5 căn bệnh không thể chữa khỏi, dùng thuốc gì cũng bất lực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ và thành tựu đáng ghi nhận. HIV từng là một căn bệnh thế kỷ, nhưng hiện nay đã xuất hiện một số thử nghiệm cho thấy kết quả khả quan và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Mặc dù vậy, không phải bệnh nào của con người cũng có liệu pháp tương tự, một số bệnh chỉ có thể dùng thuốc giảm đau và hạn chế triệu chứng.

Khối u di căn xương

Các triệu chứng đau nhức cổ, vai, thắt lưng hay chân thường được cho là sự thoái hoá của cơ thể do tuổi tác, hoặc ít vận động kéo dài. Người ta ít coi trọng nó và chỉ xoa bóp đơn giản để giảm bớt khó chịu. Nhưng khi cơn đau kéo dài đến mức không chịu được, họ mới bắt đầu tìm đến bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp là dấu hiệu của ung thư phổi đã di căn vào xương.

Thông thường, các khối u trên thân đốt sống phần lớn là u di căn xương, tức là các khối u ác tính từ các cơ quan hoặc mô phía trên xương được chuyển đến thân đốt sống thông qua hệ thống máu hoặc hệ bạch huyết.

Di căn của ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt là hay gặp nhất, biểu hiện đặc trưng: đau dai dẳng (đặc biệt về đêm), đau từng cơn, đau không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi; sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân.

Nó thường không thể phát hiện kịp thời. Các liệu pháp như hóa trị hoặc xạ trị chỉ có thể lựa chọn theo mô của khối u nguyên phát để giảm bớt một số cơn đau.

Viêm khớp dạng thấp

Một số người (30-50 tuổi) bị đau nhức và sưng cơ khi di chuyển, đặc biệt là trong môi trường lạnh hoặc ẩm ướt.

Có trường hợp một phụ nữ 52 tuổi bị ngã và để tay chống thẳng xuống đất, chụp phim X-quang không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Nhưng sau vài tháng, tay bà vẫn không bớt đau, ngay cả khớp ngón tay hai bên cũng cứng, liền đến khoa phục hồi chức năng để kiểm tra. Cuối cùng, bà được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Mặc dù viêm khớp dạng thấp thường xảy ra đối xứng ở các khớp lớn (như khớp vai, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, v.v.) nhưng người phụ nữ này lại bị viêm khớp giữa hai ngón tay.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh dị ứng, cơ chế bệnh sinh của viêm khớp dạng thấp chưa rõ ràng, chủ yếu là do màng hoạt dịch ở khớp bị tổn thương, chất antistreptolysin “O” trong huyết thanh tăng cao bất thường.

Thông thường ở giai đoạn đầu, các triệu chứng rõ ràng nhất là đỏ, nóng, sưng và đau, chủ yếu ở các khớp lớn, khởi phát đối xứng và đau khi di chuyển. Biểu hiện của bệnh thường là các khớp sưng tấy hình thoi, trường hợp nặng sẽ có cảm giác cứng khớp, cử động ngón tay khó khăn, ngón tay biến dạng "cổ thiên nga".

Bệnh viêm khớp dạng thấp chưa có thuốc đặc trị, chỉ cần thời tiết thay đổi, lạnh hoặc ẩm ướt đặc biệt dễ phát bệnh, không còn cách nào khác ngoại trừ dùng thuốc để giảm đau!

Để phòng bệnh, cần chú ý hơn đến việc giữ ấm các khớp xương, đề phòng ẩm ướt và khí lạnh, đồng thời cũng nên vận động nhiều hơn để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.

Viêm cột sống dính khớp

Thanh thiếu niên khoảng 20 tuổi thường nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị viêm cột sống dính khớp. Nhiều người trong số này đến bệnh viện điều trị vì đau thắt lưng đột ngột, không đi lại được.

Sự xuất hiện của bệnh chủ yếu liên quan đến cột sống, có thể là cột sống cổ, hoặc cột sống ngực và thắt lưng, nhưng phổ biến nhất là đau hoặc hạn chế cử động ở khớp cùng chậu và cột sống thắt lưng.

Đây là một căn bệnh bất thường của hệ thống miễn dịch. Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa rõ ràng và thường được cho là có liên quan đến sự tương tác giữa di truyền (HLA-B27) và các yếu tố môi trường (nhiễm trùng).

Vì vậy, về cơ bản vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể làm giảm triệu chứng bằng thuốc trong giai đoạn đau, viêm. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn, các khớp trên cột sống sẽ bị cứng, đơ, thậm chí có hiện tượng gù từ dưới lên trên; cuối cùng “như đốt tre” không còn biên độ cử động.

Gợi ý: Khi xảy ra đau lưng và đau chân, hãy khám sức khỏe thường xuyên và kiểm tra các triệu chứng liên quan để tránh sai sót trong chẩn đoán. Nếu là dính khớp, có thể dùng thuốc để cải thiện hoặc làm giảm bớt một số triệu chứng do dính khớp gây ra, đồng thời cần tăng cường tính linh hoạt của khớp, luyện tập thể dục để làm chậm quá trình dính và cứng khớp ở giai đoạn sau.

Chứng mất trí nhớ tuổi già

Đối với hầu hết gia đình, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng mất trí nhớ tuổi già ở những người lớn tuổi. Khi mắc bệnh, người già sẽ dần mất đi suy nghĩ và ký ức, luôn cần người hỗ trợ và đồng hành bên cạnh.

Sa sút trí tuệ tuổi già cũng là một bệnh thoái hóa não chưa rõ căn nguyên, rất phổ biến ở người cao tuổi, tuổi khởi phát thường gặp ở 60-75, tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam giới.

Thông thường, khi chụp CT vùng đầu, nếu nhìn thấy não thất mở rộng, rãnh não rộng, sâu cùng các vết nứt, thì điều này cho thấy não bộ đang bị thoái hóa và teo dần.

Tình trạng thoái hoá não này hoàn toàn không thể chữa khỏi. Nó thường xuất hiện tiềm ẩn và tiến triển dần dần. Ban đầu, biểu hiện trí nhớ kém, sau đó, người bệnh sẽ gặp các vấn đề liên quan đến định hướng không gian và thời gian, đến rối loạn nhân cách và suy đa tạng ở giai đoạn cuối.

Nói chung, trong giai đoạn đầu của bệnh, người ta có thể dùng thuốc và các phương tiện để trì hoãn sự tiến triển của bệnh, nhưng để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thì hoàn toàn không có bất kỳ phương pháp nào.

Vì vậy, người trung niên nên giữ gìn sức khỏe khi có thể ăn uống và di chuyển bình thường, giữ cảm xúc cân bằng, tích cực vận động, ăn uống lành mạnh, bỏ thói quen xấu, cố gắng kích thích não bộ nhiều hơn qua các trò chơi trí tuệ và câu đố đòi hỏi sự tìm tòi, suy nghĩ, đồng thời thường xuyên kiểm tra sức khoẻ, đó là cách phòng bệnh tốt nhất.

Cao huyết áp

Cao huyết áp có xu hướng trẻ hoá theo thời gian. Bệnh có thể là do di truyền trong gia đình hoặc chế độ ăn uống thiếu hợp lý kéo dài…

Nói chung, bệnh tăng huyết áp chỉ có thể kiểm soát thông qua can thiệp bằng thuốc và không có cách nào chữa khỏi.

Có một sai lầm phổ biến ở người bị cao huyết áp. Theo đó, bệnh nhân thường bị chóng mặt, nhức đầu. Lúc bấy giờ, họ hồi hộp, lo lắng, sợ bản thân sẽ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não. Họ tìm đến bác sĩ, uống một số loại thuốc giúp hạ huyết áp. Sau một thời gian, huyết áp trở về bình thường, họ lại chủ quan và không đi khám bệnh nữa. Cuối cùng, huyết áp bắt đầu tăng cao trở lại.

Huyết áp bất thường là bệnh lý liên quan đến mạch máu, chỉ có thể kiểm soát bằng thuốc.

Vì vậy, để kiểm soát huyết áp cao một cách khoa học và hiệu quả, bạn cần nắm những điểm sau:

  • Đầu tiên hãy hiểu một số giá trị thông số liên quan đến huyết áp
Loại Huyết áp tâm thu Huyết áp tâm trương
Huyết áp bình thường <120 <80
Huyết áp bình thường cao 120 - 139 80 - 89
Tăng huyết áp nguyên phát 140 - 159 hoặc 90 - 99
Tăng huyết áp thứ phát 160 - 179 hoặc 100 - 109
Tăng huyết áp độ 3 ≥180 hoặc ≥110
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc ≥140 <90
  • Kiểm soát huyết áp:
    • Theo dõi chặt chẽ huyết áp của mình, nếu cao liên tục trong vòng vài ngày, cần đến bệnh viện sớm, chọn khoa tim mạch để điều trị và uống thuốc đều đặn theo yêu cầu của bác sĩ.
    • Chú ý sinh hoạt và thói quen ăn uống, hạn chế muối, tránh ăn mặn, bỏ thuốc lá, giảm uống rượu, tăng cường rau quả, giảm thực phẩm nhiều chất béo... Đây là những phương pháp điều trị không dùng thuốc và rất quan trọng.
    • Chú ý tập thể dục nhiều hơn, đặc biệt là các bài tập aerobic có lợi cho sức khỏe như đi bộ nhanh, chạy bộ, leo núi, bơi lội, đạp xe, v.v.
    • Kiểm soát cân nặng và thay đổi những thói quen xấu trong cuộc sống.

(*) Ảnh chủ đề: MyArthritis - CC BY-NC-SA 2.0

Theo Song Yun - Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

5 căn bệnh không thể chữa khỏi, dùng thuốc gì cũng bất lực