Liễu phu nhân tài cao biết mệnh, võ công độc nhất vô nhị, một người có thể thắng vạn quân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào cuối triều Nguyên đầu triều Minh, có một cô con gái nhà quan, gọi là Liễu Thị, sinh ra đã thiên chất dị thường, công phu của cô còn giỏi hơn cả một hiệp nữ. 

Vào thời Minh sơ, trong chiến dịch công phạt Ma Dương, nàng đã dùng công phu độc nhất vô nhị của mình giúp đỡ tướng quân Đặng Dũ, lập lên chiến công lớn chi triều Minh. Người đời sau gọi nàng là Liễu phu nhân.

Liễu phu nhân họ Liễu, tổ tiên nàng là người nước Thục, tổ phụ tên Bỉnh Trung, cha tên Trinh, đều làm quan triều Nguyên. Phu nhân sinh ra đã khác với nhiều người. Khi còn nhỏ, nàng bị những tên đạo tặc bắt đi khỏi nhà, nhưng nàng không hề sợ hãi và cũng không tuân theo sự uy hiếp của chúng.

Bọn đạo tặc thấy nàng chỉ là một đứa trẻ, tuy nhiên lại bình tĩnh hơn cả người lớn, đối diện với sự đe dọa như vậy lại không hề sợ hãi, nên dùng đao sắc lạnh chém cô một nhát. Kết quả là khi con dao lướt qua, cơ thể nàng không chảy một giọt máu, thậm chí một vết xước cũng không có. Cả đám đạo tặc thất kinh, vì vậy chúng bèn dùng kiệu đem nàng trả lại nhà.

Khi lớn lên, Liễu phu nhân đã xuất tâm cầu đạo, say thuật sấm vĩ. Thế đạo hỗn loạn, người nhà không muốn để nàng bỏ nhà đi cầu đạo, vì vậy họ đã tìm một người để gả nàng, người mà nàng kết duyên tên là Long Tu Thăng. Nàng được gả vào nhà họ Long và sinh được năm người con.

Thời kỳ cải triều hoán đại, đã mang đến những thay đổi rất lớn cho hai gia tộc cũng như cuộc đời của nàng. Tổ phụ của nàng lập kế hoạch điều binh khởi nghĩa chống lại quân Minh, nàng đã khuyên ông rằng, xu thế thay đổi triều đại là do Trời định, là tất nhiên và sức người cũng không thể thay đổi được gì.

Tuy nhiên, tổ phụ lại không chịu nghe lời, ông và cháu rể là Long Tu Thăng cùng khởi binh, cuối cùng cả hai đều bị tử trận. Sau cái chết của chồng, Liễu phu nhân trở thành tù nhân và được thả vào năm Hồng Vũ thứ nhất thời Minh Thái Tổ.

Năm đó, Liễu phu nhân dắt theo những con nhỏ từ huyện Nga Mi, Tứ Xuyên đến huyện Thái Hà, Cát An, Giang Tây sinh sống. Vào tháng 8 năm Hồng Vũ thứ nhất (năm 1368), nàng lại dời chỗ ở. Nàng xuôi theo sông Dương Tử, ngày đêm nhìn những con sóng lấp lánh ánh bạc trong suốt trên sông. Khi đến Hổ Đầu Ki ở Dương La, nàng xuống thuyền và không đi tiếp nữa.

Nàng rất thích phong cảnh non nước ở đó, rừng núi ven sông nối liền với bãi cát và hồ nhỏ bên bờ, phong cảnh non nước vô cùng tú lệ. Nàng đã xin phép quan phủ, và được phép ở nơi đây xe sợi gai, dệt vải sinh sống.

Đúng bảy ngày sau, một ông lão đến tìm nàng. Ông lão lấy từ trong tay áo ra một quyển “phù lục” đưa cho nàng, và nói: “Nếu con học kỹ quyển phù lục này, có thể hàng phục thần ma, triệu hoán sáu vị Thần Đinh (Âm Thần: Đinh Mão, Định Ty, Đinh Mùi, Đinh Dậu, Đinh Hợi, và Đinh Sửu) để giải trừ tai họa, xua đuổi ma quỷ.

Đêm ấy, gió to, sấm sét dữ dội, gió giật làm bật cả gốc cây, chim thú tranh nhau ẩn nấp. Danh tiếng của Liễu phu nhân từ đây cũng bắt đầu lan rộng.

Khi đó, Đặng Dũ (1337-1378), đại tướng quân khai quốc nhà Minh, trên đường đi chinh phạt Ma Dương (nay là Hoài Hóa, Hồ Nam), đi ngang qua Dương La, dẫn theo một toán binh sĩ cải trang để đến yết kiến Liễu phu nhân. Đặng Dũ ra lệnh cho một số binh sĩ khỏe mạnh cùng với Liễu phu nhân đọ sức. Trong cuộc tỷ thí, những tướng sĩ đó cũng không thể phát ra sức lực của mình được.

Liễu phu nhân biết Đặng Dũ coi thường Ma Dương, nên nói: "Tướng quân chớ coi thường quân địch, nếu như lần này đi gặp nạn khó thoát thân, tôi sẽ giúp ngài một tay."

Đặng Dũ hỏi Liễu phu nhân, khi bà đến có điềm báo trước gì, Liễu phu nhân nói: “Nếu thấy quạ xông vào trận, là tôi đã tới!”.

Đặng Vũ đem quân chinh phạt Ma Dương, đúng như dự đoán của Liễu phu nhân, Đặng Vũ không những thất bại mà còn rơi vào vòng vây của địch. Đúng lúc ông không còn đường thoát thân, thì bầu trời đột nhiên tối sầm lại, và một đàn quạ lớn bay lượn trên bầu trời.

Trong trận thế của bầy quạ, Đặng Dũ nhìn thấy Liễu phu nhân trong y phục đỏ sẫm đang cưỡi ngựa trên không trung, sấm sét rung chuyển núi non, đá và cát chuyển động bay lên ngợp trời, cát đá như tên. Đặng Dũ thừa cơ tấn công địch, cuối cùng thắng trận Ma Dương.

Đặng Dũ nhìn thấy Liễu phu nhân trong y phục đỏ sẫm đang cưỡi ngựa trên không trung. (Tranh NTDVN)

Tướng quân Đặng Dũ trở lại triều đình và báo cáo công lao của Liễu phu nhân trong chiến thắng Ma Dương cho Minh Thái Tổ. Hoàng đế Minh Thái Tổ đã phong cho Liễu phu nhân danh hiệu "Vũ Ki Sơn Sinh Thân Đắc Đạo Diệu Chân Phu Nhân".

Về sau, Liễu phu nhân muốn sửa chữa lại Đền Thái Nhạc, nhưng không có gỗ để dùng, kiến tạo không thành. Vào thời điểm đó, một số lượng lớn bè gỗ đột nhiên xuất hiện xuôi dòng trên sông Trường Giang ở khu vực Dương La, dày đặc bao phủ cả dòng sông. Liễu phu nhân dùng một sợi chỉ để buộc các dụng cụ dệt và thả chúng xuống sông, nhờ đó chiếc bè gỗ bị chặn lại. Những người thợ đã tận dụng cơ hội để vận chuyển gỗ vào bờ, và việc xây dựng ngôi chùa đã hoàn thành thuận lợi.

Con trai cả của Liễu phu nhân làm chức quan Âm Đương triều Minh. Người con trai thứ hai và thứ ba đều là Tiến sĩ, và người con trai thứ tư đã hy sinh vì đất nước. Liễu phu nhân qua đời ở tuổi 90, và được chôn cất tại phía tây núi Vũ Ki, Dương La (ở rìa sông Trường Giang thuộc Vũ Hán ngày nay). Trong “Thần dị điển Thần Tiên bộ liệt truyện” chép rằng, bà đã “thi giải”.

Có một ngôi đền thờ Liễu Mẫu Nương Nương ở núi Vũ Ki để tưởng nhớ bà. Trần Đại Chương, một nhà thơ thời nhà Thanh, đã đề một bài thơ:

Rực rỡ hư không sao Bắc đẩu, tóc xanh mềm mại chửa hóa mây.
Quạ đen vẫn cứ xuống nơi đây, mỗi lần xem bói đều linh nghiệm.
Nhân gian cân quắc khí còn dư, đắc Đạo Thần Tiên hiển mộ cổ.
Một ngọn nến hương nghìn giấy lụa, đầu năm con cháu kể chuyện xưa.

Các ghi chép lịch sử địa phương như “Hồ Quảng thông chí”, “Hoàng Cương phủ chí” và “Khâm định cổ kim đồ thư tập thành bác vật hội biên Thần dị điển” đều có ghi chép về của đời của Liễu phu nhân.

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epochtimes
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Liễu phu nhân tài cao biết mệnh, võ công độc nhất vô nhị, một người có thể thắng vạn quân