Nghiên cứu: Vaccine COVID-19 tạo ra ít kháng thể hơn để chống lại biến thể Omicron

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu cho biết, mức độ kháng thể mà vaccine COVID-19 kích hoạt chống lại biến thể Omicron của virus Corona Vũ Hán thấp hơn so với thông thường.

Sử dụng mẫu máu của những người được tiêm 2 liều vaccine Oxford-AstraZeneca hoặc mũi tiêm Pfizer-BioNTech, các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã phát hiện ra “sự sụt giảm đáng kể” trong việc vô hiệu hóa các kháng thể, với bằng chứng về việc một số người không có bất kỳ lượng kháng thể nào để đối phó với Omicron.

Các tác giả đã viết trong nghiên cứu tiền ấn bản rằng: “Điều này có thể sẽ dẫn đến việc gia tăng các ca nhiễm trùng đột phá ở những người đã bị nhiễm bệnh trước đó hoặc đã được tiêm vaccine kép, điều này có thể thúc đẩy một làn sóng lây nhiễm tiếp theo”.

Omicron là một biến thể của virus Corona Vũ Hán, còn được gọi là SARS-CoV-2 - chủng virus gây ra đại dịch COVID-19. Biến thể này đã được các nhà khoa học ở Nam Phi phát hiện vào tháng trước, và có khả năng đã sớm xuất hiện từ ít nhất hồi tháng 10, theo trình tự gen của các xét nghiệm dương tính.

Các nghiên cứu ban đầu - bao gồm một nghiên cứu của Pfizer và đối tác của hãng dược - chỉ ra rằng, chế độ tiêm chủng chính có hiệu quả thấp hơn đáng kể trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng chủng biến thể mới của COVID-19.

Trong một bản tóm tắt gần đây, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (EU-CDC) cho biết: “Mặc dù các phương pháp luận khác nhau và các loại huyết thanh được chọn đã được sử dụng, những kết quả này luôn cho thấy khả năng trung hòa của huyết thanh từ người nhận vắc xin và huyết thanh dưỡng bệnh chống lại vi rút Omicron giảm so với các biến thể SARS-CoV-2 khác”.

Một số nghiên cứu cho thấy, một liều vaccine tăng cường có thể khôi phục một số khả năng bảo vệ đã mất. Trong khi đó, những người khác có khả năng miễn dịch tự nhiên hoặc khả năng phòng bệnh có được từ quá trình phục hồi hậu COVID-19, không có hiệu quả tốt bằng trong việc chống lại sự lây nhiễm của Omicron. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm lượng kháng thể trong những trường hợp này chưa rõ ràng.

Lượng kháng thể trong cơ thể là biện pháp chính để bảo vệ mỗi cá nhân chống lại việc lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều là bảo vệ chống lại nguy cơ nhiễm bệnh nặng, vì nhiều trường hợp COVID-19 được phát hiện mà không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Đại học Oxford cho biết, nghiên cứu của họ không chỉ ra rằng Omicron có khả năng gây ra nguy cơ nhiễm bệnh nặng cao hơn đối với những người được tiêm chủng.

Trong một tuyên bố, tác giả của nghiên cứu là ông Matthew Snape cho biết: “Những dữ liệu này quan trọng nhưng chỉ là một phần của bức tranh. Chúng chỉ cân nhắc các kháng thể trung hòa sau liều thứ hai, nhưng không cho chúng ta biết về khả năng miễn dịch tế bào, và điều này cũng sẽ được kiểm tra bằng cách sử dụng các mẫu lưu trữ sau khi các xét nghiệm có sẵn”.

Dữ liệu mới được đưa ra cho thấy rằng, biến thể Omicron dễ lây truyền hơn các chủng của virus Corona Vũ Hán trước đó, nhưng nó không gây ra bệnh nặng hơn. Sự cân bằng của dữ liệu cho đến nay cho thấy, xét trên trung bình, nó thực sự gây ra nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhẹ hơn so với Delta - chủng chủ yếu ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, cần phải nghiên cứu thêm để xác định các khía cạnh của Omicron. Ngoài ra, đã có thông tin về ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể này tại Vương quốc Anh vào ngày 13/12. Hiện không rõ cá nhân đó đã được tiêm phòng hay chưa.

Theo Epoch Times tiếng Anh


Nghiên cứu: Vaccine COVID-19 tạo ra ít kháng thể hơn để chống lại biến thể Omicron