Phân tích: Quản lý của nhiều doanh nghiệp biến mất, môi trường kinh doanh Trung Quốc xảy ra điều gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, nhiều quản lý cấp cao của các công ty nổi tiếng Trung Quốc lần lượt biến, vụ việc mới nhất là giám đốc của nền tảng phát video trực tuyến và một giám đốc điều hành công ty dược phẩm đã ‘biến mất’. Những sự việc như vậy đã làm lung lay niềm tin kinh doanh của các công ty trong và ngoài nước Trung Quốc.

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rằng ông Trần Thiếu Kiệt, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của nền tảng phát sóng trực tiếp Đấu Ngư - Douyu, đã không liên lạc được khoảng ba tuần. Douyu, được niêm yết trên Nasdaq, từ chối bình luận về tình trạng của ông Trần nhưng cho biết “hoạt động kinh doanh của họ vẫn bình thường”. Tính đến tháng 3 năm nay, Tencent nắm giữ gần 38% cổ phần của Douyu.

Trong khi đó, Shandong Wohua Pharmaceutical (Dược phẩm Ốc Hoa Sơn Đông), niêm yết tại Thâm Quyến, cho biết chủ tịch Triệu Bính Hiền đã bị giam giữ và yêu cầu hợp tác điều tra. Trong hồ sơ của công ty, Ốc Hoa không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc điều tra nhưng cho biết họ không liên quan đến vấn đề này và chính quyền Trung Quốc đã không thông báo cho công ty hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ công ty.

Cuộc đàn áp leo thang của Bắc Kinh khiến cộng đồng doanh nghiệp lo lắng, thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài

Trần Thiếu Kiệt và Triệu Bính Hiền là những người mới nhất trong danh sách ngày càng nhiều các giám đốc điều hành các công ty Trung Quốc mất tích hoặc bị giam giữ. Trong số các giám đốc điều hành cấp cao lần lượt biến mất, chủ ngân hàng đầu tư Bao Phàm là người thu hút nhiều sự chú ý nhất. Bao Phàm mất tích từ tháng 2 và không xuất hiện trước công chúng nữa.

Không chỉ các giám đốc điều hành công ty Trung Quốc lần lượt biến mất mà năm nay, sự giám sát của ĐCSTQ cũng đã tác động đến các công ty nước ngoài. Nhà chức trách đã đột kích các văn phòng ở Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz Group có trụ sở tại New York, bắt giữ 5 nhân viên Trung Quốc; các nhân viên tại văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Bain của Mỹ đã bị thẩm vấn.

Một số nhân viên tại các công ty nước ngoài, bao gồm nhân viên cấp cao tại công ty tư vấn Kroll của Mỹ và công ty tài chính Nhật Bản Nomura Holdings, cũng bị cấm rời khỏi Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về việc ĐCSTQ ngày càng áp đặt lệnh cấm xuất cảnh.

Một loạt vụ mất tích và sự gia tăng đàn áp của chính quyền Bắc Kinh đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và các công ty nước ngoài phải rùng mình, đồng thời dẫn đến tình trạng dòng vốn chảy ra liên tục một cách bất thường. Trong 6 quý tính đến hết tháng 9, các công ty nước ngoài đã rút tổng doanh thu khỏi Trung Quốc hơn 160 tỷ USD.

Giáo sư Trần Chí Vũ, trưởng khoa Tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Hồng Kông, nói với tờ Wall Street Journal: "Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đặt chính trị lên trước kinh tế và kinh doanh. Các nhà lãnh đạo (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã nhiều lần nói điều này, nhưng nhiều người trong giới doanh nghiệp chọn cách phớt lờ điều, hoặc đơn giản gạt nó sang một bên như một ví dụ khác về ‘luận điệu chính trị’ không có ý nghĩa thực tế".

Ông nói: “Bây giờ, họ đã học được bài học và một số người không còn sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh mới nữa”.

Lời hứa trống rỗng

Trung Quốc cũng đang nỗ lực thu hút người nước ngoài quay trở lại vì dữ liệu cho thấy nhiều khoản đầu tư trực tiếp đang chảy ra khỏi Trung Quốc hơn là chảy vào trong nước, cho thấy các công ty có thể đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình để giảm thiểu rủi ro.

Nợ đầu tư trực tiếp trong cán cân thanh toán của Trung Quốc đã chậm lại trong hai năm qua. Trong quý 3 năm nay, nợ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc thâm hụt 11,8 tỷ USD, mức thâm hụt đầu tiên kể từ khi Trung Quốc bắt đầu sử dụng chỉ số này để phản ánh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 1998.

Trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư nước ngoài quay trở lại. Hôm thứ Tư (8/11), Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương xóa bỏ chính sách phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm ổn định niềm tin đầu tư. Vào tháng 8, cơ quan quản lý mạng internet của Trung Quốc đã gặp gỡ các giám đốc điều hành của hàng chục công ty quốc tế để giảm bớt lo ngại về các quy định dữ liệu mới. Bắc Kinh cũng hứa sẽ cung cấp chính sách thuế tốt hơn cho các công ty nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài xin thị thực.

Tuy nhiên, những lời hứa của Bắc Kinh dường như vô nghĩa đối với một số công ty, khi các nhóm kinh doanh nước ngoài tố cáo rằng các công ty của họ ở Trung Quốc đang có dấu hiệu “mệt mỏi với lời hứa”.

Ông Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của ING, nói với Bloomberg: “Mối lo ngại là Trung Quốc hiện đang cố gắng hết sức để mở cửa đón các dòng vốn mới – đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất – nhưng đã có dòng vốn chảy ra ròng, có lẽ đây chỉ là khởi đầu cho một dấu hiệu, cho thấy mọi người đang ngày càng tìm đến các địa điểm đầu tư bên ngoài Trung Quốc”.

Sự quản lý thiếu minh bạch của ĐCSTQ gây tổn hại đến môi trường kinh doanh và khó khôi phục lòng tin.

Hàng loạt cuộc đàn áp không rõ nguyên nhân của ĐCSTQ cũng khiến một số lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc lo lắng. Ông Hồ Tổ Lục, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc Primavera Capital Group, cho biết tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg ở Singapore hôm thứ Tư: “Bây giờ, các doanh nhân Trung Quốc tỏ ra dè dặt, bình thản, và tâm lý thị trường rất yếu. Theo tôi quan sát, giới doanh nghiệp Trung Quốc chưa từng chứng kiến ​​tình trạng bất an như thế này kể từ năm 1978".

Ông Robert Carnell nói với Bloomberg: “Điều tai hại nhất là những thay đổi đột ngột về quy định”. Ông đề cập đến các hoạt động phản gián của ĐCSTQ trong năm nay. "Một khi bạn phá hủy nhận thức về môi trường kinh doanh, sẽ rất khó để khôi phục lại niềm tin. Tôi nghĩ sẽ mất một thời gian".

Các quản lý cấp cao của doanh nghiệp không phải là những người duy nhất biến mất ở Trung Quốc trong thời gian qua. Mùa hè năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã biến mất khỏi dư luận và bị cách chức không lời giải thích chỉ vài tháng sau khi nhậm chức. Những thay đổi nhân sự cấp cao đột ngột này, đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng của thế giới với cơ chế quản lý không minh bạch của Trung Quốc.

Theo Hạ Vũ - The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Quản lý của nhiều doanh nghiệp biến mất, môi trường kinh doanh Trung Quốc xảy ra điều gì?