Lương cơ bản của bạn có cao hơn mức trung bình này của người Việt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là một người lao động, nếu mức lương cơ bản của bạn cao hơn mức 6 triệu đồng/tháng (tương đương 255 USD), bạn có thể tạm yên tâm là bạn đang có thu nhập cao hơn mức trung bình của người Việt Nam, còn nếu thấp hơn thì bạn nằm trong số những người nên phấn đấu thêm.

Theo một khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố ngày 8/8, tiền lương cơ bản hàng tháng mà người lao động Việt Nam nhận được năm 2023 - trong điều kiện làm đủ giờ công, ngày công, và không bao gồm tiền làm thêm giờ - đạt trung bình khoảng 6 triệu đồng. Con số này tăng 8,4% so với khảo sát công bố vào tháng 3/2022.

Kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 của Tổng Liên đoàn Lao động còn cho thấy mức lương cơ bản này đã tăng từ 37,5-51,9% (tùy theo từng vùng) so với tiền lương tối thiểu.

Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết cuộc khảo sát được thực hiện với gần 3.000 người lao động. Ngoài lương cơ bản, người lao động còn có các khoản thu nhập khác.

Kết quả khảo sát cho thấy, tổng thu nhập trung bình của người lao động đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng (305 USD), trong đó lương cơ bản (con số khoảng 6 triệu ở trên) chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ, còn 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.

Mức thu nhập đó liệu có đủ chi tiêu?

Theo bà Phạm Thị Thu Lan, có đến 3/4 số nhà lãnh đạo cho biết số tiền đó không đủ cho nhu cầu sinh hoạt của họ.

Cụ thể, 75,5% số người trả lời khảo sát cho biết thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Chỉ có 24,5% số người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống.

Đại diện Viện Công nhân và Công đoàn cho biết chỉ có 8,1% người lao động có dư dật tích lũy từ tiền lương và thu nhập, trong khi 11,2% không thể đủ sống nên phải làm thêm việc khác để kiếm thêm tiền.

Một kết quả đáng buồn nữa từ cuộc khảo sát, theo bà Phạm Thị Thu Lan, là có 17,3% công nhân lao động cho biết phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Khoảng hơn 1/4 số người lao động cho biết họ có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày, trong khi hơn 10% cho biết họ ít khi có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình với điều kiện thu nhập hiện nay.

Được biết, cuộc khảo sát trên được thực hiện với những người lao động trong ngành dệt may (27,5%), ngành điện và điện tử (16,9%), thương mại (7,3%), chế biến nông lâm thủy sản (5,7%), ngành da giày (4,4%) và các ngành khác như cơ khí, giao thông vận tải, xây dựng (38,1%).

Việt Nam Kinh tế

Lương cơ bản của bạn có cao hơn mức trung bình này của người Việt?