Trung Quốc: Tiết lộ thêm chi tiết về vụ sập tòa nhà 8 tầng khiến 54 người thiệt mạng trong 4 giây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 8/1, một chương trình truyền hình đặc biệt của Trung Quốc đã tiết lộ một số chi tiết về vụ sập nhà do cư dân tự xây dựng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, khiến 54 người thiệt mạng, trong đó tình trạng các tòa nhà bị sập đã không được giám sát trong một thời gian dài. Vụ sập nhà này thực sự là một thảm họa do con người gây ra.

Ngày 29/4/2022, một ngôi nhà tự xây dành cho cư dân ở phố Kim Sơn Kiều, quận Vọng Thành, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam bất ngờ sụp đổ, chỉ trong 4 giây, tòa nhà 8 tầng biến thành đống đổ nát. Thảm kịch này khiến 54 người chết và 9 người bị thương, trong số người tử vong có 44 sinh viên đại học.

Trong số những người thiệt mạng có sinh viên y khoa, nhân viên quán trà sữa, nhân viên phục vụ nhà hàng và còn có cậu bé giao hàng. Trương Song, một trong 9 người sống sót, bị thương nặng ở chân trái và hiện không thể đi lại.

Thảm kịch này lẽ ra đã có thể tránh được. Nguyên nhân sâu xa của vụ tai nạn này là do nhà tự xây được nâng lên tầng 8 trái phép, không có giấy phép xây dựng của cơ quan chức năng nào.

Ngôi nhà liên quan thuộc Tập đoàn Bàn Thụ Loan (Panshuwan) của Khu Cộng đồng Kim Bình, được người dân địa phương Ngô Kỳ Sinh và Ngô Trị Dũng xây dựng vào năm 2012. Ban đầu là một tòa nhà 5 tầng, một số có 6 tầng, đến năm 2018 đã tự xây tăng thêm 8 tầng và có nơi 9 tầng, cao tới 26,3m.

Trong suốt quá trình xây dựng, không hề báo cáo với bất kỳ cơ quan nào hoặc trải qua bất kỳ sự phê duyệt nào, việc thiết kế và thi công đều do những thợ xây không có chứng chỉ chuyên nghiệp thực hiện, dẫn đến việc cấu trúc nhà ở và chất lượng xây dựng có những vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn. Điều sốc hơn nữa là, ngoại trừ tường gạch kiên cố ở tầng 1, từ tầng 2 đến tầng 5 đều sử dụng tường rỗng, khả năng chịu lực kém, kết cấu công trình như vậy tiềm ẩn rủi ro lớn về an toàn, cuối cùng dẫn đến thảm kịch.

Sự giám sát lẽ ra phải được thực thi nghiêm túc , nhưng chưa bao giờ phát huy đúng vai trò của nó.

Ngoài bộ phận xây dựng, các bộ phận quản lý đô thị và kế hoạch cũng chịu trách nhiệm giám sát việc xây dựng trái phép, nhưng các bộ phận khác nhau thường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Một số quan chức biết về những nguy cơ an toàn tiềm ẩn của các công trình xây dựng trái phép, nhưng lại chọn cách làm ngơ. Chính vì không có người quản lý nên bố con ông Ngô mới dám xây trái phép tòa nhà tới tầng 8.

Theo các tài liệu liên quan cho thấy vào tháng 7/2020, Bộ Xây dựng đã triển khai công tác kiểm tra 'hai vi phạm' trên toàn quốc trong một năm. Quận Vọng Thành đã ba lần thay đổi số liệu về việc kiểm tra các công trình xây dựng trái phép trong thời gian ngắn: Vào ngày 29/6/2021, số liệu báo cáo là 217 công trình; chỉ sau 6 ngày, con số này được thay đổi thành 81.668 công trình; và một tháng sau đó, con số lại được sửa thành 18.238 công trình, số liệu trước sau khác nhau rất lớn.

Một nhân viên Ủy ban Kiểm tra, Giám sát Kỷ luật tỉnh Hồ Nam, cho biết, số liệu hơn 200 công trình được báo cáo lúc đầu quá ít, nên họ đã nghĩ đến việc tăng số liệu lên. Họ trực tiếp báo cáo số liệu hơn 80.000 công trình xây dựng tự phát, nhưng sau đó phát hiện ra rằng con số đó rõ ràng không thực tế, nên đã tiến hành sửa đổi..

Điều kỳ lạ hơn nữa là tòa nhà của nhà họ Ngô rõ ràng được xây dựng trái phép, không những không được giám sát mà còn được nhiều thương gia thuê sau khi xây dựng. Trong tòa nhà có nhà hàng, rạp chiếu phim tư nhân, khách sạn gia đình, v.v.

Còn khó tin hơn, việc nhận được quyền kinh doanh nhà nghỉ gia đình lại không cần phải trải qua kiểm định an toàn nhà cửa. Một tổ chức tên là Công ty Kiểm Định Công Trình Tương Đại đã cấp báo cáo đánh giá cho những ngôi nhà có 'vấn đề', khẳng định rằng chúng 'đáp ứng điều kiện an toàn sử dụng.

Tổ chức cực kỳ vô trách nhiệm này ban đầu được Lưu Vạn Toàn, nguyên Phó đội trưởng Đội quản lý Công an quận Vương Thành, Trường Sa, đã giới thiệu cho các chủ nhà trong khu vực cần mua sắm theo nhóm. Lưu Vạn Toàn đã nhận lợi ích từ tổ chức này.

Lưu Vạn Toàn cho biết, bản thân đã nhận được 23.000 hoặc 25.000 nhân dân tệ.

Vào ngày 19/6/2021, một ngôi nhà bị sập ở huyện Nhữ Thành, thành phố Sâm Châu, cách thành phố Trường Sa chỉ vài trăm km, sự việc khiến 5 người chết và 7 người bị thương. Tỉnh Hồ Nam đã triển khai một cuộc điều tra quy mô lớn về những mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Đối mặt với cơ hội cuối cùng trước khi vụ tai nạn xảy ra, thành phố Trường Sa và quận Vương Thành lại xử lý sự việc một cách sơ sài, chỉ bằng cách họp hành, ban hành văn bản, dẫn đến việc ‘quả bom hẹn giờ’ này vẫn còn tồn tại.

Ông Trịnh Kiến Tân, cựu Thị trưởng thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, không để ý đến vụ sập nhà ở huyện Nhữ Thành, Sâm Châu, vì nghĩ rằng đó là việc của người khác và không liên quan. Thái độ này dẫn đến việc thành phố Trường Sa đã lơ là trong công tác kiểm tra nguy cơ tiềm ẩn, đẩy trách nhiệm lớn lên khu cộng đồng, trong khi khu cộng đồng lại chuyển gánh nặng này cho phường và nhân viên được thuê".

Sau khi xảy ra tai nạn, quận Vọng Thành đã kiểm tra và phát hiện ra 7.180 tòa nhà được cải tạo và mở rộng không phép, trong khi toàn thành phố Trường Sa có tới 44.000 tòa nhà như vậy. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cả ba cấp hành chính tỉnh, thành phố và quận đều không kiểm tra và xác minh những dữ liệu rõ ràng không chính xác này, và chỉ đơn giản là báo cáo lên cấp trên.

Vụ sập nhà năm đó, đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, kết thúc chỉ với 9 người bị bắt về tội hình sự, 4 công chức bị chuyển giao cho cơ quan tư pháp, và 62 công chức nhận các hình thức kỷ luật ở các mức độ khác nhau.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Tiết lộ thêm chi tiết về vụ sập tòa nhà 8 tầng khiến 54 người thiệt mạng trong 4 giây