Những phương pháp điều trị trầm cảm không dùng thuốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tâm thần học can thiệp là một nhánh mới trong tâm thần học với vai trò cung cấp các phương pháp tiếp cận và điều trị trầm cảm không dùng thuốc. Những phương pháp này mang lại hy vọng cho hàng triệu người đang phải sống chung với bệnh trầm cảm trên khắp thế giới.

Lượng thuốc chống trầm cảm được sử dụng hàng năm đã tăng gấp ba lần trong vòng hai thập kỷ vừa qua, ước tính có hơn 37 triệu người Mỹ hiện đang dùng thuốc chống trầm cảm.

Tuy nhiên, vấn đề là có đến một phần ba bệnh nhân không có phản ứng hiệu quả với thuốc chống trầm cảm. Trong khi loại thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ, từ mất ngủ, rối loạn tiêu hóa cho đến đau đầu, rối loạn chức năng tình dục.

Trong bài trình bày “Điều trị toàn diện bệnh trầm cảm” tại chương trình Triển lãm Lối sống Toàn diện vào tháng 6 năm nay, bác sĩ Heather Luing đã giới thiệu các phương pháp điều trị trầm cảm toàn diện, không dùng thuốc dựa trên bằng chứng khoa học.

Bác sĩ Luing đã được chứng nhận trong lĩnh vực y học giám định tâm thần và nghiện, đồng thời chuyên nghiên cứu về các phương pháp điều trị trầm cảm thay thế mới. Bà cũng là người đồng sáng lập của Trung tâm Kích thích từ trường xuyên sọ TMS Florida.

Trong bài trình bày, bác sĩ Luing đã thảo luận về nhiều phương pháp điều trị trầm cảm khác nhau, đồng thời giải thích rằng mục tiêu cuối cùng của những phương pháp điều trị mới là làm tăng tính dẻo dai của hệ thần kinh.

Các phương pháp điều trị mới hướng đến việc tăng cường liên kết giữa các tế bào thần kinh và các đường dẫn truyền thần kinh trong não vì bệnh nhân trầm cảm thường có kết nối thần kinh yếu hay mật độ synap thần kinh thấp. Quá trình kết nối yếu tạo ra những triệu chứng khác nhau của bệnh trầm cảm—ví dụ khả năng điều chỉnh cảm xúc kém, suy nghĩ tiêu cực, mất hứng thú (không còn khả năng cảm thấy vui vẻ với những niềm vui trước đây) hay các vấn đề về trí nhớ và chức năng điều hành.

Tâm thần can thiệp là gì?

Tâm thần học can thiệp là một nhánh mới của ngành tâm thần với nhiều thay đổi trong cách tư duy bệnh học. Thay vì cho rằng hoạt động của não bộ chủ yếu dựa trên các chất dẫn truyền thần kinh, tâm thần học can thiệp sẽ nhận thức bộ não dưới dạng các đường và các vòng dẫn truyền điện, từ đó áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác.

Tâm thần học can thiệp sẽ sử dụng công nghệ thần kinh và các phương pháp can thiệp khác để điều trị các rối loạn cơ bản của não mà không sử dụng thuốc. Những phương pháp can thiệp này nhằm giúp não phục hồi chức năng bình thường một cách tự nhiên.

Các phương pháp không xâm lấn

TMS–Kích thích từ trường xuyên sọ

TMS hay kích thích từ trường xuyên sọ là phương pháp điều trị không xâm lấn (không phải cắt da hoặc xâm lấn vào bên trong cơ thể), không dùng thuốc. Phương pháp này sử dụng các xung từ trường để kích thích phần não hoạt động kém trong bệnh trầm cảm. Khi đi vào não, các xung từ trường sẽ biến đổi thành năng lượng điện và kích thích các vùng não có chức năng kiểm soát cảm xúc và có vai trò trong bệnh trầm cảm.

TMS là một phương pháp điều trị không xâm lấn vì kỹ thuật này không cần phải phẫu thuật hay cắt da. Khi thực hiện chỉ cần đặt máy TMS áp sát da đầu.

Cơ chế hoạt động

Cuộn dây điện từ trong máy TMS sẽ tạo ra các xung từ để kích thích hoạt động của não. Khi di chuyển đến vùng não, xung từ tạo nên những dòng điện nhỏ giúp kích hoạt tế bào thần kinh, giúp những tế bào này hoạt động trở lại. Đó chính là quá trình làm tăng tính mềm dẻo của hệ thần kinh. TMS còn có tác dụng làm giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và norepinephrine, nhưng cơ chế của quá trình này này vẫn chưa rõ ràng.

Theo bác sĩ Luing, bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong quá trình thực hiện kỹ thuật TMS và có rất ít tác dụng phụ cũng như không cần mất thời gian để nghỉ ngơi. Bệnh nhân có thể hoạt động bình thường trong và sau khi thực hiện TMS. Việc truyền các xung từ vào não cũng không gây đau cho bệnh nhân.

TMS không phải là phương pháp điều trị mới. Phương pháp này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị trầm cảm kháng trị (TRD) vào năm 2008. TMS cũng được sử dụng để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, cai thuốc lá và nhiều bệnh lý tâm thần khác.

Liệu trình điều trị TMS là 5 ngày/ tuần trong vòng 6-8 tuần và mỗi buổi thường kéo dài dưới 20 phút. Liệu pháp này được hầu hết các công ty bảo hiểm y tế, Medicare và Hiệp hội Cựu chiến binh đồng ý chi trả, vì vậy TMS là một lựa chọn tốt với những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị trầm cảm khác.

TMS thường được sử dụng cho những bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng với thuốc hoặc những phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, người bình thường vẫn có thể đăng ký sử dụng kỹ thuật này nếu muốn.

Nguy cơ

Theo Mayo Clinic, TMS là một phương pháp điều trị an toàn và có khả năng dung nạp tốt. Tuy nhiên, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình, tuy nhiên những tác dụng phụ này sẽ giảm dần theo thời gian. Tác dụng phụ của TMS gồm có khó chịu, đau đầu, ngứa, co hoặc giật cơ mặt và cảm giác lâng lâng.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2020, TMS có thể có một số tác dụng phụ ít gặp như co giật với tỷ lệ thấp hơn 1%. Theo một nghiên cứu được MIT đăng tải, TMS còn có hiệu quả với những rối loạn tâm thần khác như rối loạn stress sau sang chấn, tâm thần phân liệt và nghiện.

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 21,0 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ có ít nhất một giai đoạn trầm cảm nặng, chiếm 8,4% tổng số người trưởng thành ở Hoa Kỳ. (Studio Châu Phi/Shutterstock)

ECT–Liệu pháp sốc điện

Theo bác sĩ Luing, ECT hay liệu pháp sốc điện là tiêu chuẩn vàng của các phương pháp điều trị can thiệp. Mặc dù nói đến sốc điện, có thể bạn sẽ nghĩ đến những hình ảnh trong bộ phim “Bay trên tổ chim cúc cu” trong những năm 1975. Tuy nhiên bác sĩ Luing lưu ý rằng kể từ khi ra đời vào năm 1930, kỹ thuật ECT vẫn luôn không ngừng được hoàn thiện và đã có những bước tiến đáng kể trong thực hành lâm sàng.

Bác sĩ Luing giải thích rằng hiện tại ECT đã kết hợp với kỹ thuật gây mê toàn thân và thuốc giãn cơ. Quy trình thực hiện rất ngắn và thời gian gây mê chỉ kéo dài khoảng năm phút. Khác với cảnh tượng thấy trong phim, bác sĩ Luing cho biết ECT không phải là một thủ thuật bạo lực. Về cơ bản, trong quá trình thực hiện, bệnh nhân chỉ ngủ và hầu như không cử động.

Cơ chế hoạt động

Trong quy trình thực hiện ECT, sau khi bệnh nhân được gây mê toàn thân, một dòng điện nhỏ sẽ chạy qua não của bệnh nhân, gây ra cơn rung động và tác động đến tất cả các phần của não, trong đó bao gồm cả các vùng não kiểm soát cảm xúc, ăn uống và giấc ngủ.

Các bác sĩ cho rằng sự rung động sẽ giúp não bộ tự "tái lập trình", từ đó làm cải thiện được các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Mặc dù cơ chế chính xác của kỹ thuật ECT vẫn chưa được biết rõ, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ cho biết kỹ thuật ECT có thể giúp cải thiện đáng kể triệu chứng bệnh ở khoảng 80% bệnh nhân.

Nguy cơ

Một trong những nguy cơ khi sử dụng liệu pháp ECT là tình trạng quên ngược chiều. Đó là trạng thái mất trí nhớ về các sự việc xảy ra trước khi thực hiện thủ thuật, thậm chí quên cả việc đã thực hiện thủ thuật. ECT cũng có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi học những điều mới. Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, đây là những tác dụng phụ tạm thời và sẽ thuyên giảm trong vòng vài tháng sau đó. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân có thể mất trí nhớ vĩnh viễn và có các tác dụng phụ khác về nhận thức khi điều trị bằng ECT.

Các phương pháp xâm lấn

Kích thích não sâu (DBS)

Kỹ thuật kích thích não sâu với cách thực hiện như hiện nay xuất hiện từ những năm 1980 và có liên quan đến phẫu thuật đặt điện cực vĩnh viễn vào các vùng não cụ thể. Khi thực hiện thủ thuật này, một thiết bị sẽ được cấy dưới da ở vùng ngực để truyền kích thích điện liên tục đến các vùng não nhằm hỗ trợ quá trình điều chỉnh cảm xúc và giảm bớt những triệu chứng nặng của bệnh trầm cảm.

Điện cực kích thích não sâu có vai trò giống như máy tạo nhịp tim nhân tạo — nhưng đích đến là não. Thiết bị ở ngực sẽ được kết nối với các điện cực trong não thông qua các đường dây đặt dưới da. Số lượng và cường độ kích thích được điều chỉnh điều khiển từ bên ngoài. Quá trình kích thích não sẽ xảy ra liên tục, cả 24 giờ một ngày.

DBS thường được sử dụng cho những bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn vận động như bệnh Parkinson, run vô căn và loạn trương lực cơ (một rối loạn vận động tương đối hiếm gặp), đồng thời cũng có thể được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý thần kinh khác.

Kích thích não sâu thường được chỉ định cho những bệnh nhân trầm cảm nặng hoặc kháng trị (TRD) điều trị không thành công với các phương pháp điều trị khác như thuốc chống trầm cảm, tâm lý trị liệu, ECT hoặc các phương pháp điều trị ít xâm lấn khác. Kích thích não sâu cũng có thể được chỉ định cho những bệnh nhân có nguy cơ tự sát hoặc có ý định tự sát.

Mặc dù kích thích não sâu chưa được FDA chấp thuận để điều trị trầm cảm, nhưng vào tháng 7 năm 2022, phương pháp này đã xếp vào nhóm “liệu pháp đột phá”, tạo điều kiện để tìm hiểu hiệu quả của phương pháp trong điều trị trầm cảm nặng. Khái niệm “đột phá” được FDA sử dụng để đẩy nhanh quy trình đánh giá các kỹ thuật có thể giúp cải thiện cuộc sống của những bệnh nhân nặng hoặc có bệnh đe dọa đến tính mạng.

Cơ chế hoạt động

Cơ chế đề xuất của DBS là quá trình sửa chữa các rối loạn chức năng trong kết nối thần kinh đã gây ra sự suy giảm chức năng trên lâm sàng, trong đó bao gồm cả những rối loạn ở bệnh nhân trầm cảm. Theo một bài tổng quan mô tả được đăng vào năm 2022, DBS không chỉ điều chỉnh hoạt động ở vùng não được kích thích mà còn tác động đến cả những vùng não ở xa thông qua các vòng kết nối thần kinh.

Nguy cơ

Kỹ thuật kích thích não sâu sẽ có những nguy cơ kèm theo, trong đó bao gồm cả những nguy cơ khi phẫu thuật và gây mê.

Theo Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ, những nguy cơ khi thực hiện kích thích não sâu gồm có:

  • 1% nguy cơ xuất huyết não, bao gồm cả đột quỵ.
  • Nhiễm trùng.
  • Thiết bị mắc lỗi.
  • Không hiệu quả với một triệu chứng nhất định.
  • Đau đầu.
  • Trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc xấu đi.

Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS)

Kích thích dây thần kinh phế vị để điều chỉnh hoạt động não bộ không phải là một khái niệm mới. Kỹ thuật này đã được nghiên cứu trong hơn một thế kỷ qua. Theo một bài báo trên tạp chí Nature, phương pháp kích thích dây thần kinh phế vị có hiệu quả cho động vật và con người xuất hiện từ những năm 1980.

Bác sĩ Luing giải thích: mặc dù đã được FDA chấp thuận vào năm 2005, nhưng liệu pháp kích thích dây thần kinh phế vị vẫn chưa được thêm vào danh sách các dịch vụ được chi trả của Medicare. Do hầu hết các công ty bảo hiểm đều tuân theo quy định của Medicare nên dù được FDA chấp thuận, liệu pháp này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân.

Bác sĩ Luing cho rằng điều này sẽ sớm thay đổi khi một nghiên cứu lớn tên là Thử nghiệm Phục hồi — nghiên cứu đánh giá hiệu quả khi sử dụng VNS cho bệnh nhân trầm cảm hoàn thành. Kết quả nghiên cứu sẽ được gửi đến Medicare.

Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ giải thích tác dụng của kỹ thuật kích thích dây thần kinh phế vị như sau:

“Dây thần kinh phế vị là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ não xuất phát từ não và là một phần của hệ thần kinh tự chủ, có chức năng kiểm soát các hoạt động không tự chủ của cơ thể. Đôi dây thần kinh này đi qua cổ, tạo liên kết giữa ngực, bụng và phần dưới của não. Dây thần kinh phế vị có liên quan đến chức năng vận động của thanh quản, cơ hoành, dạ dày, tim và chức năng cảm giác ở tai và lưỡi. Ngoài ra, đôi dây thần kinh này còn tham gia vào chức năng vận động và cảm giác ở vùng xoang và thực quản”.

“Kỹ thuật kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) sẽ gửi các xung điện nhẹ và đều đặn đến não thông qua dây thần kinh phế vị, bằng một thiết bị tương tự với máy tạo nhịp tim nhân tạo. Do không can thiệp trực tiếp trên não trong thủ thuật này nên bệnh nhân thường sẽ không thể cảm nhận được xung điện. Một điều quan trọng cần chú ý là kỹ thuật VNS hạn chế sử dụng ở những bệnh nhân trầm cảm kháng trị đi kèm với bệnh động kinh”.

Cơ chế hoạt động

VNS sử dụng một thiết bị nhỏ gọi là máy kích thích thần kinh phế vị. Thiết bị này có kích thước khoảng bằng một đồng xu, được đặt dưới da vùng dưới xương đòn (vì vậy VNS được xem là liệu pháp “xâm lấn”), sau đó sẽ nối với các dây dẫn được luồn dọc theo dây thần kinh phế vị ở cổ. Thiết bị này sẽ gửi các xung điện nhẹ, liên tục đến dây thần kinh phế vị ở cổ, từ đó dẫn truyền đến não, đặc biệt là các vùng não bị ảnh hưởng bởi bệnh trầm cảm.

Theo một bài báo trên tạp chí Kích thích thần kinh: Nguyên tắc và Thực hành, cơ chế đề xuất cho hoạt động của VNS là sự thay đổi quá trình giải phóng epinephrine bằng cách phóng chiếu bó đơn độc đến vùng nhân lục (locus coeruleus) ở hành tủy và tăng nồng độ axit gamma-aminobutyric ở thân não.

Nguy cơ

Theo Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ, những nguy cơ khi thực hiện kỹ thuật kích thích dây thần kinh phế vị gồm có:

  • Khàn tiếng.
  • Ho nhiều.
  • Thay đổi giọng nói/lời nói.
  • Đau họng hoặc đau cổ.
  • Co thắt họng hoặc thanh quản.
  • Đau đầu.
  • Mất ngủ.
  • Khó tiêu.
  • Giật hoặc vặn cơ do kích thích.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Giảm cảm giác xúc giác.
  • Có cảm giác châm chích hoặc ngứa ran trên da.

Trong những nguy cơ này, thường gặp nhất là khàn tiếng, ho, ngứa họng và khó thở, nhưng đây thường là những tác dụng phụ tạm thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 280 triệu người trên toàn thế giới phải sống chung với bệnh trầm cảm, tỷ lệ mắc ở nữ nhiều hơn khoảng 50% so nam giới. (Inside Creative House/Shutterstock)

Điều trị toàn diện giúp hỗ trợ quá trình điều trị trầm cảm

Trong bài trình bày, bác sĩ Luing cho biết điều quan trọng không phải chỉ là điều trị khỏi bệnh trầm cảm mà còn phải ngăn ngừa bệnh tái phát bằng phương pháp điều trị toàn diện.

Bác sĩ Luing thường thảo luận với bệnh nhân về chế độ ăn uống, tập thể dục, thực hành chánh niệm, thiền định và giấc ngủ. Bà cũng thường nhắc nhở bệnh nhân, các loại thực phẩm gây viêm có liên quan đến bệnh trầm cảm, vì vậy cần tránh những loại thực phẩm này để phòng bệnh.

Bác sĩ Luing cho biết: “Axit béo omega rất có ích với não bộ; các vi chất dinh dưỡng và vitamin, như vitamin C, E, selen có thể giúp chống lại stress oxy hóa. Những chất dinh dưỡng như folate hỗ trợ quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh cần thiết trong não”.

Lối sống ít vận động là một yếu tố nguy cơ của bệnh trầm cảm, mặc khác tập thể dục có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh. Cường độ tập thể dục không quan trọng bằng tần suất, vì vậy việc duy trì vận động và trạng thái năng động cho cơ thể sẽ có tác dụng tốt với não bộ, đồng thời giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.

Bác sĩ Luing nói rằng thực hành chánh niệm và thiền định là những bài tập để duy trì sức khỏe não bộ, trạng thái tập trung tinh thần có thể tạo nên những thay đổi trên não.

Cuối cùng là giấc ngủ, một yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe của não bộ. Bác sĩ Luing giải thích rằng hiện tại chúng ta đã biết có sự tác động qua lại giữa giấc ngủ và bệnh trầm cảm: nghĩa là nếu bạn bị mất ngủ nặng thì đó là một yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm, kể cả khi bạn chưa từng bị trầm cảm.

Bác sĩ Luing cho biết bạn có thể sử dụng một ứng dụng miễn phí tên là CBT-I để hỗ trợ giấc ngủ. Ứng dụng này sẽ hướng dẫn bạn liệu pháp hành vi nhận thức có hiệu quả hơn hoặc tương đương với dùng thuốc mà không có tác dụng phụ. Đây là một lựa chọn tuyệt với những người đang gặp vấn đề về giấc ngủ.

Điều quan trọng cuối cùng

Khi được hỏi về các yếu tố quan trọng khác giúp bệnh nhân hồi phục, bác sĩ Luing nói: “Tôi nghĩ rằng niềm tin của bệnh nhân là điều rất cần thiết để phục hồi. Tôi luôn nói với bệnh nhân: luôn cần có niềm tin, ngay cả khi bạn nghĩ rằng đã dùng mọi cách, sẽ có những điều mới ở phía trước và chúng ta phải luôn có hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn”.

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và đã có nhiều bài viết về chủ đề sức khỏe trong 10 năm qua. Hiện cô là phóng viên sức khỏe của The Epoch Times, chuyên về y học phương Đông, dinh dưỡng, chấn thương và lối sống.



BÀI CHỌN LỌC

Những phương pháp điều trị trầm cảm không dùng thuốc