Chuyên gia: Hiệp ước đại dịch của WHO sẽ tước bỏ chủ quyền của các quốc gia trên thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cựu quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ David Bell, cho biết ông lo ngại về những đề nghị sửa đổi đối với Quy định Y tế Quốc tế (IHR) năm 2005 của Liên Hiệp Quốc, còn được gọi là hiệp ước đại dịch. Ông Bell cho biết nếu được thông qua, hiệp ước này sẽ trao quyền lực cho một nhóm nhỏ các quan chức của WHO và tước bỏ chủ quyền của các quốc gia trên toàn cầu một cách nhanh chóng.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với chương trình American Thought Leaders (Các nhà Lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV, ông Bell cho biết: “Hiệp ước này không trực tiếp thay đổi chủ quyền của một quốc gia, nhưng trên thực tế nó sẽ làm mất đi khả năng ra quyết định của người dân nước đó".

Ông Bell là cựu quan chức của WHO về chương trình bệnh sốt rét và bệnh sốt tại Quỹ Chẩn đoán Sáng tạo Mới (FIND) ở Geneva và là giám đốc Công nghệ Y tế Toàn cầu tại Quỹ Global Good của Hiệp hội Trí tuệ. Ông hiện là thành viên của Ban Phân tích & Dữ liệu Đại dịch (PANDA), một nhóm nghiên cứu phản ứng của thế giới đối với đại dịch COVID-19.

Các sửa đổi đối với Quy định Y tế Quốc tế (IHR) đã được Hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly) đánh giá trong bản dự thảo ban đầu (pdf) của hiệp ước đại dịch toàn cầu vào ngày 22/05–26/05. Theo đó, bản dự thảo cuối cùng cần được 50% các nước thành viên của Hội đồng Y tế Thế giới thông qua vào năm 2023. Bên cạnh đó, bản dự thảo cần được 2/3 số quốc gia thành viên của WHO phê chuẩn.

Thành viên cấp cao của tiểu ban y tế toàn cầu Hạ viện, Dân biểu Chris Smith (đảng Cộng Hòa - bang New Jersey) cảnh báo rằng, những thay đổi tiềm năng đối với IHR, đặc biệt là những thay đổi mà chính phủ ông Biden đang mong muốn đạt được, sẽ 'gặm nhấm' chủ quyền của Hoa Kỳ.

Ông Smith cho biết trong một tuyên bố: “Đề nghị vô lý của Chính phủ ông Biden về việc nhượng lại chủ quyền của Hoa Kỳ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham nhũng là một hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hiến pháp. Điều này sẽ khiến cho cơ quan Liên Hiệp Quốc gánh ít trách nhiệm giải trình hơn và thêm nhiều hành vi sai trái hơn một khi phát sinh vấn đề".

Dân biểu Chris Smith trình bày khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken làm chứng trước Ủy ban Ngoại giao Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 10/03/2021. (Ảnh: Ken Cedeno/AFP qua Getty Images)

Chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy các sửa đổi nhằm trao cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus quyền đơn phương ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng ở bất kỳ quốc gia nào dựa trên bất kỳ bằng chứng nào mà ông chọn.

Một trong số các sửa đổi được đề nghị của Hoa Kỳ loại bỏ một yêu cầu hiện có trong Đề mục 9 rằng, WHO cần phải “tham vấn ​​và tìm cách lấy xác minh” từ các quan chức ở quốc gia nghi ngờ có một cuộc khủng hoảng y tế trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào.

Vào ngày đầu tiên của phiên họp toàn thể lần thứ 75 của Đại hội đồng Y tế Thế giới, hôm 22/05, ông Ghebreyesus đã gọi hiệp ước tiềm năng này là một phần quan trọng của “kiến trúc toàn cầu về sự chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp y tế".

“Hiệp định quốc tế mà các quốc gia thành viên đang đàm phán, sẽ cung cấp một khuôn khổ pháp lý quan trọng. Theo đó, chúng tôi đưa ra 10 khuyến nghị trong ba lĩnh vực chính. Trước tiên, chúng ta cần quản trị chặt chẽ, toàn diện và có trách nhiệm. Thứ hai, chúng ta cần các hệ thống và công cụ mạnh mẽ hơn để ngăn chặn, phát hiện, và phản ứng nhanh chóng với các trường hợp khẩn cấp y tế. Và thứ ba, chúng ta cần nguồn tài chính phù hợp và hiệu quả cả trong nước và quốc tế", ông Ghebreyesus cho hay.

Ông Bell cho biết quyền lực mà hiệp ước này trao cho Tổng giám đốc (DG) và các giám đốc khu vực sẽ hủy hoại chủ quyền của các quốc gia. Bởi vì các quan chức WHO này sẽ có quyền hành đối với các tổ chức của chính những quốc gia đó.

Ông Bell cho biết, “Điều đó có ý nghĩa to lớn đối với thương mại và nền kinh tế của chúng ta. Bởi vì chúng ta đang trao quyền cho một người và một ủy ban khẩn cấp mà DG tham vấn với họ. Tuy nhiên, [DG] không bắt buộc phải đồng tình với những phát hiện của ủy ban đó. Ông ấy (Tedros) có thể bỏ qua ủy ban đó và vẫn tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng một cách chủ quan".

Ngoài ra, ông Bell lo ngại rằng các tập đoàn tư nhân sẽ đổ hàng tỷ USD cho WHO và các sáng kiến ​​về đại dịch, cũng như các nhà tài trợ tư nhân có thể gây ảnh hưởng đến DG hoặc các giám đốc khu vực.

Ông Bell nói: “Về căn bản, những nhà tài trợ này có thể tác động đến 'sức khỏe và sự tự do của con người cũng như vấn đề dân số'".

Ông Bell nói rằng, hiệp ước này không chỉ trao quá nhiều quyền lực cho DG mà còn có thể mang lại lợi ích cho một số quốc gia nhất định.

WHO “chắc chắn đang thúc đẩy một phương pháp mới trong quản lý y tế và quản lý việc ra quyết định về y tế. Đặc biệt là trong các đợt bùng phát dịch bệnh, rõ ràng điều này đã mang lại lợi ích cho các nhà tài trợ của WHO. Điều đó cũng có khả năng xảy ra, vì những tác hại mà nó đang gây ra đối với các nền kinh tế và nền dân chủ, cũng có thể là lợi thế của một số quốc gia thành viên của WHO", ông Bell cho biết. “Vì vậy, sẽ thật kỳ lạ nếu các quốc gia này không tận dụng cơ hội này để tăng lợi ích chiến lược của mình lên trước lợi ích của các nước đối thủ".

Sự thay đổi rõ rệt nhất về tài trợ diễn ra vào tháng 03/2020. Bởi vì, các chính sách ứng phó y tế công cộng đã bị bỏ mặc và các đợt phong tỏa đã được thực hiện bất chấp các chi phí phát sinh ngoài ý muốn. Các chính sách chính thống đều phân tích chi phí-lợi ích, bao gồm cả sức khỏe xã hội và tinh thần. Tuy nhiên, việc phong tỏa đại dịch COVID đã gây hại nhiều hơn có lợi, ông Bell cho hay.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong buổi lễ khai trương Học viện Tổ chức Y tế Thế giới ở Lyon, miền đông nước Pháp, vào ngày 27/9/2021. (Ảnh: Denis Balibouse/Getty Images)

Các tiêu chuẩn y tế công cộng truyền thống không có phong tỏa vì các chuyên gia y tế công cộng biết rằng có những chi phí không lường trước được khi phong tỏa người dân, đặc biệt là trong thời gian dài.

Ông Bell cho biết, ông lo ngại nhất về việc, hiệp ước đại dịch này sẽ áp dụng một cơ chế đánh giá định kỳ. Nó sẽ xem xét khả năng chuẩn bị cho đại dịch của các quốc gia để cân nhắc xem, liệu họ có tuân thủ các khuyến nghị của IHR hay không.

“Nghe có vẻ như hiệp ước này sẽ xem xét một số quyền hạn trong việc kiểm duyệt và kiểm soát thông tin. Điều này sẽ hết sức khó khăn nếu quý vị có một bộ máy quan liêu mà sự tồn tại của nó đang phụ thuộc vào đại dịch. Bởi vì họ sẽ rất quan tâm đến việc tìm kiếm các ổ dịch, tuyên bố chúng có khả năng xảy ra đại dịch và sau đó tiến hành ứng phó. Đó là cách mà họ sẽ tồn tại".

Ông Bell cho rằng hiệp ước này sẽ “khiến các đợt phong tỏa, về căn bản sẽ là đặc điểm vĩnh viễn của các biện pháp ứng phó với đại dịch".

Do các vụ phong tỏa gần đây, “hơn 140 triệu người đã được thêm vào danh sách những người đang ở trên bờ vực của nạn đói", cũng như thiếu sự chăm sóc y tế, thiệt hại cho chuỗi cung ứng, giáo dục, và nền kinh tế. Ông Bell cho biết nếu các đợt phong tỏa được khôi phục, thì nó sẽ chỉ làm phức tạp thêm những vấn đề này.

Ông Bell cho rằng cũng thật kỳ lạ khi WHO sẽ thiết lập một cơ cấu quan liêu để chiếm đoạt quyền lực của các chính phủ liên quan đến “tình trạng khẩn cấp y tế”. Vì các đại dịch không bùng phát một cách tự nhiên.

Nếu hiệp ước đại dịch này được Hội đồng Y tế Thế giới thông qua, thì chúng ta sẽ chứng kiến sự tồn tại của một bộ máy quan liêu cố gắng tìm ra các đợt bùng phát virus, sẽ xây dựng mô hình phát triển theo cấp số nhân, điều này không hợp lý về mặt sinh học. Và sau đó nó sẽ được sử dụng để gây ra đại dịch, để đóng cửa biên giới, ông Bell cho hay.

Ông Bell cho rằng phản ứng đối với sự bùng phát COVID là bất thường. Nó trái ngược với việc mang lại những điều tốt nhất vì sức khỏe cộng đồng vì nó tập trung vào dược phẩm. Ông nói rằng việc tăng cường tài trợ từ các nhà tài trợ tư nhân và Big Pharma (các công ty dược lớn) sẽ dẫn đến những phản ứng tương tự đối với “tình trạng khẩn cấp y tế” do DG ban bố trong tương lai.

Một nhân viên UPS móc một chiếc xe tải UPS vào một rơ-moóc chứa lô hàng vaccine Pfizer và BioNTech COVID-19 tại Phi trường Quốc tế Capital Region ở Lansing, Michigan, vào ngày 13/12/2020. (Ảnh: Rey Del Rio/Getty Images)

“Nếu quý vị nhìn nhận sự việc này từ góc độ kinh doanh thì đó sẽ là một chiến lược kinh doanh rất hợp lý", ông Bell nói. “Quý vị chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm cho căn bệnh mà họ mắc phải".

Theo ông Bell, lợi ích cá nhân sâu sắc này đã thay đổi WHO và các chính sách y tế công cộng của tổ chức này.

Ông Bell nói rằng các sửa đổi IHR và dự thảo hiệp ước đại dịch nói về “mối đe dọa” của một đại dịch và khu vực tư nhân sẽ thu thập dữ liệu và phát triển các mô hình để xác định “mối đe dọa” này.

“Quan trọng là, [định nghĩa về đại dịch] … không bao gồm mức độ nghiêm trọng. Đó là một định nghĩa rất lỏng lẻo, nó không được WHO định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, về căn bản nó là [sự lây lan] rộng rãi của một mầm bệnh, một chủng virus, hoặc vi khuẩn. Nó không cần phải gây tử vong. Nó không cần phải quá nghiêm trọng. Nó chỉ cần 'được lây lan rộng rãi".

Ông Bell cho biết, chính các nhà tài trợ tư nhân đang tài trợ cho các dự án của WHO cũng đang tài trợ cho các trường đào tạo cao đẳng và đại học ở Bắc Mỹ và Âu Châu.

“Đây là chương trình đào tạo những người làm việc trong các tổ chức này. Họ đang tài trợ cho nghiên cứu về rất nhiều căn bệnh loại này … và còn đang tài trợ cho các nhóm lập mô hình", như nhóm ở Đại học Hoàng gia ở London và Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe tại Đại học Washington ở Hoa Kỳ, ông Bell cho biết.

Ông Bell nói: “Cuối cùng, điều đó có nghĩa là đang có một người hoặc một nhóm rất nhỏ những cá nhân có sức ảnh hưởng to lớn".

Ông Bell đề nghị độc giả liên hệ với những dân biểu của họ và đặt câu hỏi, về y tế công cộng, cấu trúc và chính sách của y tế công cộng, và xung đột lợi ích nằm ở đâu, để các quốc gia có thể đưa ra quyết định hợp lý “dựa trên dân số của chúng ta, chứ không phải là dựa trên lợi nhuận".

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Hiệp ước đại dịch của WHO sẽ tước bỏ chủ quyền của các quốc gia trên thế giới