Freedom House: Hơn 80% các cuộc biểu tình gần đây ở Trung Quốc liên quan đến tranh chấp lao động và nhà ở

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo mới nhất của trang mạng "Giám sát Bất đồng chính kiến Trung Quốc” (China Dissent Monitor) do tổ chức nhân quyền "Ngôi nhà Tự do” (Freedom House) công bố, các cuộc biểu tình được ghi nhận từ tháng Bốn đến tháng Sáu năm nay tại Trung Quốc chủ yếu liên quan đến tranh chấp lao động (59%) và nhà ở (22%).

Báo cáo cho biết, từ tháng Bốn đến tháng Sáu năm 2023, đã có 583 cuộc biểu tình mang tính quần thể ở Trung Quốc, với hơn 80% là về tranh chấp lao động và nhà ở, phần còn lại liên quan đến giáo dục và an toàn trường học, quyền dân tộc và văn hóa cũng như tự do tôn giáo, v.v.

Trong một năm trước đó từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023 đã ghi nhận 2.803 cuộc biểu tình với tổng số người tham gia ít nhất là 30.000 người. Trong đó có 78% là các cuộc diễu hành thị uy, 5% là chiếm đóng gây cản trở, 4% là thỉnh nguyện phản ánh oan ức lên cơ quan cấp trên và 3% là đình công.

Ông Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang), một nhà bất đồng chính kiến ​​​​người Hoa sống ở Hà Lan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á châu Tự do (RFA) rằng các cuộc biểu tình được ghi nhận trong báo cáo này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Ông nói: "Các báo cáo do tổ chức nhân quyền đưa ra thường rất chặt chẽ và cẩn thận nên số lượng thực tế có thể còn cao hơn báo cáo. Đặc biệt là đối với vấn đề nhà ở, tại rất nhiều quận, huyện, thành phố có người dân tổ chức hoạt động [biểu tình] trên đường phố nhưng đã bị [chính quyền] dập tắt từ trong trứng nước".

Báo cáo còn cho biết, kể từ tháng 12 năm ngoái, các cuộc biểu tình của người lao động tiếp tục nóng lên, qua đó phản ánh tình hình kinh tế trì trệ ở Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy đã có ít nhất 93 cuộc biểu tình của người lao động vào tháng Sáu năm nay, gấp 2,35 lần con số được ghi nhận vào tháng Sáu năm ngoái.

Phân tích chỉ ra rằng hầu hết các cuộc biểu tình lao động gần đây đều do công nhân khởi xướng và tham gia. Dữ liệu cũng cho thấy tỉnh Quảng Đông, trung tâm công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, là khu vực xuất hiện biểu tình nhiều nhất, 35% đến 50% các cuộc biểu tình mỗi tháng đều xảy ra ở Quảng Đông.

“(Việc làm và nhà ở) liên quan đến sự sinh tồn của người dân. Họ biết rằng nếu đứng lên thì sẽ bị đàn áp, nhưng họ vẫn phải đứng lên. Có thể nói rằng mâu thuẫn xã hội đã rất nghiêm trọng, sau này sẽ còn xảy ra nhiều chuyện tương tự hơn”, ông Lâm Sinh Lượng nói.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên và mọi lứa tuổi khác. Con số cuối cùng họ cung cấp là dữ liệu của tháng Sáu, với 21,3% thanh niên thành thị từ 16-24 tuổi thất nghiệp.

Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền gốc Hoa tại Mỹ, cũng cho rằng nếu chính phủ Trung Quốc không thể cứu vãn tình trạng suy thoái kinh tế, nhiều xung đột xã hội sẽ gia tăng. Ông nói: "Nhiều công ty, nhà máy không trả được lương, người dân ngày càng có ít cơ hội việc làm và thu nhập cũng giảm. Khả năng xảy ra xung đột lao động kiểu này ngày càng cao".

Ngoài ra, ông Ngô còn phân tích thêm rằng cơn bão vỡ nợ của các công ty bất động sản đã khiến các công trình xây dựng dang dở xuất hiện ngày một nhiều, người mua vừa không nhận được nhà, vừa phải trả lãi khoản vay mua nhà. Thêm vào đó là tình trạng bất động sản mất giá nhanh chóng do suy thoái kinh tế, nhiều yếu tố đan xen sẽ dẫn đến bất ổn và xung đột xã hội ngày càng gay gắt.

Các công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc như Country Garden và Sino-Ocean Group gần đây được cho là đã rơi vào tình trạng vỡ nợ; còn Tập đoàn Evergrande, vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ trước đây, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ hôm 17/8.

Ngoài cung cấp thông tin về tình trạng biểu tình, báo cáo trên cũng cho biết việc kiểm duyệt ở Trung Quốc vẫn còn phổ biến. Tổ chức nhân quyền này đã phân tích hơn 4.000 bài đăng trên Weibo - một trong những mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc - và thấy rằng 22% bài viết bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến ​​đã bị kiểm duyệt. Việc kiểm duyệt cũng được thắt chặt hơn trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong thời gian xảy ra các sự kiện lớn.

Ông Lâm Sinh Lượng phân tích, trước tình trạng kiểm duyệt ngày càng nghiêm ngặt, các cuộc biểu tình vẫn không chùn bước và nổi lên không ngừng, đặc biệt là trong vấn đề lao động và nhà ở, điều này cũng phản ánh các xung đột xã hội ở Trung Quốc đã gia tăng đến mức không thể hòa giải.

Theo RFA

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Freedom House: Hơn 80% các cuộc biểu tình gần đây ở Trung Quốc liên quan đến tranh chấp lao động và nhà ở