‘Hậu thiên tai sẽ có đại dịch’: Tại sao bạn cần tránh uống nước đóng chai sau khi lũ rút?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lũ lụt nguy hiểm như thế nào? Nước uống sau lũ lụt không an toàn ra sao?

"Sát thủ" giấu mặt trong lũ

Người xưa có câu: “Hậu thiên tai lớn sẽ có đại dịch”, thực tế sau lũ lụt rất dễ xuất hiện các loại dịch bệnh hoặc bệnh truyền nhiễm khác nhau.

Vào năm 1931, nước dâng mạnh ở lưu vực có sông lớn như sông Dương Tử, sông Châu Giang, sông Hoàng Hà và sông Hoài Hà ở Trung Quốc. Lúc bấy giờ, khoảng 70 - 80 triệu người đã bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 1% dân số của Trung Quốc vào thời điểm đó. Sau lũ lụt, bệnh dịch bùng phát và số người chết vì các bệnh truyền nhiễm lên tới hơn 3 triệu người.

Trong cuốn sổ tay "Phân tích và phòng ngừa dịch bệnh sau thảm họa" của Trung Quốc có đề cập rằng, thiên tai có thể làm ô nhiễm nguồn nước, từ đó bùng phát bệnh tiêu chảy.

Sau trận lụt ở Bangladesh năm 2004, hơn 17.000 trường hợp có triệu chứng tiêu chảy đã được phát hiện. Các nhà nghiên cứu phát hiện trong nước có tồn tại hai chủng vi khuẩn Vibrio cholerae và Escherichia coli, vốn có khả năng sinh độc tố.

Trong một nghiên cứu của Indonesia năm 2001-2003 đánh giá yếu tố nguy cơ nhiễm Cryptosporidium parvum (một loại ký sinh trùng lây truyền qua nước), người ta thấy rằng so với nhóm đối chứng, những trường hợp bệnh nhân tiếp xúc với lũ lụt có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần.

Các yếu tố nguy cơ dịch bệnh đều tiềm ẩn trong lũ lụt. Chúng bao gồm phân người hoặc động vật, hóa chất độc hại trong nông nghiệp và công nghiệp, kim loại nặng trong khu vực khai thác mỏ… theo Mẫu đánh giá về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác nhau sau lũ lụt của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC.

Bên cạnh đó, dịch tả, tiêu chảy, tay chân miệng, lỵ trực khuẩn, viêm kết mạc xuất huyết cấp và các dịch bệnh khác cũng có khả năng xảy ra sau lũ rất cao.

Hơn nữa, lũ lụt tàn nhẫn đến mức con người bị mắc kẹt trong nước nhưng không có nước để uống.

Giới học thuật thường tin rằng 3 ngày không uống nước là đủ để gây tử vong. Vậy, người dân vùng thiên tai phải làm thế nào để có nước uống an toàn?

Câu trả lời là đun sôi nước máy để uống và để đảm bảo an toàn, nước dùng cho đánh răng, rửa tay, rửa mặt, rửa bát, rửa thực phẩm… đều cần đun sôi. Cần lưu ý rằng nước đóng chai ngâm trong nước lũ cũng khả năng nhiễm bẩn. Bạn không nên bị vẻ ngoài của chai nước đánh lừa, rất có thể tạp chất đã xâm nhập vào kẽ nắp chai, thậm chí hoà vào nước bên trong chai.

Để an toàn, bạn nên uống nước đã đun sôi, hoặc nước đóng chai, đóng bình đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, dụng cụ chứa nước phải luôn sạch sẽ.

Nếu ở nhà không có nước đóng chai đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nguồn nước bị gián đoạn, bạn có thể mua thùng sạch để đựng nước mưa (mặc dù nước mưa cũng có một số vấn đề ô nhiễm nhất định nhưng sạch hơn nước lũ rất nhiều), sau đó tiến hành lọc, đun sôi trước khi uống hoặc sử dụng.

Nhưng để phòng chống dịch bệnh sau thiên tai, chỉ dựa vào “uống nước cẩn thận” là chưa đủ. Làm thế nào để phòng chống hiệu quả các dịch bệnh khác sau lũ?

Phòng chống dịch bệnh sau lũ

Điều gì sẽ xảy ra với ngôi nhà sau khi nước lũ rút đi? Năm 1993, Tạp chí của Hiệp hội Y tế Dự phòng Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu về ô nhiễm môi trường sau trận lụt.

Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát vệ sinh tại căn phòng bị thiên tai của 5 hộ gia đình ở nông thôn, sử dụng tường, đồ nội thất, sàn nhà làm mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy tổng số vi khuẩn phát hiện được trên các mẫu lên tới 750.000 - 310.000.000 mỗi centimet vuông. Trong số đó, 2 mẫu được phát hiện gồm Salmonella và bệnh lỵ (cả hai mầm bệnh đều truyền nhiễm).

Sau khi khử trùng môi trường, tổng số vi khuẩn giảm hơn 99% và số lượng vi khuẩn gây bệnh được phát hiện bằng không, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Bảng: Kết quả xét nghiệm tổng số vi khuẩn trước và sau khi khử khuẩn tường, đồ đạc, sàn nhà

Điểm lấy mẫu Tổng số vi khuẩn / cm2 Bài kiểm tra
(Giá trị P)
Trước khi khử trùng Sau khi khử trùng
Trên tường 750000 425 <0,01
Trong tường 7300000 1170 <0,01
Dưới tường 43000000 4900 <0,01
Nội thất 42000000 198 <0,01
Mặt đất 310000000 67000 <0,01
Lưu ý: (*) là giá trị trung bình của 5 nông dân trước và sau khi khử trùng

“Trên tường” là nơi khô ráo cách mặt nước 50cm; “trong tường” là nơi bị thấm ở độ cao 20cm so với mực nước; “dưới tường” là nơi ngập nước

Trong nghiên cứu, người ta kiểm tra kỹ chất lượng nước của các giếng nông và ao hồ sau lũ lụt và thấy rằng tổng số vi khuẩn coliform trong nước vượt quá tiêu chuẩn nước uống từ hơn 34 đến 79.000 lần, ngoài ra còn phát hiện cả vi khuẩn Salmonella.

Mục đích của nghiên cứu là cung cấp dữ liệu cho công tác phòng chống dịch bệnh sau thiên tai của chính phủ Trung Quốc. Sau mỗi đợt lũ, trước khi người dân di dời về ở, chính quyền cần khử trùng môi trường, phòng chống dịch bệnh trước để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Những người ở vùng thiên tai cũng nên tự chăm sóc bản thân thật tốt:

  • Sau khi da được ngâm trong nước mưa, nên làm sạch bằng vòi hoa sen;
  • Mang giày và găng tay không thấm nước khi lội;
  • Tránh ngâm tay và chân và các bộ phận khác trong nước trong một thời gian dài;
  • Lau cơ thể càng sớm càng tốt sau khi lội nước;
  • Đồng thời kiểm tra xem có vết thương nào không, nếu có vết thương, trước tiên rửa sạch vết thương (có thể dùng nước muối sinh lý, nước đóng chai hoặc nước lạnh đun sôi), sau đó sát trùng và băng bó lại, nếu cần thì tìm tư vấn y tế.

Mặt khác, bạn cũng cần chú ý đến việc phòng chống muỗi đốt, khử trùng trong nhà, những vật dụng, thực phẩm không thể khử trùng cũng đừng tiếc, hãy vứt bỏ chúng nếu cần thiết, bởi sức khỏe là quan trọng.

Theo Zhao Li - Aboluowang
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Hậu thiên tai sẽ có đại dịch’: Tại sao bạn cần tránh uống nước đóng chai sau khi lũ rút?