Omicron ‘tàng hình’ BA.2: Biến thể lây lan nhanh và dần chiếm ưu thế trên toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Biến thể phụ BA.2 không mất nhiều thời gian để chiếm ưu thế tại nhiều quốc gia. Mặc dù các nghiên cứu đều xác nhận tốc độ lây lan của BA.2 nhanh gấp 1.5 lần so với BA.1, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng gây bệnh nặng của biến thể này.

Biến thể BA.2 lây lan nhanh như thế nào?

Theo báo Dân Trí, kể từ khi xuất hiện, Omicron đã sinh ra 4 biến thể phụ bao gồm: BA.1, BA.2, BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả chúng dù có sự khác biệt về mặt di truyền, nhưng mỗi loại có những đột biến có thể khiến chúng thay đổi cách hoạt động.

Theo đánh giá, biến thể phụ BA.2 có tốc độ lây lan nhanh gấp 1.5 lần so với BA.1; chỉ trong vòng hai tháng, nó đã xuất hiện ở 92 quốc gia, trong đó chiếm ưu thế ít nhất ở 10 nước.

BA.2 được xem là một biến chủng tàng hình do không chứa đột biến đặc trưng của Omicron, đồng thời lẩn tránh được test nhanh và chỉ được phát hiện khi dùng PCR, theo Vnexpress.

Sáng 5/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cho hay, biến thể Omicron đang có xu hướng gia tăng lây nhiễm và dần thay thế biến chủng Delta.

Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc Omicron “tàng hình”. Riêng tại Hà Nội, Omicron đã xuất hiện ở 20/30 quận, huyện, thị xã.

Trong đó, sau khi giải trình tự gene ngẫu nhiên đối với 93 mẫu bệnh phẩm từ ngày 4/12/2021 đến 1/3/2021, các chuyên gia đã phát hiện biến thể phụ BA.2 chiếm ưu thế với 86/93 mẫu.

Diễn biến tương tự cũng xuất hiện tại TP.HCM.

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng thông báo sự bùng phát mạnh mẽ của BA.2.

Hồi tháng 2, Viện Huyết thanh Statens (SSI) của Đan mạch cho biết Omicron “tàng hình” đã chiếm 69% tổng số ca nhiễm mới tại nước này.

Philippines cũng báo cáo số ca nhiễm BA.2 chiếm ưu thế ở hầu hết các khu vực.

Số ca mắc biến chủng tàng hình tại Ấn Độ tăng vọt. Tiến sĩ Rajeev Jayadevan, đồng chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Covid-19 IMA Quốc gia, nói rằng sự xuất hiện của BA.2 đã thúc đẩy làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ ba tại Ấn Độ.

So với BA.1, BA.2 có gây bệnh nghiêm trọng hơn không?

Biến chủng BA.2 mất chưa đến một nửa thời gian mà biến thể Delta cần để thống trị 97% các quốc gia trên toàn cầu.

Nghiên cứu chưa được bình duyệt của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy, chuột hamster bị nhiễm BA.2 có những triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm: sụt cân, chức năng phổi và độ bão hòa oxy kém hơn.

Ngoài khả năng lây lan nhanh chóng và gây bệnh nặng hơn, các nhà nghiên cứu Nhật Bản còn phát hiện ảnh hưởng của vaccine và kháng thể đơn dòng lên BA.2 giảm xuống.

Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng những người từng mắc các loại coronavirus trước đó vẫn có khả năng nhiễm BA.2 nhiều lần.

Tuy nhiên, tờ Healthline dẫn lời tiến sĩ William Schalffner, giáo sư y tế dự phòng, bộ phận chính sách y tế và giáo sư y khoa, bộ phận bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho biết:

“Có ba đặc điểm của các biến thể COVID là mối quan tâm lớn nhất, bao gồm: khả năng lây lan, khả năng gây bệnh nặng và khả năng trốn tránh sự bảo vệ của tiêm chủng và (hoặc) nhiễm COVID trước đó”.

Cho đến hiện tại, các dữ liệu ban đầu vẫn cho thấy biến thể phụ BA.2 không có bất kỳ sự khác biệt lớn nào về phân bố độ tuổi lây nhiễm, tình trạng tiêm chủng, đột phá hay nguy cơ nhập viện.

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng, cần dành thêm thời gian và các nghiên cứu bổ sung để hiểu rõ hơn về nguy cơ thực sự của BA.2.

WHO viết trên website: “Việc điều tra các đặc điểm của BA.2, bao gồm đặc tính thoát miễn dịch và độc lực, nên được ưu tiên độc lập [và tương đối] với BA.1”.

Ông Schalffner nói thêm rằng, biến thể phụ BA.2 cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào đáng báo động và khác biệt so với biến thể ban đầu.

“Sẽ khó có biến thể nào dễ lây lan hơn Omicron và không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể phụ dễ lây lan hơn”, tiến sĩ kết luận.

Bảo Vy


Omicron ‘tàng hình’ BA.2: Biến thể lây lan nhanh và dần chiếm ưu thế trên toàn cầu