Doanh nghiệp Việt đã khó còn khổ vì thiếu điện - EVN nói thiếu nước và giá than quá cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng cắt điện luân phiên tại các địa phương đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảo lộn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất, chậm đơn hàng… Nguồn cung ứng điện của Việt Nam hơn 90% từ thuỷ điện và nhiệt điện. Trong khi nguồn nước cho thuỷ điện đã hoàn toàn bị Trung Quốc thao túng thì nguồn nhiệt điện đang chịu lỗ nặng do than tăng giá.

Nỗi hoảng sợ của doanh nghiệp trong mùa cúp điện

Ngày 4/6, Trung tâm điều khiển xa Công ty Điện lực Bắc Ninh đã đưa ra kế hoạch cắt giảm điện luân phiên do thiếu nguồn. Thời gian cắt điện 24 tiếng từ 5h ngày 5-6 đến 5h ngày 6/6. Điều này khiến hàng loạt công ty đông công nhân tại Khu công nghiệp Tiên Sơn – Bắc Ninh, phải nghỉ làm như Canon, Sumitomo, THK Manufacturing of Vietnam... Công nhân trong khu công nghiệp Yên Phong cũng được thông báo nghỉ hoặc làm bù sau.

Tại Thái Nguyên, Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên bị thiệt hại nặng nề do điện bị cắt một cách quá gấp gáp khiến công ty không có đủ thời gian để chuyển điện máy phát hoặc có kế hoạch ra gang và xỉ trong lò cao và đưa hết gang lỏng tồn ở xưởng luyện thép ra nên đã gây nguy cơ rất lớn đông đặc lò cao, có thể thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tại Quỳ Hợp (Nghệ An), dây chuyền khai thác, chế biến đá bị ảnh hưởng lớn khi điện liên tục bị cắt. Ngành điện ban đầu yêu cầu giảm công suất nhà máy, sau đó mới đến lịch cắt điện. Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp cho biết “Có lúc, điện lực cắt ngang mà không thông báo. Sau này chúng tôi phản ánh mới có thông báo lịch cắt điện. Hậu quả đầu tiên là người lao động không có việc làm, đơn hàng không kịp để xuất khẩu. Mất điện khiến cả dây chuyền, hệ thống nhà máy từ mỏ khai thác, sản xuất và vận chuyển đi tiêu thu bị ngưng trệ”.

Lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mặt hàng thực phẩm tươi sống cần được bảo quản trong nhiệt độ thấp, nếu không được bảo quản sẽ bị giã đông và ảnh hưởng chất lượng. “Lịch cắt điện không phải chỉ luân phiên 1-2 tiếng, mà cắt cả ngày cả đêm nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty”, một chủ doanh nghiệp bức xúc cho biết.

Các trang trại chăn nuôi gà ở Thanh Oai, Hà Nội hiện đang bị đội chi phí thêm 2 triệu mỗi ngày vì tiền dầu chạy máy phát điện. Đối với việc chăn nuôi gà đẻ, nhiệt độ chuồng nuôi rất quan trọng, luôn luôn phải duy trì nhiệt độ từ 28 – 30 độ. Nếu chỉ cần mất điện quá nửa tiếng là cả đàn gà không sống nổi. Tuy nhiên, từ đầu mùa nóng đến nay, địa phương này liên tục cắt điện luân phiên, cách 1 ngày lại bị cắt điện. Nhiều hộ đã phải đầu tư mua dàn máy phát điện để không ảnh hưởng đến sản xuất.

Công ty Pouyuen Việt Nam là doanh nghiệp lớn ngành da giày, đã phải sa thải gần 3.000 lao động do khó khăn của dịch Covid-19. (Ảnh: Fanpage công ty Pouyuen)
Công ty Pouyuen Việt Nam là doanh nghiệp lớn ngành da giày, đã phải sa thải gần 3.000 lao động do khó khăn của dịch Covid-19. Hiện doanh nghiệp này đang phải cho công nhân nghỉ việc vì thiếu đơn hàng mới (Ảnh: Fanpage công ty Pouyuen)

Không riêng khối sản xuất, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng bị tác động nặng nề. Rất nhiều du khách phải tìm tới các trung tâm thương mại hay khu vực bờ biển để tránh nóng do tình trạng khách sạn, cơ sở lưu trú mất điện trên diện rộng trong những chuyến du lịch ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Chủ một nhà hàng kinh doanh hải sản trên địa bàn phường Bãi Cháy cho biết, trong những ngày vừa qua lượng khách sử dụng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng sụt giảm nghiêm trọng, quán luôn trong tình trạng vắng khách mặc dù đang mùa cao điểm du lịch.

“Để hoạt động trong những ngày nắng nóng, nguy cơ mất điện cao thì chúng tôi đã chủ động mua máy phát điện giá hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, bất lợi trong sử dụng máy nổ là tiếng ồn lớn, mùi xăng dầu và rất nhiều bất lợi khác. Việc sử dụng máy nổ là trường hợp bất đắc dĩ”, một chủ nhà hàng khác chia sẻ.

EVN: Thủy điện về mức nước chết và giá than tăng cao

Theo EVNHANOI, lượng tiêu thụ điện trên địa bàn những ngày gần đây liên tục tăng cao do nắng nóng. Lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 3 là 58.336 triệu kWh, tháng 4 là 61.542 triệu kWh và tháng 5 tăng lên mức 75.406 triệu kWh. Như vậy, lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, hệ thống điện được đánh giá đang trong tình trạng “cực kỳ khẩn cấp”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã gửi một Báo cáo gần đây nhất đến Chính phủ về tình hình cung ứng điện nói rằng nguồn cung ứng điện ở miền Bắc có thể thiếu hụt 8.000MW, mức cao hơn nhiều so với dự báo trước đó là 5.000MW và cao hơn cả báo cáo tháng 3/2022 là 1.300MW, tăng 60% so với dự báo này.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, theo số liệu công bố ngày 13/5/2022, trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống, thủy điện đạt 22,22 tỷ kWh, chiếm 25,9%; Nhiệt điện than đạt 39,09 tỷ kWh, chiếm 45,6%; Tua bin khí đạt 10,42 tỷ kWh, chiếm 12,2%; Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 13,15 tỷ kWh, chiếm 15,4% (điện mặt trời đạt 9,31 tỷ kWh, điện gió đạt 3,61 tỷ kWh); điện nhập khẩu đạt 536 triệu kWh, chiếm 0,6%.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: "tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện về mực nước chết (Sơn La và Lai Châu, Thác Bà…), riêng thủy điện Lai Châu, Sơn La xuống dưới mực nước chết, còn thủy điện Hòa Bình còn nước nhưng chỉ đủ phát điện đến ngày 12/6-13/6".

Thuỷ điện của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc

Là quốc gia ở hạ nguồn của mọi dòng sông đổ ra biển, chiến lược phát triển thuỷ điện của Việt Nam đã hoàn toàn đổ bể do phụ thuộc vào Bắc Kinh; kẻ thống trị ở thượng nguồn. Thực tế, tất cả các dòng sông ở Trung Quốc đều bị xẻ thịt làm thuỷ điện. Điều đó có nghĩa chiến lược phát triển thuỷ điện của Việt Nam hoàn toàn bị phá sản trong khô.

Ông Brian Eyler – Chủ nhiệm Dự án Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ), đồng tác giả của cuốn “Những ngày cuối cùng của Sông Mekong vĩ đại” cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ: "Đối với Bắc Kinh, nguồn nước giống như một hàng hoá tiêu dùng có chủ quyền, [mà] không phải là nguồn tài nguyên chung được phân phối công bằng cho các bên liên quan ở hạ nguồn [1].

Nắm được “vòi nước” của sông Mekong, ĐCSTQ tương đương nắm được “lá bài” chính trị - ngoại giao, kiểm soát được một nửa các nước trong số 10 nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hành vi “ngang ngược” của ĐCSTQ trên lưu vực sông Mekong cũng khiến Mỹ, Nhật Bản chú ý, khiến sông Mekong ngày càng trở thành “điểm nóng” địa - chính trị mới.

Ông Brian cho biết, năm 2018 đã xảy ra tình trạng lãng phí điện tại các đập thuỷ điện của Trung Quốc trên thượng nguồn: “Chỉ tính riêng tại tỉnh Vân Nam, lượng điện “bỏ không” thậm chí gấp đôi sản lượng điện tiêu thụ của toàn đất nước Thái Lan”. Những nhà máy nằm tại khu vực đường bờ biển của Trung Quốc lại không sử dụng lượng điện này mà thay vào đó là điện than [2].

Đập Tiểu Loan tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chứa 15 tỉ m3 nước, tạo ra công suất 4.200 MW. Tuy nhiên, sản lượng điện này phần lớn lại không được sử dụng do không có điện lưới đến phía Đông Trung Quốc.

Hình ảnh Đập Tam Hiệp chụp hôm 29/6/2020. (STR/AFP / Getty Images)
Hình ảnh Đập Tam Hiệp chụp hôm 29/6/2020. (STR/AFP / Getty Images)

Ông Brian nói: “Vì sao Trung Quốc vẫn xúc tiến kế hoạch xây đập?”. Ông cho rằng Bắc Kinh đang muốn tích trữ nước cho tương lai. Ông Brian dự đoán trong khoảng ba thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ có thể đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt do băng tan trên dãy Himalaya cạn dần. Trung Quốc cũng có thể tiến hành khơi nguồn nước chảy sang sông Dương Tử, mặc kệ tình cảnh của các nước ở hạ nguồn Mekong [3].

Theo đuổi các mục tiêu kinh tế và địa - chính trị, khoảng 28 đập thuỷ điện đã được chính phủ các quốc gia xây dựng trên dòng chính và phụ lưu sông Mekong, riêng Trung Quốc sở hữu 11 đập thuỷ điện ở thượng lưu, chứa khoảng 47 tỉ m3 nước, với tổng công suất phát điện lên tới 21.300 MW, lớn hơn công suất thuỷ điện được lắp đặt tại tất cả các quốc gia phía hạ nguồn.

Nhiều phân tích đã chỉ ra hàng loạt các hệ lụy nghiêm trọng mà những đập thuỷ điện này gây ra cho các nước trong khu vực: Hạn hán gia tăng; Mùa lũ biến mất; Nghề cá bị thiệt hại nghiêm trọng; Sự đa dạng sinh thái bị phá huỷ; Nhiều loài sinh vật đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng; Biển Hồ của Campuchia biến mất; ĐBSCL của Việt Nam bị đẩy nhanh quá trình tan rã…

Xung đột về tài nguyên nước đã dẫn đến những bất ổn về tình hình địa – chính trị trong khu vực sông Mekong giữa Trung Quốc và các quốc gia ở hạ nguồn.

EVN đổ lỗi thua lỗ do giá than

Về nguồn nhiệt điện, mặc dù cung ứng than được đảm bảo, song do nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy chạy công suất tối đa trong một thời gian dài dẫn đến sự cố về thiết bị, cộng với việc nhiều tổ máy gặp sự cố dài ngày như Vũng Áng 1, Phả Lại, Cẩm Phả, Nghi Sơn… nên mặc dù nguồn than phát điện được cung ứng đảm bảo song nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934 MW...

Ông Nguyễn Văn Vy, chuyên gia năng lượng cho rằng nắng nóng khiến hiệu suất tại các nhà máy nhiệt điện than kém hơn bình thường… do vậy công suất khả dụng của toàn hệ thống sẽ thấp hơn mức 52.000 MW. Với mức dự phòng gần như sát với mức tiêu thụ công suất đỉnh vào buổi tối, thì việc cắt giảm điện, hay quá tải lưới điện là điều không tránh khỏi.

Hơn nữa, năm 2022, thế giới vướng vào cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng khi dòng dầu và khí của Nga không đến được Liên minh châu Âu do các lệnh trừng phạt. Vì vậy, các quốc gia đua nhau chuyển sang sử dụng than. Ngay lập tức, một nước nhập khẩu than tới 1/4 nhu cầu cho sản xuất điện và đạm như Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá than nhập khẩu tăng cao. Năm 2023, dự báo việc bảo đảm cung cấp than cho sản xuất trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, bởi thị trường năng lượng thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Công nhân PC Hưng Yên xử lý sự cố. (Ảnh: EVN)

Theo quy định hợp đồng mua bán điện cho các dự án nhiệt điện than của EVN, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng bao nhiêu thì EVN sẽ phải chịu chi phí đó. Vì vậy, với việc giá than tăng mạnh, áp lực từ mua điện than của EVN vẫn đang rất lớn.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, giá mua điện bình quân của EVN trên thị trường điện đối với các loại hình là 1.844,9 đồng/kWh, gần bằng giá bán điện khi chưa tăng là 1.864,44 đồng/kWh. Sau khi EVN quyết định tăng giá bán lẻ điện 3%, giá mua điện lên mức bình quân là 1.920,37 đồng/kWh. Trong khi đó, riêng điện than có giá phổ biến trong khoảng 1.955,5 - 2.100,4 đồng/kWh, cao đáng kể so với mức giá trần của các loại nguồn điện khác.

Việt Nam từ trước đến nay luôn dựa vào nhiệt điện than để duy trì giá điện thấp nhằm thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, than trộn nhập khẩu mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) bán cho EVN ở mức cao. Tập đoàn còn phải mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu ở mức giá 4.000 đồng/kWh do giá than nhập khẩu tăng mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết : "Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, lỗ chủ yếu là do chi phí sản xuất điện tăng cao. Đặc biệt là giá than tăng gấp hơn 3 lần, có thời điểm tăng gấp 4-5 lần. Ngoài ra, 4 năm qua giá bán lẻ điện bình quân không điều chỉnh nên EVN gặp nhiều khó khăn".

Bên cạnh việc giá than ở mức cao, EVN đang lo ngại nguồn cung than có thể không đáp ứng đủ nhu cầu trong mùa hè này. Tập đoàn cho biết, nhiều nhà máy điện của EVN và các tổng công ty phát điện chưa đạt được mức tồn kho than theo quy định.

Chi phí sản xuất - kinh doanh điện ở mức cao, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành chỉ tăng 3% kể từ năm 2019 đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí, dẫn đến ngành điện được dự báo còn gặp không ít khó khăn. Năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh điện và các hoạt động liên quan của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng. Cộng dồn số liệu 3 tháng đầu năm 2023, số lỗ đã tăng lên hơn 44.900 tỷ đồng.

Giải thích nguyên nhân, Bộ Công Thương cho hay phát điện là khâu làm tăng chi phí nhiều nhất. Cụ thể, tổng chi phí khâu phát điện năm 2021 tăng 28.425,35 tỷ đồng (tăng 9,14% so với năm 2020). Trong năm 2022 chi phí này tăng gấp 2,5 lần, với số tiền 72.855,58 tỷ đồng, chủ yếu do biến động giá nhiên liệu và tỷ giá. Riêng giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân từ 34,7% đến 46,4% so với năm 2021, làm tăng chi phí mua điện hầu hết ở các nhà máy nhiệt điện than. Giá khí năm 2022 cũng tăng 27,4% so với năm 2021.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa bày tỏ mong muốn khách hàng, người dân, doanh nghiệp chia sẻ với những khó khăn của ngành điện : "Với bất kỳ lý do gì thì việc để thiếu điện để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý Nhà nước, ngành điện, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp. Đây là lúc chúng ta để có những giải pháp khả thi từ đó giải quyết khó khăn", ông Hòa chia sẻ.

Thuỷ Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp Việt đã khó còn khổ vì thiếu điện - EVN nói thiếu nước và giá than quá cao