Liên danh của Trung Quốc bị loại khỏi gói thầu Sân bay Long Thành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do Tập đoàn Xây dựng giao thông China Harbuor Engineering của Trung Quốc đứng đầu đã bị loại khỏi quá trình đấu thầu đối với một gói thầu của Sân bay Long Thành.

Thông tin trên được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư của dự án Sân bay Long Thành - công bố ngày 2/8, trong đó cũng cho biết một đơn vị khác cũng bị loại khỏi gói thầu là Liên danh Hoa Lư do Tập đoàn Coteccons dẫn đầu.

Đơn vị còn lại trở thành liên danh duy nhất lọt vào vòng mở hồ sơ tài chính là Vietur, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.

Báo VnEconomy dẫn lời lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết Liên danh Vietur là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu này.

Gói thầu 5.10, trị giá 35.000 tỷ đồng, sẽ thực hiện việc xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách Sân bay Long Thành. Đây là một trong những gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị lớn nhất trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao từng được triển khai tại Việt Nam.

Theo báo VnExpress, Liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp. Ngoài nhà thầu IC Istas của Thổ Nhĩ Kỳ, còn có Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, ATAD, Vinaconex, Phục Hưng Holdings, Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Trong số đó, Ricons, Newtecons và Sol E&C là 3 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Bá Dương.

Liên danh Hoa Lư gồm 8 nhà thầu là Coteccons, Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An và Power Line Engineering. Đây là liên danh từng cam kết hoàn thành dự án vào tháng 8/2026 nếu trúng thầu.

Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, ngoài China Harbuor Engineering còn có các công ty Thuận Việt, CDC, Xuân Mai, và Beijing Construction Engineering Group. Tập đoàn China Harbuor Engineering thường được chính phủ Trung Quốc gioa các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết Vietur mới chỉ là nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. ACV còn thực hiện bước tiếp theo là chấm hồ sơ về tài chính, dự kiến tổ chức vào ngày 4/8.

Được biết, các nhà thầu được lựa chọn dựa trên cơ sở chấm điểm năng lực tài chính, kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật, và giá xây dựng.

Hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10 yêu cầu một số tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm, như nhà thầu phải có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương; doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không gồm thuế VAT) đạt ít nhất 19.800 tỷ đồng; nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu có giá trị là 3.244 tỷ đồng; từ ngày 1/1/2011 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu phải hoàn thành ít nhất 1 công trình nhà ga hành khách trong cảng hàng không cấp đặc biệt hoặc công trình kết cấu dạng nhà cấp đặc biệt, có giá trị ít nhất 14.798 tỷ đồng.

Về năng lực kỹ thuật, hồ sơ mời thầu yêu cầu hàng trăm nhân sự cao cấp, có kinh nghiệm và các chứng chỉ, trình độ chuyên môn bậc cao trong các nhóm thi công công trình. Ngoài ra, hồ sơ còn yêu cầu hàng chục thiết bị hạng nặng.

Một tiêu chí trọng yếu quyết định thành bại của nhà thầu là hồ sơ dự thầu yêu cầu đề xuất biện pháp thi công, biểu đồ tiến độ, tiếp đó mới đến những yêu cầu khắt khe về hồ sơ đề xuất tài chính.

Việt Nam Kinh tế

Liên danh của Trung Quốc bị loại khỏi gói thầu Sân bay Long Thành