Vũ khí và chiến thuật mới của Hải quân Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay, căng thẳng địa chính trị quốc tế ngày càng gia tăng, sức mạnh hàng hải cũng đang có những thay đổi năng động. Để đối phó với sự leo thang xung đột giữa các cường quốc, Hải quân Hoa Kỳ, giống như các quân chủng khác, đang nhấn mạnh những thay đổi quan trọng trong học thuyết quân sự nhằm ứng phó với chiến lược Thái Bình Dương.

Chiến lược và công nghệ hải quân Hoa Kỳ ngày càng tập trung vào đổi mới và hội nhập để đảm bảo rằng lực lượng này vẫn chiếm ưu thế trong thời đại mà các hệ thống tên lửa tiên tiến, chiến tranh mạng và hệ thống giám sát vệ tinh đang ngày càng thách thức việc triển khai sức mạnh truyền thống và đánh bại Chiến lược Chống tiếp cận/từ chối khu vực (A2/AD) của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tầm nhìn phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của Hoa Kỳ 2028 (IAMD Vision 2028) thể hiện nền tảng của tư thế chiến lược mới này. Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các tài sản quan trọng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khỏi tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và vũ khí siêu thanh đang gia tăng của Trung Quốc. Trước những mối đe dọa này, cách tiếp cận hoạt động của quân đội Hoa Kỳ đang phát triển từ việc phụ thuộc vào các căn cứ điều hành chính cố định (MOB) sang các khái niệm hoạt động năng động và linh hoạt hơn, bao gồm các hoạt động căn cứ viễn chinh tiên tiến (EABO) và các hoạt động hàng hải phân tán (DMO).

Sự thay đổi này đã bắt đầu được phản ánh trong các kế hoạch mua sắm mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ: Tập trung vào vũ khí tầm xa, tàu mặt nước không người lái (USV) và các tàu mới được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động phân tán. Các chương trình này bao gồm Tomahawk tấn công trên biển, tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM), tàu ngầm tấn công và các tàu mặt nước không người lái cỡ lớn và trung bình (LUSV và MUSV) lần lượt đóng vai trò là ổ đạn tên lửa phụ trợ và các nút mạng cảm biến. Ngoài ra, khái niệm tác chiến mới cũng nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ mạng và truyền thông để kết nối các lực lượng phân tán nhằm tạo thành một lực lượng chiến đấu gắn kết có khả năng chống lại các mối đe dọa chống truy cập / từ chối khu vực.

Chúng bao gồm các biện pháp hiện đại hóa hải quân sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, radar phòng không SPY-6 và hệ thống Aegis Baseline 10. Việc tập trung vào tính cơ động, khả năng phục hồi và khả năng phòng thủ tổng hợp nhấn mạnh sự thay đổi chiến lược hướng tới một cơ cấu lực lượng được kết nối và phi tập trung hơn, có khả năng ngăn chặn sự xâm lược và đảm bảo quyền tự do cơ động trong môi trường tranh chấp.

Yêu cầu ngân sách tài chính năm 2025 của Hải quân nhấn mạnh hơn nữa sự thay đổi chiến lược này, ưu tiên các hoạt động, nhân sự và công nghệ tiên tiến hiện tại như hệ thống không người lái. Yêu cầu này kêu gọi chi 257,6 tỷ USD cho Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong năm tài chính 2025. Con số này tăng 0,7% so với năm ngoái, trong khi ngân sách R&D và ngân sách xây dựng quân sự đều giảm ở các mức độ khác nhau.

Vào ngày 11/3, Bộ Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố sẽ ưu tiên sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu nhân sự. Bộ Quốc phòng phân bổ nguồn lực một cách chiến lược cho các hoạt động của Hải quân để giúp Hải quân và Thủy quân lục chiến ứng phó với các tình huống bất ngờ, tăng cường khả năng tương tác với hải quân đồng minh và thích ứng với các mối đe dọa và cơ hội mới khi chúng phát sinh trên biển.

Yêu cầu của Hải quân Hoa Kỳ nhấn mạnh đến sự tăng trưởng nhanh chóng của các khả năng hiện có hơn là đầu tư vào tầm nhìn dự kiến. Hải quân yêu cầu giảm số lượng tàu chiến mới từ bảy xuống còn sáu, nhấn mạnh việc chuẩn bị cho các mối đe dọa trực tiếp, đặc biệt là các mối đe dọa từ Trung Quốc. Hơn nữa, việc sắp xếp lại việc phát triển máy bay chiến đấu tấn công thế hệ tiếp theo F/A-XX của Hải quân trong các kế hoạch phòng thủ trong vài năm tới đã đòi hỏi phải trì hoãn và cắt giảm kinh phí cho chương trình. Các quan chức hải quân cho rằng động thái này là cần thiết để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Việc Hải quân Hoa Kỳ đầu tư vào các máy bay hiện có và tập trung vào chương trình tàu ngầm lớp Virginia phản ánh một cách tiếp cận cân bằng nhằm duy trì sự thống trị của hải quân.

Các quan chức Hải quân Hoa Kỳ đang ưu tiên các dự án mang lại kết quả nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu hoạt động và nhân lực hiện tại, cũng như các hệ thống không người lái cỡ nhỏ và chương trình Replicator do Lầu Năm Góc lãnh đạo. Họ tin rằng những dự án này có thể mang lại lợi ích cho hạm đội nhanh hơn. Họ cho rằng những năm 2020 là thập kỷ đáng lo ngại nhất, đặc biệt là khả năng Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan.

Chiến lược "fait accompli" (Sự đã rồi), là một chiến lược quân sự được cho là được sử dụng bởi Trung Quốc và Nga. Chiến lược này tập trung vào việc thực hiện một hành động quân sự nhanh chóng và quyết liệt nhằm tạo ra một "sự thật đã rồi" trên thực địa, khiến cho việc đảo ngược tình hình trở nên khó khăn hoặc không thể đối với các đối thủ. Chiến lực này được thực hiện với mục tiêu là Trung Quốc xâm lược Đài Loan hay Nga xâm lược các nước nước vùng Baltic. Chiến lược này có thể được sử dụng để thiết lập vị thế chiến lược mới, như việc Nga xây dựng căn cứ quân sự ở Crimea..Chiến lược này có thể được sử dụng để buộc các đối thủ phải nhượng bộ, như việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để buộc các quốc gia Đông Nam Á tuân theo các yêu sách chủ quyền của mình. Sau đó, việc mở rộng phạm vi của Chiến lược A2/AD ở vùng lãnh thổ mới chiếm được sẽ củng cố kết quả bằng cách biến nó thành một “sự đã rồi” khiến Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực của nước này khó có thể lật đổ, cả về mặt quân sự và chính trị.

Cốt lõi gây ra căng thẳng ở Thái Bình Dương là chiến lược “sự đã rồi” mà ĐCSTQ dự định thực hiện xâm chiếm Đài Loan, mấu chốt là cố gắng ngăn chặn hoặc trì hoãn các hành động quân sự của Hoa Kỳ và các đối tác khu vực nhằm can thiệp vào công việc ở Thái Bình Dương. Ông Chris Dougherty, chuyên gia cấp cao từng tham gia soạn thảo Chiến lược quốc phòng năm 2018, gọi đây là chiến thuật“Khai thác lợi thế tạm thời” (ETA).

Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) ủng hộ việc vượt ra ngoài mô hình chống tiếp cận/từ chối khu vực truyền thống và “tận dụng thời gian” để hiểu và chống lại chiến lược quân sự của Trung Quốc. Điều này liên quan đến cách đối thủ thao túng thời gian trong các hoạt động và việc Hoa Kỳ phát triển các chiến lược để ngăn chặn họ giành được lợi thế tạm thời.

Hoa Kỳ đang phát triển và cải tiến các hệ thống cũng như phương pháp chiến đấu để đối phó với hoạt động Chiến lược A2/AD của Trung Quốc. Chiến lược này tập trung vào việc hợp tác với các đồng minh trong khu vực để xây dựng một mạng lưới cảm biến bao phủ toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu là tạo ra một hệ thống giám sát toàn diện và nhiều lớp để theo dõi liên tục các mối đe dọa trên biển, trên không và trong không gian.

Hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị bảo vệ và ngăn chặn Trung Quốc khỏi những nỗ lực xâm chiếm hoặc chiếm giữ các khu vực cụ thể, chẳng hạn như Eo biển Đài Loan và Biển Đông, nhanh hơn mức mà Trung Quốc coi là “Sự đã rồi”. Đây cũng là lý do tại sao Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện ổn định và quy mô lớn ở Thái Bình Dương, để có thể phản ứng nhanh chóng nếu Trung Quốc cố gắng chiếm Đài Loan hoặc các vùng biển quan trọng ở Biển Đông.

Chiến lược của quân đội Mỹ là tiêu diệt lực lượng địch trên các chiến trường có tính cạnh tranh cao, sử dụng các tàu ngầm tấn công, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, Lực lượng Viễn chinh Hải quân, máy bay không người lái và các lực lượng tấn công trên biển khác để tiêu diệt lực lượng quân đội của đối phương. Các nhóm tấn công cơ động bao gồm nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay, nhóm tác chiến mặt nước và nhóm tấn công viễn chinh có thể tấn công từ những hướng không ngờ với sức mạnh áp đảo. Các lực lượng hải quân phối hợp tác chiến trên không, trên mặt nước và dưới nước trong một "chiến dịch tấn công đa trục" để ngăn chặn hoặc đánh bại ý đồ chiến tranh "sự đã rồi" của Trung Quốc. Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ cũng sử dụng các biện pháp phi động năng như gây nhiễu để ngăn chặn đối phương và bảo vệ quyền kiểm soát trên biển.

Tàu ngầm có lợi thế đáng kể trong khả năng xuyên thủng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc. Với sự phát triển của các hệ thống cảm biến tiên tiến, tàu chiến trên mặt nước và máy bay ngày càng dễ bị phát hiện. Trong bối cảnh đó, tàu ngầm và môi trường dưới nước có thể trở thành một trong những phương thức hiệu quả nhất để Hoa Kỳ và các đồng minh ngăn chặn xâm lược của Trung Quốc.

Công nghệ tàng hình giúp tàu ngầm khó bị phát hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tấn công và tiêu diệt lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tấn công Đài Loan. Gần đây, Hải quân Hoa Kỳ đã có những tiến bộ trong công nghệ tàu ngầm tấn công, khiến chúng không chỉ khó bị phát hiện bằng sonar hay các phương pháp khác mà còn được trang bị hệ thống vũ khí tầm xa và chính xác hơn, chẳng hạn như ngư lôi siêu nhẹ đang được phát triển.

Các tàu ngầm tấn công lớp Virginia và các tàu ngầm tấn công tiếp theo hiện nay được trang bị ăng-ten dưới nước mới, thiết bị liên lạc, cải tiến độ yên tĩnh của động cơ và lớp phủ đặc biệt được thiết kế để khiến chúng khó bị phát hiện hơn, cùng nhiều tính năng khác.Những cải tiến này đã được các lãnh đạo Hải quân Hoa Kỳ đề cập đến từ nhiều năm trước. Một số tàu ngầm có những tính năng sáng tạo tương tự, như tàu ngầm USS North Dakota thuộc lớp Virginia Block III, đã được đưa vào sử dụng.

Điều này cũng khiến người ta hiểu tại sao Hải quân Mỹ thà tạm dừng việc phát triển máy bay chiến đấu tấn công thế hệ tiếp theo còn hơn là giảm bớt tàu ngầm tấn công. Quốc hội và Hải quân có kế hoạch đóng tối đa ba tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm thay vì hai. Trên thực tế, Hải quân Mỹ đang tiếp tục tăng cường đáng kể và nhanh chóng phát triển thêm nhiều tàu ngầm mới.

Tóm lại, những biện pháp này phản ánh một phương pháp tiếp cận toàn diện để đối phó với thách thức chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), đảm bảo vị thế thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách tích hợp các công nghệ tiên tiến, các khái niệm tác chiến và hợp tác quốc tế.

Theo Shishi Junshi
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Vũ khí và chiến thuật mới của Hải quân Hoa Kỳ