Cúng giao thừa trước 12h được không: Cúng giao thừa mấy giờ là tốt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng giao thừa vào dịp Tết Nguyên đán. Đây là một nghi lễ rất quan trọng trong mỗi gia đình Việt. Vậy cúng giao thừa trước 12h được không, cúng giao thừa mấy giờ là tốt? Hãy cùng NTD Việt Nam tìm hiểu về giờ cúng giao thừa trong bài viết dưới đây!

1. Cúng giao thừa mấy giờ?

Giao thừa là khoảng thời gian thiêng liêng khi năm cũ kết thúc và trời đất, con người, vạn vật bước sang một năm mới. Đây là lúc trời đất giao hòa, âm dương hòa hợp. Lúc này, mọi điều xấu trong năm cũ sẽ được rũ bỏ và điều tốt lành trong năm mới sẽ chuẩn bị tới.

Vào thời điểm này, các gia đình Việt sẽ thực hiện lễ cúng giao thừa.

Theo văn hóa truyền thống, lễ cúng giao thừa được thực hiện từ 11h đêm ngày cuối cùng của năm cũ (có thể là 30 tháng Chạp hoặc 29 tháng Chạp tùy từng năm) đến 01h sáng ngày mùng 1 Tết theo Âm lịch.

Cùng với lễ cúng tất niên, cúng giao thừa là một trong những lễ nghi quan trọng trong văn hóa của người Việt; được thực hiện vào mỗi dịp Tết Nguyên đán theo văn hóa cổ truyền của dân tộc.

>> Xem thêm: Cúng tất niên cuối năm cần những gì: Cúng tất niên sớm có được không?

2. Cúng giao thừa trước 12h được không?

Vậy cúng giao thừa mấy giờ là tốt nhất, cúng giao thừa trước 12h được không?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, gia chủ có thể cúng giao thừa trước 12h và sau 12h đêm. Việc cúng giao thừa vào lúc mấy giờ phụ thuộc vào điều kiện thời gian của mỗi gia đình và được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch.

3. Cúng giao thừa sớm được không?

Mặc dù gia chủ có thể cúng giao thừa trước 12h đêm ngày cuối cùng của năm Âm lịch nhưng không nên cúng giao thừa quá sớm; và cũng không nên cúng giao thừa quá muộn sau 12h đêm.

Vì sao không nên cúng giao thừa quá sớm hoặc quá muộn?

Khoảng thời gian từ 23h đêm đến 01h sáng được gọi là giờ Tý. Khung giờ này bao hàm một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới.

Theo văn hóa truyền thống, trước 01h sáng ngày mùng 1 Tết Âm lịch là lúc các vị Thần Hành Khiển trông coi hạ giới của năm cũ bàn giao công việc cho các vị Thần trong năm mới. Do đó, gia đình không nên cúng giao thừa muộn hoặc quá sớm; tốt nhất là cúng trong khoảng thời gian trên. Khi cúng giao thừa vào khoảng thời gian này, các vị Thần linh sẽ chứng giám cho lòng thành của gia chủ.

Hiện nay, nhiều gia đình thường cúng giao thừa sớm hơn cho thuận tiện. Tuy nhiên, khi cúng giao thừa sớm hơn khoảng thời gian trên, gia chủ nên cúng từ 9h tối đêm giao thừa trở đi thì sẽ tốt hơn.

3. Cúng giao thừa như thế nào?

Vậy là bạn đã biết cúng giao thừa trước 12h được không. Còn việc cúng giao thừa được thực hiện như thế nào?

Theo văn hóa truyền thống, lễ cúng giao thừa cần làm hai lễ là lễ cúng trong nhà và lễ cúng ngoài trời. Trong đó, lễ cúng giao thừa ngoài trời được thực hiện trước là lễ cúng các vị quan Thần linh; sau đó gia chủ sẽ làm lễ trong nhà để cúng giao thừa dâng lên Thần Thổ Công, tổ tiên, ông bà.

Mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời có sự khác biệt. Dưới đây là cách thực hiện cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời:

3.1. Mâm cúng giao thừa ngoài trời như thế nào?

Cúng giao thừa trước 12h được không: Cúng giao thừa lúc mấy giờ là tốt
Mâm cúng giao thừa ngoài trời. (Ảnh: YouTube/ Ẩm Thực Miền Quê)

Cúng giao thừa ngoài trời là lễ cúng các vị quan Thần linh.

Theo văn hóa truyền thống, có 12 vị quan Hành Khiển phụ trách cai quản mọi việc ở hạ giới. Mỗi năm sẽ có một vị quan Hành Khiển đảm đương công việc này cùng với quan Hành Binh và Phán Quan. Theo chu kỳ 12 con giáp, cứ sau 12 năm, 12 vị quan Hành Khiển sẽ có sự luân phiên trở lại (bắt đầu từ năm Tý; và kết thúc vào năm Hợi).

Giao thừa là thời khắc mà các vị quan Hành Khiển bàn giao công việc ở hạ giới với nhau. Vào thời khắc này, họ đi thị sát dưới hạ giới rất vội nên không kịp vào trong nhà của mỗi gia đình. Do đó, gia chủ đặt lễ cúng giao thừa ở ngoài sân hay ở cửa chính của ngôi nhà để tiễn quan Hành Khiển cũ và đón quan Hành Khiển mới.

Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời bao gồm những đồ cúng cơ bản như:

  • Gà luộc
  • Bánh chưng
  • Xôi
  • Mâm ngũ quả
  • Rượu
  • Nước
  • Bánh kẹo
  • Thuốc lá
  • Đĩa muối
  • Đĩa gạo
  • Nến
  • Trầu cau
  • Hương - nhang thơm...

Bên cạnh đó, gia đình cũng chuẩn bị thêm quần áo, mũ nón quan Thần linh. Nếu có nhiều thời gian chuẩn bị và có điều kiện kinh tế, gia đình có thể nấu thêm một vài món mặn khác để bày trên mâm cúng.

Riêng trong lễ cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ không cần dùng bát hương mà có thể cắm hương vào các đồ lễ cúng; hoặc một bát gạo.

3.2. Mâm cúng giao thừa trong nhà như thế nào?

Sau khi cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ sẽ làm lễ cúng giao thừa trong nhà. Mâm cỗ giao thừa trong nhà được đặt ở bàn thờ; là lễ cúng Thần Thổ Công - vị Thần cai quản trong nhà; và tổ tiên.

Mâm cúng giao thừa trong nhà
Mâm cúng giao thừa trong nhà (Ảnh: Báo Điện tử Dân sinh)

Tùy theo điều kiện kinh tế và phong tục của từng gia đình, mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà có thể khác nhau. Mâm cỗ cúng thường có một số lễ vật cơ bản như:

  • Bánh chưng
  • Xôi
  • Rượu
  • Hoa quả
  • Trầu cau...

Hoặc mâm cúng có thể có nhiều lễ vật hơn như: mứt Tết; hoa quả; bánh kẹo; tiền vàng mã; hương hoa; và các món mặn như: gà; bánh chưng; xôi; giò - chả lụa; rau xào; canh.

Khác với mâm cỗ ngoài trời, mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà không có quần áo, mũ nón quan Thần linh.

4. Nghi lễ cúng giao thừa như thế nào?

Giao thừa là thời khắc chuyển giao để chúng ta tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới; và cầu mong mọi điều bình an, tốt lành sẽ đến với gia đình. Nghi lễ cúng giao thừa được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị lễ cúng giao thừa

Gia đình chuẩn bị và sắp xếp đầy đủ lễ vật trên bàn thờ trong nhà và ngoài sân trước 11h đêm 30 Tết hoặc 29 Tết (tùy vào từng năm). Người thực hiện lễ cúng cần tắm rửa sạch sẽ; ăn mặc chỉnh tề để chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa.

Bước 2: Cúng giao thừa ngoài trời

Lễ cúng giao thừa ngoài trời là để cúng các vị Thần linh. Mâm lễ cúng có ý nghĩa là tiễn đưa các vị quan cũ và nghênh đón các vị quan mới.

Gia chủ đặt mâm lễ cúng trên một chiếc bàn ở giữa sân hoặc ở giữa cửa chính của ngôi nhà; sau đó thực hiện cúng giao thừa ngoài trời.

Bước 3: Cúng giao thừa trong nhà

Sau khi cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ sẽ vào trong nhà làm lễ cúng Thần Thổ Địa, tổ tiên.

5. Cúng giao thừa cần lưu ý gì?

Để thực hiện cúng giao thừa tốt nhất, gia chủ cần lưu ý:

  • Chuẩn bị các lễ vật chu đáo để cúng giao thừa vào thời gian tốt nhất.
  • Tắm rửa sạch sẽ; ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề, nên mặc quần áo dài tay khi thắp hương. Điều này thể hiện sự tôn kính với các vị Thần linh và lòng thành kính với tổ tiên.
  • Lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ; quan trọng là thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ. Tùy vào phong tục, sản vật của mỗi vùng miền và điều kiện của mỗi gia đình mà gia chủ chuẩn bị các lễ vật khác nhau.
  • Khi cúng giao thừa ở ngoài trời, nên đặt lễ vật trên bàn nhỏ chứ không đặt trực tiếp xuống đất. Lưu ý là phải đặt cỗ cúng ở giữa sân. Nếu nhà không có sân thì gia chủ đặt cỗ cúng ở giữa cửa chính hoặc trên sân thượng.
  • Với những gia đình ở chung cư, do không có khoảng sân riêng nên có thể chỉ làm lễ cúng giao thừa trong nhà. Nếu gia đình muốn cúng giao thừa ngoài trời thì có thể làm lễ ở ban công; hoặc mang lễ cúng xuống sân của tòa chung cư.

Kết luận

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc cúng giao thừa trước 12h được không; nên cúng giao thừa lúc mấy giờ... Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thời gian và cách cúng giao thừa. Hãy chuẩn bị và thực hiện lễ cúng giao thừa chu đáo để thể hiện lòng thành kính với các vị Thần linh; lòng biết ơn tổ tiên; và đón chào một năm mới tràn đầy an lành, may mắn.

Ngọc Vân (Tổng hợp)

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Cúng giao thừa trước 12h được không: Cúng giao thừa mấy giờ là tốt?