Trung Quốc che đậy cháy rừng nhằm tạo ảo tưởng về thịnh vượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 10/2 tại Trung Quốc, các tin nóng về một vụ cháy rừng khủng khiếp ở phía tây nam nước này đã bị kiểm duyệt, bởi Bắc Kinh muốn tạo ra cảm giác yên bình và thịnh vượng giả tạo cho kỳ nghỉ lễ.

Bắt đầu từ ngày 10/2, các vụ cháy rừng quy mô lớn đã lan rộng đến hơn 20 thành thị — bao gồm Quý Dương, Tuân Nghĩa, Tất Tiết, Kim Sa và An Thuận - và khắp các huyện ở tỉnh Quý Châu. Nhiều video lan truyền trên Internet cho thấy những đám cháy rất lớn đã diễn ra suốt đêm, giống như một bức tường lửa. Diện tích bị cháy bằng khoảng hai lần diện tích Đài Loan.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã không đưa tin về các vụ cháy cho đến tận ngày 22/2. Các báo cáo chính thức cho rằng từ ngày 10 đến ngày 21/2 đã xảy ra 221 vụ cháy rừng ở tỉnh Quý Châu; trong đó 11 vụ đã được xác nhận, khiến 2 người thiệt mạng.

Kiểm duyệt trực tuyến

Với việc chính quyền Trung Quốc nổi tiếng về che giấu và làm sai lệch thông tin trong những thảm họa như vậy, những tuyên bố trên của truyền thông nhà nước Trung Quốc là không thể xác minh được.

Tuy nhiên, những người trong cuộc tiết lộ với The Epoch Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh kiểm duyệt tin tức về các vụ cháy rừng.

Một người dân địa phương tên là Song Yang (hóa danh) - người đã tham gia cứu hộ ở Tân khu Quý An (Guian New Area), tỉnh Quý Châu - nói với The Epoch Times rằng anh ấy đã đăng một đoạn video về vụ cháy rừng lên Internet. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã gửi cho anh một tin nhắn, nói rằng cơ quan kiểm duyệt trực tuyến đã phát hiện ra anh đăng video và yêu cầu xóa video đó. Anh Song cho biết anh không dám trao đổi gì thêm về vụ việc vì sợ bị phạt tù.

Bên cạnh đó, một tin nhắn được cho là do một sĩ quan cảnh sát gửi đến người dân địa phương cũng được lan truyền trên Internet. Trong tin nhắn, vị sĩ quan này cảnh báo người dân rằng không được đăng video lên mạng xã hội nếu hỏa hoạn xảy ra, đồng thời nêu rõ người dân sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu những gì mà họ đăng tải trực tuyến gây ra sự tiêu cực trong dư luận.

Ngoài ra, anh Tang Fei (hóa danh) - một công nhân trồng rừng ở tỉnh Quý Châu - cũng nói với The Epoch Times rằng đám cháy tại khu rừng địa phương của anh là rất lớn.

“Diện tích rừng ở đây tương đối lớn, trên mặt đất có nhiều cành khô nằm ngổn ngang”, anh nói. “Vì có gió mạnh nên lửa lan rất nhanh. Chúng tôi chưa từng thấy đám cháy như thế này ở đây trong vài năm qua. Trước đây cũng từng xảy ra hỏa hoạn nhưng không nghiêm trọng bằng”.

Che giấu suy thoái kinh tế

Theo thông lệ, phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương khóa 20 của ĐCSTQ lẽ ra phải được triệu tập vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày khai mạc “Lưỡng Hội”, Bắc Kinh vẫn chưa thông báo khi nào phiên họp toàn thể lần thứ ba sẽ được tổ chức.

"Lưỡng Hội" là cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội). Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng, kỳ họp “Lưỡng Hội” năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 4/3 và 5/3.

Ông Katsuji Nakazawa - nhân viên cấp cao và biên tập viên của tờ Nikkei Asia (có trụ sở tại Tokyo) - phân tích trong một bài xã luận rằng, phiên họp toàn thể lần thứ ba đã không được triệu tập vào năm ngoái là do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn để lộ những điểm yếu của mình. Ông Tập sẽ chỉ triệu tập cuộc họp khi ông chắc chắn rằng mình có thể chứng tỏ được sức mạnh của bản thân.

ĐCSTQ đang cố gắng che đậy thực trạng suy thoái kinh tế và nỗi đau thất nghiệp của người dân Trung Quốc.

Năm ngoái, ĐCSTQ công bố tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên từ 16 đến 24 tuổi là 21,3% cho tháng 6. Chế độ này đã ngừng báo cáo số liệu từ sau đó cho đến tháng 12/2023, khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã giảm xuống còn 14,9%. Tuy nhiên, điều này không phải do thị trường lao động có bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào, mà là do ĐCSTQ thao túng mẫu thống kê bằng cách loại trừ 62 triệu sinh viên.

Thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc cũng đang trong tình trạng khó khăn.

Dữ liệu bất động sản cho thấy vào tháng 1 năm nay, doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển hàng đầu Trung Quốc đã giảm mạnh. Tổng giá trị nhà bán được là 32,83 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có doanh số bán hàng tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2020.

Trước Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, giá trị thị trường giảm hơn 60% so với mức đỉnh năm 2021, bốc hơi gần 2 nghìn tỷ USD.

ĐCSTQ đã đưa ra một số chính sách kích thích để giải cứu thị trường chứng khoán và bất động sản vốn rất yếu kém. Từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, các quỹ chính phủ được nhà nước hậu thuẫn đã mua lượng cổ phiếu trị giá khoảng 70 tỷ nhân dân tệ (9,7 tỷ USD) để thúc đẩy chỉ số thị trường chứng khoán.

Vào tháng 1, các công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã chi lần lượt 14 tỷ nhân dân tệ (1,94 tỷ USD) và 21 tỷ đô-la Hong Kong (2,6 tỷ USD) để mua lại cổ phiếu, mỗi nơi đều đã lập kỷ lục cao nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 2021.

Ngày 24/1, ông Pan Gongsheng - thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương của Trung Quốc) - tuyên bố giảm 0,5 điểm phần trăm trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 5/2, giúp giải phóng thanh khoản dài hạn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) ra thị trường. Đây là lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lớn nhất kể từ năm 2021.

Vào ngày 20/2, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất niêm yết trên thị trường cho vay 5 năm ở mức kỷ lục 25 điểm cơ bản. Điều này sẽ làm giảm khoản trả trước thế chấp tối thiểu mà người mua nhà phải trả, nhằm mục đích kích thích thị trường nhà ở đang trì trệ.

Những thảm họa thiên nhiên gần đây

Ngoài suy thoái kinh tế, Trung Quốc còn thường xuyên phải hứng chịu thiên tai trong vài tháng qua như động đất, lở đất và thời tiết lạnh giá khắc nghiệt.

Vào tháng 1, một vụ lở núi đã xảy ra ở huyện Trấn Hùng, tỉnh Vân Nam. Khoảng 18 hộ gia đình bị chôn vùi trong thảm họa, hàng chục người mất tích và hơn 200 người phải “sơ tán khẩn cấp”.

Vào tháng 12 năm ngoái, một trận động đất mạnh 6,2 độ richter đã làm rung chuyển huyện Tích Thạch Sơn, tỉnh Cam Túc, khiến hơn 130 người chết, 1.000 người bị thương, 12 cư dân mất tích và khoảng 87.000 người phải di dời.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã có tháng 12 lạnh nhất trong hơn 70 năm. Người dân Bắc Kinh phải trải qua hơn 300 giờ trong điều kiện nhiệt độ dưới 0. Tổng thời gian mà nhiệt độ dưới âm 10°C đã phá vỡ kỷ lục lịch sử.

Chính quyền Trung Quốc thường xuyên cố gắng che giấu các sự cố và thiên tai mà có người thiệt mạng, bởi họ lo ngại công chúng sẽ phản ứng tiêu cực. ĐCSTQ không ngừng sử dụng nhiều biện pháp và chiến dịch tuyên truyền để vẽ ra một bức tranh về ổn định và thịnh vượng. Cùng với đó, các cơ quan kiểm duyệt luôn giám sát chặt chẽ bài đăng của người dùng trực tuyến - những bài viết mà có thể làm suy yếu quan điểm chính thức nhà nước đưa ra.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc che đậy cháy rừng nhằm tạo ảo tưởng về thịnh vượng