Tại sao F-35 có khả năng sát thương vô song?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II của Mỹ tích hợp công nghệ tàng hình tiên tiến vào một chiếc máy bay siêu âm có khả năng cơ động cao, đã mang đến cho phi công khả năng nhận thức tình huống chưa từng có, cùng với sức mạnh sát thương và khả năng sống sót vô song. Một phi công hải quân cho biết, máy bay chiến đấu F-35 khiến bộ phim bom tấn Hollywood "Top Gun: Maverick" trở nên nhàm chán.

F-35 do Lockheed Martin chế tạo và được Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vận hành, dự kiến ​​sẽ trở thành máy bay chiến đấu tiền tuyến trong 25 năm tới. Kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2015, F-35 đã khẳng định mình là một thành phần quan trọng trong tuyến phòng thủ chính của Mỹ.

Ngoài vai trò trong an ninh quốc gia, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến của F-35 đã được chứng minh là giúp cải thiện khả năng của phi công, cho phép họ đạt được trình độ cao hơn, nhanh hơn.

Với sự xuất hiện của các mối đe dọa mới, việc phi đội máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ và các nước đồng minh có thể vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-35 (chiếc máy bay quốc tế thế hệ thứ năm duy nhất trên thế giới) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mặc dù mỗi phiên bản đều được thiết kế riêng để hoạt động trong các môi trường khác nhau, nhưng cả ba phiên bản F-35 đều đặt ra tiêu chuẩn mới về hệ thống nhiệm vụ mạng, kết hợp cảm biến và khả năng hỗ trợ. Có thể nói, F-35 đã định nghĩa lại khái niệm máy bay chiến đấu đa năng.

Ngày 15/11/2023, tàu sân bay USS Carl Vinson đang thực hiện nhiệm vụ ở Biển Philippine, một máy bay chiến đấu F-35C hạ cánh trên boong tàu. (Hải quân Hoa Kỳ)

Khả năng đáng kinh ngạc của F-35

Để hiểu rõ điều gì khiến chiếc máy bay chiến đấu này trở nên mạnh mẽ đến vậy, Ryan Robertson của Straight Arrow News đã phỏng vấn Tony "Brick" Wilson, một phi công hải quân đã nghỉ hưu và hiện là phi công thử nghiệm F-35 của Lockheed Martin.

Wilson giải thích: "Với một chiếc F-35 và những khả năng mà nó mang lại cho phi công, bạn có thể nhận dạng hầu như mọi thứ trên chiến trường".

Trong lịch sử hàng không hải quân Hoa Kỳ, F-35C là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên xuất hiện trên sàn tàu sân bay. Phiên bản F-35C dành cho tàu sân bay đặt ra tiêu chuẩn mới về tích hợp hệ thống vũ khí, sức mạnh sát thương, khả năng bảo trì, bán kính hoạt động và tải trọng hiệu quả, mang đến khả năng triển khai lực lượng đa nhiệm thực sự trên biển.

Ông Wilson là phi công F-35 đầu tiên hạ cánh chiếc F-35C trên tàu sân bay. Ngày nay, ông ấy lái tất cả các mẫu F-35.

Dựa trên kinh nghiệm và bài học của các máy bay đi trước, kết hợp với đột phá về công nghệ, tiêm kích F-35C đã ra đời, có thể giảm giới hạn khả năng bị quan sát đến mức tối đa để đạt được lợi thế tàng hình ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất trên tàu.

Các phi công F-35 hiện được hưởng lợi từ các công nghệ tiên tiến của máy bay, cho phép họ có được tầm nhìn rõ ràng hơn về chiến trường. Công nghệ tiên tiến của F-35 đã khiến các cuộc “không chiến” (không chiến tầm gần) truyền thống trở nên lỗi thời.

Ông Wilson nói thêm: "Nếu tôi có khả năng tìm kiếm, định vị và theo dõi một chiếc máy bay, bao gồm cả thông tin về danh tính của nó, thì tôi có thể chọn chiến lược tốt nhất để đối phó với mối đe dọa trước khi nó biết tôi tồn tại".

Ngày 16/9/2020, máy bay F-35C "Lightning II" bay phía trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) và đang hoàn thiện chứng nhận buồng lái cũng như chứng nhận trung tâm điều hành không lưu tàu sân bay. (Michael A. Lee/Hải quân Hoa Kỳ)

F-35 có khiến Top Gun: Mavericks trở nên nhàm chán?

Wilson giải thích tại sao F-35 và khả năng đáng kinh ngạc của nó sẽ khiến Top Gun: Maverick trở nên nhàm chán.

Trước hết, mũ bảo hiểm của máy bay chiến đấu F-35 đóng vai trò quan trọng.

Wilson nói: "Nếu bạn hỏi tôi hoặc nói với tôi về chiếc mũ bảo hiểm này khi tôi mới bắt đầu bay, tôi sẽ nói, 'Đây là thứ gì đó không có trong Chiến tranh giữa các vì sao'. "Đối với những chức năng mà tôi thấy ngày hôm nay, lúc đó tôi chỉ có thể tưởng tượng và cảm thấy hào hứng khi có được chiếc mũ bảo hiểm này trong tương lai."

Về mặt điện ảnh, khi được hỏi về những cảnh quay phi thực tế nhất của Hollywood, ông Wilson đã đề cập đến Top Gun: Maverick. Ông nói: "Lý do 'Top Gun' không sử dụng F-35 là vì nó sẽ khiến phim trở nên nhàm chán. F-35C có thể cất cánh từ tàu sân bay, tự tìm cách vượt qua các mối đe dọa, thả bom vào mục tiêu và quay trở lại mà không ai hay biết”.

F-35C trên tàu sân bay. (Ảnh của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ)

Hiện nay, quân đội Mỹ chủ yếu dựa vào máy bay tàng hình để thực hiện nhiệm vụ xâm nhập. Đơn giản là những chiếc máy bay này rất khó bị phát hiện. Chúng khó đối phó hơn với tên lửa dẫn đường bằng radar tầm xa.

Đối với Hải quân Hoa Kỳ, điều này đồng nghĩa với việc sử dụng tiêm kích hạm F-35C Lightning II có biệt danh ‘Cánh dơi’. Mặc dù F-35 không linh hoạt như F/A-18E/F Super Hornet, nhưng nó được thiết kế để xuyên thủng vùng trời được bảo vệ bởi hệ thống phòng không hạng nặng.

Các đạo diễn của ‘Top Gun’ biết rằng máy bay chiến đấu F-35 là một giải pháp rõ ràng và mạnh mẽ, vì vậy những chiếc máy bay này được cho là không khả thi trong phim, với lý do GPS bị nhiễu nghiêm trọng trong thung lũng. Việc gây nhiễu hoặc giả mạo GPS thực sự có thể được sử dụng để bảo vệ các cơ sở quan trọng. Nhưng điều đó không ngăn cản được việc sử dụng hiệu quả các máy bay chiến đấu F-35.

Hệ thống vũ khí trên tiêm kích hai chỗ của F/A-18F thực sự có thể xử lý nhiệm vụ cảm biến và vũ khí dễ dàng hơn, chẳng hạn như nhắm mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, tiêm kích F-35 hoạt động theo cặp cũng có thể xử lý nhiệm vụ này. Chúng sẽ bay qua hẻm núi từ độ cao cao hơn chứ không phải với tốc độ nguy hiểm, điều này sẽ giảm độ nhạy cảm của chúng đối với tên lửa.

Trong khi Trung Quốc cũng đang tăng cường sản xuất cái gọi là máy bay chiến đấu tàng hình J-20 thì Mỹ lại có những lợi thế rất lớn về số lượng và chất lượng. Những lợi thế này bao gồm đào tạo phi công vượt trội và các tài sản hỗ trợ. Hơn nữa, khả năng tàng hình của J-20 kém xa F-35.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao F-35 có khả năng sát thương vô song?