Xuất hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở nước này tại thành phố Thiên Tân.

Giới chức Thiên Tân phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại Trung Quốc là hành khách trở về từ nước ngoài, theo hãng tin Reuters.

Chính quyền thành phố Thiên Tân hôm nay cho biết ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện khi nhập cảnh hôm 9/12. Bệnh nhân đang được cách ly và chăm sóc tại bệnh viện. Triệu chứng bệnh và điểm xuất phát của người này chưa được công bố.

Trung Quốc ghi nhận 101 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 12/12, trong đó 80 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc

Trung Quốc đến nay đã ghi nhận 99.780 ca nhiễm Covid-19 có triệu chứng. Bắc Kinh không thống kê ca không triệu chứng vào tổng số ca nhiễm của nước này.

Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với một số ổ dịch âm ỉ trong nước. Nhiều chính quyền địa phương đã siết chặt những biện pháp phòng ngừa do dịch bùng phát, bao gồm cả hạn chế các hoạt động trong nhà.

Người lao động Trung Quốc năm thứ hai liên tiếp được vận động không về quê dịp Tết Nguyên đán nhằm ngăn Covid-19 lây lan.

Chung Nam Sơn, cố vấn về y tế của chính phủ Trung Quốc, tuần trước cho biết nước này không có kế hoạch tiến hành bất kỳ "hành động đáng kể nào" để ứng phó biến chủng Omicron.

Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. Dù Omicron được xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, đến nay chưa có dữ liệu chính xác về mức độ lây lan hay độc lực.

Thế giới có ca tử vong đầu tiên do biến chủng Omicron

Nước Anh hôm 13/12 ghi nhận ca tử vong đầu tiên do chủng Omicron. Đây cũng là ca nhiễm biến chủng mới qua đời đầu tiên trên thế giới, theo hãng tin BBC.

Giới chức y tế Anh thừa nhận biến chủng Omicron đang lây lan "chóng mặt" ở đảo quốc sương mù. Tại London, số ca mắc Omicron chiếm 40% trong số các ca nhiễm Covid-19.

"Biến chủng Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy trước đây. Số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ sau hai đến ba ngày. Chúng ta đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới và trở lại cuộc chạy đua giữa vaccine và virus", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói trên truyền hình hôm 12/12.

Bộ trưởng Y tế Anh cảnh báo dù triệu chứng của các ca mắc biến chủng mới nhẹ hơn các chủng khác, nhưng tốc độ lây nhiễm cao của Omicron có thể khiến hệ thống y tế quá tải.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định biến chủng Omicron vẫn đặt ra nguy cơ "rất cao" trên toàn cầu. Theo WHO, dù biến chủng này có yếu hơn Delta, nó vẫn nguy hiểm nếu lây nhiễm cho nhiều người.

Omicron là gì?

Omicron là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi hồi tháng trước. Kết quả giải trình tự gen cho thấy nó chứa tới hơn 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến gắn trên protein gai - cấu trúc có thể tác động đến khả năng lây lan, né miễn dịch của virus. WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại".

Omicron có phiên bản mới?

Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện một phiên bản "tàng hình" của biến chủng Omicron trong các mẫu xét nghiệm tại Nam Phi, Australia và Canada. Phiên bản này có thể đã lây lan rộng hơn mà chưa được phát hiện, theo hãng tin Reuters.

Phiên bản "tàng hình" có nhiều đột biến giống của Omicron, nhưng không có sự thay đổi gen cụ thể cho phép phát hiện virus bằng xét nghiệm PCR, mặc dù vẫn có thể phát hiện bằng giải trình tự gen.

Các nhà khoa học cho rằng, còn quá sớm để khẳng định phiên bản mới của Omicron có cơ chế lây lan giống như Omicron, nhưng nó có sự khác biệt về mặt cấu trúc gen và do đó có thể có cơ chế hoạt động khác.


Xuất hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Trung Quốc