vì các bệnh viện Trung Quốc thường đưa ra thời gian chờ đợi cực kỳ ngắn để có được nội tạng phù hợp. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi ngắn như vậy chỉ có thể đạt được vì ngành cấy ghép của Trung Quốc được cung cấp một ngân hàng nội tạng sống. Theo những phát hiện - được công bố bởi một tòa án nhân dân độc lập ở London vào năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm – trong đó có các học viên Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) – trên “quy mô rất lớn” trong nhiều năm.

Hoạt động thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ là chủ đề được thảo luận tại Trường Y Harvard vào ngày 7/3 vừa qua. Trong sự kiện, một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ đã khóc và hỏi liệu có cách nào để ngăn chặn một cách nhanh chóng hơn nữa nạn thu hoạch tạng hay không.

“Đây là trường hợp khẩn cấp", cô nói. “Chúng ta luôn nói rằng… chúng ta phải rút ra bài học từ lịch sử. Nhưng điều đó vẫn đang xảy ra hết lần này đến lần khác và thậm chí còn tệ hơn”.

Luật sư nhân quyền người Canada David Matas - tác giả của cuốn sách “Bloody Harvest (Thu hoạch đẫm máu)” - từng đề xuất rằng phương Tây cần phải “làm tăng cái giá phải trả về mặt chính trị”.

Theo ông Matas, ĐCSTQ hiện nay đang tính toán rằng “họ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc giết hại hàng loạt học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ, bởi vì điều này không quá gây ồn ào và họ kiếm được rất nhiều tiền”.

Ông Matas nói: “Quý vị [cần] làm tăng cái giá phải trả về mặt chính trị từ bên ngoài Trung Quốc bằng cách nâng cao nhận thức, tiến hành nhiều hơn các cuộc biểu tình, tăng cường luật pháp”. “Hãy làm điều đó nhanh hơn. Hãy làm điều đó sớm. Hãy ưu tiên cho nó. Hãy biến điều này thành một việc quan trọng cần làm".

Vào tháng 1, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế ở Washington, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (Cộng hòa - Louisiana) đã chỉ trích ĐCSTQ vì những hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng của đảng này.

Ông Johnson nói: “Các Phật tử Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức và họ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc thu hoạch nội tạng”.

‘Cuộc diệt chủng’

Bà Maya Mitalipova - giám đốc phòng thí nghiệm tế bào gốc của con người tại Viện Nghiên cứu Y sinh Whitehead của MIT - đã xem bộ phim tài liệu “State Organs (Bí mật Nội tạng Quốc doanh)” tại một buổi chiếu do Câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp tổ chức trong khuôn viên Đại học Harvard vào ngày 7/3. Bộ phim ghi lại tội ác của ĐCSTQ trong nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Bà Mitalipova nói với hãng truyền thông NTD: “Không một nơi nào trên thế giới mà điều này xảy ra”. “Đó là một cuộc diệt chủng. Đó là một cuộc diệt chủng chống lại người Trung Quốc".

Mỹ: Tiểu bang Utah ban hành luật chống nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
Bà Maya Mitalipova - giám đốc phòng thí nghiệm tế bào gốc của con người tại Viện Nghiên cứu Y sinh Whitehead của MIT - tại sự kiện chiếu phim State Organs (Bí mật Nội tạng Quốc doanh), một bộ phim tài liệu nêu bật nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc, tại Đại học Harvard, ở Boston, Massachusetts, Mỹ, ngày 7/3/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Bộ phim tài liệu dài 75 phút, được sản xuất tại Canada vào năm ngoái, xoay quanh việc hai học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc mất tích ngay sau khi ĐCSTQ phát động chiến dịch tiêu diệt môn tu luyện này vào tháng 7/1999.

Pháp Luân Công là môn tu luyện tinh thần với các bài tập nhẹ nhàng, thư thái và các bài giảng đạo đức dựa trên giá trị phổ quát Chân, Thiện, Nhẫn. Theo ước tính chính thức, ngay trước khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc, đã có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học môn tu luyện này.

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác; hàng trăm nghìn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ.

Theo Minghui.org - một trang web tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc đàn áp ở Trung Quốc, vào năm 2023, có 209 trường hợp mới được báo cáo về các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết.

Cô Han Yu - một học viên Pháp Luân Công sống ở New York - cho biết cha cô, cũng là một học viên, đã chết trong một nhà tù ở Trung Quốc. Khi nhìn thấy thi thể của cha mình, cô thấy những vết sẹo và “vết bầm tím khắp mặt của ông”.

Cô kể rằng có những vết khâu từ cổ họng đến bụng của ông, nơi bị nhét đầy “đá cứng”.

Sau khi đọc các báo cáo năm 2007 về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, cô nghi ngờ rằng chính quyền đã thu hoạch nội tạng của cha cô.

Cô nói với The Epoch Times vào ngày 7/3: “Tôi đã khóc suốt đêm cho đến khi kiệt sức”.

Mỹ: Tiểu bang Utah ban hành luật chống nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
(Từ trái sang phải) Nhà điều hành Erping Zhang; nhà sản xuất Cindy Song; cô Han Yu - con gái của nạn nhân bị thu hoạch nội tạng; ông David Matas - luật sư nhân quyền quốc tế, trong một sự kiện về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, tại Đại học Harvard ở Boston, Massachusetts, Mỹ, ngày 7/3/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Ủy ban Điều hành của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) dự kiến tổ chức một phiên điều trần về nạn thu hoạch nội tạng vào ngày 20/3.

“Phiên điều trần này sẽ xem xét, đánh giá các bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng từ người Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Công và tù nhân chính trị bị giam giữ; đánh giá về sự phủ nhận của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] rằng nước này không tham gia hoặc không biết về nạn thu hoạch cấy ghép tạng, và về khẳng định của nước này rằng họ đã ngừng lấy nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết; đồng thời xem xét rộng hơn cách thức mà các cộng đồng nghiên cứu khoa học và y tế giải quyết thông tin có được ngày càng nhiều về nạn thu hoạch nội tạng”, CECC cho biết trong thông báo về phiên điều trần.

Trong số các nhân chứng dự kiến tham dự phiên điều trần có bà Mitalipova và Dân biểu tiểu bang Texas Tom Oliverson - người bảo trợ chính cho dự luật tại Texas mà hiện đã trở thành luật. Luật này cấm các công ty bảo hiểm y tế trong tiểu bang tài trợ cho các ca cấy ghép nội tạng được thực hiện với nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Tiểu bang Utah ban hành luật chống nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ