Tập thể dục cải thiện đáng kể các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lợi ích của việc duy trì hoạt động và tập thể dục đều được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng thói quen vận động đem lại những tác động tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Những người trẻ mắc chứng ADHD thường cảm thấy lo lắng, bốc đồng và không có khả năng tập trung chú ý trong một khoảng thời gian dài.

Hoạt động thể chất đầy đủ có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng phổ biến của ADHD cũng như hỗ trợ sức khỏe tổng thể của não và nhận thức.

Xu hướng lười vận động tăng lên trong đại dịch

Không có gì ngạc nhiên khi mức độ rèn luyện thể chất của giới trẻ đã giảm trong những năm gần đây. Lý do cho sự suy giảm có thể khác nhau, tuy nhiên, có một số quan điểm gây tranh cãi cho rằng đại dịch COVID-19 đã khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngay cả trước COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã báo cáo rằng chỉ 24% trẻ em từ 6 đến 17 tuổi dành 60 phút hàng ngày cho hoạt động thể chất với cường độ từ trung bình đến mạnh theo khuyến nghị.

Việc phải ở nhà nhiều và việc đóng cửa nhiều chương trình thể thao, thể dục trong thời kỳ COVID-19 đã khuếch đại vấn đề này.

Một bài báo của Hiệp hội Y học Thể thao Nhi khoa Bắc Mỹ cho biết "những lo ngại chính đáng đã được nêu ra về việc đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng ít vận động và thời gian ngồi quá nhiều. Thật vậy, sự gia tăng đáng kể về hành vi ít vận động (~ 3,1 giờ / ngày) và giảm đáng kể (33,5%) hoạt động thể chất đã được báo cáo trên toàn cầu trong thời gian phong toả do COVID-19".

Điều này, một cách tự nhiên, cũng dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ em.

Bác sĩ Nhi khoa Trung tâm Y tế Mercy, Tiến sĩ Emily Wisniewski, thành viên của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, đã nhận thấy xu hướng này trong công việc của mình với trẻ em.

Trong một email gửi cho The Epoch Times, cô giải thích:

“COVID đã khiến mức độ hoạt động thể chất của trẻ em giảm 100%. Hoạt động thể chất không chỉ được liên kết với các lợi ích về sức khỏe thể chất / y tế như giảm béo phì, tiểu đường và cholesterol, mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh tâm thần đi kèm khác như trầm cảm và lo âu.

Bệnh nhân mắc ADHD thường có nguy cơ mắc các bệnh tâm thần đi kèm khác nói chung. Bằng cách không được tiếp cận với các hoạt động thể chất này, chúng có nguy cơ cao hơn".

Tác dụng tích cực của việc tập thể dục

Với trẻ em, vì sự chuyển hướng sang lối sống ít vận động hơn này diễn ra trong giai đoạn hình thành thói quen và nền tảng cho sức khỏe tương lai, nên tác động tiêu cực có thể lan rộng.

Trong khi đó với trẻ em mắc ADHD, thói quen vận động thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn và những tác động của lối sống ít vận động càng trầm trọng hơn.

Nghiên cứu nhấn mạnh mối liên quan giữa hoạt động thể chất và giảm các triệu chứng ADHD, khiến nhiều chuyên gia khuyên tập thể dục là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị ADHD.

Một bài đánh giá vào tháng 1 năm 2020 trong “Rối loạn ranh giới nhân cách và Rối loạn cảm xúc” chỉ ra sự trùng lặp đáng kể về tác dụng của tập thể dục và các loại thuốc thông thường được sử dụng để điều trị ADHD đối với thần kinh sinh học của bệnh nhân ADHD, và lưu ý rằng:

“Theo cách tương tự [như thuốc], tập thể dục có thể bù đắp cho mức độ catecholamine [chất dẫn truyền thần kinh] rối loạn ở ADHD và do đó cải thiện chức năng nhận thức và hành vi”.

Các nghiên cứu khác đã nhấn mạnh vai trò tích cực của tập thể dục trong việc giúp giảm nhẹ các triệu chứng ADHD.

Một phân tích tổng hợp vào tháng 11 năm 2019 được công bố trên tạp chí Y học với tiêu đề “Tác động của hoạt động thể chất đối với trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý”, đã xem xét 14 nghiên cứu bao gồm 574 trẻ em mắc ADHD.

276 trẻ được xếp vào nhóm hoạt động thể chất, trong khi 298 trẻ thuộc nhóm đối chứng.

Mặc dù các nghiên cứu khác nhau bao gồm các loại hoạt động thể chất khác nhau (ví dụ: bơi lội, bóng rổ hoặc các loại hình tập thể dục khác) cũng như độ tuổi của trẻ tham gia nghiên cứu, kết quả tổng thể đều tích cực.

Tác giả nghiên cứu Yu Zang kết luận rằng “hoạt động thể chất có đóng góp quan trọng do cải thiện đáng kể chứng lo âu và trầm cảm, hành vi hung hăng, các vấn đề về suy nghĩ và xã hội ở trẻ em mắc ADHD. Do đó, hoạt động thể chất nên được lồng ghép vào cuộc sống hàng ngày của trẻ em mắc ADHD”.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng:

“Trầm cảm là một vấn đề lớn ở trẻ em mắc ADHD. Các báo cáo khoa học đã chỉ ra thuốc dược lý được sử dụng để điều trị ADHD có thể làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm ở những đối tượng này...

Do đó, việc cải thiện chứng trầm cảm thông qua tập thể dục ở trẻ em mắc ADHD sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng quá nhiều thuốc dược lý, tránh cho trẻ khỏi các tác dụng phụ của thuốc”.

Bác sĩ Wisniewski nói thêm:

“Trẻ em mắc ADHD có nguy cơ mắc chứng trầm cảm và lo âu cao hơn ngay từ đầu. Hoạt động thể chất... có thể cải thiện sức khỏe tâm thần của những trẻ em mắc ADHD.

Nó cũng có thể hữu ích cho những trẻ em này, vốn thường hiếu động và bốc đồng, để giải phóng một phần năng lượng của chúng và chuyển hóa nó thành hoạt động.

Hoạt động thể chất cũng có thể là một cách để trẻ em mắc ADHD kết nối và kết bạn với những trẻ khác, điều này có thể khó khăn đối với chúng. [Nó] có thể giúp trẻ em xích lại gần nhau và cho phép chúng có điểm chung để nuôi dưỡng tình bạn”.

Câu hỏi cụ thể vẫn còn về loại hình tập thể dục nào có thể tốt nhất cho trẻ em mắc ADHD, cũng như tần suất tối ưu là bao nhiêu.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này khuyến khích hoạt động thể chất như một công cụ hữu ích, ít rủi ro, thường bị bỏ qua ở trẻ em ngày nay - đặc biệt là đối với những trẻ mắc ADHD.

Theo Zrinka Peters - The Epoch Times
Chấn Hưng

Zrinka Peters là một nhà văn tự do tập trung vào sức khỏe, thể chất và giáo dục. Cô có bằng cử nhân về văn học Anh tại Đại học Simon Fraser ở British Columbia, Canada và đã được xuất bản trên nhiều ấn phẩm in và trực tuyến bao gồm Health Digest, Parent.com, Today's Catholic Teacher và Education.com.



BÀI CHỌN LỌC

Tập thể dục cải thiện đáng kể các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em