Cuộc đàn áp của ĐCSTQ khiến ‘hàng triệu gia đình bị chia cắt’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Liu Li, một công dân Úc, không thể nhớ được lần cuối cùng gia đình bà đoàn tụ bên nhau là khi nào.

Năm 1999, bà Liu Yuhua, mẹ của bà Liu Li, đã bị bắt khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tự do tín ngưỡng của mình. Cảnh sát đã bắt giữ người phụ nữ 60 tuổi này, đánh bà bằng dùi cui điện và trói bà trên ghế cọp trong 3 ngày.

Ghế cọp (còn gọi là ghế hổ, ghế hùm) là một phương pháp tra tấn được sử dụng trong lịch sử Trung Quốc. Nạn nhân bị bắt ngồi trên một chiếc ghế cọp với hai chân duỗi thẳng và bị trói chặt bằng dây. Sau đó, các vật nặng được xếp chồng lên nhau và đặt dưới chân nạn nhân. Cách tra tấn này gây ra những cơn đau không thể chịu đựng được.

Hình thức tra tấn ghế cọp được sử dụng rộng rãi lên các học viên của môn tu luyện Pháp Luân Công. Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp trong suốt 25 năm qua.

Toàn bộ gia đình bị đàn áp

Năm 2020, dì của bà Liu Li là bà Liu Chunxia đã trở thành mục tiêu bị đàn áp. Sau khi bị đuổi việc bất hợp pháp và bị đưa vào một trung tâm tẩy não, bà Chunxia đã trốn thoát và buộc phải trở thành người vô gia cư để tránh bị bắt lại.

Tuy nhiên, năm 2002, bà Chunxia một lần nữa bị bắt và bị kết án 5 năm tù dù bà không phạm tội gì. Vì bà Chunxia từ chối mặc đồng phục của tù nhân nên lính canh đã lột sạch quần áo của bà và buộc bà đứng ngoài trời, chịu đựng sự khắc nghiệt của mùa đông Thiểm Tây.

Trong khi đó, chồng của bà Liu Li là ông Jia Ye đã bị kết án 8 năm tù vào năm 2008. Để trốn tránh cuộc đàn áp, ông buộc phải sống vô gia cư trong 6 năm. Con trai bà Liu, năm nay tròn 25 tuổi, đã không gặp cha mình từ khi lên 3 tuổi.

Trong thời gian này, cha của bà Liu mắc chứng mất ngủ kinh niên sau nỗi đau thương ập đến gia đình ông. Ông thường gặp ác mộng về việc các thành viên trong gia đình mình bị bắt đi; ông cũng luôn giật mình khi nghe thấy tiếng gõ cửa hoặc tiếng chuông điện thoại. Tháng 2/2010, ông đột ngột qua đời.

Cuộc đàn áp của ĐCSTQ khiến ‘hàng triệu gia đình bị chia cắt’
Bà Liu Li có thân nhân bị ĐCSTQ bắt chỉ vì tín ngưỡng của họ. Bà đã có bài phát biểu tại cuộc mít tinh do các học viên Pháp Luân Công tổ chức ở Canberra, Úc, ngày 27/3/2024. (Ảnh: The Epoch Times)

“Trong 25 năm qua, đại gia đình tôi chưa bao giờ được đoàn tụ", bà Liu nói trong bài phát biểu trước Tòa nhà Quốc hội Úc ở Canberra vào cuối tháng 3.

“Những năm tháng [đáng ra là] đẹp nhất của cuộc đời họ là trải qua ở trong tù”.

“Hàng triệu gia đình đã bị chia cắt trong cuộc đàn áp này, giống như gia đình chúng tôi”.

“Hôm nay tôi có thể đứng trên vùng đất tự do của nước Úc này, nói thay những người không thể cất tiếng nói".

Kêu gọi Úc hành động

Bà Liu đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2012. Bà là một trong 7 công dân Úc đang cố gắng tìm sự ủng hộ để giải cứu những người thân yêu của họ khỏi sự đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công.

Ở Canberra, bà Liu đã cùng khoảng 100 học viên Pháp Luân Công khác tham gia một cuộc mít tinh trước Tòa nhà Quốc hội. Họ kêu gọi chính phủ Úc yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt cuộc đàn áp và trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, đặc biệt là người thân của công dân Úc.

Cuộc đàn áp của ĐCSTQ khiến ‘hàng triệu gia đình bị chia cắt’
Khoảng 100 học viên Pháp Luân Công tập trung trước Tòa nhà Quốc hội để giúp người dân nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, tại Canberra, Úc, ngày 27/3/2024. (Ảnh: The Epoch Times)

Pháp Luân Công là môn tu luyện bắt nguồn từ lịch sử cổ xưa của Trung Quốc, dựa trên giá trị phổ quát Chân - Thiện - Nhẫn.

Vào những năm 1990, chỉ trong vài năm, Pháp Luân Công nhanh chóng truyền rộng ở Trung Quốc, được người dân theo học do những lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần mà môn tập mang lại.

Cho rằng sự phổ biến của Pháp Luân Công sẽ đe dọa đến quyền lực của mình và đến hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ, lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân vào ngày 20/7/1999 đã ra lệnh tiêu diệt môn tu luyện này.

ĐCSTQ đã sử dụng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để xuất bản các tài liệu phỉ báng môn tập, đồng thời sử dụng các biện pháp tài chính và ngoại giao để gây áp lực lên các tổ chức, cơ quan truyền thông và chính phủ ở nước ngoài, khiến những tổ chức này đi theo đường lối của đảng.

Trong khi chính phủ Úc đang tìm cách nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, Đảng Lao động cầm quyền của Úc đảm bảo rằng điều này sẽ không ngăn cản chính phủ nêu lên những quan ngại về nhân quyền với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, vào ngày 20/3, văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong không thể xác nhận liệu vấn đề này có được đưa ra trước Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hay không, mặc dù văn phòng đã tuyên bố rằng các vấn đề về Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong đã được đưa ra.

Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) cho biết:

“Chính phủ Úc quan ngại sâu sắc rằng các tôn giáo và các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công, tiếp tục bị nhắm đến vì tín ngưỡng của họ và đã nêu lên những lo ngại này với Trung Quốc", một phát ngôn viên của DFAT viết trong email gửi tới The Epoch Times.

“Bộ trưởng Ngoại giao [Úc] đã bày tỏ mối quan ngại của chính phủ Úc về quyền tự do ngôn luận, tôn giáo và tín ngưỡng ở Trung Quốc với Ngoại trưởng Vương Nghị, trong Đối thoại Chiến lược và Ngoại giao Úc - Trung vào ngày 20/3/2024".

Giáo sư Lucy Zhao là giảng viên tại Đại học Công nghệ Sydney, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc. Bà nói rằng bà “lo lắng sâu sắc” rằng Pháp Luân Công không được Úc đề cập với đại diện của ĐCSTQ.

Bà nói: “Nếu cuộc đàn áp Pháp Luân Công không được nêu ra và giải quyết thì sẽ không có giải pháp thực sự nào để cải thiện nhân quyền một cách thực chất ở Trung Quốc”.

“Chúng tôi hy vọng Quốc hội Úc có thể thông qua một bản kiến nghị, trong đó công khai kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay cuộc đàn áp Pháp Luân Công và yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, đặc biệt là thân nhân của công dân và của thường trú nhân của Úc".

Cuộc đàn áp của ĐCSTQ khiến ‘hàng triệu gia đình bị chia cắt’
Các học viên Pháp Luân Công phản đối chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Canberra, Úc, ngày 20/3/2024. (Ảnh: Rebecca Zhu/The Epoch Times)

Nhà báo Cheng Lei được thả làm dấy lên hy vọng

Bà Zhuang Wei, một công dân Úc, có chồng bị giam giữ và tra tấn trái phép ở Trung Quốc, cho biết việc Trung Quốc thả nhà báo Úc Cheng Lei đã mang lại cho bà hy vọng.

Bà cho hay, chồng của bà là một học viên Pháp Luân Công; ông đã bị “lôi đến đồn cảnh sát và bị buộc lấy máu để làm xét nghiệm”, điều này khiến bà lo sợ rằng “một ngày nào đó anh ấy sẽ đột ngột bị thu hoạch nội tạng và tôi sẽ không bao giờ có thể gặp lại anh ấy".

“Tuy nhiên, khi tôi thấy chính phủ Úc và Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong tích cực giải cứu [nhà báo] Cheng Lei với niềm tin rằng 'Người Úc muốn mọi người mẹ đều được đoàn tụ với gia đình của cô ấy', trái tim tôi bừng lên niềm hy vọng", bà Zhuang Wei nói trong bài phát biểu của mình tại cuộc mít tinh.

“Khi Bộ trưởng Wong chào đón Cheng Lei, người đã bị ĐCSTQ giam giữ trong 3 năm, trở về với gia đình của cô ấy tại sân bay Melbourne, và khi con của Cheng Lei sà vào cô ấy, tôi đã hy vọng rằng con tôi sẽ không phải đợi quá lâu để ôm lấy cha của cô bé".

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đàn áp của ĐCSTQ khiến ‘hàng triệu gia đình bị chia cắt’