Tại sao có người uống bia rượu hàng ngày mà vẫn khỏe? Nếu ngừng uống, gan có khỏe lại được không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn đã bao giờ từng thắc mắc: "Tại sao phải bỏ rượu bia, tôi thấy nhiều người ngày nào cũng uống nhưng có bị gì đâu?" Thực tế, bạn không thể chỉ nhìn bên ngoài để kết luận về tình trạng sức khỏe của họ.

Một người đàn ông mới ngoài 30 tuổi đã có sự nghiệp thành đạt, tất cả là nhờ tài ăn nói và tửu lượng khá tốt trên bàn nhậu. Khả năng uống rượu được rèn luyện từ thời đại học đã giúp anh đạt được nhiều thăng tiến.

Tuy nhiên, anh đã trở thành một người nghiện rượu bia một cách không tự biết. Sau thời gian dài, thể lực của người đàn ông này có dấu hiệu giảm sút. Nhưng vì chủ quan, anh đã không đến khám bác sĩ ngay từ đầu.

Đến một ngày, khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, chẳng hạn như chóng mặt, mệt mỏi, chân phù nề… làm ảnh hưởng xấu tới công việc, người đàn ông này mới chịu đi khám.

Sau khi làm các xét nghiệm khác nhau, bác sĩ chẩn đoán anh bị xơ gan do rượu. Đối với anh, đây là một cú sốc.

Điều này có thể khiến một số người bắt đầu suy nghĩ: "Ai đó nói uống rượu thì mắc bệnh, nhưng tôi uống nhiều mà vẫn khỏe mạnh đó thôi".

Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Tại sao có người uống bia rượu hàng ngày mà sức khỏe vẫn ổn?

Sau khi rượu vào cơ thể người, 90% lượng ethanol chứa trong đó sẽ được giải độc ở gan. Do đó, tác hại chính của rượu tập trung ở gan.

Tuy nhiên có một hiện tượng lạ, đó là có người dù không phải nghiện rượu bia, họ uống mỗi ngày trong thời gian dài nhưng sức khỏe vẫn không có dấu hiệu suy giảm.

Hiện tượng này thường có 3 nguyên nhân:

  • Nguyên nhân thứ nhất là cơ địa giữa các cá nhân đều khác nhau. Lấy bệnh viêm gan do rượu làm ví dụ, có người chỉ uống ít rượu nhưng đã mắc bệnh, trong khi có người uống nhiều lại không sao.
  • Nguyên nhân thứ hai có thể do bản thân người uống có một số triệu chứng nhưng không rõ ràng, không liên quan đến bệnh khiến họ nhầm tưởng rằng bản thân vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
  • Nguyên nhân thứ ba là bệnh gan do rượu bia vẫn đang âm thầm phát triển, nhưng chưa biểu hiện ra. Lúc này, gan vẫn có thể đảm gánh được “công việc hàng ngày” nên bề ngoài trông họ vẫn khá tốt.

Trên thực tế, dù bệnh gan có xuất hiện hay không, thì không một giọt rượu nào là vô hại. Bởi ngay khi nó chạm vào cơ thể, rượu có thể làm tổn thương mô người.

Bỏ rượu có giúp gan khỏe lại và giảm nguy cơ ung thư không?

Uống rượu bia có thể gây hại cho cơ thể, nhưng nhiều người rất khó bỏ chúng do bị phụ thuộc vào thể chất và tâm lý. Điều quan trọng là nhiều người không biết liệu sau khi bỏ rượu bia, gan có thể tự phục hồi lại và giảm nguy cơ ung thư hay không.

Một nghiên cứu của Giáo sư Khoa gan - ông Kevin Moore, đã chia nhiều phụ nữ uống rượu thành 3 nhóm dựa theo thói quen uống của họ:

  • Nhóm 1: Người uống nhẹ (1.5 chai một tuần),
  • Nhóm 2: Uống vừa phải (3 chai mỗi tuần),
  • Nhóm 3: Uống nhiều (4 chai một tuần),

Sau đó trong vòng 1 tháng, ông tiến hành đo huyết áp, kiểm tra độ cứng gan và làm các xét nghiệm cytokin... để thu thập dữ liệu liên quan.

Cuối cùng, ông thấy rằng mọi chỉ số của 3 nhóm người tham gia đều thay đổi sau khi kiêng khem uống rượu.

Trong đó độ cứng gan và cytokine giảm 14% ở những người uống rượu nhẹ, huyết áp tâm thu giảm 6mmHg; những người uống rượu vừa phải giảm 9mmHg; trong khi những người nghiện rượu nặng giảm 15% độ cứng của gan và giảm 40% cytokine.

Nghiên cứu khẳng định rằng kiêng rượu trong thời gian ngắn cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan, cao huyết áp và ung thư!

Mặc dù những tổn thương ở gan do lạm dụng rượu lâu ngày có thể không biến mất hoàn toàn sau khi cai rượu; nhưng miễn là bạn bỏ uống, thì với quá trình chuyển hóa của cơ thể, nó sẽ làm giảm bớt các chất độc hại tích tụ trong gan, khiến chức năng gan dần dần được phục hồi.

Do đó, bỏ rượu là hoàn toàn có lợi cho sức khỏe con người, bạn nên cai uống càng sớm càng tốt.

5 biểu hiện bất thường trên cơ thể cảnh báo bạn nên bỏ rượu

Các tổn thương ở gan thường xuất hiện dần dần, trong khi một số triệu chứng tinh vi rất dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua trong giai đoạn đầu. Vì vậy, bệnh gan một khi đã xuất hiện sẽ rất nghiêm trọng.

Thực tế, khi cơ thể có 5 triệu chứng dưới đây thì bạn cần phải cảnh giác với bệnh gan:

Cảm giác chán ăn

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gan do rượu là khó chịu ở đường tiêu hóa, ăn không ngon, bệnh nhân thường có biểu hiện nôn mửa và buồn nôn, còn có các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, một số người thậm chí sụt cân đột ngột.

Các vấn đề về da

Bệnh nhân mắc bệnh gan do rượu cũng có thể mắc các bệnh ngoài da như nhện naevi và vàng da. Vì vậy, bạn không nên xem nhẹ các triệu chứng ngoài da và đi khám kịp thời.

Tiêu chảy

Bệnh gan do rượu cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa và gây ra triệu chứng tiêu chảy. Vì dễ bị hiểu nhầm là bệnh đường tiêu hóa nên việc điều trị thường chậm trễ.

Do đó, nếu bạn phát hiện các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa nhưng khó phân biệt, thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để khám. Đặc biệt nếu bạn bị tiêu chảy sau khi uống rượu thì càng cần phải chú ý.

Chướng bụng, đau bụng

Bệnh gan do rượu cũng có thể gây hạ kali máu, gan lách to, đầy hơi… các biểu hiện này liên quan mật thiết đến chứng khó tiêu.

Cũng chính vì lý do này, nhiều bệnh nhân mắc bệnh gan do rượu thường có bụng phệ, nhưng đó có thể chỉ là đầy hơi gây chướng bụng.

Triệu chứng đau bụng thường là do hoại tử tế bào gan, viêm tĩnh mạch cửa, huyết khối tĩnh mạch cửa, viêm gần lá lách và các tác dụng phụ khác.

Chảy máu

Khi gan nhiễm rượu sẽ ảnh hưởng đến chức năng lá lách và thúc đẩy quá trình cường phong, tiểu cầu của con người sẽ giảm xuống.

Do đó một số bộ phận trên cơ thể dễ bị chảy máu như: hốc mũi, lợi, các nốt xuất huyết trên da, rong kinh ở phụ nữ, v.v.

3 cách giúp bạn bỏ chứng nghiện rượu

Rượu là một chất kích thích thần kinh, uống càng nhiều càng dễ nghiện (hay còn gọi là nghiện rượu mãn tính). Những người này thường bị phụ thuộc rất lớn vào rượu cả về thể chất lẫn tâm lý.

Sheng Lixia thuộc Khoa cai nghiện rượu của Bệnh viện Anding (Bắc Kinh, Trung Quốc) cho biết, bệnh nhân nghiện rượu nói chung có 4 đặc điểm gồm:

  • Tửu lượng cao;
  • Sau khi ngừng uống có những biểu hiện khó chịu về thể chất như: co giật, nôn mửa, run tay, v.v…;
  • Mắc các bệnh như: xơ gan, gan nhiễm mỡ, v.v…;
  • Khó bỏ rượu, cai nhiều lần nhưng không được.

Ngoài ra, một số thói quen sinh hoạt cũng được coi là đặc điểm của chứng nghiện rượu như: không ngủ được hoặc ngủ không sâu nếu không uống rượu trước đó; nếu không uống, thì bản thân cảm thấy thấp thỏm, dằn vặt.

Để cai rượu thành công, nhìn chung có 3 giai đoạn: cai rượu, phục hồi và chống tái nghiện. Cai rượu cũng là một căn bệnh cần điều trị, nếu chỉ dựa vào ý chí của bản thân thì tỷ lệ thành công rất nhỏ, khả năng tái nghiện rất cao.

Do đó, bạn cần áp dụng các phương pháp khoa học để đạt được kết quả gấp đôi với một nửa công sức.

Vitamin nhóm B giúp cai rượu

Sự kích thích trung khu thần kinh của rượu sẽ gây ra thiếu vitamin B. Đồng thời, sự tổn thương mà rượu gây ra đối với màng nhầy dạ dày và các mô khác cũng phụ thuộc vào vitamin B để sửa chữa.

Vì vậy, việc cai rượu có thể thông qua biện pháp bổ sung vitamin nhóm B, từ đó giảm bớt sự kích thích và tác hại của rượu đối với cơ thể.

Gợi ý: Có thể bổ sung vitamin B bằng cách ăn gan động vật, ngũ cốc, đậu phộng, bánh mì yến mạch, v.v. Ngoài ra, hầu hết những người uống rượu bia đều có thể lực kém, các chất dinh dưỡng khác cũng nên được bổ sung.

Cai rượu với sự trợ giúp của thuốc

Với sự hỗ trợ của thuốc, tác dụng phụ trong quá trình chống lại chứng cai nghiện rượu cũng được giảm bớt. Thực tế có một số loại thuốc cai rượu cũng rất hiệu quả.

Quan trọng nhất, với sự hướng dẫn của bác sĩ, người uống có thể xây dựng sự tự tin và tránh được chấn thương do tai nạn khi bỏ rượu.

Nhắc nhở: Hãy thận trọng khi bạn bỏ rượu bằng thuốc, không dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Phải chắc chắn rằng bạn đã có sự tư vấn y tế trước khi chọn dùng thuốc.

Gia đình giám sát trong quá trình cai rượu

Cai rượu là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì. Chứng nghiện rượu của người đó phải trải qua một chặng đường thử thách lâu dài, cả cơ thể và tâm trí đều bị dày vò.

Do đó, sự đồng hành, động viên và giám sát của các thành viên trong gia đình có thể giúp giảm thiểu xác suất bệnh nhân quay trở lại uống rượu, đồng thời cải thiện tỷ lệ cai rượu thành công.

Nói chung, khi đứng trước rượu bia, chúng ta nên có một lập trường vững chắc, đặt sức khỏe lên hàng đầu. Đặc biệt đối với những người nghiện rượu, họ nên bỏ rượu càng sớm càng tốt, không chỉ vì hạnh phúc của bản thân và gia đình, mà còn là cho tính mạng của bản thân họ.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao có người uống bia rượu hàng ngày mà vẫn khỏe? Nếu ngừng uống, gan có khỏe lại được không?