COVID-19 làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và suy giảm nhận thức như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tất cả những ảnh hưởng nghiêm trọng mà COVID-19 tác động đến cơ thể, một trong những cách âm thầm hơn cả là tác động lên não.

Nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 có các triệu chứng thần kinh, từ mất khứu giác, mê sảng đến đột quỵ. Ngoài ra còn có những hậu quả lâu dài hơn đối với não, bao gồm viêm não tủy sống (hội chứng mệt mỏi mãn tính) và hội chứng Guillain-Barre.

Những tác động này có thể do virus nhiễm trực tiếp vào mô não. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nguyên nhân là sự lây nhiễm của virus đối với các tế bào biểu mô và hệ thống tim mạch, hoặc qua hệ thống miễn dịch, từ đó góp phần vào những tổn thương thần kinh lâu dài hậu COVID-19.

Qua các nghiên cứu gần đây, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu có một làn sóng suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ liên quan đến COVID-19 trong tương lai không?

Hệ thống miễn dịch và não bộ

Tình trạng khó chịu, mệt mỏi, sốt và tách mình khỏi xã hội là do tác động của các tế bào miễn dịch chuyên biệt trong não - được gọi là tế bào miễn dịch thần kinh, và các tín hiệu trong não.

Ngoài việc thay đổi hành vi và điều chỉnh các phản ứng sinh lý trong thời gian bị bệnh, hệ thống miễn dịch trong não còn đóng một số vai trò khác. Các tế bào miễn dịch thần kinh nằm ở các kết nối giữa các tế bào não (khớp thần kinh), cung cấp năng lượng và số lượng nhỏ các tín hiệu viêm, rất cần thiết cho sự hình thành trí nhớ bình thường.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến các bệnh như COVID-19 có thể gây ra cả các triệu chứng thần kinh cấp tính và các vấn đề lâu dài trong não bộ.

Microglia là các tế bào miễn dịch trong não. Ở trạng thái bình thường, chúng sử dụng các ‘nhánh’ của chúng để kiểm tra môi trường xung quanh. Trong quá trình phản ứng miễn dịch, các microglia thay đổi hình dạng để tiêu diệt các mầm bệnh. Nhưng chúng cũng có thể làm hỏng tế bào thần kinh và các kết nối lưu trữ bộ nhớ.
Microglia là các tế bào miễn dịch trong não. Ở trạng thái bình thường, chúng sử dụng các ‘nhánh’ của chúng để kiểm tra môi trường xung quanh. Trong quá trình phản ứng miễn dịch, các microglia thay đổi hình dạng để tiêu diệt các mầm bệnh. Nhưng chúng cũng có thể làm hỏng tế bào thần kinh và các kết nối lưu trữ bộ nhớ. (Ảnh: ART-ur/Shutterstock)

Theo Natalie C. Tronson, Phó Giáo sư của Khoa Thần kinh học thuộc Đại học Michigan, trong thời gian nhiễm bệnh, các tế bào miễn dịch chuyên biệt trong não được kích hoạt, phát ra một lượng lớn các tín hiệu viêm và điều chỉnh cách chúng giao tiếp với các tế bào thần kinh. Khi đó một loại tế bào thần kinh tên là ‘microglia’ phải thay đổi hình dạng, rút lại các ‘nhánh’ và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên chúng cũng phá hủy và ăn mòn các kết nối tế bào thần kinh đảm bảo việc lưu trữ bộ nhớ.

Một loại tế bào miễn dịch thần kinh khác được gọi là tế bào hình sao. Khi có hiện tượng viêm nhiễm, tế bào này thường bao bọc xung quanh các kết nối giữa các tế bào thần kinh ra và truyền tín hiệu viêm lên các điểm nối này, ngăn chặn các kết nối giữa các tế bào thần kinh lưu trữ ký ức.

Do COVID-19 liên quan đến việc giải phóng một lượng lớn các tín hiệu viêm, tác động của căn bệnh này đối với trí nhớ là đặc biệt nhiều. Trong đó bao gồm tác động ngắn hạn đến nhận thức (mê sảng) và khả năng gây ra những thay đổi lâu dài về trí nhớ, sự chú ý và nhận thức. Ngoài ra còn có hiện tượng tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer.

Tình trạng viêm ảnh hưởng lâu dài đến trí nhớ như thế nào?

Giáo sư Tronson cho biết, các hoạt động phá hủy/gây rối loạn của các tế bào miễn dịch thần kinh và tín hiệu viêm có thể làm suy giảm trí nhớ vĩnh viễn. Nguyên nhân bao gồm sự tổn thương vĩnh viễn tại các kết nối tế bào thần kinh hoặc bản thân các tế bào thần kinh, hoặc do những thay đổi nhỏ trong phương thức hoạt động của chúng.

Mối liên hệ tiềm ẩn giữa COVID-19 và những ảnh hưởng lâu dài đến trí nhớ dựa trên những quan sát về các bệnh khác. Ví dụ, nhiều bệnh nhân hồi phục sau cơn đau tim hoặc phẫu thuật bắc cầu báo cáo tình trạng suy giảm nhận thức kéo dài đã trở nên nghiêm trọng theo thời gian.

Ngay cả tình trạng viêm nhẹ, bao gồm cả căng thẳng mãn tính, hiện được coi là yếu tố dẫn đến chứng sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức theo thời gian.

Việc kích hoạt tín hiệu viêm trong thời gian ngắn cũng sẽ dẫn đến những thay đổi lâu dài trong chức năng tế bào thần kinh ở các vùng não liên quan đến trí nhớ.

COVID-19 có làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức không?

Sẽ cần một thời gian nữa để biết liệu nhiễm COVID-19 có làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức hoặc bệnh Alzheimer hay không. Nhưng nguy cơ này có thể được giảm bớt hoặc giảm thiểu thông qua việc phòng ngừa và điều trị COVID-19.

Ngoài ra, một phương pháp điều trị COVID-19 gần đây là các loại thuốc ‘ngăn chặn trạng thái viêm và kích hoạt miễn dịch quá mức’. Về khả năng, phương pháp điều trị này cũng sẽ làm giảm tác động của chứng viêm lên não và giảm tác động đến sức khỏe não lâu dài.

COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của chúng ta trong thời gian dài sau khi đại dịch kết thúc. Quan trọng là, các tác động của COVID-19 đối với chứng suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ cần phải được nghiên cứu thêm.

Như vậy, các nhà nghiên cứu có thể sẽ có được cái nhìn sâu hơn giữa hiện tượng suy giảm nhận thức và chứng viêm. Điều này sẽ hỗ trợ việc phát triển các phương pháp hiệu quả hơn để phòng ngừa và điều trị di chứng này.

Quang Minh

Theo The Epoch Times


COVID-19 làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và suy giảm nhận thức như thế nào?