Đón giao thừa là gì: Nên làm và tránh những điều gì để cả năm may mắn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giao thừa là thời khắc quan trọng, thiêng liêng của một năm. Theo tâm linh, những hoạt động trong đêm giao thừa có ảnh hưởng lớn đến may mắn, tài lộc và sức khỏe của mỗi người trong cả năm mới. Cùng tìm hiểu đón giao thừa là gì; những điều nên và không nên làm trong đêm giao thừa để đón một năm mới bình an và may mắn.

1. Đón giao thừa là gì, đêm giao thừa Tết Nguyên Đán là lúc nào?

Đêm giao thừa còn được gọi với tên khác là “Trừ tịch”, “Tuế trừ”. Trừ tịch (除夕): “Trừ - 除” nghĩa là trừ bỏ; “Tịch - 夕” là ban đêm; “Trừ tịch” là đêm của ngày cuối cùng trong năm. “Tuế trừ - 岁除”: “Tuế - 岁” nghĩa là năm; “Tuế trừ" nghĩa là năm cuối đến lúc này là trừ bỏ, đổi sang năm mới.

Giao thừa là khoảnh khắc chuyển giao quan trọng từ năm cũ sang năm mới. Theo ngữ nghĩa, chữ “giao thừa” có nghĩa là cũ giao lại, mới kế thừa (tiếp lấy) lúc năm cũ qua, năm mới đến.

Vậy đón giao thừa là gì?

Đón giao thừa là đón thời khắc trời đất giao hòa, âm dương hòa hợp; tính từ 11h đêm ngày cuối cùng của năm Âm lịch đến 01 giờ sáng ngày mùng 1 Tết. Đây là thời khắc bỏ đi những điều không may mắn trong năm cũ và đón chào những hy vọng về tương lai với nhiều may mắn, tốt đẹp trong năm mới.

Đối với mỗi người hay với mỗi gia đình, đêm giao thừa là đêm linh thiêng nhất trong năm. Vào thời khắc thiêng liêng này, mọi gia đình sẽ thắp hương cúng Thần linh, tổ tiên. Các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng đón thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong tâm mỗi người đều hy vọng và cầu chúc cho bản thân; cùng các thành viên trong gia đình một năm mới có nhiều sức khỏe, may mắn; bình an và tài lộc.

2. Các việc cần làm trước đêm giao thừa

Để tiễn năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều may mắn, tốt lành, có nhiều việc cần làm trước thời khắc đón giao thừa:

2.1. Dọn dẹp, tẩy uế nhà cửa, nơi sinh sống

Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ là một trong những việc cần làm trước khi đón giao thừa. Theo phong thủy, nhà cửa sạch sẽ sẽ mang đến vận khí tốt cho ngôi nhà; nhờ đó sẽ mang những điều tốt lành, tài lộc đến với gia chủ.

Dọn dẹp nhà cửa đón năm mới
Dọn dẹp, tẩy uế nhà cửa, nơi sinh sống để đón chào năm mới. (Ảnh Pexels)

Dọn nhà cửa sạch sẽ vào ngày 29, 30 Tết là để trong ba ngày đầu tiên của năm mới, gia đình sẽ không đụng đến cây chổi quét nhà. Bởi vì theo quan niệm dân gian, quét nhà vào ngày đầu năm mới sẽ quét hết đi những tài lộc của gia chủ.

2.2. Trữ nước trong nhà

Theo phong thủy, nước biểu trưng cho tài lộc, của cải. Dân gian vẫn có câu: “Tiền vào như nước” với mong muốn tiền tài, của cải có nhiều như nước.

Vậy nên trước khi bước sang năm mới, gia đình nào cũng rửa, đổ đi nước cũ và thay nước mới trong các vật chứa như: bể; chum; vại nước; bể cá cảnh... Việc dọn dẹp này có ý nghĩa mang lại sự đủ đầy; hy vọng tài lộc trong năm mới sẽ vào nhà nhiều như nước.

2.3. Sắm cây cảnh, hoa chơi Tết

Không chỉ mang lại không khí tươi mới, sức sống căng tràn, việc sắm các chậu cây chưng Tết như: hoa mai; hoa đào; cây quất… còn có ý nghĩa mang đến phúc khí, an lành chào đón năm mới.

Mỗi loại cây chơi ngày Tết đều có ý nghĩa thể hiện mong ước tài lộc, may mắn sẽ đến với gia chủ trong năm mới.

Sắm cây cảnh, hoa chơi Tết
Sắm cây cảnh, hoa chơi Tết. (Ảnh Pexels)

Ví dụ: Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Chơi hoa mai trong dịp Tết thể hiện mong muốn một năm mới tràn đầy phú quý, tốt lành. Theo quan niệm của nhiều người, hoa mai nở càng nhiều cánh thì gia đình sẽ càng may mắn và sung túc trong năm mới.

2.4. Sửa chữa, bỏ các đồ vật hư hỏng

Để chuẩn bị đón giao thừa, việc kiểm tra, sửa chữa; và bỏ đi những đồ vật, đồ dùng trong nhà đã bị hư hỏng cũng rất quan trọng. Gia chủ sẽ thay bằng những vật dụng, đồ dùng mới để đón nhận sự may mắn trọn vẹn khi năm mới sang.

2.5. Thanh toán hết các khoản vay, nợ của năm cũ

Nếu có vay nợ ai thì bạn hãy cố gắng trả hết khoản nợ đó trong năm để chủ nợ không đến đòi vào dịp đầu năm. Việc trả hết nợ nần của năm cũ trước khi sang năm mới có ý nghĩa là để tránh gặp những khó khăn về tài chính trong năm mới.

2.6. Tránh mâu thuẫn, xung đột

Trước và sau giao thừa, mỗi người đều sẽ cố gắng tránh những xung đột; mâu thuẫn trong gia đình và với hàng xóm láng giềng. Điều này là để tạo nên không khí an hòa; giúp mỗi người và gia đình nhận được nhiều may mắn, tài lộc trong năm mới.

Tránh mâu thuẫn, xung đột
Tránh mâu thuẫn, xung đột. (Ảnh Pexels)

Những lời la mắng, trách móc sẽ làm tổn thương; gây bất đồng trong gia đình hoặc gây mất tình làng nghĩa xóm. Điều này sẽ khiến vận khí không tốt; ảnh hưởng đến tài lộc, bình an của các thành viên trong gia đình hay hàng xóm trong năm mới.

3. Những điều nên làm trong và sau đêm giao thừa

Vậy là bạn đã biết đón giao thừa là gì. Để có một năm mới nhiều may mắn và bình an, dưới đây là những việc cần làm/nên làm trong và sau đêm giao thừa:

3.1. Cúng giao thừa

Cúng giao thừa là một nghi lễ quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán ở mỗi gia đình Việt. Mọi gia đình đều bận rộn chuẩn bị lễ vật tươm tất để cúng giao thừa. Mỗi vùng miền, địa phương và gia đình sẽ có cách bày trí; cúng lễ vật khác nhau.

Theo văn hóa truyền thống, đúng vào giờ Tý (từ 23h đêm của ngày cuối cùng trong năm Âm lịch đến 01h sáng ngày đầu tiên của năm mới), các gia đình sẽ làm lễ cúng giao thừa ở hai nơi là: cúng Thần linh ngoài trời và cúng gia tiên trong nhà.

>> Xem thêm: Cúng giao thừa trước 12h được không?

3.2. Mở các cửa sổ, cửa ra vào trong nhà

Theo phong thủy, vào thời khắc chào đón năm mới, gia chủ nên mở tất cả các cửa trong nhà; từ cửa sổ cho đến cửa chính. Mục đích là để cho nhà cửa thông thoáng; xua đi những khí ẩn khuất trong nhà; xua đi những gì không may mắn trong năm cũ; và đón nhận vận khí mới, tốt lành cho gia đình.

3.3. Trao nhau những cái ôm, tặng lời chúc tốt đẹp trong gia đình

Vào đêm giao thừa, những người thân trong gia đình sẽ trao nhau những lời chúc tốt đẹp; những cái ôm để mở đầu một năm mới vui vẻ, tràn đầy yêu thương; cầu chúc cả gia đình sẽ luôn sát cánh bên nhau trong một năm mới thuận hòa.

Trao nhau những cái ôm
Trao nhau những cái ôm, tặng những lời chúc tốt đẹp. (Ảnh Pexels)

3.4. Đặt chổi ra ngoài đúng khoảnh khắc giao thừa

Một trong những phong tục truyền thống trong đêm giao thừa đến nay vẫn được nhiều gia đình thực hiện đó là: đặt cây chổi quét nhà ra ngoài đúng vào thời khắc giao thừa. Việc này là để xua đi những điều xui xẻo và năng lượng xấu ra khỏi nhà.

3.5. Xông đất

Xông đất là một trong những tục lệ đã có từ rất lâu và không thể thiếu trong đêm giao thừa.

Người xông đất là người đầu tiên đến gia đình chúc Tết; có thể là ngẫu nhiên; hoặc là người hợp tuổi, hợp mệnh, được gia chủ lựa chọn trước đó. Hầu hết các gia đình đều rất coi trọng việc này. Bởi vì, họ tin rằng người đầu tiên bước vào gia đình trong năm mới nếu như hợp tuổi, hợp mệnh sẽ mang đến nhiều may mắn, thuận lợi và tài lộc.

3.6. Mua muối

Người xưa thường nói: “Đầu năm mua muối”. Việc mua muối đầu năm mang nhiều ý nghĩa tâm linh.

Người xưa quan niệm muối là thứ mặn có thể xua đuổi tà ma, chống xú uế; đem lại nhiều may mắn cho gia đình.

Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa đặc biệt trong tình cảm gia đình. Muối tượng trưng cho sự đậm đà của các mối quan hệ trong gia đình; sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

3.7. Mặc áo quần mới, màu tươi sáng

Mặc quần áo màu sáng trong đêm giao thừa để mang lại may mắn, tốt lành và tài lộc. Sắc màu sáng thể hiện sức sống, sự may mắn, đại cát trong dịp đầu năm mới.

Mặc áo quần mới màu tươi sáng
Mặc áo quần mới, màu tươi sáng. (Ảnh Pexels)

Việc diện một bộ đồ mới trong những ngày đầu năm còn giúp bạn tự tin hơn; đồng thời đem đến tinh thần phấn chấn; thể hiện nhiệt huyết và sự vươn lên không ngừng trong năm mới.

3.8. Chúc Tết người thân, bạn bè

Chúc Tết trong dịp Tết Nguyên đán là cơ hội, dịp gặp gỡ tất cả mọi người.

Trong cuộc sống thường nhật, vì bận rộn với công việc mưu sinh, vì nhà xa... mà nhiều người ít có cơ hội gặp gỡ họ hàng, bạn bè. Những ngày đầu năm mới trong dịp Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt để mọi người gặp gỡ nhau; đến chơi nhà, hỏi thăm sức khỏe, công việc… kết nối thân tình; cầu chúc mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

3.9. Lì xì, mừng tuổi

Phong tục lì xì, mừng tuổi là một phần quan trọng trong đêm giao thừa. Mọi người sẽ mừng tuổi nhau bằng những đồng tiền được cất trong phong bao đỏ.

Phong tục trao tặng nhau những phong bao lì xì đỏ ngày Tết đầu năm chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp; gửi gắm những tâm nguyện và nhiều lời chúc đến người nhận.

Với trẻ nhỏ, lì xì mừng tuổi thường chứa đựng lời chúc khỏe mạnh, ngoan ngoãn; hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang. Với người già, phong bao lì xì chứa đựng lời chúc về sức khỏe, sự trường thọ, con cháu sum vầy. Với người lớn tuổi, phong bao lì xì tượng trưng cho lời chúc làm ăn thuận buồm xuôi gió, mọi việc hanh thông…

Lì xì, mừng tuổi
Lì xì, mừng tuổi. (Ảnh Pexels)

Theo đó, phong tục trao tặng phong bao lì xì ngày Tết quan trọng là ở lời chúc và sự thành tâm; mà không phải là giá trị bên trong nhiều hay ít, dày hay mỏng... Phong bao lì xì tượng trưng cho sự trao - nhận những lời chúc tốt lành gửi đến nhau trong dịp năm mới. Người trao và người nhận đều cảm thấy vui vẻ khi trao gửi yêu thương; thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

>> Xem thêm: Lì xì không chỉ là mừng tuổi mà còn trấn áp quỷ tà

3.10. Đi lễ chùa đầu năm

Sau khi cúng giao thừa, nhiều người thường đi lễ chùa, đình, đền để cầu xin sự phù hộ của Thần Phật cho gia đình một năm mới an lành và hạnh phúc. Đây là cũng dịp để người đi lễ nhắc nhở bản thân, hướng tâm của mình luôn hướng đến cái Thiện; tu sửa bản thân theo lời Phật dạy để được phúc lành.

4. Những điều kiêng kỵ không nên làm vào đêm giao thừa

Dưới đây là những việc nên tránh làm trong đêm giao thừa để đón một năm mới bình an, may mắn:

  • Mâm cúng giao thừa không cần quá lớn nhưng cũng đừng quá sơ sài. Tùy vào sản vật, phong tục của mỗi vùng miền; hay điều kiện kinh tế của gia đình mà gia chủ thành tâm làm mâm cúng giao thừa chu đáo. Mâm cúng giao thừa cần có những lễ vật cần thiết như: gà; bánh chưng; xôi; mâm ngũ quả; hương - nhang; đèn - nến; rượu; trà; muối; gạo…
  • Tránh tạo ra tiếng động lớn; làm rơi vỡ vật dụng trong đêm giao thừa.
  • Tránh cãi vã, la mắng trong nhà vào đêm 29 Tết hoặc 30 Tết (tùy từng năm); và 3 ngày Tết chính.
  • Tránh soi gương vào đêm 30 Tết vì người xưa cho rằng việc này sẽ dễ nhìn thấy ma quỷ; gây nên tâm lý hoảng sợ, không mang may mắn đến trong năm mới.
  • Kiêng phơi đồ, kiêng đổ rác trong đêm giao thừa.
  • Kiêng cầm kéo vì kéo tượng trưng cho sự chia lìa, cắt đứt.

>> Xem thêm: Những điều không nên làm vào đêm giao thừa

Ý nghĩa đón giao thừa trong văn hóa Việt Nam

Ý nghĩa đón giao thừa trong văn hóa Việt Nam
Đón giao thừa là gì, ý nghĩa đón giao thừa trong văn hóa Việt Nam. (Ảnh Pexels)

Vào thời điểm đón giao thừa, nhiều quốc gia phương Tây (tính theo Dương lịch là 12 giờ đêm ngày 31 tháng 12); và phương Đông (tính theo Âm lịch là vào 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp, nếu tháng thiếu thì sẽ rơi vào ngày 29 tháng Chạp) thường tổ chức lễ bắn pháo hoa vào đúng thời điểm 0 giờ 0 phút của năm mới để đón mừng năm mới.

Đón giao thừa đối với các dân tộc nói chung và người Việt Nam nói riêng là phút giây đặc biệt thiêng liêng. Đây là dịp để những người con xa nhà, xa quê hương có có hội về thăm nhà, thăm quê trong thời gian dài. Vào dịp này, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ôn lại những kỷ niệm; bỏ đi những điều không hay của năm cũ; đặt mục tiêu cho năm mới và đón chào những điều tốt đẹp sắp đến.

Hy vọng bài viết trên đã mang đến những kiến thức hữu ích cho độc giả khi tìm hiểu đón giao thừa là gì; và những việc cần làm trong đêm giao thừa để có một năm mới bình an, may mắn.

Ngọc Liên

Có thể bạn quan tâm:



BÀI CHỌN LỌC

Đón giao thừa là gì: Nên làm và tránh những điều gì để cả năm may mắn?