Khánh Hòa: Xác cá voi nặng gần 1 tấn dạt vào bờ biển mùng 4 Tết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngư dân khu vực gần biển Hòn Gầm phát hiện một xác cá voi dạt vào bờ biển vào ngày mùng 4 Tết, được người dân địa phương tổ chức an táng.

Ngày 13/2, ngư dân trong lúc đi biển đã phát hiện một xác cá voi trôi dạt vào khu vực gần biển Hòn Gầm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Cụ thể, ông Đinh Văn Nở (67 tuổi, trú thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) cho biết cá Ông Chuông (cá voi) lụy bờ lúc 5h30 sáng cùng ngày trong tình trạng đã chết. Theo đo đạc của người dân, cá dài khoảng 4,5m, nặng gần 1 tấn.

Trong buổi sáng sau khi phát hiện sự việc, người dân đã tiến hành an táng cá Ông Chuông theo phong tục địa phương. Đây là loài cá mà ngư dân vùng biển thường tôn thờ sau khi lụy vào bờ. Sau quá trình an táng được khoảng 3 năm, người dân địa phương sẽ đưa xương cốt cá Ông Chuông về lăng để thờ.

Các nghi thức cúng kính, tế lễ cá Ông Chuông được tổ chức trang nghiêm, cá được tắm rửa bằng nước sạch, sau đó lau rửa lại bằng rượu rồi dùng vải đỏ quấn xác trước khi an táng. Người đầu tiên phát hiện xác cá voi dạt vào bãi biển phải để tang, cung kính theo thứ tự 3, 49 và 100 ngày. Sau hơn 2 năm, hài cốt cá voi được bốc lên, đưa đi cải táng, xây dựng mộ phần ở nơi khác trong làng.

Ngư dân vùng biển Nam Trung bộ cho rằng, xác cá Ông Chuông dạt vào bờ đầu năm mới là một điềm lành, báo hiệu sự may mắn cả năm, khai thác hải sản bội thu, tàu cá vươn ra khơi xa rồi trở về bến bãi đều 'thuận buồm, xuôi gió'.

Cá voi được ngư dân gọi là cá Ông, có tên khoa học Cetacea với gồm 90 loài, hầu hết sinh sống ở các đại dương lớn và được xếp vào loại động vật có vú nhưng sống trong môi trường nước nên gọi là cá. Nhiều loại cá trong bộ cá voi được ngư dân từ bao đời nay tôn thờ, tạo nên phong tục thờ cá ông.

Việt Nam Xã hội

Khánh Hòa: Xác cá voi nặng gần 1 tấn dạt vào bờ biển mùng 4 Tết