Tại sao Bắc Kinh không tung ra gói kích thích kinh tế cho các hộ gia đình?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cho dù kinh tế Trung Quốc đang chao đảo, Bắc Kinh sẽ khó có thể cung cấp một gói kích thích kinh tế cho các hộ gia đình và cá nhân.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Cho dù chúng ta chấp nhận con số mục tiêu chính thức rằng Trung Quốc sẽ “giảm tốc độ” tăng trưởng xuống còn 5% vào năm 2023 hay xem xét dữ liệu không chính thức, tất cả đều chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bị tổn thương.

Theo chiến lược kinh tế học trong sách giáo khoa, khi nền kinh tế chậm lại, chính phủ sẽ can thiệp và tăng chi tiêu công để thúc đẩy hoạt động và giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thoái. Với nhiều áp lực rõ ràng như vậy, tại sao Bắc Kinh lại từ chối tung gói kích thích cho các hộ gia đình?

Mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính thức vẫn ở mức 5% nhưng ít người tin vào điều đó và dường như nó không phản ánh được khó khăn của các doanh nghiệp và các cá nhân. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trên 20% đã trở thành một vấn đề chính trị đến mức các quan chức phải ngừng công bố dữ liệu. Tăng trưởng tài sản cố định, một chỉ số quan trọng trong nền kinh tế dựa nhiều vào đầu tư, báo cáo mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước trong tháng 7 chỉ ở mức 3,4%. Nhập khẩu, một dấu hiệu quan trọng về sức khỏe trong một nền kinh tế, đã giảm 6,7% trong nửa đầu năm 2023. Đầu tư vào bất động sản, với các ngành liên kết chiếm khoảng 30% nền kinh tế Trung Quốc, giảm 8,5% trong nửa đầu năm nay. Ngay cả khi chúng ta tin vào những con số tăng trưởng chính thức thì bức tranh vẫn là khá ảm đạm.

Các nhà kinh tế Trung Quốc đã công khai đề xuất các biện pháp kích thích để chống lại suy thoái. Phố Wall kỳ vọng sẽ có một số khoản chi tiêu lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Hầu hết những người đang theo dõi Trung Quốc ở Washington đều tranh luận về việc thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình bằng biện pháp kích thích do chính phủ dẫn dắt. Điệp khúc trở nên liên tục đến mức Bắc Kinh đặc biệt loại trừ khả năng tung ra gói kích thích hộ gia đình, viện dẫn sự ít ỏi trong thành tựu sẽ đạt được nếu mỗi người dân nhận được 1.000 nhân dân tệ (CNY) từ chính phủ.

Hãy mở hầu hết mọi cuốn sách giáo khoa kinh tế bậc đại học và nó sẽ nói về việc tăng chi tiêu của chính phủ trong thời kỳ suy thoái để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Việc chính phủ nên vay để kích thích hoạt động kinh tế trong thời kỳ suy thoái được coi như một khẩu súng thần kỳ.

Vậy tại sao Bắc Kinh lại từ chối kích thích trong thời kỳ suy giảm kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều năm?

Tại sao Bắc Kinh không tung ra gói kích thích kinh tế cho các hộ gia đình?
Một cảnh sát bán quân sự Trung Quốc đứng gác tại Quảng trường Thiên An Môn trong phiên khai mạc của cơ quan lập pháp của Trung Quốc, Đại hội Nhân dân Toàn quốc, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 05/03/2019. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Lý do

Có thể có nhiều lý do khiến Bắc Kinh ngần ngại thực hiện một số biện pháp kích thích đáng kể. Đầu tiên, như trong tuyên bố bác bỏ gói kích thích hộ gia đình, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh nhận thấy lợi tức đầu tư đang ở mức tối thiểu. Sử dụng ví dụ chính thức, nếu mọi người đều nhận được 1.000 CNY, chúng ta giả định rằng mỗi CNY đều được chi tiêu trước cuối năm; điều này có thể sẽ tăng thêm khoảng 1% vào GDP và tăng doanh số bán lẻ lên khoảng 3%. Thực tế hơn, đặc biệt là với mức nợ hộ gia đình cao, một lượng đáng kể sẽ được tiết kiệm hoặc sử dụng để trả nợ, làm giảm đáng kể bất kỳ sự thúc đẩy nào đối với hoạt động tiêu dùng. Bắc Kinh không coi đây là lợi tức đầu tư tốt.

Thứ hai, những lời kêu gọi kích thích hoặc gia tăng tiêu dùng hộ gia đình với sự hỗ trợ của chính phủ thường thể hiện một vấn đề mang tính chu kỳ, trong khi ở Trung Quốc, người ta đang phải đối mặt với một vấn đề mang tính cơ cấu. Các nhà bình luận kêu gọi kích thích hộ gia đình đã chỉ ra một cách chính xác rằng tiêu dùng hộ gia đình Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 40% GDP, trong khi con số này ở Mỹ lên tới 80%. Nhiều người kết luận rằng giải pháp là thúc đẩy mức tiêu dùng của hộ gia đình Trung Quốc tính theo phần trăm GDP lên trên 40%, bắt đầu bằng biện pháp kích thích của chính phủ. Tuy nhiên, thật sai lầm khi cho rằng hiện tượng này là sự tình cờ của lịch sử chứ không phải là âm mưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm đàn áp phúc lợi hộ gia đình để ủng hộ nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Toàn bộ mô hình kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào việc đàn áp tiêu dùng hộ gia đình để tài trợ cho lợi ích của nhà nước và ĐCSTQ.

Gói kích thích một lần đối với các hộ gia đình Trung Quốc sẽ có tác động tối thiểu đến nền kinh tế Trung Quốc và không thể giải quyết nổi những sự mất cân đối to lớn. Kích thích ở các quốc gia khác được sử dụng như một biện pháp tạm thời, trong khi sự thay đổi ở Trung Quốc đòi hỏi phải cải cách các cơ cấu nền tảng. Các nhà bình luận ủng hộ các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình không hiểu rằng họ đang ủng hộ không phải việc tăng cường kích thích đơn giản để mua hàng gia dụng mà là ủng hộ sự thay đổi cơ cấu của ĐCSTQ và mô hình kinh tế Trung Quốc, một điều sẽ không xảy ra.

Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách của ĐCSTQ không ưu tiên cho sự thịnh vượng của hộ gia đình và cá nhân. Điều này đặt ra một loạt các ưu tiên hoàn toàn khác về cách thúc đẩy nền kinh tế. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ĐCSTQ đã ưu tiên một cách có ý thức việc thúc đẩy đầu tư thông qua việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp liên kết, ưu tiên thúc đẩy các dự án công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng. Vốn và nguồn lực được dồn cho các tổ chức được nhà nước ủng hộ. Cho dù đó là sự thúc đẩy khả năng tự lực về công nghệ hay các lĩnh vực ọp ẹp liên kết với nhà nước từ ngân hàng đến phát triển bất động sản và kim loại, những lĩnh vực vốn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước để duy trì sự tồn tại, Bắc Kinh phụ thuộc vào các công ty này để tạo ra việc làm và sự ổn định, ở mức tương đương với mức độ các công ty này phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Vậy Bắc Kinh sẽ làm gì?

Bắc Kinh nhận thấy tình trạng bất ổn kinh tế trên khắp Trung Quốc. Nhưng nếu kích thích đến, hãy chờ đợi để thấy nhiều hơn các kích thích về cơ sở hạ tầng, khả năng tự lực và chi tiêu xa hoa mà chúng ta đã thấy trước đây - chứ không phải sự thay đổi mô hình như nhiều người mong đợi. Với việc cho vay chủ yếu dành cho các công ty có liên kết với nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình đơn giản không phải là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.

Bằng cách bảo vệ các công ty nhà nước và các dự án của chính quyền địa phương, Bắc Kinh có thể chứng tỏ cho công chúng thấy sự ổn định và tiến bộ. Việc vung tiền cho các cá nhân sẽ loại bỏ khả năng kiểm soát những gì sẽ xảy ra, cách chi tiêu tiền hoặc các ưu tiên của nhà nước. Đó chỉ đơn giản là một cây cầu dẫn đến hư không cho ĐCSTQ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

 

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Bắc Kinh không tung ra gói kích thích kinh tế cho các hộ gia đình?