9x Trung Quốc tiết lộ câu chuyện cha anh bị bệnh viện Trung Quốc ‘yêu cầu’ hiến nội tạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Anh Nghiêm Khắc Duy (Yan Kewei) đến từ Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi cha anh là ông Nghiêm Bang Quốc (Yan Bangguo) bị tai nạn xe hơi và nhập viện, bệnh viện đã “yêu cầu” người nhà hiến tặng nội tạng của ông. Gần đây khi đã chạy ra nước ngoài, anh Nghiêm Khắc Duy đã tiết lộ trải nghiệm của gia đình.

Nghiêm Khắc Duy nói rằng cha anh - ông Nghiêm Bang Quốc là nhân viên của một doanh nghiệp nhà nước. Sau khi đơn vị phá sản, ông thường là người đại diện đi thỉnh nguyện để bảo vệ quyền lợi cho bản thân và các đồng nghiệp, do đó ông bị liệt vào danh sách “người thỉnh nguyện lão luyện” của cơ quan an ninh quốc gia.

Theo ảnh chứng minh thư của ông Nghiêm Bang Quốc do anh Nghiêm Khắc Duy cung cấp cho đài NTDTV, ông Nghiêm Bang Quốc sinh ngày 1/7/1958, trú tại đường Tân Lập, quận Thành Trung, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây.

Ảnh chứng minh thư của ông Nghiêm Bang Quốc do anh Nghiêm Khắc Duy cung cấp cho đài NTDTV.

Vào tháng 1/2021, ông Nghiêm Bang Quốc bị tai nạn xe hơi và bị thương ở đầu. Khi nhập viện, ông bị hôn mê trong thời gian ngắn, nhưng sau khi tỉnh dậy đã có thể mô tả rõ ràng bệnh sử của mình. Vài ngày sau, ông lại bị bệnh viện đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và rơi vào tình trạng hôn mê mở mắt (coma vigil, là một trạng thái hôn mê mà bệnh nhân nằm bất tỉnh nhưng vẫn mở mắt). Phía bệnh viện nói rằng họ không thể cứu chữa và kêu gọi người nhà hiến tạng.

Anh Nghiêm Khắc Duy trả lời phỏng vấn cho hay: "[Bệnh viện nói] nếu cân nhắc việc hiến tặng nội tạng của ông ấy cho bệnh viện, Hội Chữ thập đỏ sẽ miễn chi phí y tế cho. Đó giống như một kiểu tống tiền, cưỡng bức mua bán [nội tạng]".

Anh Nghiêm nói rằng đôi mắt của cha anh, người đang hôn mê, đã được dán lại bằng băng y tế, bác sĩ nói rằng chỉ có cách này mới bảo vệ được giác mạc.

Ông Nghiêm Bang Quốc trong tình trạng hôn mê mở mắt (ảnh trái) và đôi mắt bị bác sĩ dùng băng keo y tế dán lại để "bảo vệ giác mạc" (ảnh phải). (Ảnh do anh Nghiêm Khắc Duy cung cấp)

Anh bày tỏ: "Người Trung Quốc luôn coi trọng việc chết phải toàn thây mà. Vốn [vụ tai nạn xe hơi] là tai họa bất ngờ, giờ lại chết không toàn thây nữa thì chúng tôi không chịu được, cho nên chúng tôi đã từ chối [hiến tạng]”.

Chi phí y tế trong phòng chăm sóc đặc biệt là 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu VND) một ngày. Sau khi người nhà ông Nghiêm từ chối hiến tạng, bác sĩ đã tăng cường sử dụng thuốc, còn là loại thuốc đắt tiền. Phía bệnh viện còn nói rằng phải vạch ra một kế hoạch điều trị lâu dài, bảo hiểm y tế sẽ không hoàn trả, gia đình phải tự chi trả.

Anh Nghiêm Khắc Duy cho biết: "Sau này tôi đã rất nghi ngờ. Lẽ ra cha tôi đã có thể khỏi bệnh, nhưng vì nạn thu hoạch tạng sống và Hội Chữ thập đỏ. Họ vô cùng thành thục, họ dùng thủ đoạn này để ép chúng tôi hiến tạng".

Ngoài ra, anh Nghiêm Khắc Duy còn từng bị cảnh sát Quế Lâm bắt giữ vào năm 2019 vì định đến Hong Kong để dự lễ tưởng niệm ngày thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989. Anh nói rằng, sau sự việc của cha mình, anh hoàn toàn tin vào các cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công.

Anh chia sẻ: "Đây là sinh nhật đầu tiên của tôi (ngày 20/7) sau khi chạy đến New Zealand, nó giống như một khởi đầu mới của cuộc đời. Tôi lên tiếng vì những gì đã xảy ra với cha mình. Tôi nghĩ mình nên tham gia vào ngày này để ủng hộ Pháp Luân Công".

Ngày 20/7 vừa qua cũng đánh dấu 24 năm ngày các học viên Pháp Luân Công bị bức hại tại Trung Quốc. Năm 1999, lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân vì lòng nghi kỵ vô lý mà đã phát động cuộc bức hại nhắm vào nhóm người ôn hòa này.

Hơn 1.500 ánh nến đã được thắp sáng tại Washington - Hành trình của ông Lương Quý Ngọc
Hơn 1.500 học viên Pháp Luân Công tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm tại National Mall ở Washington, Mỹ, vào ngày 20/07/2023. Buổi thắp nến này là để tưởng nhớ các học viên đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc giết hại trong cuộc đàn áp tàn bạo đã kéo dài suốt 24 năm. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Cuộc bức hại phi lý và tàn bạo

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện giữa đời thường, kèm theo đó là 5 bài tập đơn giản dễ học. Các học viên luôn cố gắng tu sửa bản thân theo nguyên tắc “Chân - Thiện - Nhẫn” để trở thành người tốt hơn nữa. Sau khi ra mắt công chúng vào năm 1992, với hình thức người truyền người, miệng truyền miệng, tới trước năm 1999 toàn Trung Quốc có từ 70 đến 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công (số liệu do nội bộ Bộ Công an Trung Quốc điều tra).

Vào thời điểm đó, ĐCSTQ chỉ có 63 triệu đảng viên. Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của Pháp Luân Công, nhà cầm quyền Trung Quốc đã ra lệnh điều tra về môn này. Năm 1997, Bộ Công an Trung Quốc bắt đầu bí mật thu thập cái gọi là “bằng chứng phạm tội” của Pháp Luân Công. Nhưng sau khi điều tra kỹ lưỡng, công an các nơi đều báo cáo lên rằng “không phát hiện vấn đề”.

Đến nửa cuối năm 1998, ông Kiều Thạch - cựu Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc - cùng một số cán bộ đã nghỉ hưu đã mở một cuộc điều tra toàn diện về Pháp Luân Công, cuối cùng đưa ra kết luận: “Pháp Luân Công mang lại trăm điều lợi cho nước cho dân, không có điều hại nào”. Báo cáo này đã được đưa lên Bộ Chính trị ĐCSTQ và ông Giang Trạch Dân, nhưng khi nhận được kết quả này, ông ta rất không hài lòng và giao báo cáo cho thân tín xử lý.

Bất chấp sự phản đối của 6 trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh cấm người dân thực hành theo môn này từ ngày 20/7/1999, đồng thời phát động một chiến dịch đàn áp toàn diện. Theo cuốn sách “Giang Trạch Dân kỳ nhân”, khi ấy rất nhiều người nhà của các đảng viên cấp cao trong ĐCSTQ cũng đang theo tập Pháp Luân Công.

Trong bức thư ra lệnh toàn diện đàn áp Pháp Luân Công gửi Ban thường vụ Bộ Chính trị và các lãnh đạo liên quan, ông Giang đưa ra 2 lý do trấn áp:

  1. Số người tu luyện Pháp Luân Công đã quá nhiều;
  2. Tín ngưỡng của Pháp Luân Công [tín Thần, Chân - Thiện - Nhẫn] và hệ tư tưởng của ĐCSTQ [vô Thần, Giả - Ác - Đấu] không đồng nhất.

Theo Hiến pháp và pháp luật do chính ĐCSTQ chế định, tu luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc là hợp pháp. Nhưng từ đó đến nay, rất nhiều học viên Pháp Luân Công vẫn bị bắt giữ hoặc bị giam cầm, tra tấn chỉ vì không từ bỏ đức tin của mình. Thậm chí, họ còn trở thành kho nội tạng sống để chế độ này kiếm khoản lợi kếch xù từ việc buôn bán nội tạng.

Hiện nay, có 20 quốc gia đã thông qua luật chống lại nạn thu hoạch nội tạng sống ở Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đang trong quá trình lập pháp. Vào ngày 27/3/2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua "Đạo luật Chấm dứt Mổ cướp Nội tạng năm 2023". Khi được Thượng viện thông qua và được Tổng thống ký tên, dự luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

9x Trung Quốc tiết lộ câu chuyện cha anh bị bệnh viện Trung Quốc ‘yêu cầu’ hiến nội tạng