Đìu hiu các khu chợ thời trang đêm, tiểu thương buôn bán cầm cự qua ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều chợ lớn ở các thành phố lớn từng là nơi mà giới trẻ hay ghé lại để mua sắm những mặt hàng thời trang, nhưng nay lại đang trong tình trạng ít khách, tiểu thương chỉ còn bán để cầm cự.

Kinh doanh tại chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, TP. HCM, từ những ngày đầu thành lập, bà Xuân Lai phải thừa nhận: "Chưa từng thấy cảnh ế ẩm như hiện nay".

Thời hoàng kim trong 20 năm kinh doanh tại đây, bà Lai cho biết, khu chợ quy mô 400 sạp này lúc nào cũng đông nghịt khách. Tiểu thương kinh doanh vải như bà có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng/ngày.

Giờ đây, thời thế đã thay đổi, kiếm được vài trăm nghìn đồng một ngày đối với bà đã là may mắn.

Nữ tiểu thương nhận định, nguyên nhân tình trạng này là do kinh tế khó khăn chung, người dân đang phải thắt chặt chi tiêu. Đối tượng mua sắm ở chợ chủ yếu là công nhân hoặc học sinh, sinh viên, những người có thu nhập trung bình. Nhưng khi nhóm đối tượng này mất việc, tiểu thương cũng mất luôn lượng lớn "bạn hàng quen".

Chị Tiên cũng là người đã có hơn 10 năm buôn bán tại chợ Hạnh Thông Tây. Chị dự định cố trụ hết năm nay rồi nghỉ.

"Cả tuần bán được vài bộ quần áo. Như ngày hôm nay, quầy tôi chỉ bán được mỗi cái váy trong khi tiền thuê sạp đã 3 triệu đồng/tháng. Việc buôn bán cứ ì ạch thế này, tôi không gồng nổi được lâu hơn", chị Tiên nói.

Nghĩ đến cảnh "sáng dọn ra, chiều dọn vô", chị Tiên lại héo hắt vì bản thân vốn là lao động chính, sạp hàng là nguồn thu nhập chủ yếu của cả nhà. Vậy mà giờ, chi tiêu trong gia đình đành trông cả vào công việc của chồng. Tiền chị kiếm được từ sạp hàng không đủ để đi chợ hằng ngày.

Chị Tiên thừa nhận: "Khách hàng giờ vừa hạn chế mua sắm vừa chuộng kiểu mua hàng online, không muốn bỏ thời gian đến chợ để mua sắm như trước nữa. Tôi trước giờ chỉ quen bán ở chợ, giờ có bán online cũng không cạnh tranh được nữa".

Chị Trang là chủ 5 sạp hàng ở chợ Hạnh Thông Tây. Chị Trang cho hay, do xu hướng mua hàng trực tuyến tăng, người trẻ không mặn mà tìm đến khu chợ nữa. Các sạp hàng của chị chủ yếu được cho thuê lại để làm kho. Chỉ còn một sạp chị cho thuê làm cửa hàng thì tiểu thương lâu nhất cũng chỉ trụ được 6 tháng.

Buôn bán cầm chừng

Thực tế, không ít sạp đã được giảm giá thuê. Ban quản lý chợ và chủ sạp cũng nhiều lần tân trang cơ sở vật chất, nỗ lực để thu hút khách hàng nhưng tình hình không mấy khả quan.

Tương tự, nhiều chợ đêm giá rẻ ở làng đại học, khu vực tập trung đông đúc sinh viên cũng lâm vào cảnh tương tự. Các chợ đêm như Bắc Ninh, Võ Văn Ngân và ở TP. Thủ Đức vắng cả người bán lẫn người mua. Nếu trước đây khu vực này thường xuyên kẹt xe do người mua ra vào tấp nập thì giờ đây chỉ còn lác đác vài người mua dù chỉ mới gần 20 giờ.

Tại TP. Hà Nội, mỗi ngày làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, đón nhiều lượt khách đến tham quan, tuy nhiên việc bán hàng của các tiểu thương nơi đây cũng không khá hơn.

Chị Ngọc Khánh, tiểu thương tại Làng lụa Vạn Phúc, cho biết từ sau đại dịch Covid, việc bán hàng bị chậm rất nhiều, doanh thu sụt giảm, nếu so với trước đây chỉ bằng khoảng 40%.

Lý giải về nguyên nhân, chị Khánh bộc bạch: "Bây giờ ai cũng chọn mua hàng online vì vừa tiện, vừa rẻ nên không thể cạnh tranh. Mặc khác, vải lụa kén người mặc, bán ở chợ thì còn tiền mặt bằng, khách hàng đến xem nhưng trả giá bằng với giá online thì mình không thể bán được, vì bán thì chỉ có lỗ".

"Thấy nhiều người chốt đơn liên tục còn mình thì ế ẩm tôi cũng chạnh lòng nhưng thú thật tôi cũng đã mua hàng online vì nó tiện lợi" - chị nói.

Việt Nam Kinh tế

Đìu hiu các khu chợ thời trang đêm, tiểu thương buôn bán cầm cự qua ngày