Thủ đô của Hà Lan loại bỏ toàn bộ các camera giám sát trên đường phố do Trung Quốc sản xuất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do lo ngại về nhân quyền và gián điệp, chính quyền thành phố Amsterdam, thủ đô của Hà Lan, đã tuyên bố ngừng sử dụng các camera giám sát do Trung Quốc sản xuất. Những camera này chủ yếu được sử dụng để giám sát giao thông đô thị.

Ông Alderman Alexander Scholtes, Ủy viên Hội đồng Thành phố Amsterdam, người chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến chính sách công nghệ thông tin và truyền thông, cho biết trong một bức thư gửi Quốc hội Hà Lan hôm 10/6 rằng, những chiếc camera giám sát do Trung Quốc sản xuất dự kiến ​​sẽ lần lượt biến mất khỏi đường phố Amsterdam.

Theo tờ NL Times (Thời báo Hà Lan) và các phương tiện truyền thông khác đưa tin, hiện ở Amsterdam có 1.280 camera do Trung Quốc sản xuất và đang được sử dụng cho nhiều "nhiệm vụ trong đô thị", chẳng hạn như giám sát chung hoặc giám sát giao thông đường bộ. Vào tháng 5/2023, Hội đồng Thành phố Amsterdam đã thông qua một kiến ​​nghị kêu gọi thị trưởng và các ủy viên hội đồng của thành phố này ngừng sử dụng camera giám sát do Trung Quốc sản xuất, do lo ngại chúng sẽ truyền hình ảnh thu được ở Amsterdam đến nhà sản xuất, đến chính quyền Trung Quốc, hoặc cả hai.

Ông Scholtes viết trong thư: “Mọi người cũng lo ngại rằng các nhà sản xuất camera giám sát của Trung Quốc có thể tham gia vào hành động vi phạm nhân quyền của [chính quyền] Trung Quốc, bao gồm cả hành động nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ”.

Do chi phí cao, thành phố Amsterdam sẽ không thay thế tất cả các camera giám sát của Trung Quốc ngay lập tức. Thay vào đó, chính quyền liên minh, bao gồm cả thị trưởng và các ủy viên hội đồng thành phố, muốn các điều khoản hợp đồng mới sẽ được áp dụng khi mua hệ thống camera, bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến nhân quyền.

Dự kiến, tất cả các camera giám sát do Trung Quốc sản xuất hiện đang được sử dụng ở Amsterdam sẽ được thay thế toàn bộ với chi phí tương đối thấp trong vòng 5 năm tới. Một số camera giám sát của Trung Quốc trong các văn phòng trụ sở của hội đồng thành phố này đã được thay thế.

Theo điều khoản hợp đồng mới và tiêu chí trao hợp đồng, chính quyền thành phố Amsterdam cũng sẽ ngăn chặn các camera giám sát đến từ các nhà sản xuất của Trung Quốc thông qua các nhà cung cấp trung gian.

Ông Scholtes cho biết, theo Hiệp hội Các Chính quyền Thành phố Hà Lan (VNG - Association of Netherlands Municipalities), có rất nhiều chính quyền thành phố đang nỗ lực giải quyết vấn đề camera Trung Quốc.

Tháng trước, Tổng cục Tình báo và An ninh Hà Lan (AIVD) đã công khai tuyên bố rằng, các hoạt động gián điệp của Trung Quốc ngày càng hung hăng và gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh của quốc gia này. Người Hà Lan so sánh điều này với mối đe dọa đến từ lực lượng cực đoan Jihad ở Châu Âu và cuộc chiến ở Gaza.

Sáng ngày 24/4, nhà chức trách Hà Lan đã đột kích và lục soát Nuctech, một công ty an ninh của Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Rotterdam ở tây nam nước này. Cùng ngày, văn phòng của công ty này ở Ba Lan cũng bị cảnh sát địa phương đột kích và lục soát. Được biết, Nuctech chuyên cung cấp công nghệ giám sát cho hải quan và kiểm soát biên giới. Theo phương tiện truyền thông AD của Hà Lan, ngoài việc cung cấp công nghệ cho hải quan, công ty nhà nước Trung Quốc này còn cung cấp máy soi container cho Cảng Rotterdam và máy soi hành lý cho Sân bay Schiphol ở phía tây nam của Amsterdam.

Ủy ban Châu Âu cho biết, cuộc đột kích và lục soát này là "hoàn toàn cần thiết". Từ lâu đã có dấu hiệu cho thấy Nuctech có liên quan đến hoạt động xuất khẩu trái phép. Do lo ngại về an ninh quốc gia, Hoa Kỳ và Canada từ lâu đã cấm công ty này sử dụng một số thiết bị an ninh nhập từ Trung Quốc trong các hoạt động sản xuất tại địa phương.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng cáo buộc các nhà sản xuất camera giám sát của Trung Quốc “có liên quan tới các hành động xâm phạm và chà đạp nhân quyền của [chính quyền] Trung Quốc trong chiến dịch trấn áp, giam giữ tùy tiện trên quy mô lớn và giám sát bằng công nghệ cao đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhs và thành viên của các nhóm người thiểu số Hồi giáo khác”. Do đó, trong năm 2019, công ty Dahua Technology và Hikvision của Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thủ đô của Hà Lan loại bỏ toàn bộ các camera giám sát trên đường phố do Trung Quốc sản xuất