Nga quan ngại việc đồng minh Armenia tập trận chung với quân đội Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Armenia tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Hoa Kỳ vào tuần tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Armenia và Nga gia tăng căng thẳng, bởi Armenia cho rằng Moscow không đứng về phía nước này trong tranh chấp Armenia - Azerbaijan.

Điện Kremlin đã bày tỏ sự không hài lòng của họ đối với các cuộc diễn tập quân sự giữa Armenia và Hoa Kỳ.

“Trong hoàn cảnh hiện tại, những cuộc tập trận quân sự kiểu này không góp phần làm ổn định tình hình”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào hôm 7/9. “Chúng cũng không tạo ra bầu không khí tin cậy lẫn nhau trong khu vực”.

Các cuộc tập trận, dự kiến diễn ra ngày 11-20/9, được tuyên bố là để chuẩn bị cho quân đội Armenia tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế.

Theo Lầu Năm Góc, 85 binh sĩ Mỹ - bao gồm các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Kansas - sẽ tham gia tập trận cùng với 175 binh sĩ Armenia.

Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Armenia leo thang. Armenia cho rằng Moscow đang ‘bỏ rơi’ khu vực Nam Caucasus.

Bất chấp những bất đồng đôi khi xảy ra với Nga, Armenia vẫn là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - một liên minh quân sự gồm 6 quốc gia do Moscow lãnh đạo. Cùng với Nga và Armenia, các thành viên CSTO hiện tại bao gồm Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Vào ngày 7/9, ông Sergey Ryabkov - Thứ trưởng Ngoại giao Nga - cho biết các nước CSTO nên tiến hành tập trận chung với các thành viên.

Ông nói với hãng tin TASS của Nga: “Chúng tôi luôn hoạt động dựa trên tiền đề rằng các thành viên CSTO nên tổ chức diễn tập với các đồng minh [CSTO]. Chúng tôi đã nhấn mạnh với đồng minh Armenia của mình... rằng chúng tôi xem [các cuộc tập trận đã lên kế hoạch với Mỹ] là một yếu tố gây quan ngại”.

Tranh chấp về Nagorno – Karabakh

Armenia và Azerbaijan đã bùng phát các cuộc xung đột lẻ tẻ kể từ năm 2020, khi 2 nước vùng Nam Caucasus này xảy ra cuộc chiến kéo dài 6 tuần do những tranh chấp về khu vực Nagorno–Karabakh.

Vụ xung đột gần đây nhất xảy ra vào ngày 1/9, khiến 4 binh sĩ Armenia thiệt mạng và một số binh sĩ Azerbaijan bị thương. Cả hai bên đều cáo buộc bên kia đã bắt đầu hành vi bạo lực trước.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, các lực lượng Armenia đã chiếm đóng phần lớn Nagorno - Karabakh (một khu vực miền núi rộng khoảng 2.730 dặm vuông - tương đương 7070 km2).

Armenia vẫn nắm quyền kiểm soát Nagorno - Karabakh cho đến năm 2020, khi Azerbaijan chiếm lại hầu hết phần lãnh thổ đã mất.

Mặc dù phần lớn trong tổng số 120.000 cư dân trong khu vực là người dân tộc Armenia, nhưng Nagorno - Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.

Cuộc chiến năm 2020, trong đó hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng, đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian. Sau cuộc xung đột, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai dọc biên giới Azerbaijan - Armenia và vẫn đang duy trì sự hiện diện tại đây.

Tại cuộc họp Nội các vào ngày 7/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định rằng Azerbaijan đang “tập trung quân” ở biên giới.

Về phần mình, Azerbaijan bác bỏ cáo buộc trên. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Azerbaijan nói rằng Armenia đang dàn dựng “các hành động khiêu khích” và “không rút quân khỏi lãnh thổ Azerbaijan”, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian.

Không giống như Armenia, Azerbaijan không phải là thành viên CSTO. Tuy nhiên, năm ngoái, Azerbaijan đã ký một thỏa thuận chính trị - quân sự với Moscow, mà Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev sau này nói rằng nó tương đương với một thỏa thuận về “liên minh”.

Armenia hướng tới phương Tây

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 3/9 với tờ La Repubblica của Ý, Thủ tướng Armenia Pashinyan phàn nàn rằng Nga đã không đảm bảo an ninh cho Armenia trước những gì ông mô tả là “sự hung hăng” từ Azerbaijan.

Ông nói Moscow đang ‘bỏ rơi’ Armenia - một thành viên CSTO - và khu vực Nam Caucasus nói chung. Ông nói thêm rằng Armenia cần đa dạng hóa các thỏa thuận an ninh của mình. Đây là sự ám chỉ rõ ràng đến Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.

“Cấu trúc an ninh của Armenia từng là 99% liên kết với Nga, bao gồm cả… việc mua sắm vũ khí và đạn dược”, ông Pashinyan cho hay. “Nhưng ngày nay, chúng tôi thấy rằng bản thân Nga cũng đang cần vũ khí, trang thiết bị và đạn dược [cho cuộc xung đột ở Ukraine], và trong tình huống này, có thể hiểu rằng… Nga không thể đáp ứng nhu cầu an ninh của Armenia”.

Nhà lãnh đạo Armenia khẳng định việc “phụ thuộc vào chỉ một đối tác” về mặt an ninh là “sai lầm chiến lược”.

Ngày hôm sau, TASS đã dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên. Người này nhận xét rằng lời phát biểu của Thủ tướng Armenia Pashinyan là “không thể chấp nhận được về cả giọng điệu lẫn nội dung”; đồng thời khẳng định các nước phương Tây “đang cố gắng đẩy Nga ra khỏi Nam Caucasus và đang sử dụng Armenia như phương tiện để đạt được mục tiêu này”.

“Nga, với tư cách là hàng xóm và người bạn thân thiết nhất của Armenia, không có ý định bỏ rơi khu vực”, nhà ngoại giao giấu tên nói với TASS.

Trong tuần này, ông Gunther Fehlinger - Chủ tịch của tổ chức “Ủy ban châu Âu về Mở rộng NATO” - đã đổ thêm dầu vào lửa khi kêu gọi Armenia gia nhập liên minh phương Tây.

Hôm qua (7/9), ông Paruyr Hovhannisyan - Thứ trưởng Ngoại giao Armenia - đã tỏ ra lo lắng và muốn giảm bớt xích mích với Moscow. “Armenia có thể có ý kiến chỉ trích CSTO”, ông nói trong một cuộc họp báo, theo TASS. “Nhưng việc rút khỏi tổ chức này không nằm trong kế hoạch của chúng tôi”.

Trước đó một ngày, các cuộc tập trận quân sự chung do các nước thành viên CSTO tổ chức đã kết thúc ở Belarus - một đồng minh chủ chốt của Nga. Armenia không tham gia cuộc tập trận này.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga quan ngại việc đồng minh Armenia tập trận chung với quân đội Mỹ