Viễn cảnh mất điện và tranh giành nguồn cung ở châu Âu đang đến rất gần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày càng có nhiều dự báo về khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Giá năng lượng ở lục địa này liên tục phá kỷ lục trước cả khi mùa đông thực sự bắt đầu; và một trong những đợt khủng hoảng giá cả gây thiệt hại nhất trong lịch sử này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ giảm xuống thấp hơn trong thời gian tới.

Một đợt siêu tăng giá năng lượng ở Anh vào tháng trước đã buộc một số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phải cắt giảm sản xuất và tìm đến viện trợ của nhà nước. Điều có thể trở nên phổ biến ở châu Âu khi mà châu lục này đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của virus corona. Các chính phủ sẽ cần giải quyết căng thẳng với các nước láng giềng dưới áp lực bảo vệ nguồn cung. Các hộ gia đình có thể sẽ bị yêu cầu sử dụng ít năng lượng hơn hoặc chuẩn bị tinh thần cho các đợt cắt điện luân phiên.

Nguồn cung ứng năng lượng sẽ khó cải thiện trong tương lai gần, khi mà các nhà xuất khẩu Nga chỉ đáp ứng theo nghĩa vụ của họ, còn Qatar nói rằng họ đang sản xuất nhiều hết mức có thể. Ông Fabian Roenningen, một nhà phân tích tại Rysted Energy, cho biết ngành năng lượng đang trông chờ vào một sự sụt giảm về cầu.

Ông Roenningen đánh giá: “Trong vài tháng qua, tình hình tại các công ty và trong nhiều ngành công nghiệp thậm chí còn tồi tệ hơn. Trong điều kiện thị trường hiện tại, nhiều nhà máy rơi vào tình thế hoạt động không có lãi”.

Châu Âu vừa quay lại thành tâm điểm của đại dịch với số ca nhiễm Covid-19 tăng cao cùng với nỗi lo sợ toàn cầu về một biến thể mới được tìm thấy ở Nam Phi. Các hạn chế đang được thắt chặt ở một số quốc gia, trong khi túi tiền của các hộ gia đình đang bị siết chặt bởi lạm phát tràn lan. Giữa lúc đó, thời tiết lạnh giá có thể diễn ra cùng lúc với mất điện. Việc quay trở lại chế độ phong tỏa như ở Áo sẽ giúp hạn chế nhu cầu điện năng, dù rất ít chính phủ muốn điều đó xảy ra.

Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu, khả năng xảy ra một đợt lạnh vào tháng 1 và tháng 2 đang gây lo ngại cho nhà điều hành lưới điện. Trong khi đó, các nhà máy điện hạt nhân, nguồn cung chính phục vụ hệ thống điện của Pháp, lại hoạt động kém hiệu quả khi mà đại dịch đã làm trì hoãn việc bảo trì một số lò phản ứng, theo một báo cáo vào ngày 22/11.

Giá điện ở Pháp đang ở mức cao nhất kể từ năm 2012 khi một đợt lạnh đang tràn vào Pháp.

Mùa đông năm ngoái, nhà điều hành lưới điện tại Pháp đã kêu gọi các hộ gia đình sử dụng tiết kiệm năng lượng vào giờ cao điểm và kích hoạt một số yêu cầu giảm nhu cầu sử dụng điện của các nhà sản xuất khi tình hình trở nên căng thẳng. Tiếp theo đây, Pháp có thể giảm điện áp trên toàn mạng lưới và cuối cùng là cắt điện luân phiên 2 giờ đồng hồ mỗi khu vực. Những điều này sẽ xảy ra ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp.

Nicolas Goldberg, quản lý cấp cao phụ trách năng lượng của Colombus Consulting tại Paris, cho biết: “Nếu một đợt rét đậm tràn tới và trời không có gió thì tình hình sẽ trở nên căng thẳng, bởi các nhà máy hạt nhân vẫn chưa sẵn sàng và các cơ sở sản xuất sử dụng than đá đã bị đóng cửa thời gian gần đây”.

Pháp cũng là nước xuất khẩu điện chính sang các nước láng giềng. Điều này đồng nghĩa với việc khủng hoảng điện ở Pháp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Đức, Tây Ban Nha, Ý, và Anh.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đang tăng chóng mặt. Các kho dự trữ nhiên liệu, được sử dụng để sưởi ấm trong nhà và tạo ra điện, đang thấp hơn mức bình thường và sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng dự trữ gas có thể về 0 trong mùa đông này nếu thời tiết lạnh giá khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Jeremy Weir, Giám đốc điều hành của Trafigura Group - một công ty kinh doanh hàng hóa Thụy Sĩ, cảnh báo vào ngày 16/11 rằng việc cắt điện luân phiên rất có thể sẽ xảy ra.

Adam Lewis, cộng sự tại hãng buôn Hartree Partners LP, cho biết: “Nếu thời tiết trở nên lạnh giá ở châu Âu, sẽ không có một giải pháp dễ dàng nào từ phía cung, mà sẽ cần một giải pháp từ phía cầu”.

Về nguồn cung, thị trường đang dồn sự quan tâm vào những gì nước Nga sẽ thực hiện trong thời gian tới. Tổng thống Vladimir Putin đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ giúp châu Âu có thêm nguồn cung để ổn định thị trường. Tuy nhiên, khi các lô hàng phần nào phục hồi sau đợt sụt giảm vào đầu tháng 11, chúng vẫn ở mức thấp so với năm ngoái. Nga sẽ cung cấp bao nhiêu khí đốt cho châu Âu vào tháng 12 vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Việc khởi động đường ống Nord Stream 2 từ Nga tới Đức sẽ giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng năng lượng của châu Âu. Dự án đã hoàn thành, nhưng lại đang vướng phải các rào cản về quy định và không rõ khi nào sẽ được vận hành.

Qatar, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, cho biết họ đang sản xuất khí đốt ở mức hết công suất. Quốc gia vùng Vịnh này có chi phí sản xuất thấp nhờ sở hữu một lượng dồi dào nguồn nhiên liệu dễ chiết xuất. Qatar đã đặt mua thêm 6 tàu LNG từ Hàn Quốc cùng với 4 tàu chở dầu từ Trung Quốc vào tháng 10.

Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, nhiều quốc gia có thể hạn chế bán khí đốt tự nhiên cho các quốc gia khác. Với một kịch bản tồi tệ hơn, châu Âu có thể chặn việc truyền điện và khí đốt giữa các nước lẫn nhau, gây ra sự thù địch chính trị và ảnh hưởng đến các nền kinh tế.

Liên minh châu Âu có các nguyên tắc đoàn kết, được cho là nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào ngăn chặn việc xuất khẩu điện hoặc khí đốt, và khiến thành viên khác thiếu hụt năng lượng, đặc biệt là liên quan đến nguồn cung năng lượng cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, sự đoàn kết này chưa bao giờ được kiểm chứng qua một cuộc khủng hoảng quy mô lớn. Các nhà điều hành lưới điện nói rằng họ được phép dừng hoặc thay đổi dòng điện qua các tuyến cáp liên quốc gia nếu họ có vấn đề về nguồn cung.

Ông Roenningen đánh giá: “Điều này cho thấy hệ thống điện của châu Âu dễ chịu tác động của biến động giá cả hàng hóa. Trong ngắn hạn, thật khó có thể thay đổi được gì”.

Chi Anh

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Viễn cảnh mất điện và tranh giành nguồn cung ở châu Âu đang đến rất gần