Mỹ cam kết đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than tại COP28

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông John Kerry - đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu - cho biết vào ngày 2/12 rằng Hoa Kỳ "tự hào" cam kết không xây dựng thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than mới nào và sẽ loại bỏ hoàn toàn các nhà máy hiện có.

“Để đạt được mục tiêu 100% điện không gây ô nhiễm carbon vào năm 2035, chúng ta cần loại bỏ dần việc sử dụng than”, ông nói trong một tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 hàng năm của Liên hợp quốc, được tổ chức ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo tuyên bố, Hoa Kỳ đã chính thức gia nhập liên minh gồm 56 quốc gia khác - những nước đều đang có kế hoạch loại bỏ than dưới danh nghĩa chống biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy nhanh việc loại bỏ than trên toàn thế giới, xây dựng các nền kinh tế mạnh mẽ hơn và các cộng đồng bền vững hơn. Bước đầu tiên là ngừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn: ngừng xây dựng thêm các nhà máy điện than không sử dụng công nghệ thu giữ CO2 (unabated coal power plant)".

Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, tính đến tháng 10, chỉ dưới 20% điện năng của Hoa Kỳ được tạo ra bởi than.

Xem thêm: Biến đổi khí hậu - Công cụ kiểm soát xã hội, lũng đoạn tài chính, tiến lên chủ nghĩa toàn cầu

Liên minh chống than

Cam kết chống than mà ông Kerry cho biết Washington vừa tham gia có tên là “Power Past Coal Alliance” (tạm dịch: Liên minh coi Điện than là Quá khứ), được thành lập cách đây 6 năm và từng có 50 thành viên cho đến ngày 3/12. Sau đó, Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc, Síp, Cộng hòa Dominica, Iceland, Kosovo và Na Uy tham gia, nâng tổng số lên 56.

Trích dẫn Lộ trình Net Zero của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Power Past Coal Alliance cho biết trong một tuyên bố ngày 2/12 rằng, “để cho mục tiêu 1,5°C khả thi”, các nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ cần phải ngay lập tức chấm dứt việc xây dựng các nhà máy điện than mới và loại bỏ dần các nhà máy hiện có vào năm 2030, trong khi các nước còn lại trên thế giới có thời hạn đến năm 2040.

Mục tiêu 1,5°C lần đầu tiên được đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C vào năm 2100.

Năm 2022, các nhà máy đốt than tạo ra 36% điện năng toàn cầu, vượt xa tất cả các nguồn năng lượng khác. Hơn một nửa sản lượng đó là ở Trung Quốc; quốc gia này đang xây dựng các nhà máy điện than mới với tốc độ nhanh chóng mặt, không bị cản trở bởi các cam kết và mục tiêu về khí hậu mà các nhà lãnh đạo của đất nước hứa hẹn với thế giới.

3 nước dùng điện than lớn nhất tiếp theo là Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản; cả 3 chiếm khoảng 25% tổng sản lượng.

Các nhà máy điện than ở Trung Quốc và những nơi khác

Tại Trung Quốc, các dự án điện than tăng vọt về số lượng vào năm 2022, sau khi nước này đưa ra cam kết giảm tiêu thụ than vào cuối thập kỷ này.

Theo một báo cáo hồi tháng 2 của Global Energy Monitor và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), vào năm 2022, Trung Quốc “tăng tốc đáng kể” việc khởi công xây dựng các nhà máy điện than, đưa ra thông cáo về các dự án mới và cấp phép xây dựng nhà máy mới. Những tổ chức này cho biết, khoảng 2 nhà máy điện than mới được cấp phép mỗi tuần ở Trung Quốc.

Báo cáo có đoạn: “[Các nhà máy với] công suất điện than 50 GW [gigawatt] đã bắt đầu được xây dựng ở Trung Quốc vào năm 2022, tăng hơn 50% so với năm 2021. Nhiều dự án trong số này đã được cấp phép nhanh chóng và chuyển sang bước xây dựng chỉ trong vòng vài tháng”.

“Tổng cộng 106 GW dự án điện than mới đã được cấp phép, tức là khoảng 2 nhà máy điện than lớn [được cấp phép] mỗi tuần. Lượng công suất cho phép đã tăng hơn 4 lần so với 23 GW vào năm 2021".

Nước tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng có mức tiêu thụ tăng cao. Theo báo cáo “Than 2022” của IEA, nhu cầu than ở Ấn Độ đã tăng 14% vào năm 2021.

Cũng theo báo cáo của IEA, nhu cầu than ở Hoa Kỳ tăng 15% vào năm 2021.

Một báo cáo gần đây của Global Energy Monitor (GEM) chỉ ra rằng khoảng một triệu việc làm trong ngành than toàn cầu có thể bị mất vào năm 2050 khi các mỏ ngừng hoạt động - ngay cả khi không có bất kỳ chính sách khí hậu nào được thực hiện.

Phần lớn số việc làm bị mất sẽ xảy ra ở châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Đối với Hoa Kỳ, báo cáo của GEM ước tính rằng hơn 15.000 việc làm trong ngành than sẽ bị mất mỗi thập kỷ trong những năm 2030 và 2040, và dưới 15.000 việc làm sẽ bị mất trong những năm 2050. Trong thập kỷ hiện tại, báo cáo ước tính số việc làm bị mất trong ngành than ở Mỹ là dưới 15.000.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ cam kết đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than tại COP28