Nữ bệnh nhân bị tổn thương da nặng do tự ý chữa dị ứng tại nhà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhập viện trong tình trạng nổi mẩn toàn thân kèm theo ngứa và tổn thương da, nữ bệnh nhân cho biết, trước đó đã có tiền sử dị ứng, viêm khớp.

Tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, nữ bệnh nhân cho hay, sau khi cô ăn rượu nếp thì xuất hiện mẩn ngứa. Nhưng vì chủ quan, cô đã tự dùng thuốc medrol (thuốc chống dị ứng) để điều trị cho mình.

Tuy nhiên tình trạng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, nữ bệnh nhân tiếp tục tắm nước lá cây, nước muối và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tổn thương da, nốt đỏ lan ra toàn thân, một số có mụn mủ kèm theo ngứa và đau nhức. Cô được người nhà đưa đến bệnh viện khám ngay sau đó.

Tại bệnh viện, các bác sĩ da liễu cho rằng, nếu không điều trị dứt điểm, dị ứng sẽ gây khó chịu và để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Vì vậy, người có cơ địa dị ứng không nên tuỳ tiện tiếp xúc với các yếu tố dị ứng và cận trọng với các loại thuốc.

Nhận biết sớm tình trạng dị ứng

Dị ứng da thường xuất hiện tập trung ở một khu vực nhất định như da mặt, lưng, cổ, tay, chân… Nếu nặng có thể lan ra toàn thân.

Để nhận biết liệu có phải là dị ứng da hay không, bạn có thể quan sát một số triệu chứng sau:

  • Da khô nứt nẻ, bong tróc
  • Da nóng rát, ngứa ngáy, châm chích, sưng đau và khó chịu
  • Da sưng viêm, phù nề, nổi mẩn
  • Nổi mề đay hoặc phát ban
  • Da xuất hiện các đốm đỏ li ti
  • Mắt đỏ và ngứa
  • Họng, lưỡi, môi sưng
  • Xuất hiện mụn nước, mủ
  • Da mặt sưng đỏ, mẩn ngứa

Thông thường, tình trạng dị ứng da có thể khỏi trong vòng vài giờ, nhưng cũng có nguy cơ tái phát nhiều lần và nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị dị ứng da

Mặc dù trong dân gian có nhiều mẹo chữa trị bệnh dị ứng như tắm nước mát, chườm lạnh, dùng nha đam, uống nhiều nước, dùng mật ong, cây thuốc Nam cho đến tắm lá chè xanh… nhưng hầu hết các phương pháp này vẫn chưa được khoa học kiểm chứng, vì vậy người bệnh cần cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng.

Việc tự chữa trị tại nhà không áp dụng cho trường hợp dị ứng mẩn ngứa khởi phát như sưng cổ họng, sưng mí, đau bụng, thở khò khè, tiêu chảy hay da bị lở loét, bội nhiễm. Một số trường hợp khác có dấu hiệu khó thở, tụt huyết áp, co thắt phế quản, nhịp tim chậm cũng nên tránh các mẹo dân gian nói trên.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Nữ bệnh nhân bị tổn thương da nặng do tự ý chữa dị ứng tại nhà