Bài viết năm 36 tuổi của Tập Cận Bình tiết lộ quan điểm của ông về văn nghệ và chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 5/10, một phóng viên Mỹ đăng Twitter cho biết, đã phát hiện một bài viết do ông Tập Cận Bình viết sau phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 ở Thiên An Môn. Tư tưởng trong bài viết của ông Tập đang thu hút sự chú ý của các nhà quan sát.

Hôm thứ Tư (5/10), cô Eva Dou, phóng viên The Washington Post thường trú tại Trung Quốc, đã chia sẻ trên Twitter một bài viết của ông Tập mà cô phát hiện ra cách đây không lâu.

Cô cho hay: “Mùa hè này, trên những giá sách đầy bụi của một thư viện ở Phúc Kiến, tôi tình cờ xem được một bài viết mà Tập Cận Bình thời trẻ đã viết ngay sau cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989. Đó là một gợi ý cho thấy, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đầu tiên ông ấy gặp trong sự nghiệp có thể đã tác động đến thế giới quan của ông ấy”.

Khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra trên khắp Trung Quốc vào mùa xuân năm 1989, ông Tập Cận Bình khi ấy 36 tuổi, là Bí thư Thành ủy Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến.

Trong bài viết có tiêu đề "Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị", ông nói: "Chúng ta phải phản đối một số người, dưới chiêu bài tự do sáng tạo, họ sử dụng văn học và nghệ thuật như một công cụ chính trị để thúc đẩy tự do hóa giai cấp tư sản, vu khống đường lối, phương châm và chính sách của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Theo ông, chính phủ của bất kỳ quốc gia nào cũng có mức độ can thiệp nhất định vào lĩnh vực văn học và nghệ thuật, nhưng ông cũng cho rằng các nghệ sĩ nên có một mức độ tự do nhất định.

Phóng viên Eva Dou viết: "Tập Cận Bình công nhận sức mạnh và vai trò của nghệ thuật trong xã hội. Ông ấy nói, [các tác phẩm] văn học và nghệ thuật lay động lòng người nhưng không xa rời chính trị, chúng đan xen lẫn nhau. ‘Bởi vì nó là tiếng gầm không dứt của nhân dân’".

“Các bài phát biểu và bài viết khi đó của ông ấy hòa giải hơn, nhưng cuối cùng ông ấy vẫn ủng hộ sự kiểm soát của đảng”, cô Eva Dou viết.

Giới quan sát: Quan điểm ‘đảng kiểm soát hết thảy’ vẫn không thay đổi

Bài viết này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới quan sát Trung Quốc trên Twitter, VOA đưa tin.

Ông Josh Chin, Phó giám đốc văn phòng Trung Quốc của tờ The Wall Street Journal viết: "Tập Cận Bình đã nắm quyền đủ lâu, nhưng những câu chuyện chính thống về ông ấy lại bị kiểm soát rất chặt chẽ, có thể phát hiện ra những mảnh ghép mới như thế này là điều vô cùng hiếm".

Bà Yuan Li (Viên Lị), cây bút chuyên đề của tờ The New York Times, cho rằng, "Đây là một bài viết vô cùng rập khuôn, nhưng nó vẫn mang hương vị của chủ đề cải cách của những năm 1980".

Ông Henry Gao, Giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), cảm thấy có chút nực cười. Ông nói: “Thật trớ trêu, đặc biệt là khi cha của ông ấy bị gán cho là phần tử phản đảng chỉ vì một cuốn tiểu thuyết”.

Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông từng mô tả cuốn tiểu thuyết "Lưu Chí Đan" xuất bản năm 1962 là một cuốn tiểu thuyết chống đảng. Phó Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Tập Trọng Huân, cha của ông Tập Cận Bình, bị coi là "đầu sỏ phản đảng” do có liên quan đến việc sáng tác và xuất bản cuốn tiểu thuyết này.

Bà Nadege Rolland, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Cục Quốc gia về Nghiên cứu Châu Á (National Bureau of Asian Research) của Mỹ, đã viết, "Phải nói rằng quan điểm ‘đảng kiểm soát hết thảy’ của ông Tập vẫn luôn không đổi, và nó cũng phù hợp với quan điểm về 'ngày 4 tháng 6' của Đặng Tiểu Bình".

Nhà kinh tế học người Mỹ Chris Balding viết: “Nó khiến tôi nhớ đến cách làm trước đây của Liên Xô đối với giới văn học và nghệ thuật, khiến họ hầu như không có những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao trong nhiều năm, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ”. Theo ông, “ngày nay chúng ta đang chứng kiến ​​một nền nghệ thuật khô khan tương tự ở Trung Quốc”.

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Bài viết năm 36 tuổi của Tập Cận Bình tiết lộ quan điểm của ông về văn nghệ và chính trị