Có nên chờ giảm lệ phí trước bạ vào nửa cuối năm mới mua ô tô?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở thời điểm này, rất nhiều khách hàng đều chọn cách xuống cọc để giữ ưu đãi, đồng thời chưa tiến hành thanh toán toàn bộ và chờ đợi thêm thông tin về chính sách giảm lệ phí trước bạ.

Trước thông tin chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể sắp được thông qua, phản ứng chung của khách hàng đều là nghe ngóng và chờ đợi.

Việc đặt cọc ô tô chờ giảm lệ phí trước bạ (LPTB) được nhiều người áp dụng. Đây được cho là cách tính toán để tiết giảm chi phí mua xe, hưởng ưu đãi kép. Lý do bởi nếu đặt cọc ở thời điểm này sẽ có giá bán tốt. Nếu chính sách giảm 50% LPTB được áp dụng, chi phí lăn bánh chiếc xe sẽ giảm đáng kể.

Nhiều khả năng tới đây, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục được hưởng ưu đãi giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ. Đợt giảm lệ phí trước bạ này được kỳ vọng sẽ bắt đầu từ 1/7 tới và kéo dài đến hết 31/12 năm nay.

Khi nào nên đặt xe chờ giảm lệ phí trước bạ?

Anh Quốc Bình (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh được nhân viên tư vấn bán hàng khuyên nên đặt cọc xe ô tô ở thời điểm hiện tại vì nếu khi chính thức có quyết định giảm LPTB, các gói ưu đãi sẽ bị đại lý cắt giảm. Khi đó người mua xe sẽ không nhận được ưu đãi kép, mà chỉ có thể hưởng mức giảm LPTB.

Tuy nhiên, anh Đức Mạnh một nhân viên kinh doanh ô tô lâu năm cho biết, việc đặt cọc xe vào thời điểm hiện tại sẽ đem tới nhiều rủi ro cho khách hàng.

Thông thường trong nội dung hợp đồng đặt cọc của đa số các hãng xe chỉ có thời hạn một tháng và mức giá thỏa thuận chỉ mang tính thời điểm.

Sau khi ký kết hợp đồng đặt cọc, khách hàng vẫn cần phải ký kết thỏa thuận hợp đồng mua bán để có thể hoàn tất thủ tục pháp lý sở hữu xe.

Và mức giá của hợp đồng mua bán sẽ căn cứ vào giá bán của thời điểm ký kết, chứ không phải theo hợp đồng đặt cọc. Như vậy, nếu khách hàng chọn phương án đặt cọc xe chờ giảm LPTB sẽ khó có thể giữ được chính sách ưu đãi ở thời điểm hiện tại.

Cũng theo anh Đức Mạnh, khách hàng nên đặt cọc xe sau khi có thông tin chính thức của việc giảm LPTB. Còn tại thời điểm hiện tại khi chưa có thông tin chính thức, việc đặt cọc xe sẽ tạo ra tâm lý mong ngóng, chờ đợi gây ức chế khó chịu.

Trong đợt giảm LPTB gần đây, khách hàng có thể thấy dù chính sách được ban hành chính thức nhưng các mức ưu đãi của đại lý vẫn duy trì chứ không hẳn cắt giảm.

Cụ thể, đợt giảm phí trước bạ năm 2023, các hãng xe vẫn duy trì ưu đãi lớn chứ không cắt giảm như những lần trước. Nhiều mẫu xe còn được các đại lý đưa ra mức ưu đãi tương đương 50-80% LPTB.

Điều này giúp cho một số mẫu xe sau khi trừ hết các ưu đãi có mức giá lăn bánh còn thấp hơn giá niêm yết. Điển hình như trường hợp của một số khách hàng mua xe Toyota Vios vào thời điểm cuối năm 2023.

Trong trường hợp chưa có nhu cầu thực sự, khách hàng nên cân nhắc việc đặt cọc xe chờ giảm lệ phí trước bạ. Vì những rủi ro có thể xảy ra như chậm thanh toán dẫn tới mất cọc, chậm đăng ký xe dẫn tới bị phạt.

Còn nếu đang có nhu cầu thực sự, khách hàng cũng không nên chờ đợi mà hãy tận dụng khoảng thời gian chính sách giá bán đang rất tốt từ các hãng ô tô để mua xe.

Thúc đẩy tiêu thụ

Trước đó, thị trường ô tô Việt Nam từng 3 lần được Chính phủ ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần có hiệu lực 6 tháng.

Lần đầu tiên, ưu đãi này được áp dụng trong thời gian 6 tháng cuối năm 2020; lần thứ hai áp dụng từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022 và gần đây nhất là 6 tháng cuối năm 2023.

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 6 tháng cuối năm 2023, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã giúp các hãng xe thành viên đạt tổng doanh số 164.664 chiếc, tăng 20% so với 6 tháng đầu năm 2023 (137.327 chiếc) và tăng tới 52% so với cùng kỳ năm 2022 (108.232 chiếc).

Quý I/2024, khi chính sách hỗ trợ đã hết hiệu lực, doanh số bán xe của các thành viên VAMA tụt 37%, còn 58.165 chiếc. Trong đó, riêng tháng 1/2024, doanh số bán xe chỉ đạt 19.243 chiếc, chưa bằng một nửa so với tháng 12/2023 (38.740 chiếc).

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 đang rất yếu, mặc dù các hãng xe đua nhau giảm giá, khuyến mại lớn chưa từng thấy. Trong bối cảnh này, một cú hích từ Chính phủ như việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người dân mạnh dạn hơn trong việc chi tiêu, mua sắm ô tô, qua đó kích thích kinh tế phát triển.

Lệ phí trước bạ ô tô là khoản lệ phí mà người mua ô tô phải nộp cho cơ quan thuế khi đăng ký quyền sở hữu đối với phương tiện. Hiện, lệ phí trước bạ xe con được Bộ Tài chính quy định tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký.

Theo đó mức lệ phí trước bạ đối với ô tô tại Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức lệ phí trước bạ là 11%; TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành còn lại áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%. Xe bán tải có mức lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con.

Việt Nam Xã hội

Có nên chờ giảm lệ phí trước bạ vào nửa cuối năm mới mua ô tô?