Phân tích: Đằng sau cuộc khủng hoảng sâu sắc của Alibaba

Giúp NTDVN sửa lỗi

Alibaba từng được mệnh danh là công ty có giá trị nhất châu Á nhưng lần đầu tiên giá trị thị trường của tập đoàn này đã bị đối thủ Pinduoduo vượt qua vào tháng 11/2023. Sau khi trải qua loạt biến cố như bị cơ quan giám sát Trung Quốc trấn áp, công ty thay đổi chiến lược và tinh thần nhân viên sa sút, giá cổ phiếu của công ty này đã giảm 75% so với mức đỉnh của ba năm trước.

Ngày 20/12 năm ngoái, Alibaba công bố, ông Ngô Vịnh Minh (Wu Yongming), Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Alibaba, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Taotian, sẽ kiêm nhiệm chức CEO của Tập đoàn Taotian. Cũng tức là, ông Ngô sẽ cùng lúc nắm giữ ba vị trí CEO của Tập đoàn Alibaba, Tập đoàn Taotian và Tập đoàn Alibaba Cloud Intelligence.

Trước đợt điều chỉnh nhân sự này, ngày 28/11, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma tuyên bố trên mạng nội bộ của công ty rằng ông “tin tưởng chắc chắn rằng Alibaba sẽ thay đổi”.

Những người trong nội bộ công ty này và các nhà phân tích cho rằng, cho đến nay Alibaba vẫn chưa thể đánh lại các đối thủ cạnh tranh mới một cách hiệu quả, chưa thể theo kịp sự phát triển trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI), cũng chưa thể tận dụng ưu thế trong lĩnh vực thương mại điện tử trong nước của mình để đạt được thành công ở các thị trường phương Tây.

Gặp khó khăn trong việc tinh giản các bộ phận

Một số nhân viên trong nội bộ Alibaba (không muốn tiết lộ danh tính) đã nói về sự hỗn loạn trong quá trình tái cơ cấu của công ty này.

Một trong số đó cho biết: "Rất nhiều người không biết mảng kinh doanh nào đã bị cắt đi, mãi cho đến khi họ bị sa thải thì mới biết rằng bộ phận của mình đã bị giải thể".

Vào tháng 3 năm ngoái, tập đoàn công nghệ này đã công bố ý định chia đế chế của mình thành 6 đơn vị để kích thích tăng trưởng ở mỗi đơn vị. Nó được gọi là "cải cách tổ chức 1+6+N", bao gồm: Tập đoàn Cloud Intelligence (nhà cung cấp dịch vụ đám mây), Tập đoàn Thương mại Tmall Taobao (sàn thương mại điện tử), Tập đoàn Dịch vụ Cuộc sống bản địa, Tập đoàn Cainiao Smart Logistics (kho vận hậu cần thông minh), Tập đoàn Thương mại Kỹ thuật số Toàn cầu và Tập đoàn Giải trí Truyền thông Kỹ thuật số.

Ông Thái Sùng Tín (Tsai Chongxin) và ông Ngô Vịnh Minh lần lượt chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT và CEO của Tập đoàn Alibaba vào tháng 9. Kế hoạch này ban đầu được các nhà đầu tư hoan nghênh, cổ phiếu của công ty đã tăng 20% ​​​​trong vòng vài ngày sau khi tin tức bổ nhiệm trên được công bố. Nhưng thực trạng kinh tế của Trung Quốc đã làm giảm sự lạc quan và nhiệt tình đầu tư của các nhà đầu tư.

Sau khi Mỹ thực hiện các hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn, ngày 17/11, Alibaba đã chính thức tuyên bố từ bỏ kế hoạch phân tách mảng kinh doanh điện toán đám mây. Ngay sau đó, giá cổ phiếu của Alibaba đã giảm 10% trên thị trường chứng khoán Hong Kong. Đây có thể là mức giảm trong ngày lớn nhất trong hơn một năm qua của công ty này. Với sự sụt giảm này, giá trị thị trường của Alibaba đã bốc hơi khoảng 20 tỷ USD (khoảng 487,2 nghìn tỷ VND).

Do tồn tại tình trạng công việc trùng lặp chồng chéo ở các phòng ban, Alibaba đã thành lập một nhóm công nghệ thông tin (IT) để hỗ trợ xử lý công việc đánh giá các phòng ban của tập đoàn. Theo những người trong nội bộ công ty này, các bộ phận làm ăn thua lỗ của công ty đã liên tục vận động hành lang với hy vọng có thể tiếp tục được giữ lại và không bị “chặt” đi. Nhiều nhân viên cho biết, kế hoạch tinh giản các bộ phận hoặc là đã bị loại bỏ hoặc là đang được xem xét.

Tuy nhiên, theo hai nguồn tin, nhóm IT kể trên đã bị loại bỏ do tranh đấu quyền lực nội bộ. "Đây là một tình huống tồi tệ và hỗn loạn. Nhiều người [thừa] cần phải bị sa thải thì lại có người chống lưng trong nội bộ nên không thể dễ dàng sa thải họ”.

Đấu tranh nội bộ trong tập đoàn làm tăng thêm sự hỗn loạn

Còn một ví dụ khác về sự hỗn loạn trong nội bộ Alibaba. Một nhân viên của DingTalk - nền tảng truyền thông doanh nghiệp của Alibaba - tiết lộ rằng nhóm của họ đã bị đăng xuất khỏi mạng nội bộ của tập đoàn mà không có thông báo nào, họ không thể biết được thông tin nội bộ của Alibaba.

Những người trong tập đoàn này cho biết, cuộc tranh đấu quyền lực giữa nhóm lãnh đạo cũ - dẫn đầu bởi cựu CEO Trương Dũng (Zhang Yong), và người kế nhiệm Ngô Vịnh Minh đã làm tăng thêm sự hỗn loạn trong cuộc cải cách này.

Vào tháng 3 năm ngoái, Alibaba thông báo rằng hoạt động kinh doanh điện toán đám mây sẽ được tách ra và niêm yết như một công ty độc lập và do ông Trương Dũng phụ trách. Tuy nhiên tới tháng 9, ông này bất ngờ mất chức. Tờ Financial Times của Anh đưa tin rằng, chính CEO mới Ngô Vịnh Minh đã đẩy ông Trương Dũng ra ngoài. Alibaba trả lời vào tháng 12 rằng ông Trương Dũng là người chủ động bày tỏ mong muốn từ chức.

Một người trong Alibaba Cloud Intelligence cho biết, sự ra đi của ông Trương Dũng đồng nghĩa với việc nhiều người có liên quan đến ông này có thể bị sa thải. Theo những người trong nội bộ Alibaba, việc ông Thái Anh Hoa (Cai Yinghua), Giám đốc thương mại của Cloud Intelligence, rời chức vào tháng trước đồng nghĩa với việc ông Ngô Vịnh Minh đang cố gắng khởi động lại mảng này.

Ông Robin Zhu, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu đầu tư Bernstein, cho biết: "Việc phân tách nền tảng đám mây đã bị xử lý kém. Trước khi đưa ra tuyên bố, Alibaba lẽ ra phải xem xét đến vấn đề bảo mật dữ liệu và chuyển giá giữa nền tảng đám mây và Taobao, v.v.".

Khi lần đầu tiên đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Alibaba vào tháng 11, ông Ngô Vịnh Minh đã định vị hoạt động kinh doanh điện toán đám mây như một động lực tăng trưởng và gọi đó là “sự xuất hiện của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo”. Ông Ngô đã cam kết đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhưng các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về việc liệu ông này có thể vực dậy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của Alibaba Cloud Intelligence hay không.

Ông Zhu Bin chỉ ra: "Việc tăng trưởng trên nền tảng đám mây của Alibaba phải đối mặt với nhiều trở ngại, ví như các doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu thấp, còn các doanh nghiệp nhà nước thì có xu hướng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khu vực công như Huawei".

Vậy lộ trình cho sự tăng trưởng và đổi mới của Alibaba là gì?

Ngoài ra, việc cam kết đầu tư vào xây dựng "sản phẩm mang tính cách mạng cho tương lai" do ông Ngô Vịnh Minh đề ra cũng không phù hợp với nỗ lực của Alibaba nhằm tăng giá cổ phiếu thông qua cổ tức và mua lại cổ phần.

Ông Kevin Xu, nhà đầu tư cơ sở hạ tầng đám mây tại Interconnected Capital, cho biết: "Kỹ thuật xử lý tài chính của Alibaba đã gửi đi những tín hiệu hỗn loạn. Ngay cả những công ty công nghệ lớn, có lợi nhuận như Alphabet - công ty mẹ của Google, và Amazon cũng không trả cổ tức, vì họ đã nhìn thấy lộ trình tăng trưởng và đổi mới hơn nữa ở phía trước".

Về việc này, Alibaba phản hồi rằng: "Alibaba chưa bao giờ ở tình trạng tài chính tốt hơn bây giờ để đầu tư vào tăng trưởng kinh doanh và các cơ hội chiến lược. Đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi".

Trong khi đó, Alibaba vẫn đang đẩy mạnh việc niêm yết tập đoàn kho vận hậu cần Cainiao. Vào cuối tháng 9 năm ngoái, Alibaba thông báo rằng công ty con của họ là Cainiao đã lên kế hoạch tiến hành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong. Một người nắm được thông tin từ đội ngũ quản lý của công ty này cho biết, Alibaba vẫn đang đẩy mạnh việc niêm yết, vì “cảm thấy bi quan về nhu cầu thương mại điện tử trong tương lai”, vậy nên tốt nhất là “nhanh chóng lên sàn chứng khoán”.

Tương lai của Ant Group, một công ty công nghệ tài chính mà Alibaba nắm giữ khoảng 33% cổ phần, cũng vẫn chưa rõ ràng. Ba năm trước, chính quyền Trung Quốc đã tạm dừng đợt IPO trị giá 34 tỷ USD của Ant Group như một phần của cuộc trấn áp các công ty công nghệ. Theo những người thân cận với ban lãnh đạo, Ant Group vẫn đang chờ phê duyệt của cơ quan giám sát để xin giấy phép trở thành công ty sở hữu tài chính (Financial holding company).

(Bài viết này có tham khảo các bài báo liên quan trên tờ Financial Times)

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Đằng sau cuộc khủng hoảng sâu sắc của Alibaba