Với sức mạnh 'lấn át' từ dầu khí, đồng RUB Nga tăng giá cao nhất so với USD kể từ năm 2015

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng RUB Nga tăng lên mức cao nhất năm 2015 là 54,85 ​​mỗi USD trước khi giảm xuống mức 57 RUB cho mỗi USD. Đồng RUB tăng tới 56% chỉ trong hai tháng sau khi buộc các công ty của Châu Âu phải thanh toán dầu khí từ Nga bằng đồng RUB.

Đồng RUB Nga tăng lên mức cao nhất năm 2015 là 54,85 ​​mỗi USD; hiện tại mặc dù đã giảm xuống còn trên 57 RUB/USD nhưng đây cũng là mức cao nhất trong 4 năm qua. So với thời kỳ đồng RUB mất giá tồi tệ nhất vào tháng 3/2022 (thời điểm sau khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine), đồng RUB đã tăng tới 56% chỉ trong 2 tháng.

Sự phục hồi của giá trị đồng nội tệ Nga diễn ra trong bối cảnh quốc gia này đang bị tấn công dồn dập bởi các đòn trừng phạt kinh tế từ Mỹ và các đồng minh khắp toàn cầu. Nga nắm lợi thế là Châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng và ngũ cốc từ Nga. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và lương thực leo thang, lợi thế này đã trở thành con dao sắc bén trong cuộc chiến của Nga với Ukraine, giữ cho đồng RUB của Nga tăng giá, ổn định bất chấp thực tế kinh tế, thương mại và ngoại giao khắc nghiệt.

Đồng RUB của Nga tăng giá cao nhất so với USD kể từ năm 2015 sau khi rớt thảm vì tấn công Ukraine. Chiến lược thanh toán tiền xuất khẩu dầu bằng RUB trong bối cảnh Châu Âu phụ thuộc năng lượng vào Nga đã giải thích cho hiện tượng này. (Ảnh chụp màn hình từ Trading Economics, 24/5/2022)

Đồng RUB tăng giá nhờ chính phủ Nga đã duy trì được trạng thái thặng dư tài khoản vãng lai, chủ yếu là nhờ xuất khẩu dầu thô. Chính quyền của ông Putin cũng kiểm soát vốn chặt chẽ. Chính quyền kiểm soát trạng thái vốn của các công ty xuất khẩu, buộc các công ty này lập tức chuyển đổi ngoại tệ sang đồng RUB nội tệ để đáp ứng yêu cầu về khai thuế theo tháng.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu đã xác nhận vào tuần trước rằng các công ty Liên minh châu Âu có thể thanh toán các hợp đồng mua khí đốt của Nga bằng đồng tiền đã thỏa thuận trong các hợp đồng hiện tại của họ mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của khối. Tức là, Ủy ban Châu Âu cho phép thanh toán tiền mua dầu khí của Nga bằng RUB theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Putin.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bắt đầu tham gia vào thị trường tiền tệ một cách không chính thức bằng cách thu mua ngoại tệ để ngăn chặn sự tăng trưởng của đồng RUB. Mặc dù CBR đã cho phép mua ngoại tệ tự do, nhưng trong danh sách ngoại tệ được tự do mua không có USD và EUR, đồng thời CBR cũng tăng giới hạn chuyển tiền cá nhân ra khỏi biên giới Nga lên tới 50.000 USD mỗi tháng (mức giới hạn trước đây là 10.000 USD). Cơ quan này vẫn cấm các giao dịch đối với các quốc gia nằm trong danh sách "không thân thiện" theo tiêu chuẩn của Nga.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Với sức mạnh 'lấn át' từ dầu khí, đồng RUB Nga tăng giá cao nhất so với USD kể từ năm 2015