Bộ xét nghiệm Covid tại nhà có thực sự đáng tin cậy?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do sự bùng phát của biến thể Omicron, nguồn cung cấp xét nghiệm axit nucleic bị thiếu hụt, do đó, nhiều quốc gia đang khuyến khích các bộ xét nghiệm kháng nguyên sử dụng tại nhà để đẩy nhanh tốc độ phát hiện F0.

Vậy, xét nghiệm kháng nguyên chính xác đến mức nào? Lý do gì chúng ta luôn phải xét nghiệm 2 - 3 lần? Bộ xét nghiệm kháng nguyên nào tốt hơn?

Lin Xiaoxu, một nhà virus học người Mỹ và là cựu giám đốc phòng thí nghiệm thuộc Khoa virus học của Viện nghiên cứu quân đội Hoa Kỳ, đã giải thích và phân tích dữ liệu nghiên cứu từ các bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên.

3 phương pháp xét nghiệm phổ biến

Hiện nay, có 3 phương pháp xét nghiệm virus phổ biến, đó là xét nghiệm axit nucleic, xét nghiệm kháng thể nhanh và xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

  1. Xét nghiệm axit nucleic (PCR): Tên đầy đủ là phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (polymerase chain reaction, PCR), là công nghệ khuếch đại số lượng gen virus để phát hiện cơ thể người có bị nhiễm virus hay không.

Hiện nay, xét nghiệm axit nucleic đã được toàn xã hội đẩy mạnh và được công nhận là tiêu chuẩn vàng về xét nghiệm virus; tuy nhiên, nó vẫn tồn tại vấn đề dương tính hoặc âm tính giả, và hiện chưa có cách nào để cải thiện độ chính xác hiệu quả hơn.

  1. Xét nghiệm kháng thể nhanh: Khi cơ thể con người bị nhiễm virus sẽ tạo ra kháng thể, do đó, bằng cách phát hiện xem có kháng thể trong cơ thể của một người, bạn có thể biết được người đó đã bị nhiễm virus hay chưa.

Tuy nhiên, xét nghiệm kháng thể rất khó để xác định mức độ hoạt động hiện tại của virus trong người bệnh, càng không thể đánh giá được khả năng lây nhiễm của người bệnh, nên phương pháp này cũng có những hạn chế lớn.

  1. Xét nghiệm kháng nguyên nhanh: Nguyên tắc kết hợp kháng thể và kháng nguyên được sử dụng để phát hiện coronavirus mới. Phương pháp là nhỏ mẫu nước bọt hoặc tăm bông đã thu thập được trên que thử (bên trong có chứa kháng thể Covid-19).

Nếu có virus trong mẫu, kháng nguyên trên bề mặt của protein nucleocapsid chứa trong đó sẽ liên kết với kháng thể trên que thử, khiến que thử đổi màu và cho kết quả dương tính.

Độ chính xác của xét nghiệm kháng nguyên nhanh luôn là một vấn đề đau đầu, nhưng vì nó cho phép mọi người lấy kết quả tại nhà và có sự tiện lợi nhất định nên các chính phủ trên thế giới muốn quảng bá nó ra toàn xã hội, với hy vọng giải quyết được tình trạng thiếu dụng cụ xét nghiệm axit nucleic.

Hai yếu tố quyết định độ chính xác của xét nghiệm kháng nguyên

Độ chính xác của xét nghiệm liên quan đến kháng thể được sử dụng trong bộ dụng cụ do các công ty khác nhau sản xuất. Nó chủ yếu được chia thành hai khía cạnh: độ nhạy và độ đặc hiệu.

  • Độ nhạy là xác suất "tìm ra virus" - tỷ lệ những người nhiễm bệnh được tìm thấy thành công.
  • Trong khi đó, độ đặc hiệu là xác suất “không bắt nhầm người tốt” - tức là xác suất đánh giá đúng một người có kết quả âm tính là hoàn toàn không mắc bệnh.

Lấy ví dụ như dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên do công ty Roche phát triển, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận, độ nhạy thường nằm trong khoảng 60 - 70%.

Đối với bệnh nhân không có triệu chứng, độ nhạy của dụng cụ này thậm chí còn thấp hơn, ở mức 44%.

Ở phần độ đặc hiệu, hầu hết bệnh nhân đều đạt từ 99% đến 100% bất kể bệnh nhân có triệu chứng hay không, như vậy chứng tỏ độ đặc hiệu của loại kháng thể được sử dụng là rất tốt.

Nếu giá trị CT của xét nghiệm axit nucleic được sử dụng làm đối chứng, bạn sẽ thấy rằng giá trị CT càng thấp thì độ nhạy phát hiện kháng nguyên càng cao.

Giá trị CT là gì? Bởi vì gen của virus rất nhỏ, nó phải được sao chép đến một lượng nhất định bằng một công cụ trước khi có thể được phát hiện. Mỗi lần thiết bị sao chép, số lượng gen virus có thể được nhân đôi, và giá trị CT lúc này đề cập đến số lượng bản sao cần thiết để thiết bị phát hiện ra sự hiện diện của các gen virus.

Do đó, giá trị CT càng thấp, tức là số lần sao chép của gen virus càng ít, lượng virus trong người bị nhiễm càng cao và càng dễ phát hiện.

Mặt khác, một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Journal of Clinical Virology đã so sánh độ nhạy trên dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên của công ty Abbott Panbio, với dụng cụ do công ty Orient Gene Chiết Giang (Trung Quốc) sản xuất đều nằm trong khoảng 70%.

Tuy nhiên, độ đặc hiệu của Abbott là 100%, trong khi độ đặc hiệu của Orient Gene Chiết Giang chỉ là 74.4%; tức là gần 1/4 kết quả xét nghiệm dương tính có thể là dương tính giả.

Thời gian lấy mẫu rất quan trọng

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Blythe Adamson và những người khác được công bố trên nền tảng Medrxiv, đã so sánh độ nhạy của các bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh từ Abbott và Quidel với phương pháp xét nghiệm axit nucleic.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ 0 - 2 ngày, phương pháp xét nghiệm axit nucleic đã có thể xác nhận kết quả dương tính, bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh không nhạy và không thể phát hiện được virus.

Mãi đến hai ngày tiếp đó, xét nghiệm kháng nguyên mới bắt đầu cho kết quả dương tính.

Sở dĩ bộ kháng nguyên có độ nhạy thấp trong hai ngày đầu là do tải lượng virus trong đường hô hấp hoặc miệng của người mới được chẩn đoán chưa cao. Ngay cả khi một số người có số lượng virus cao tại thời điểm chẩn đoán, nó cũng rất khó phát hiện cho đến khi virus bị phân hủy và giải phóng protein nucleocapsid.

Sau ngày thứ 8 và thứ 9 kể từ thời điểm có kết quả đầu tiên, lượng protein nucleocapsid của virus được giải phóng tương đối lớn, nên kit kháng nguyên nhanh có thể dễ dàng phát hiện được virus, đó là lý do tại sao kit phát hiện cần phải test từ 2 đến 3 lần.

Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh kháng nguyên chỉ mang tính chất tham khảo, có thể biết có virus trong cơ thể hay không, nhưng kết quả xét nghiệm chưa chắc đã phù hợp với các triệu chứng cụ thể.

Do đó, bạn không cần quá lo lắng nếu nhận kết quả dương tính từ loại xét nghiệm này, bởi sự lo lắng của bạn có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn; vì trạng thái tinh thần cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.

Việc phát hiện kháng nguyên biến thể Omicron có chính xác không?

Hiện nay, trên thị trường có 4 loại bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên tại nhà được sử dụng phổ biến, đó là Abbott Panbio, SD Biosensor Standard Q, Tigsun và ACON biotech Flowflex.

Theo nghiên cứu của Medrxiv, độ nhạy của các bộ xét nghiệm khác nhau đối với mỗi biến thể đều khác nhau.

Đối với Omicron, Abbott Panbio hiện tại do Abbott sản xuất có độ nhạy thấp nhất, chỉ có thể cho kết quả dương tính khi có lượng virus trong cơ thể cao hơn.

Ngoài ra, BinaxNow, một kit phát hiện kháng nguyên khác do Abbott sản xuất, có độ nhạy là 95.2% khi giá trị CT là 30; khi giá trị CT là 35, nó có độ nhạy là 82.1%.

Nói chung, giá trị CT 30 và 35 có nghĩa là lượng virus trong cơ thể người không cao, và BinaxNow có thể có hiệu suất nhạy cảm như vậy, có nghĩa là hiệu quả của nó là tương đối tốt. Độ đặc hiệu của nó nằm ở mức 96 ~ 99%.

Dữ liệu nghiên cứu của BinaxNow được thực hiện sau khi biến thể Omicron trở nên phổ biến khắp thế giới, vì vậy có thể chính xác hơn nếu sử dụng bộ dụng cụ này để phát hiện xem nó có bị nhiễm virus hay không.

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times tiếng Trung


Bộ xét nghiệm Covid tại nhà có thực sự đáng tin cậy?