‘Tiên học Lễ - Hậu học Văn’: Thời nào cũng vậy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cái cúi đầu, khoanh tay chỉ vài giây của cậu học trò lớp 4 ở TP. Cần Thơ cảm ơn bác tài xế nhường đường từng khiến nhiều người Việt xúc động. Việt Nam hiện có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Nếu có 24 triệu cái cúi đầu biết ơn lễ phép như thế, người Việt sẽ thêm ấm lòng bởi tương lai giáo dục nước nhà tất sẽ thêm hưng thịnh, xã hội tất sẽ thêm thịnh vượng, thái bình. “Tiên học Lễ - Hậu học Văn", tôn chỉ giáo dục ấy thời nào cũng vậy.

Một vài năm trước, người Việt trầm trồ khi xem một video quay lại cảnh một nhóm học sinh tiểu học Nhật Bản khoanh tay cúi đầu cảm ơn các bác tài xế đã dừng lại nhường đường cho các em đi qua. Năm 2021, một đoạn clip ngắn quay lại cảnh một cậu học trò lớp 4 tại TP. Cần Thơ cúi đầu, khoanh tay chỉ vài giây cảm ơn bác tài nhường đường khiến cộng đồng xúc động. Hành động ấy trở thành một việc lạ lùng, hiếm có.

Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi biết rằng đó là hình ảnh dễ dàng được bắt gặp trong cuộc sống của xã hội Việt Nam cách đây không lâu. Khoanh tay, cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường từng là một nét đẹp trong văn hoá giao thông của trẻ em Việt Nam. Những bức ảnh cuối cùng trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia Robert Capa khiến người Việt không khỏi xuýt xoa và tự hào về trẻ em Việt đã từng biết lễ phép, ngoan ngoãn như thế.

Không phải chỉ khi tham gia giao thông ở ngoài đường, ngày xưa, trẻ nhỏ khi đi chơi về, vào nhà thấy ba mẹ, ông bà đang tiếp khách sẽ biết bỏ mũ nón xuống, khoanh tay chào hỏi lễ độ. Ngày nay, việc bỏ mũ ra có thể bị coi là tiểu tiết, rườm rà. Nhiều trẻ nhỏ đã không còn biết đến hành động lễ phép này nữa. Trẻ có thể biết thưa hỏi mà không biết bỏ mũ cúi chào.

Những cái cúi đầu cảm ơn lễ phép như vậy giờ đã vắng bóng cũng giống như nhiều cử chỉ khác như nói lời cảm ơn từ những việc nhỏ nhặt, ngả mũ cúi đầu khi đi qua đám tang như một nghĩa cử tiễn đưa người quá cố…

“Tiên học Lễ - Hậu học Văn" phải chăng đã lỗi thời?

Chữ “Lễ” ở đây không chỉ được hiểu đơn thuần là lễ nghi, phép tắc, là hình thức nghi thức bên ngoài mà còn là sự tu dưỡng đạo đức, phẩm cách, đức hạnh. Trong môi trường giáo dục, người thầy không chỉ có vai trò truyền đạt tri thức mà còn mang trọng trách to lớn hơn là giúp hình thành, định hướng nhân cách và những đức tính tốt đẹp ở trẻ.

“Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái CHÂN và thực hành cái THIỆN” - Chính trị gia Ấn Độ Vijaya Lakshmi Pandit

Nền giáo dục Việt Nam sau bao nhiêu năm cải cách với nhiều chương trình, khẩu hiệu, phong trào, những báo cáo thành tích… không đủ để làm yên lòng phụ huynh và xã hội.

Học trò thuở xưa đi học cũng có những chuyện xích mích với nhau và “oánh lộn" để giải quyết nhưng vẫn biết sợ thầy cô mắng phạt, sợ ba mẹ đánh đòn. Có đánh lộn thì lũ trẻ cũng xúm xít khích bác vô tư, hôm sau lại vui vẻ bình thường như chưa có chuyện gì.

Không còn là những vụ “oánh lộn" tuổi “con nít", học trò giờ đây mang theo cả hung khí đi học, khi đánh nhau liền lấy ra sử dụng khiến bạn học tử vong, học trò trở thành hung thủ giết người.

Nhiều trò trở thành “đàn anh", “đàn chị" trong trường và sẵn sàng “đánh hội đồng" bất cứ bạn học nào khi không thấy vừa mắt. “Nạn nhân” của những trận “đánh hội đồng” ngày nay còn có tư duy rằng “chạy đi là nhục, thà ở lại chịu trận còn hơn.” Và trong vòng vây của đám bạn hò reo cổ xuý, nam sinh đánh nhau sứt đầu mẻ trán, nữ sinh đánh nhau lột áo lột quần, bạn bè xung quanh sẽ quay clip để khoe “chiến tích” trên mạng.

Chỉ cách đây một vài năm, phụ huynh và xã hội chấn động bởi học trò cấp 3 đánh thầy giáo ngay trên bục giảng thì giờ đây ở lứa tuổi tiểu học - cả một lớp học sinh lớp 5 ở Hà Nội “đình công một cách có tổ chức” trong tiết học của nữ giáo viên, có trò còn tới bắn dây thun vào mắt cô giáo.

Mỗi sự việc nối tiếp nhau xảy ra lại được “xếp hạng” là “xưa nay chưa từng có”, vụ sau “to hơn” vụ trước, đáng “cảnh báo” hơn vụ trước.

Trong xu thế phát triển, thời đại 4.0 hay được nhắc tới như một hệ quy chiếu đặt ra nhiều tiêu chuẩn thích ứng mới trong xã hội. Khẩu hiệu “Tiên học Lễ - Hậu học Văn" giờ chỉ còn xuất hiện tại rất ít ngôi trường, thay vào đó là các khẩu hiệu được đánh giá là có tính thời sự hơn, hợp thời hơn. Bỏ đi chữ “Lễ", nền giáo dục Việt Nam có thực sự bắt kịp với yêu cầu của thời đại mới hay không?

Giáo dục Nhật Bản chọn “Tiên học Lễ - Hậu học Văn”

Nền giáo dục Nhật Bản luôn được xếp thứ hạng cao trên thế giới trong khi nguồn ngân sách chi cho giáo dục theo tỷ trọng GDP luôn ở mức thấp nhất trong nhóm các nước OECD. Năm 2018, Nhật Bản chỉ chi 4% GDP[1].cho các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến đại học, so với mức trung bình ở các nước OECD là 4,9%.

Làm thế nào nền giáo dục Nhật Bản có thể đạt được thứ hạng cao chỉ với một khoản chi ít ỏi như vậy?

Điều đầu tiên được bắt gặp vào mỗi buổi sáng ở trường học Nhật Bản là hình ảnh học sinh sẽ cúi chào thầy cô khi đến lớp. Ở Nhật Bản, sự tôn trọng, tôn kính thầy cô và hoà ái với bạn bè không chỉ là khẩu hiệu. Đó là “xương sống" trong hệ thống giáo dục của đất nước này.

Ở “đất nước Mặt trời mọc", việc phát triển và rèn luyện tất cả những đức tính tốt đẹp, sự ưu tú của người Nhật đều được đặt lên vai của những người thầy. Vai trò của giáo viên Nhật Bản được coi trọng đến mức nếu như có một học sinh bị bắt quả tang ăn cắp hay gặp rắc rối với pháp luật, thì giáo viên của trẻ sẽ được cảnh sát liên lạc thông báo trước cả phụ huynh.

Đất nước Nhật Bản xưa nay vẫn nổi tiếng với nền giáo dục chú trọng vào truyền dạy đạo đức cho học sinh. Phương pháp dạy học tập trung vào những giá trị đạo đức này đã trở thành đề tài nghiên cứu và được học hỏi ứng dụng như một hình mẫu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nếu như ở nhiều nước, việc áp dụng một hệ thống giảng dạy chuyên môn về giáo dục đạo đức (hay giáo dục tính cách) là thêm một gánh nặng cho giáo viên bởi việc dạy trẻ hoàn thành các kỹ năng đọc, viết, làm toán và các môn cơ bản khác đã là một thách thức, thì ở Nhật Bản, giáo dục đạo đức là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục.

Ngành giáo dục Nhật Bản dạy “Lễ" trong mọi hoạt động

Hầu hết các trường học Nhật Bản không tuyển dụng nhân viên vệ sinh. Các học sinh tự dọn dẹp trường lớp của mình. Ở trường học Nhật Bản, học sinh phải tự mình dọn dẹp lớp học, nhà ăn và thậm chí cả nhà vệ sinh. Khi dọn dẹp, học sinh được chia thành các nhóm nhỏ và được phân công nhiệm vụ luân phiên trong năm.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản tin rằng việc yêu cầu học sinh tự dọn dẹp vệ sinh sẽ dạy cho chính các em cách làm việc nhóm và tinh thần giúp đỡ lẫn nhau. Việc dành thời gian và công sức của mình để lau chùi, quét dọn cũng sẽ khiến học sinh tôn trọng công việc của mình và công việc của người khác. Trẻ cũng học được cách rộng lượng, yêu thương và cảm thông với người khác, làm việc chăm chỉ, kiên trì, trật tự. Ở các hoạt động tập thể khác, trẻ còn được dạy và thực hành những phẩm chất như: can đảm, trách nhiệm, tự chủ và công bằng.

Ngoài các môn học bình thường, học sinh Nhật Bản còn được học thư pháp và thi ca Nhật Bản. Đối với người Nhật, Shodo (書道 - hay thư pháp) là loại hình có tính tâm linh và cảm quan rất cao, là môn nghệ thuật nổi tiếng không kém gì hội họa truyền thống. Cùng với đó, thơ Haiku (俳句) là dạng thơ sử dụng số lượng từ cực ngắn để truyền tải những cảm xúc sâu lắng đến người đọc. Haiku được ví như một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản. Cả hai môn học Shodo và Haiku đều dạy trẻ biết tôn trọng nền văn hóa và truyền thống lâu đời của đất nước, đồng thời giúp trẻ phát triển cảm xúc và làm phong phú thêm thế giới nội tâm.

Mặc dù chương trình giảng dạy của Nhật Bản cũng có những nhược điểm nhưng những mặt tích cực và thành tựu mà nền giáo dục này mang lại cho sự phát triển của đất nước và con người Nhật Bản khiến thế giới cảm phục.

Một trong những chỉ số phần nào giúp xác thực tính hiệu quả của những bài học đạo đức là Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Năm 2019, theo chỉ số này, Nhật Bản nhận được 73 điểm[2] (100 điểm là không có tham nhũng) trong khi mức trung bình của thế giới là 43 điểm.

“Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ" - Ngạn ngữ Nigeria

Người Nhật tin rằng ba năm đầu cấp 1 là thời điểm để trẻ nhỏ tạo lập nhiều thói quen và hình thành nên những đức tính tốt, phát triển nhân cách theo hướng toàn diện. Trẻ được học những bài học về lễ nghĩa, phép tắc, thực hành các bài học đạo đức trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn học, xã hội, chăm sóc động vật và ứng xử với thiên nhiên.

Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra những bài học trên giấy “dạy là xong”, người Nhật hiểu rằng việc dạy dỗ những đứa trẻ thực hành những tính cách và thói quen tốt cần được thực hành xuyên suốt ở cả trường học và gia đình.

Trẻ học hỏi từ cha mẹ và thầy cô bằng việc quan sát, bắt chước và lặp đi lặp lại các hành động tưởng như rất nhỏ cho đến khi trở thành những thói quen và dần dần hiểu được ý nghĩa của mỗi hành động đó.

Ví dụ như ở trường mẫu giáo Nhật Bản, các bé được giáo viên dạy đứng xếp hàng và cất giày của mình ngay ngắn mỗi ngày. Hành động này sẽ được ba mẹ tiếp tục khuyến khích con làm tại nhà. Việc lặp đi lặp lại những hành động kỷ luật sẽ giúp bé hình thành nề nếp tốt hơn, tránh việc giáo viên đã dạy trên lớp nhưng khi về nhà ba mẹ lại vô tình phá đi thói quen này bằng việc để giày dép tự do.

Muốn đạt thành tựu lớn, càng cần không ngừng tu dưỡng đức hạnh

Thế giới đang chuyển mình trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Điều này khiến học sinh ngày nay tiếp cận kiến thức và tầm nhìn sẽ khác với những thế hệ trước đây. Sự thay đổi này cũng dẫn tới những đổi mới trong việc truyền tải kiến thức đến học sinh ở các môn học nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng. Tuy nhiên, cách truyền đạt có thể thay đổi nhưng những giá trị đạo đức cốt lõi vẫn là nền tảng để nuôi dạy những thế hệ trẻ.

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng về sự sáng tạo, khả năng cạnh tranh và độ chính xác vượt trội. “Xứ sở hoa anh đào” không chỉ khiến thế giới ngưỡng mộ bởi những thành tựu kinh tế, khoa học - kỹ thuật - công nghệ mà còn cảm phục bởi những bài học đạo đức sâu sắc và nhân cách tốt đẹp.

Trong chương trình “Siêu Trí Tuệ” - một chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng về trí tuệ với nhiều phiên bản đa quốc gia, các thí sinh Nhật Bản luôn được người xem khâm phục về tài năng, bản lĩnh và cách hành xử cao thượng. Chương trình “Siêu Trí Tuệ" mang đến cho khán giả những màn thi đấu và biểu diễn của những tài năng độc đáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới với đủ các lĩnh vực: toán học, lịch sử, địa lý, âm nhạc, trí nhớ, ghép rubik, quan sát…

“Siêu Trí Tuệ" phiên bản Việt Nam (The Brain Vietnam) bắt đầu mùa thi đầu tiên năm 2019 - 2020. Chương trình đã truyền đi rất nhiều cảm hứng về việc học tập tri thức cho thế hệ trẻ.

Theo thể lệ cuộc thi, sau khi vượt qua hai vòng thi với những tuyển thủ trong nước, những thí sinh xuất sắc nhất sẽ được chọn vào biệt đội “Siêu Trí Tuệ Việt Nam", đại diện cho Việt Nam tham gia Vòng Giao hữu Quốc tế - là vòng thi được rất nhiều khán giả chờ đợi.

Ở vòng thi Giao hữu Quốc tế mùa đầu tiên, một trong những màn thi đấu kinh điển là trận thi tài Toán học giữa bé Gia Hưng (12 tuổi, đội Việt Nam) và bé Rinne Tsujikubo (14 tuổi, đến từ Nhật Bản).

tiên học lễ hậu học văn tsujikubo
Rinne Tsujikubo (trái) và Gia Hưng (phải)

Tsujikubo được biết đến là ngôi sao nổi tiếng thế giới về khả năng tính nhẩm Toán học ngay từ khi 11 tuổi khi em đưa đội tuyển Nhật Bản giành chiến thắng Vòng Giao hữu Quốc tế tại “Siêu Trí Tuệ Trung Quốc” năm 2016. Nhận lời mời tham gia chương trình tại Việt Nam, tại hậu trường, Tsujikubo đã kiên nhẫn đứng chờ để xin chữ ký của từng tuyển thủ tham gia chương trình và thân thiện chụp ảnh cùng từng người để lưu giữ kỷ niệm.

Tại vòng thi giao hữu với Gia Hưng, trong một phần thi, Gia Hưng đã quên mở nắp bút của mình để ghi đáp án. Trong một cuộc thi mà chiến thắng được định đoạt từ từng phần trăm của một giây đồng hồ, thay vì tiếp tục làm tính và có lợi thế giành chiến thắng gần như tuyệt đối trước Gia Hưng ở phần thi này, Tsujikubo cũng dừng bút ngay lập tức, không làm tính tiếp nữa và chấp nhận cùng thi lại. Em đã chọn không chiến thắng khi bạn chơi không kịp mở nắp bút.

Sau ba vòng thi, Tsujikubo giành chiến thắng thuyết phục. Em đã luôn dành những lời khen ngợi cho Gia Hưng và cho rằng bản thân mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Chia sẻ về cảm xúc sau khi chiến thắng, cô bé Tsujikubo trả lời: “Hôm nay rất vất vả nhưng em đã cố gắng hết sức mình…” Ấy là cái “Lễ", là sự khiêm nhường đáng kính của một siêu trí tuệ Nhật Bản đẳng cấp thế giới ở lứa tuổi thiếu niên.

Người xưa dạy rằng, càng muốn làm nên thành tựu, sự nghiệp lớn, càng cần biết tu dưỡng đạo đức, đức hạnh. Giáo dục Việt Nam dù cải cách thế nào vẫn cần lấy việc truyền đạt cho thế hệ trẻ các giá trị đạo đức làm cốt lõi. “Tiên học Lễ - Hậu học Văn": trước tiên học làm người - phát triển nhân cách, sau học kiến thức - phát triển trí tuệ. Trong hơn 24 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam, không biết em nào học trường chuyên, lớp chọn, trường top, trường làng…; chỉ biết rằng khi được dạy dỗ lấy đạo đức làm trọng, các em đều trở thành những con người tử tế.

Ngọc Bảo

Tư liệu tham khảo:

[1] Education at a Glance 2021: OECD Indicators, Japan, https://www.oecd-ilibrary.org/sites/1426642c-en/index.html?itemId=/content/component/1426642c-en

[2] CORRUPTION PERCEPTIONS INDEX, 2019, https://www.transparency.org/en/cpi/2019


‘Tiên học Lễ - Hậu học Văn’: Thời nào cũng vậy