Cháy bệnh viện ở Bắc Kinh khiến 29 người thiệt mạng, nửa năm sau chính quyền mới công bố báo cáo điều tra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ hỏa hoạn lớn tại Bệnh viện Trường Phong ở Bắc Kinh khiến 29 người thiệt mạng đã gây chấn động toàn Trung Quốc. Phải mất nửa năm, nhóm điều tra của Quốc vụ viện mới công bố báo cáo điều tra, chỉ có phó thị trưởng Bắc Kinh bị truy cứu trách nhiệm.

Truyền thông Trung Quốc ngày 25/10 công bố báo cáo điều tra cho biết, do Bệnh viện Trường Phong Bắc Kinh thực hiện các dự án cải tạo vi phạm quy định, quản lý an toàn xây dựng kém, công tác quản lý thường ngày hỗn loạn, nguy cơ hỏa hoạn đã tồn tại lâu dài; do các hoạt động vi phạm quy định của đơn vị thi công, thiếu quản lý an toàn tại hiện trường; ngoài ra, do chính quyền thành phố Bắc Kinh và các cơ quan liên quan đã không xử lý tốt các trường hợp cần ứng phó khẩn cấp và không hoàn thành trách nhiệm, nên dẫn đến sự cố lớn về an toàn sản xuất.

Theo báo cáo, 20 người liên quan đến vụ án, bao gồm ông Uông Văn Kiệt (Wang Wenjie) - đại diện pháp lý của Bệnh viện Trường Phong, bà Vương Hiểu Linh (Wang Xiaoling) - Giám đốc Bệnh viện Trường Phong… đã bị lập hồ sơ điều tra, 19 người trong số họ đã bị bắt.

41 quan chức nhà nước, trong đó có ông Vương Thiếu Phong (Wang Shaofeng) - Bí thư Quận ủy Phong Đài ở Bắc Kinh, đã nhận cảnh cáo trong đảng hoặc bị ghi lỗi vào hồ sơ công tác chính trị.

Ngoài ra, ông Cận Vĩ (Jin Wei), Phó thị trưởng Bắc Kinh phụ trách công tác y tế, bị truy cứu trách nhiệm và nhận cảnh cáo về công tác. Ông Cận Vĩ là quan chức cấp cao nhất phải chịu trách nhiệm về sự cố hỏa hoạn này.

Dư luận Trung Quốc nhìn chung chế giễu cuộc điều tra của Quốc vụ viện là “đầu voi đuôi chuột": "Xử phạt cảnh cáo như vậy là quá nhẹ, ít nhất nên cách chức".

Cũng có cư dân mạng cho rằng Phó Thị trưởng Bắc Kinh Cận Vĩ chỉ là con dê thế tội, đáng lẽ ra các quan chức cấp cao hơn mới là người phải chịu trách nhiệm.

Theo báo cáo, vụ hỏa hoạn xảy ra tại Bệnh viện Trường Phong ở Bắc Kinh vào ngày 18/4 đã khiến 29 người tử vong, 42 người bị thương và gây thiệt hại kinh tế 38,3182 triệu nhân dân tệ (khoảng 128,84 tỷ VND).

Vụ hỏa hoạn bùng phát vào buổi trưa ngày hôm đó nhưng cơ quan chức năng đã phong tỏa tin tức, xóa hình ảnh và video quay tại hiện trường, và phải hơn 8 tiếng sau mới được các kênh truyền thông chính thống đưa tin. Tới lúc đó, nhiều người thân của các bệnh nhân mới biết đến vụ cháy sau khi đọc được tin tức, họ vội vàng đến bệnh viện nhưng hiện trường đã bị phong tỏa, không tìm thấy người thân.

Việc chính quyền ngăn chặn tin tức đã khiến dư luận phẫn nộ: "Chết nhiều người như vậy nhưng tin tức này lại không lọt vào danh sách chủ đề nóng [trên Internet]"; “Sự cố lớn như vậy mà lại im bặt, tôi không biết là giới truyền thông chết hết rồi hay là còn tình huống gì khác mà lại không đưa tin trong một khoảng thời gian dài như thế, 9 tiếng sau sự cố lớn mà lại không có động tĩnh gì"...

Sau đó, chính quyền công bố số người chết là 29, con số này cũng làm dấy lên nghi ngờ từ dư luận. Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập, từng phát biểu trên chương trình "Diễn đàn Tinh Anh" của đài NTD rằng, 29 người chết thì xếp vào loại sự cố lớn, 30 người thì là sự cố đặc biệt lớn, có lẽ có quan chức nào đó cần tìm đường lui.

Ứng dụng tin tức của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) từng đưa tin, ông Tống Nguyên Minh (Song Yuanming), Thứ trưởng Bộ Quản lý Ứng phó khẩn cấp thuộc Quốc vụ viện, cho biết trong một cuộc họp vào ngày 30/8/2022 rằng, một sự cố khiến 10 người trở lên tử vong thì được gọi là sự cố lớn, khiến 30 người trở lên tử vong thì được gọi là sự cố đặc biệt lớn.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cháy bệnh viện ở Bắc Kinh khiến 29 người thiệt mạng, nửa năm sau chính quyền mới công bố báo cáo điều tra