Cúng tất niên bao nhiêu chén chè: Ý nghĩa như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cúng tất niên là một trong những nghi lễ quan trọng trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Để tiễn năm cũ đã qua và chuẩn bị đón một năm mới tràn đầy hạnh phúc, may mắn, nhiều gia đình thường tránh nấu những món ăn có vị đắng, chua, cay, mặn trong mâm cúng tất niên. Thay vào đó, người Việt thường chọn dùng chè hoặc xôi chè có vị ngọt. Vậy cúng tất niên bao nhiêu chén chè là phù hợp? Mời bạn cùng NTD Việt Nam tìm hiểu về phong tục cúng chè trong mâm cúng tất niên qua bài viết dưới đây!

1. Phong tục cúng chè cuối năm

Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, lễ cúng tất niên là một nghi lễ quan trọng. Đây không chỉ là dịp tỏ lòng thành kính với các Thần linh; tưởng nhớ đến tổ tiên; mà còn là dịp để cả gia đình quây quần sau một năm bận rộn, vất vả.

Tùy theo đặc trưng văn hóa, sản vật của mỗi vùng miền và truyền thống, điều kiện tài chính của mỗi gia đình mà mâm cúng tất niên có sự khác nhau. Dù là các món ăn cầu kỳ hay đơn giản nhưng mâm cúng tất niên đều được các gia đình chuẩn bị chu đáo với sự thành tâm dâng lên Thần linh, gia tiên.

Theo phong tục truyền thống, mâm cúng tất niên ở gia đình thường bao gồm: bánh chưng/ bánh tét; xôi; gà luộc; nem, chả, giò lụa; món xào; món rau luộc; canh… Theo sự phát triển của cuộc sống hiện đại, mâm cúng tất niên cũng có sự thay đổi. Nhiều gia đình chế biến thêm món chè hoặc xôi chè có vị ngọt với ý nghĩa cầu mong cuộc sống ấm êm, ngọt ngào trong năm mới.

Với mỗi vùng miền khác nhau, món chè trong mâm cúng tất niên cũng có sự khác nhau.

  • Ở miền Bắc, mâm cúng tất niên thường có xôi chè (chè đậu xanh, chè hoa cau); hoặc chè kho; chè con ong; chè bà cốt.
  • Ở miền Trung: mâm cúng tất niên thường có xôi chè; chè kê.
  • Miền Nam: thường có xôi chè, chè trôi nước trong mâm cúng tất niên.

>> Xem thêm: Cúng tất niên có đốt vàng mã không: Làm thế nào cho đúng?

Vàng mã cúng tất niên gồm những gì: Những điều cần biết cho lễ cúng

2. Giải đáp cúng tất niên bao nhiêu chén chè?

Để tỏ lòng thành kính với các Thần linh và lòng biết ơn với tổ tiên, mâm cúng tất niên ở mỗi gia đình không chỉ bao gồm những món ăn ngon mà còn được chuẩn bị với số lượng chén, đĩa tượng trưng cho nhiều ý nghĩa. Trong đó, số chén chè bày trong mâm cúng tất niên cũng có ý nghĩa riêng.

Cụ thể, cúng xôi chè bao nhiêu chén và có ý nghĩa như thế nào khi cúng tất niên?

Ý nghĩa số chén chè cúng tất niên

Theo quan niệm dân gian, số lượng chén chè trong mâm cúng tất niên là tùy tâm của gia chủ vì trong văn hóa thờ phụng của người Việt, tấm lòng thành kính, sự thành tâm của người cúng mới là điều quan trọng. Số lượng chén chè cúng tất niên có ý nghĩa tham khảo như:

  • 1 chén chè: tượng trưng cho Thiên Địa hoà hợp, âm dương hòa hợp.
  • 3 chén chè: tượng trưng cho "2 ông 1 bà"; có ý nghĩa rước ông Táo trở về gia đình trong đêm tất niên.
  • 4 chén chè: tượng trưng cho tứ phương: Đông - Tây - Nam - Bắc.
  • 5 chén chè: tượng trưng cho ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ; mang ý nghĩa sự vững chắc, bền lâu.
  • 6 chén chè: tượng trưng cho ý nghĩa lục hòa (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, lợi hòa, giới hòa); cầu mong mọi việc thuận lợi, êm ấm, hòa hợp.

Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đã giúp bạn giải đáp câu hỏi "Cúng tất niên bao nhiêu chén chè". Số lượng chén chè cúng tất niên mang ý nghĩa tượng trưng và khác nhau tùy thuộc vào mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất là ở tấm lòng thành kính, thành tâm của gia chủ khi cúng tất niên dâng lên Thần linh và tổ tiên.

Bích Thảo

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Cúng tất niên bao nhiêu chén chè: Ý nghĩa như thế nào?